HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CARITAS VIỆT NAM 2019: LIÊN ĐỚI TRONG CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ

  • Thứ năm, 17:54 Ngày 31/10/2019
  • Kính thưa quý Đức cha, quý Cha và toàn thể Hội nghị,
    Trong dịp kỷ niệm 10 năm tái hoạt động, Caritas Việt Nam đã chọn chủ đề “LIÊN ĐỚI” như một sứ mạng quan trọng trong việc thực thi bác ái, như một yếu tố then chốt để xây dựng mạng lưới hoạt động. Con người ngày nay đang đói khát tình liên đới, đang cần những tấm lòng, những bàn tay xoa dịu những đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn như lời nhận định của Đức Thánh Cha Bênêđictô :“Trong một thế giới kỹ nghệ cao, kinh tế phát triển như hiện nay, có thể nói con người không thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng chỉ thiếu tình liên đới”. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Đó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi người trên thế giới như lời mời gọi của Ngài:“Hỡi nhân loại, hãy thay đổi lối sống để tình liên đới được thể hiện. Hãy mở rộng con tim đối với những ai đang đau khổ.” (Sứ điệp Hoà bình thế giới 2009) 

    Liên đới không chỉ nối kết con người với nhau, nhưng còn là mối tương quan hài hoà giữa chúng ta với Thiên Chúa như Thánh Gíao hoàng Gioan Phaolô II đã nói :‘Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện xã hội, quốc gia và quốc tế” (Sollicitudo Rei Socialis, số 40, năm 1987). Vì thế, liên đới theo chiều kích tâm linh trong việc thực thi bác ái chúng ta cần chú tâm đến 2 khía cạnh: cầu nguyện và phục vụ. 

    1.    Liên đới trong cầu nguyện
     Ngày nay trách nhiệm liên đới trong xã hội thường được đan xen trong những hoạt động bác ái như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: liên đới không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn, vừa kiên định muốn dấn thân cho công ích. Tức là lo cho mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người.” Vì thế, liên đới để thi hành bác ái không chỉ là những hành động xã hội nhưng còn là những hành động tinh thần được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

    Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, tại nhà chị em cô Martha và Maria ở Bêthania, cô Martha đã tận tâm tận lực phục vụ và đón tiếp Chúa Giêsu cùng các môn đệ của Người, còn cô Maria thì chú tâm lắng nghe Lời Chúa. Trong cả hai trường hợp, những giờ phút cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa và các hoạt động thực thi bác ái không trái ngược nhau. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu: “Martha! Martha! Con băn khoăn lo lắng về quá nhiều chuyện, nhưng chỉ có một chuyện cần thiết và Maria đã chọn phần tốt hơn mà sẽ không bị lấy đi mất” (Lc 10, 41-42). Ở đây chúng ta không giải thích về đoạn văn liên quan đến chị em Martha và Maria nhưng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả hoạt động bác ái cũng phải được thấm nhuần trong lòng bởi một tinh thần cầu nguyện, bằng ánh sáng của Lời Chúa. Nếu chúng ta không trung thành sống cầu nguyện hàng ngày thì hành động bác ái của chúng ta sẽ trở thành trống rỗng vô hồn.


    Cầu nguyện được ví như hơi thở cần cho sự sống của con người, con người không thể sống nếu không được hít thở; cũng không thể khỏe mạnh nếu hít thở không đều. Đời sống nội tâm và những hoa trái thiêng liêng của một nhân viên Caritas không thể triển nở nếu không được bổ sức từ cầu nguyện. 


    Cầu nguyện là điểm tựa, là sức mạnh cho sự liên đới trong hoạt động bác ái xã hội. Chúng ta là những người đang sống giữa dòng đời để đem tình yêu đến cho những người nghèo khổ đang cần sự trợ giúp. Trong hành trình thực thi sứ mệnh của Giáo hội, chúng ta cũng đã nhiều lần phải đương đầu với những khó khăn, cũng đã bao lần mệt mỏi hay ngã quỵ. Trước muôn vàn thách đố đó, rất cần và rất cần lời cầu nguyện của tất cả thành viên trong Caritas qua lời Kinh quảng đại mà mỗi thành viên dâng lên Chúa mỗi ngày, qua những Thánh lễ hàng tháng do mỗi cha Giám đốc Caritas Giáo phận cử hành, qua những lần chúng ta cùng tĩnh tâm với nhau… Chính nhờ sự kết hiệp với Chúa, nhờ có ơn Chúa đỡ nâng chúng ta mới có thể đứng vững thực hiện tôn chỉ sống cho, sống với và sống cùng tha nhân đặc biệt với những người bé nhỏ, nghèo khổ. Chúng ta không thể hiệp thông với người khác nếu không có đời sống nội tâm như Mẹ Têrêsa Calcuta đã chia sẻ: “Nhờ chiêm niệm, các tâm hồn lôi kéo được các ân huệ một cách trực tiếp từ trái tim Chúa để rồi đem phân phát trong việc thực thi bác ái.”

