Caritas Đà Lạt: Tập Huấn PHCN Cho Trẻ Bại Não Và Người Khuyết Tật

  • Thứ ba, 14:13 Ngày 24/11/2020
  • Sau các khóa tập huấn về kỹ năng chăm sóc bệnh nhân tại nhà và các kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân diễn ra trong thời gian qua, năm nay, Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Giáo phận Đà Lạt tiếp tục tổ chức khóa tập huấn về Kỹ năng Phục hồi chức năng cho người khuyết tật – Chăm sóc sức khỏe và can thiệp sớm cho trẻ bại não. Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày, từ 20 – 21 tháng 11 năm 2020, tại giáo xứ Bắc Hội - Giáo hạt Đức Trọng - GP. Đà lạt, quy tụ 80 tham dự viên, thuộc Hội Người khyết tật Huyện Đơn Dương, Hội Người Khyết tật Huyện Lâm Hà, Ban Bác ái giáo xứ Bắc Hội, và các anh chị em khuyết tật, người chăm sóc, thân nhân trong gia đình đang chăm sóc trẻ bại não và bệnh nhân tại nhà. Đến tham dự và đồng hành với khóa học, có sự hiện diện của Cha GB. Nguyễn Trung, chánh xứ giáo xứ Bắc Hội, chị Đinh Thị Hồng Phúc - Phó GĐ UB. BAXH Caritas Đà Lạt và các cộng tác viên. Khóa học do cha An-tôn Nguyễn Chân Hồng và các Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa phụ trách chuyên môn, bao gồm các nội dung: Bảo vệ sự sống; Phục hồi chức năng trẻ bại não; ngăn ngừa các thương tật thứ cấp; Phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng.

    Tham dự viên thực hành phục hồi chức năng NKT

    Bại não đang trở thành mối quan tâm rất lớn của giới chuyên môn, xã hội và nhiều bậc phụ huynh. Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 2 trẻ bị bại não, chiếm khoảng 30-40% tổng số trẻ khuyết tật, xảy ra vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh dưới 5 tuổi. Bại não gây ra tình trạng đa khuyết tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi..., để lại hậu quả nặng nề không chỉ cho chính bản thân trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Do một hoặc nhiều phần của não bộ bị tổn thương, người bệnh không thể vận động các phần cơ một cách bình thường. Ngoài ảnh hưởng đến vận động, nhiều trường hợp trẻ bị bại não còn kèm theo các tình trạng khuyết tật khác như: Chậm phát triển trí tuệ, rối loạn khả năng học tập, động kinh, thay đổi hành vi, những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ. Chương trình đã dành ngày ngày tập huấn thứ nhất để giúp các tham dự viên tìm hiểu sự phát triển thần kinh, vận động bình thường ở trẻ em, đại cương về bại não, các dấu hiệu lâm sàng phát hiện sớm trẻ bại não, cũng như thực hành các kỹ thuật can thiệp, chăm sóc và phục hội chức năng cho các thể bại não tiêu biểu.

    Cha Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH

    Đặc biệt, các học viên cũng được chia sẻ về đề tài bảo vệ sự sống, trong việc tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên với đúng phẩm giá con người và là hình ảnh của Thiên Chúa. Theo đó, đạo đức Y khoa có nghĩa vụ phải tôn trọng cách bắt buộc và vô điều kiện đối với mọi người, trong mọi giai đoạn cuộc sống, cũng như qui hướng đến việc bảo vệ tính đặc thù của các hành vi nhân vị và truyền thông sự sống, tôn trọng quyền sống và quyền toàn vẹn thể lí từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, tuân theo những giáo huấn của Giáo hội về nhân phẩm và sự sống con người. Trong ngày thứ 2 của khóa tập huấn, các học viên được giới thiệu đại cương về người khuyết tật, lượng giá chức năng và kỹ thuật vận động trị liệu – PHCN dựa vào cộng đồng, nhằm ngăn ngừa những tàn tật thứ cấp.

    Tham dự viên thực hành phục hồi chức năng NKT

    Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật trên cả nước, chiếm 7% dân số, bao gồm các loại khuyết tật về vận động, khuyết tật ngôn ngữ, thiểu năng trí tuệ, và khuyết tật cơ quan thị giác. Những hình thức khiếm khuyết này khiến người khuyết tật bị suy giảm khả năng hoạt động, sinh hoạt, học tập, lao động, gặp nhiều khó khăn, phải chịu nhiều thiệt thòi so với những người cùng hoàn cảnh. Qua đề tài này, các học viên đã cùng trao đổi và thực hành các kỹ thuật lượng giá khuyết tật và phương pháp ngăn ngừa biến chứng, khuyết tật thứ cấp cho các bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, liệt hạ chi hoặc tứ chi do chấn thương tủy sống, cũng như người khuyết tật do đoạn chi… Phục hồi chức năng cho trẻ bại não hay người khuyết tật là một công việc nặng nề, cần rất nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, nhằm hạn chế hay loại trừ những khó khăn cho người khuyết tật trong sinh hoạt cá nhân, trong việc tổ chức, sắp xếp cuộc sống hàng ngày.

    Bên cạnh đó, ở mức độ cộng đồng xã hội, người khuyết tật cần được nâng đỡ và hỗ trợ về khía cạnh tinh thần, tâm lý, ý chí, giao tiếp, cũng như khả năng định hướng, tạo cơ hội cho người khuyết tật thực hiện sự bình đẳng, và có cuộc sống hạnh phúc, giúp họ ý thức và nâng cao vai trò của họ trong cộng đồng và tái hòa nhập xã hội. Khóa tập huấn kết thúc sau biết bao hy sinh và nỗ lực của các học viên - những học viên đặc biệt. Để với kiến thức có được, cùng với tinh thần can đảm, nghị lực không ngừng vươn lên và niềm tin vào bản thân, họ đã và đang là những người hoạt động hiệu quả trong môi trường và vai trò của họ, đóng góp khả năng, sức khỏe và sự nhiệt huyết trong việc giúp đỡ những người kém may mắn, với cách tiếp cận đặc biệt của những người khuyết tật “tàn nhưng không phế”. 

    Tin bài: Công Nguyễn. OH

    Bài viết liên quan