Dịch Ebola ở Tây Phi đối mặt với nạn thiếu lương thực

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 01/10/2014
  • liberia market

    Một chợ rau tại Liberia. Khi Ebola lan rộng sang Tây Phi, thỉnh thoảng chợ bị đóng cửa và du lịch bị hạn chế. Ảnh: Timothy Flanigan, M.D.

    Khi Augustine Tamba Fallah đang cân nhắc xem có nên lái xe đến Kenema không - một trong những vùng dịch Ebola lớn nhất, các thành viên gia đình anh đề nghị anh không tới đó. Nhân viên phụ trách Caritas Freetown này cho biết: “Họ sợ”. Nhưng Fallah quyết định thực hiện chuyến đi này.

    Anh không đến để kiểm nghiệm hay cung cấp trang thiết bị công nghệ cao để đối phó với Ebola. Đơn giản là anh chỉ đến để cung cấp thực phẩm.

    Khi Ebola lan rộng sang Tây Phi, thậm chí nhiều người khỏe mạnh phải chịu hậu quả kinh tế của dịch bệnh. Thỉnh thoảng chợ bị đóng cửa và du lịch bị hạn chế. Toàn bộ các gia đình trong khu vực kiểm dịch không thể lên nương rẫy để trồng trọt. Các xe tải, bao gồm cả xe chở thức ăn cũng không được phép vượt ra khỏi những khu vực nhất định.

    Ishmeal Charles, cũng là nhân viên của Caritas Freetown cho biết: “Lệnh đóng cửa đồng nghĩa việc mọi người không thể ra ngoài để làm bất cứ việc gì. Nếu một phụ nữ muốn bán khoai tây, cô phải ra vườn từ sáng sớm, rồi ra chợ để bán; thì cô mới có tiền để mua thức ăn cho cả ngày.”

    Charles nói thêm: “Giờ thì mọi thứ đều dậm chân tại chỗ. Mỗi ngày mọi người lại càng trở nên nghèo hơn.”

    Cuộc khủng hoảng gây nên tình trạng thất nghiệp cả ở khu đô thị lẫn nông thôn. Tại Freetown, Fallah cho biết: “mọi người bị sa thải – nhân viên ở các khách sạn và nhà nghỉ. Các văn phòng cũng đóng cửa.”Bị cô lập khỏi thế giới, các gia đình tại tâm động đất kenema đang gánh chịu nhiều nỗi sợ hãi hơn là dịch Ebola. Fallah nói rằng: “Thị trấn bị đóng cửa, trừ những người cung cấp thực phẩm như tôi. Họ đã cách ly nhiều ngôi nhà và chẳng ai dám đi ra đi vào, nhưng tôi phải vượt qua điều này.”

    Patrick Jamiru, Caritas Kenema chia sẻ: “Mọi người đến Tòa giám mục để xin giúp đỡ. Cha mẹ chết, họ chẳng còn ai làm trụ cột gia đình.”

    Thậm chí khi trụ cột gia đình vẫn khỏe mạnh, việc hạn chế di chuyển gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến trẻ em. Alexandre Kolie, Caritas Guinea cho biết: “Ở nhà, thường thì cha hay mẹ sẽ quan tâm đến những vấn đề của gia đình. Nếu người này có rắc rối, toàn bộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng đến thức ăn, sức khỏe, quần áo, giáo dục và nhiều thứ khác.” Giá thức ăn tăng vọt, vì thế ngay cả những người không nằm trong vùng dịch hay những khu vực phong tỏa cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

    Đối với những người bắt buộc phải kiểm tra trong vòng 21 ngày vì bị nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola, vấn đề thực phẩm trở nên tồi tệ hơn. Fallah cho biết: “Có nhiều gia đình ở Kenema và ngay cả Freetown bị cách ly. Họ không được phát thức ăn trong nhiều ngày. Nhân viên bảo vệ túc trực quanh nhà họ. Nếu có ai trốn thoát, khi bị bắt lại sẽ có rắc rối lớn.”

    Đóng cửa các đường biên giới không chỉ ảnh hưởng đến thị trường địa phương và việc vận chuyển, nhưng còn ảnh hưởng đến những lô thực phẩm bằng đường thủy hay đường bộ từ các nước khác. Napoleon Cooper, người đứng đầu Caritas Liberia cho biết: “Ở Liberia này, lương thực chủ yếu là lúa gạo. Nhìn chung người dân sợ hãi sẽ thiếu lương thực.”

    Những người may mắn sống sót có thể trồng trọt cho gia đình. Jamiru chia sẻ: “Một số bệnh nhân Ebola còn sống và được giải thoát. Nhưng những thứ họ đang dùng trong nhà như giường và những vật dụng khác không thể được sử dụng lại. Các đội y tế sẽ thiêu hủy chúng toàn bộ.”

    Qua mạng lưới Giáo Hội, Caritas đã và đang thực hiện công việc phòng chống Ebola tại Tây Phi qua nhiều tháng. Các giáo phận cung cấp lương thực cho các gia đình nhiều nhất có thể. Tại Guinea, Caritas lên kế hoạch phân phối thực phẩm cho mọi người trong những tuần lễ bị cách ly.

    Hiện Caritas đang tìm nhiều cách thế để hỗ trợ các gia đình có đời sống bấp bênh và sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Moira Monacelli của Caritas Italia chia sẻ: “Đó là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Đối với kinh tế, cuộc khủng hoảng Ebola là một vấn đề lớn. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về những sự hỗ trợ trung hạn và dài hạn.”

    Trong khi đó, Caritas đang nỗ lực đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất khi phải cẩn thận để không gây nguy hiểm cho nhân viên. Khi Augustine phân phát hết thực phẩm ở Kenema, anh không ngủ lại đó. “Trước khi đi, tôi nói: Tôi muốn đến và giúp đỡ.’ Đó là một công việc đầy rủi ro, nhưng mọi người đang chết, họ đang đau khổ. Điều đầu tiên chúng tôi có trong đầu là tình cảm chúng ta dành cho nhau, một cảm giác nhân đạo. Cảm giác thứ hai là phải rất cẩn thận.”

    Khi anh đến đó, “Mọi người rất vui sướng, họ nhảy múa, ca hát. Nhưng tôi không cho phép ai chạm đến mình. Tôi đã nói là ‘tôi xin lỗi. Nhưng tôi mang thức ăn đến cho các bạn.’”

     

    Nguồn: Caritas Internationalis

    Bài viết liên quan