Bài 6c: Thông Điệp Laudato Sí - Chương VI: Giáo Dục và Linh Đạo Sinh Thái (202-246)

  • Thứ năm, 10:10 Ngày 08/02/2018
  •  

    Thông điệp Laudato Si’

    Chương VI: Giáo dục và Linh đạo Sinh thái (202-246)

    (tiếp theo bài 6a, 6b - mục I, II. III. IV, V)

    VI. Các dấu chỉ Bí tích và ngày nghỉ để cử hành các Bí tích (233-237).

    1. Các dấu chỉ Bí tích là động lực thúc đẩy chúng ta quan tâm đến môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành người quản lý vũ trụ.

        

    Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, "Vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Người sẽ đem nó đến thành toàn”. Vì vậy, chiêm ngắm từng chiếc lá, vách núi, giọt sương, khuôn mặt người nghèo khổ, ... không chỉ giúp chúng ta đào sâu những cảm nghiệm về tác động của ân sủng Chúa trong tâm hồn chúng ta mà còn giúp chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa trong những thụ tạo.

        

    Dĩ nhiên, không phải mọi thứ trong thế giới này đều thánh thiêng, nhưng vì mầu nhiệm của sự nối kết giữa Thiên Chúa với mọi hữu thể nên làm cho chúng ta cảm nhận mọi sự đều là Thiên Chúa.

        

    Đối với Kitô hữu, mọi loài thụ tạo của vũ trụ vật chất đều có ý nghĩa, vì con Thiên Chúa đã mặc lấy một phần của thế giới vật chất vào trong con người của Ngài.

        

    Trong các bí tích, thiên nhiên được Thiên Chúa nâng lên thành phương thế trung gian cho đời sống siêu nhiên. Như nước, dầu, lửa và các sắc màu là biểu tượng của sức mạnh và được tháp nhập trong lời ngợi khen của chúng ta. Nước đỗ trên đầu em bé trong phép Thánh tẩy là dấu chỉ của một sự sống mới, chẳng hạn.

        

    Ở đỉnh cao của mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa muốn chạm đến tận đáy lòng chúng ta qua "một mẫu vật chất". Ngài không đến từ trời cao, nhưng từ bên trong, để chúng ta có thể tìm thấy Ngài trong thế giới của riêng mình.

        

    Trong Thánh Thể, sự viên mãn đã thành toàn; đó là trung tâm sống động của vũ trụ, tràn đầy tình yêu và sự sống bất diệt. Thánh Thể kết nối trời với đất, Thánh Thể ôm lấy và bao bọc toàn thể vũ trụ.

    2. Việc tham dự Thánh lễ vào ngày Chúa nhật có tầm quan trọng đặc biệt. Chúa nhật là ngày chữa lành các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thế giới; là ngày Phục Sinh - "ngày đầu tiên" của công trình tạo dựng mới; ngoài ra, ngày này cũng loan báo "con người sẽ an nghỉ đời đời trong Thiên Chúa".

        

    Linh đạo Kitô giáo hợp nhất giá trị của nghỉ ngơi và nghi lễ. Chúng ta có xu hướng xem nghỉ ngơi, chiêm niệm là điều gì đó không hiệu quả và không cần thiết. Nghỉ ngơi là một cách làm việc khác, hình thành nên một phần yếu tính của chúng ta. Nó ngăn cản con người khỏi rơi vào tình trạng trống rỗng, nó ngăn ngừa lòng tham vô đáy và cảm giác cô lập khiến chúng ta chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân đến mức loại bỏ tất cả mọi thứ khác.

        

    Vì thế ngày nghỉ ngơi, mà trung tâm là Thánh lễ, dọi chiếu ánh sáng trên cả tuần, và thúc đẩy chúng ta quan tâm đến thiên nhiên và người nghèo.

    VII. Ba ngôi và mối tương quan giữa các thụ tạo (238-240). 

        

    Đức Giáo hoàng xác tín: Hoàn vũ được tác tạo bởi Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha là nguồn mạch tối hậu của mọi sự, là nền tảng yêu thương và thông truyền của tất cả mọi sự đang hiện hữu; Chúa Con, phản chiếu hình ảnh Chúa Cha, nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, đã hội nhập vào trái đất này; Chúa Thánh Thần, mối liên kết vô biên của tình yêu, đang hiện diện thiết thân trong trung tâm của hoàn vũ, Ngài khơi dậy và mở ra những con đường mới.

        

    Do đó, đối với Kitô hữu, tin kính một Thiên Chúa hiệp thông ba ngôi vị dẫn đến niềm xác tín Ba Ngôi đã để lại dấu ấn trên mọi thụ tạo.

        

    Các thụ tạo hướng về Thiên Chúa, và lần lượt mọi sinh vật đều hướng về hữu thể khác, để trong toàn thể vũ trụ, chúng ta có thể tìm thấy vô vàn mối tương quan thường hằng và đan quyện vào nhau cách thầm lặng.

