Đức Hồng Y O'Malley: 'Chúng tôi muốn trẻ em phải được an toàn'

  • Thứ ba, 14:08 Ngày 12/03/2024
  •  

    Đức Hồng Y Seán O'Malley, Chủ tịch Ủy ban, thuộc Giáo hoàng, về Bảo vệ Trẻ vị thành niên (ảnh lưu trữ)

    Sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô với Ủy ban thuộc Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Đức Hồng Y Seán O'Malley, Chủ tịch Ủy ban, Ngài nói rằng sự tin tưởng là cần thiết để việc truyền giáo của Giáo hội sinh nhiều hoa trái.

    Tác giả: Christopher Wells
    Trong mười năm kể từ khi được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập, Ủy ban thuộc Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên (PCPM) đã phát triển cách có ý nghĩa, từ một nhóm nhỏ các tình nguyện viên và nhân viên rất tận tâm thành tập hợp các thành viên nam nữ, có đủ năng lực, cam kết sự bảo vệ trong Giáo hội.

    “Chúng tôi cầu chúc cho sự cam kết đặc biệt của các thành viên Ủy ban,” Chủ tịch PCPM, Đức Hồng Y Seán O'Malley nói với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn sau buổi tiếp kiến của Ủy ban với Đức Thánh Cha hôm thứ Năm.

    Đức Hồng Y nhấn mạnh giá trị của các thành viên giáo dân trong Ủy ban, đặc biệt là những người nữ, cũng như những đóng góp quan trọng của các nạn nhân và cha mẹ của họ.

    'Ủy ban gặt hái được nhiều thành tựu'
    Điểm lại công việc của PCPM trong thập kỷ qua, Đức Hồng Y O'Malley nhấn mạnh các cuộc họp do Ủy ban tổ chức giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các nạn nhân bị lạm dụng; các khuyến nghị về trách nhiệm giải trình của các giám mục dẫn đến việc ban hành luật bao gồm Come una madre amorevole và Vos estis lux mundi ; và hội nghị thượng đỉnh của các chủ tịch Hội đồng Giám mục về vấn đề lạm dụng trong Giáo hội.

    Đức Hồng Y cũng chỉ ra các sáng kiến Bản Ghi nhớ đang thực hiện, nhằm cung cấp sự trợ giúp đến các quốc gia đang thiếu nguồn nhân lực và vật chất cần thiết của việc bảo vệ cách hiệu quả. Sáng kiến này cung cấp quỹ tài trợ cho công việc bảo vệ và giúp đảm bảo sự hiện diện của nhân sự nhằm sàng lọc và huấn luyện các nhân viên mục vụ cũng như tiếp cận mục vụ cho các nạn nhân.

    Bản ghi nhớ và các sáng kiến tương tự nhằm mục đích xây dựng mối tương quan với các giám mục và với các Hội đồng Giám mục, để Ủy ban có thể được coi là một đối tác chứ không phải là một đối thủ trong việc thúc đẩy “văn hóa bảo vệ trong Giáo hội”.

    Chủ tịch PCPM cho biết: “Vì vậy, tôi nghĩ Ủy ban đã gặt hái được nhiều thành tựu”.

     Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Ủy ban hôm thứ Năm 

    'Chúng tôi muốn trẻ em phải được an toàn'
    Đức Hồng Y O'Malley lưu ý trọng tâm hiện tại của Ủy ban là khu vực miền nam toàn cầu, hy vọng đảm bảo rằng các Giáo hội địa phương có đủ nguồn lực và huấn luyện cần thiết nhằm chống lại nạn lạm dụng.

    Ngài nói, việc phát triển các chính sách và hướng dẫn là cần thiết nhằm đảm bảo sự ứng phó nhất quán trong toàn Giáo hội, đồng thời tôn trọng nhu cầu và quyền của nạn nhân, bị cáo, cộng đồng, Giáo hội và chính quyền dân sự.

    Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “cuộc vận động về giáo dục rộng khắp xoay quanh các vấn đề về bảo vệ” và tập trung vào việc ngăn chặn nạn lạm dụng.

    “Chúng tôi muốn trẻ em được an toàn”, Đức Hồng Y O'Malley nói. “Chúng tôi muốn trẻ em và phụ huynh tin tưởng rằng khi con cái họ theo học tại trường Công giáo hoặc trong một xứ đạo Công giáo, các em sẽ được an toàn.”

