Caritas Đà Lạt: Tổng Kết Chương Trình Phát Triển Tự Dân

  • Thứ hai, 09:46 Ngày 14/10/2019
  • Sáng ngày 10.10 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, Ban Bác ái xã hội- Caritas Đà Lạt tổ chức hội thảo tổng kết Chương trình Phát triển tự dân (PLD) và ra mắt hệ thống đảm bảo có sự tham gia của mạng lưới nông dân Caritas Đà Lạt.

    Đến tham dự có Cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính- Chưởng ấn TGM, kiêm Giám đốc Caritas Giáo phận Đà Lạt, Ban Caritas Đà Lạt. Các thành viên của các Cộng đồng đang thực hiện dự án tại 15 thôn thuộc 8 xã trong tỉnh Lâm Đồng biểu lộ sự hân hoan khi về tham dự tổng kết, cùng tham dự có quí sơ và nhóm Cộng đồng thực hiện Chương trình Phát triển tự dân đến từ giáo phận Phan Thiết.

    Sau những phút khởi động, Cha Giám đốc Caritas xin Chúa thánh hóa cho buổi Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 10-11.10. Cha Giám đốc cho biết Chương trình Phát triển tự dân được sự tài trợ của Hội đồng Giám mục Đức, được Caritas Đà Lạt triển khai từ năm 2016 đến nay. Mục đích nhằm thúc đẩy các cộng đồng dân tộc thiểu số chủ động trong quá trình phát triển của họ. Buổi Hội thảo giúp các cộng đồng nhìn lại những chặng đường đã qua trong tiến trình học hỏi liên tục của các cộng đồng tại 15 thôn 8 xã trong tỉnh Lâm Đồng. Qua buổi hội thảo giúp các thành viên tham gia dự án  nhận ra những sự tiến bộ của các buôn làng và cả những điều chưa thành công, những gì cần làm trong những năm tiếp theo. Hội thảo còn nhằm củng cố mạng lưới nông dân hoạt động hướng về chủ quyền lương thực và để ra mắt Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của mạng lưới nông dân Caritas Đà Lạt (CFGS) có sự tham gia của Ban Bác ái xã hội- Caritas Giáo Phận Đà Lạt.

    Sau ít phút khai mạc, các cộng đồng tham gia Chương Trình Phát Triển Tự Dân  lần lượt lên trình bày những ưu, khuyết điểm, những sự tiến bộ sau 3 năm thực hiện dự án. Nhiều mô hình được trình bày thu hút sự theo dõi của những người tham dự như mô hình làm cà phê hữu cơ, chế biến cà phê, chăn nuôi…ở thôn 3 Lộc Tân (Bảo Lâm); chương trình trồng rau hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm ở Tu Tra (Đơn Dương); chương trình nuôi ong rừng, lấy ong rừng để tạo sản phẩm đặc trưng tiêu biểu ở Đưng K’ Nớ (Lạc Dương); chương trình phát triển văn hóa, khôi phục lại nhà rông ở thôn 2, Lộc Tân  (Bảo Lâm)…Hầu hết các dự án ban đầu triển khai đều gặp khó khăn về nhận thức, vốn, phân hữu cơ, phương tiện sản xuất, vận chuyển… nhưng qua từng năm đã tạo được sự đồng thuận để phát triển. Các sản phẩm của các mô hình được thiêu thụ rộng rãi và được thị trường chấp nhận giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.

    Theo chương trình, buổi tối cùng ngày có chương trình giao lưu văn nghệ “Oh Mi Goboh- Tình Anh Em” để kết nối tình thân ái giữa các nhóm cộng đồng tham gia chương trình.

    Xin xem hình

    Tiếp đó ngày 11.11, diễn ra buổi Hội thảo mở rộng có sự tham dự của các đại biểu tôn giáo và chính quyền, Ban tổ chức sẽ trình bày về dự án PLD và quá trình phát triển hướng về chủ quyền lương thực, đồng thời giới thiệu và ra mắt hệ thống CFGS.