        

    Con người ngày càng phát triển, trưởng thành và được thánh hóa đến mức con người đi vào các mối tương quan, ra khỏi chính mình để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác, và với mọi loài thụ tạo. Và Đức Giáo hoàng nhắc rằng, mọi sự đều có liên hệ với nhau, và điều này mời gọi chúng ta phát triển nền linh đạo của tình liên đới toàn cầu phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

    VIII. Nữ vương của toàn thể vũ trụ (241-242). 

        

    Được rước về trời, Mẹ trở thành Mẹ và là Nữ Vương của toàn thể vũ trụ. Nơi thân xác vinh hiển của Mẹ, cùng với Đức Kitô Phục Sinh - một phần của tạo thành - đạt tới vẻ đẹp viên mãn.

        

    Đức Giáo hoàng nói, Mẹ Maria, người đã từng chăm sóc Chúa Giêsu, giờ đây đang chăm sóc thế giới bị thương tích này bằng tình yêu và lòng thương cảm. Mẹ đau đớn trước cái chết của Chúa Giêsu thế nào, thì giờ đây mẹ đang đau đớn trước nỗi khốn khổ của người nghèo, trước các loài thụ tạo bị con người phá hủy như vậy. Chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta biết nhìn thế giới này bằng đôi mắt khôn ngoan và sáng suốt.

        

    Trong Thánh gia tại Nazaret, bên cạnh Mẹ Maria, thánh Giuse, một người công chính, chăm chỉ và mạnh mẽ, sẵn sàng yêu thương và phục vụ cách khiêm nhường, dạy chúng ta cách thể hiện sự quan tâm, biết làm việc với lòng quảng đại và dịu dàng để bảo vệ thế giới đã được Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta.

    IX. Bên kia mặt trời (243-246).

        

    Trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa ngang qua trái đất này, trong sự hiệp nhất với mọi loài thụ tạo, chúng ta hãy ca tụng và bước đi.

        

    Đức Giáo hoàng mong rằng chúng ta không bao giờ mất niềm hy vọng khi dành những nỗ lực và sự quan tâm của chúng ta cho hành tinh này.

        

    Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta dấn thân, trao ban ánh sáng và sức mạnh để chúng ta tiếp tục cuộc hành trình. Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, hiện diện ở trung tâm của thế giới này, sẽ không bỏ mặc chúng ta, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước.

    Lời nguyện kết thúc Thông điệp.  

        

    Kết thúc thông điệp Laudato Si’ - Thông điệp về việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta - Đức Giáo hoàng đề nghị hai lời cầu nguyện:

    1. Lời cầu nguyện cho trái đất:

        

    Lạy Thiên Chúa cha toàn năng, Cha đang hiện diện trong vũ trụ bao la và trong các loài thụ tạo nhỏ bé nhất của cha;

    • Xin đỗ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa để chúng con bảo vệ sự sống, và vẻ đẹp của muôn loài.
    • Xin đong đầy trong chúng con sự bình an, giúp chúng con biết cứu vớt người bị bỏ rơi và quên lãng trên trái đất này.
    • Xin chữa lành đời sống chúng con, giúp chúng con bảo vệ thế giới chứ không hủy diệt, gieo trồng vẻ đẹp chứ không gây ô nhiễm và phá hủy
    • Xin chạm đến tâm hồn của những người chỉ biết tìm lợi ích cho mình bằng cái giá của người nghèo và trái đất.
    • Xin dạy chúng con khám phá giá trị của từng sự vật   để nhận ra niềm hạnh phúc được hiệp nhất sâu xa với mọi loài thụ tạo
    • Xin phù trợ chúng con trong cuộc chiến đấu hằng ngày cho công lý, tình yêu và hòa bình.

    2. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo:

        

    ... Chúng con chúc tụng Chúa cha, Chúa Con, và Chúa Thánh thần.

        

    Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi

    • Xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Ngài, trong vẻ đẹp của hoàn vũ và trong mọi sự đang loan báo về Ngài.
    • Xin gia tăng tâm tình ngợi khen và cảm tạ của chúng con vì mọi sự Ngài đã dựng nên; Xin ban cho chúng con đặc ân được tháp nhập với muôn loài.
    • Xin cho chúng con thấy vị trí của mình trong thế giới này như là những dòng kênh chuyển giao tình yêu của Ngài.
    • Xin soi sáng cho những ai đang nắm giữ quyền lực và của cải biết xa tránh sự vô tâm, yêu mến thiện ích chung, chăm sóc cho thế giới chúng con đang sống, trong đó người nghèo và trái đất đang than khóc,
    • Xin bao phủ chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Ngài; Xin giúp chúng con biết bảo vệ mọi sự sống, biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho nước Chúa trị đến.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

    • Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.
    • Bản dịch của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.
    Bài viết liên quan