    Trả lời ý kiến cho rằng công việc bảo vệ làm xao lãng sứ mệnh của Giáo hội, Chủ tịch PCPM nhấn mạnh: “Không thể sinh nhiều hoa trái trong sứ mệnh truyền giáo nếu chúng ta không có được lòng tin tưởng của người dân, nếu chúng tôi không thể chứng minh cho người dân thấy rằng họ quan trọng đối với chúng tôi và sự an toàn của con cái họ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”

    Nhiệm vụ của Ủy ban

    Khi được hỏi về những lời chỉ trích Ủy ban, Đức Hồng Y O'Malley thừa nhận một số người không kiên nhẫn với tốc độ ứng phó chậm của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng nạn lạm dụng trong Giáo hội.

    Liên quan cụ thể đến PCPM, Đức Hồng Y cho biết những kỳ vọng không thực tế bắt nguồn từ sự hiểu lầm về thẩm quyền của Ủy ban “đã khiến chúng tôi rơi vào tình huống bị động”. Ngài lưu ý rằng Ủy ban không được thành lập nhằm giải quyết các trường hợp cụ thể: “Đó không thuộc thẩm quyền của chúng tôi”.
    Thay vào đó, Ủy ban được giao nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị và khuyến cáo khác về cách cải thiện sự ứng phó của Giáo hội về vấn đề lạm dụng tình dục.

    Tuy nhiên, Ủy ban đã nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân qua việc giúp họ liên lạc với những người có thể giúp đỡ họ. “Chắc chắn, việc lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân là một phần rất quan trọng trong sứ mệnh của chúng tôi”, Đức Hồng Y O'Malley nói.

    Hỗ trợ các Giáo hội địa phương

    Đồng thời, một phần quan trọng trong nhiệm vụ của PCPM là hỗ trợ các Giáo hội địa phương trong tình huống khẩn cấp của các nạn nhân, cũng như hỗ trợ họ trong việc phòng ngừa và huấn luyện.

    Thư ký PCPM, Cha Andrew Small, OMI, ghi nhận rất nhiều “bản ghi nhớ” được ký kết giữa Ủy ban và các Hội đồng Giám mục quốc gia cho đến hiện tại. Những thông tin này nhằm mục đích cổ võ việc ứng phó “Một Giáo hội” cách nhất quán, đảm bảo rằng các Giáo hội địa phương có các nguồn lực để đồng hành cùng các nạn nhân.

    “Điều đó thực sự khó khăn đối với những [Giáo hội] nghèo nguồn lực và không có các chuyên viên” cần thiết để “tiếp nhận” các nạn nhân. “Chúng tôi đang giúp khắc phục điều đó,” Cha Small nói và thêm rằng, “Việc khắc phục đó không thể xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng chúng tôi đang đạt được những bước tiến lớn.”

    Quyền được biết sự thật

    Đức Hồng Y O'Malley cũng lưu ý những nỗ lực mang lại sự minh bạch hơn trong Giáo hội liên quan đến việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời chỉ ra các khuyến nghị trước đó nhằm thực hiện những thay đổi đối với cái gọi là “bí mật thuộc giáo hoàng” cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm cung cấp sự thông suốt khi các giám mục bị cách chức từ văn phòng.

    “Vì vậy, vâng, tính minh bạch là rất, rất quan trọng”, Đức Hồng Y khẳng định và nói thêm, “Sự tin tưởng không thể được khôi phục trừ khi chúng ta có sự minh bạch tại mọi cấp độ của Giáo hội”.

    Cha Small cũng đồng tình khi nói hiển nhiên đã rõ ràng rằng “điều mọi người mong muốn hơn bất cứ điều gì khác là được biết sự thật”.

    “Tôi nghĩ mọi người có quyền được biết sự thật,” Cha tiếp tục. “Và đôi khi, là những người lãnh đạo, chúng ta cũng sợ phải tin tưởng giáo dân trong sự thật—nhưng chúng ta không thể như vậy. Nếu chúng ta không tin tưởng giáo dân trong sự thật, giáo dân sẽ không tin tưởng chúng ta. Và tôi nghĩ đó là lằn ranh giới xoay quanh tính minh bạch, sự trung thực và cởi mở mà chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.”

    Tiếng nói cho các nạn nhân

    Khi kết thúc cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y O'Malley nhấn mạnh: “Phần quan trọng nhất trong sứ mệnh của chúng tôi là nỗ lực lên tiếng cho các nạn nhân và làm việc chăm chỉ nhằm mục đích điều này trở thành sự cấp bách tại mọi nơi trong Giáo hội”.

    Ngài nhắc lại, việc truyền giáo “sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta không thể khôi phục sự tin tưởng của mọi người vào chúng ta qua việc minh chứng rằng trẻ em là ưu tiên hàng đầu của chúng ta và sự an toàn của trẻ em là mục đích cao nhất của chúng ta”.

    Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2024-03/cardinal-o-malley-we-want-children-to-be-safe.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam


     

    Bài viết liên quan