    Trong chương trình có phần chia sẻ hạt giống do các điểm nông dân chia sẻ với nhau. Thảo luận bổ sung kế hoạch theo cộng đồng và trình bày kế hoạch cho những năm tới.

    Dịp này, Ban tổ chức dành không gian trước và trong hội trường Trung tâm Mục vụ để các Nhóm cộng động thực hiện Chương trình Phát Triển Tự Dân giới thiệu, quảng bá các sản phẩm do chính các nhóm sản xuất.

    Sáng 11.10 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt tiếp tục diễn ra Hội thảo tổng kết Chương trình Phát triển tự dân (PLD) và ra mắt Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của mạng lưới nông dân Caritas Đà Lạt (CFGS- Caritas Dalat Farmers’ Guarantee System)

    Đến tham dự có Cha Phaolô Lê Đức Huân- Đại diện Giám mục đặc trách dân tộc thiểu số, cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính- Chưởng ấn TGM- kiêm Giám đốc Caritas Giáo phận Đà Lạt, Cha Giuse Nguyễn Văn Sinh- Giám đốc Trung tâm mục vụ, Cha Gregorio Nguyễn Quý Trung- Quản xứ Đưng K' Nớ, Ban Caritas Đà Lạt. Cùng tham dự có gần 140 người gồm các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ và đồng hành với dự án; Đại diện Caritas của các giáo hạt trong Giáo phận và thành viên của các Cộng đồng đang thực hiện dự án PLD.Cùng tham dự có quí thầy, quí sơ và nhóm Cộng đồng thực hiện Chương trình Phát triển tự dân đến từ giáo phận Phan Thiết.

    Sau phút cầu nguyện, lời chào mừng và khai mạc của Cha Giám đốc Caritas Đà Lạt, chị Maria Grogetti Đinh Thị Hồng Phúc- Phó Giám đốc Caritas Đà Lạt, trình bày quá trình thực hiện Chương trình Phát triển tự dân (PLD) được khởi sự từ năm 2016. Đến nay đã có cộng đồng tại 15 thôn thuộc 8 xã trong tỉnh Lâm Đồng được Caritas Đà Lạt hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chương trình PLD.

    Theo chị Phúc trước khi thực hiện dự án, nhiều nông dân được Caritas hỗ trợ đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài. Từ đó, nông dân tại các thôn làng có thể tự tin thực hiện các mô hình sản xuất rau hữu cơ, trồng cà phê để cỏ dưới gốc, chế biến phân sinh học, ủ thức ăn cho bò, nuôi trùn quế, trồng cây che bóng mát, sản xuất nông lâm kết hợp… bên cạnh đó các cộng đồng còn chủ động làm các công trình dân sinh như làm đường bê tông ở Đinh Trang Hòa, TuTra; làm bến đò giúp dân qua sông miễn phí, xây dựng hệ thống đưa nước sạch dài 3000m từ núi đồi về cho buôn làng sử dụng…ngoài ra tại Lộc Tân bà con còn chung tay dựng nhà dài nhằm bảo tồn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

