10 ngày đầu tiên của tôi tại Gaza

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 10/02/2015
  • Sơ Bridget Tighe tại một trung tâm Caritas ở Gaza. Ảnh: Caritas

    Khi tôi đến vào ngày 26 tháng 1, tôi đã quan sát những công việc đầu tay của Caritas Jerusalem tại Gaza trong những hậu quả của cuộc chiến tranh gần đây.

    Tôi đã đi với các đội y tế tổ chức các phòng khám lưu động cho những người có nhu cầu tại Gaza. Lẫn vào trong đám đông đang chờ tới lượt, tôi nghe thấy những nhu cầu của mọi người về các dịch vụ này cũng như lương thực và các nhu cầu sinh tồn cơ bản.

    Tại Beit Hanoun, tôi thấy những tàn tích của những ngôi nhà trước đây của hàng ngàn người mà tôi có dịp gặp tại bệnh xá lưu động Caritas. Trong một vùng gần Khan Younis, tôi nhìn thấy những ngôi nhà còn sót lại của 30 gia đình hiện đang sinh sống trong những cái lều nhỏ mỏng manh chỉ để che chắn khỏi cát đá chứ không có vật liệu gì hơn.

    Một số người đốt lửa với những mảnh gỗ để trong thùng kim loại và nấu trà để mời chúng tôi. Một người đàn ông nói với chúng tôi ông đã mất 6 người thân, trong đó có đứa con trai đầu, trong cuộc chiến tranh gần đây.

    Người khác chỉ cho tôi căn lều của anh có một tấm thảm vuông nhỏ phủ trên cát và một vài cái chăn và gối nhỏ. Anh và vợ anh ngủ ở đó. Mấy đứa con thì ngủ với họ hàng. Một chàng trai trẻ có bằng thạc sĩ kỹ sư kết cấu nói rằng anh không có công việc, không có nguyên vật liệu để xây lại nhà cửa, điện thì hạn chế trong vài giờ ở những thời điểm khác nhau mỗi ngày, thường thì không có điện vào buổi tối nên họ ngồi chơi bài.

    Một cô gái 24 tuổi cùng với ba người khác đang làm may khi một quả bom phát nổ. Bạn bè cô đã chết và cô bị mất cả hai chân. Cô ngồi lặng lẽ trên một chiếc xe lăn đơn giản. Nỗi buồn man mác trên khuôn mặt cô vẫn còn ám ảnh tôi.

    Khi tôi ngồi ở đó trên một chiếc ghế nhựa thấp uống trà trước đống đổ nát của những ngôi nhà và phía sau là những cái lều mỏng manh, mọi người thể hiện sự tuyệt vọng khi uống những tách trà nhỏ được nấu trên những cành cây đang cháy, tâm trí tôi trở nên trống trải và đồng cảm với nỗi thất vọng đượm trên khuôn mặt họ.  

    Tôi quan sát những nữ tâm lý gia của Caritas giúp các trẻ em bị tổn thương thể hiện bản thân và hình thành các mối quan hệ thông qua câu chuyện và chơi các trò chơi trị liệu. Từ nhân viên chuyên trách của Caritas, tôi biết viện trợ khẩn cấp khác trong và sau chiến tranh: Hàng ngàn gói cung cấp thiết bị vệ sinh và chăn mền được phân phối tới những người vô gia cư và những chiếc cặp mới cho 1,000 trẻ em. Tôi vừa đi cùng nhân viên Caritas làm việc tại các trường học vốn là nơi hàng ngàn người vô gia cư vẫn sinh sống ở đó.

     

    Tại Gaza, hàng ngàn người đang sống trong những tòa nhà đổ nát, dùng những tấm nhựa để tránh mưa. Khoảng 20,000 người di tản vẫn đang ở trong những trường học được Liên Hiệp Quốc quản lý. Ảnh: Virginie Nguyen Hoang/hanslucas.com – Secours Catholique/ Caritas Pháp.

    Nhìn lại ngày đầu tiên ở Gaza, tôi tin rằng sứ mệnh đầu tiên của Caritas là thể hiện bản chất ở ngay cái tên của nó: Caritas nghĩa là ‘tình yêu’. Sự hiện diện của một phòng khám lưu động khẩn cấp tại một nơi có nhu cầu đặc biệt thể hiện một cách hữu hình: chúng tôi biết bạn đang tồn tại, chúng tôi quan tâm đến bạn, chúng tôi ở đây để chăm sóc y tế cho bạn với tiêu chuẩn và nhân phẩm trong những hoàn cảnh cho phép. Và một cái cặp mới có thể khôi phục lòng tự trọng và tự tin cho một đứa trẻ vô gia cư và bị tổn thương.

    Mọi người không thể tồn tại trong một trạng thái khẩn cấp liên tục hay phụ thuộc vào cứu trợ trong thời gian dài. Những người ở Gaza bị sốc, tổn thương và tang tóc nhưng họ không thất vọng. Giờ họ cần sự động viên và hỗ trợ để bắt đầu tái thiết cuộc sống.

    Cũng như Caritas ở đó trong thời điểm cực kỳ khẩn cấp, thì giờ Caritas cũng sẽ hướng dẫn trong sự phát triển bền vững và độc lập trong những hạn chế của việc phong tỏa kinh tế và hạn chế di chuyển. Giai đoạn sau chiến tranh sẽ tập trung chính vào sức khỏe thể lý và tâm lý của trẻ em và những gia đình của họ.

    Cách đây ít lâu, một người bạn nói với tôi rằng để sống chung hòa bình tại Israel-Palestine, cần có ơn thần nhiệm, không phải kinh nghiệm xuất thần khi cầu nguyện nhưng là khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong nỗi đau khổ của tất cả những người tại Đất Thánh này. Đối với tôi, điều này đúng tại Gaza hơn bất cứ nơi đâu mà tôi đã từng sống.

    Tôi nhận thấy trong Thư của Thánh Giacôbê một cách để kết hợp nỗi đau khổ và thao thức trong lời cầu nguyện, tôi trải nghiệm trong việc thấy nhiều nỗi đau khổ của tất cả những người ở quanh tôi. Thánh Giacôbê nói “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”

    Caritas Jerusalem - những ngày chăm sóc y tế tại Khuzaa miền nam Gaza cho những gia đình mất nhà cửa và đang sống trong những chiếc xe tải tạm bợ. Ảnh: Caritas

    Là một nữ tu Dòng Thừa Sai Phanxicô, tôi cảm thấy vinh dự khi phục vụ mọi người qua công việc tại Caritas, những lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thách đố và mời gọi tôi noi gương thánh Phanxicô Assisi phục vụ người nghèo.

    Mỗi người chúng ta được mời gọi đi theo Chúa Kitô với những cách riêng trong ơn gọi của mình. Với tôi, đó là sống và làm việc tại Gaza, với tôi đó có thể là trao ban những gì mình có thể hỗ trợ cho công việc của Caritas vốn là ‘yêu thương trong hành động’.

    Caritas Gaza phụ thuộc vào bạn; nỗi đau khổ, bị tước đoạt, hành động vì những nạn nhân vô tội nhất phụ thuộc vào bạn; và chính Chúa Kitô.

    Tin Mừng Matthêu 25,40: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Cùng với nhau, mỗi hành động độc đáo riêng của chúng ta làm cho Chúa Kitô, tất cả chúng ta hãy làm để mang tình yêu và bác ái của Chúa Kitô đến với những người nghèo khó nhất tại Gaza.

    Bài viết liên quan