    Theo đúc kết của các nhóm và Caritas, quá trình thực hiện dự án buổi đầu gặp khá nhiều khó khăn vì nhiều cộng đồng chưa hiểu Caritas là ai? Làm gì? Nên dè đặt trong khi tiếp cận. Khi thực hiện lại gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu (mưa nắng thất thường), thiếu kinh nghiệm, chưa có đầu ra cho sản phẩm rau hữu cơ; khó thay đổi quan niệm canh tác lâu đời của đồng bào… Nhưng xác định đây là chương trình vừa học hỏi vừa thực hành và học tập liên tục nên Caritas Đà Lạt đóng vai tró là người thúc đẩy để bà con thực hiện. Caritas đưa ra lộ trình phát triển tự dân để đảm bảo tính bền vững. Qua những mô hình đem lại hiệu quả, cộng đồng dân cư đoàn kết hơn, cởi mở hơn, có trách nhiệm khi quyết định những vấn đề chung của nhóm…từ đó có nhiều mô hình khác được hình thành, đồng thời nối mạng cộng đồng để tiêu thụ sản phẩm do chính bà con sản xuất. Bên cạnh đó huy động được nguồn lực mới từ các đối tác, chính quyền, cộng tác viên, tình nguyện viên. Nhờ các mô hình sản xuất hiểu quả nên thu nhập của các nhóm tham gia ôn định hơn; người dân khẳng định được quyền khi hình thành các doanh nghiệp cộng đồng.

    Tuy nhiên sản phẩm do bà con sản xuất chưa được tổ chức nào chứng nhận, nói khác đi được “bảo chứng” để người tiêu dùng đặt trọn niềm tin, do đó Caritas Đà Lạt ra mắt Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của mạng lưới nông dân Caritas Đà Lạt (CFGS- Caritas Dalat Farmers’ Guarantee System). Đây là cơ sở chứng nhận cho các nhóm nông dân sản xuất theo đúng qui trình từ giống, canh tác, nguyên vật liệu để cho ra sản phẩm an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi nông dân trở thành một thanh tra viên về sản phẩm do nhóm làm ra. Để làm được điều này phải dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử của khu vực.

    Tại buổi hội thảo, Caritas Đà Lạt chính thức ra mắt Ban điều phối Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của mạng lưới nông dân Caritas Đà Lạt (CFGS) và trao giấy chứng nhận cho 2 nhóm nông dân đầu tiên chuyên sản xuất rau hữu cơ. “Đây là niềm vui của nhóm nông dân chúng tôi, vì thời gian qua khi mang sản phẩm bán người mua cứ hỏi có chứng nhận gì để bảo đảm đây là rau hữu cơ, thì nay có giấy chứng nhận này, chắc chắn việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhóm sẽ thuận lợi hơn”- Đại diện nhóm nộng dân sản xuất rau ở Tu tra chia sẻ.

    Sắp tới Caritas Đà Lạt sẽ cùng các cộng đồng dân cư xây dựng các thương hiệu như: Nhóm ngũ cốc ở Đạ Tông, Nhóm dệt thổ cẩm ở Đứng K’ Nớ, Nhóm chuối sấy ở Lâm Hà…

    Cuối buổi hội thảo và ra mắt có chương trình “Chia sẻ hạt giống”. Có hơn 50 loại hạt giống được bà con mang đến hội thảo để chia sẻ cho nhau. Ai cần giống gì thì tùy ý lấy mang về để gieo trồng, nếu thấy phù hợp sẽ kết nối và chia sẻ cho nhau. Theo chị Hồng Phúc: “Hạt giống là do Chúa ban, mỗi hạt giống sẽ cho loại cây trái khác nhau, rất phong phú, rất đa dạng…chúng ta tạ ơn Chúa về điều này, chúng ta cùng chia sẻ cho nhau, cùng gìn giữ những hạt giống tốt để nhân rộng, để nuôi sống cộng đồng, nuôi sống con người…”

    Trước khi nhận những hạt giống đại diện 3 dân tộc tiêu biểu: Cơ Ho, Chu Ru, Mạ dâng lời cầu nguyện và tạ ơn Chúa.

    Cuối buổi hội thảo và ra mắt quí cha cùng chia sẻ bữa trưa huynh đệ với những người tham dự trong niềm hân hoan. Hy vọng rằng từ 15 “hạt giống” PLD đầu tiên này Chương trình PLD và hệ thống CFGS sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cho các nhóm nông dân vùng sâu vùng xa, giúp họ ngày càng ôn định và thăng tiến cuộc sống.

    Thông Xanh

    Bài viết liên quan