    Cầu nguyện đưa chúng ta đi vào con đường dấn thân và cam kết trong việc thi hành bác ái. Không thể dấn thân vào việc hoạt động bác ái nếu không có tâm hồn sống trong cầu nguyện… Chúng ta nên ý thức mình trở nên một với Chúa Giêsu, cũng như Ngài ý thức nên một với Cha Ngài. Hoạt động bác ái của chúng ta đích thực là sứ mệnh của Giáo hội khi chúng ta để Ngài hoạt động trong và qua chúng ta. Thật không dễ để phục vụ nếu không có được sức mạnh và ân sủng từ nơi Chúa. Không có tâm hồn sống trong cầu nguyện, không thể dấn thân được. Làm gì có sự trao ban, sẻ chia nếu như không cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dành cho mình. Cũng chẳng thuận lợi để gặp Chúa nơi người khác nếu như không có kinh nghiệm về gặp gỡ Chúa trong suy tư, trong chiêm niệm và cầu nguyện. Và cũng không thể xoa dịu nỗi đau của người khác nếu như không có được một sự cảm nghiệm về Chúa đã bị đau đớn, đã chịu chết cho mình thế nào.

    Ngày nay, đôi lúc chúng ta quá thiên về bề nổi của hoạt động, quá chú trọng đến thành công trong công việc hơn những giây phút ở lại bên Chúa. Đây là một vấn nạn cho việc thi hành bác ái trong thời đại hôm nay khi mà con người quá chú trọng đến thành công hay lấy thành tích làm tiêu chí. Chính vì vậy, cầu nguyện phải là ưu tư hàng đầu để mỗi người chúng ta ý thức được con người của mình chỉ là yếu đuối, là hư vô, nên cần đến sức mạnh và sự đỡ nâng của Chúa. Tất cả thành công mà chúng ta có được là nhờ ơn Chúa giúp, chứ không phải do sức riêng của chúng ta vì chúng ta hoạt động với Chúa và vì vinh danh Chúa.

    2.    Liên đới trong phục vụ
    Hiện nay, dân số trên thế giới ước tính lên đến gần 8 tỷ người, nhưng có tới hơn 1/2 người nghèo, tức là khoảng 4 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ (The World Bank 2018) và tỉ lệ người nghèo trong các nền kinh tế giàu có đang ngày càng tăng lên. Riêng Việt Nam, trong số 97 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ngày. Đứng trước thực trạng xã hội đó, là thành viên của Caritas, chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại. Mỗi người chúng ta hãy cùng liên đới trong phục vụ để sống trọn vẹn cho những người nghèo khổ như Chúa Giêsu đã phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

    Liên đới trong phục vụ là căn bản của việc thực thi bác ái, vì đây không phải là sáng kiến riêng tư của một cá nhân hay một tổ chức nhưng là sứ mệnh mà Giáo hội đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu, là một sự tổng hoà của rất nhiều mối quan hệ có trong xã hội, bao hàm các khía cạnh hiệp nhất, cảm thông, chia sẻ và có trách nhiệm.

    Cùng chung trách nhiệm trong khi thi hành bác ái, chính là yếu tố mang tính quyết định sự thành công cũng như sự phát triển bền vững của gia đình Caritas. Tinh thần trách nhiệm được biểu hiện cụ thể qua sự nhiệt thành, qua chính lối sống và trong chính việc làm của mỗi thành viên Caritas cho dù có gặp khó khăn đến đâu.

    Tuy nhiên để hình thành nên một tinh thần trách nhiệm không phải là một sớm một chiều mà ai cũng có thể làm được. Chìa khoá giúp chúng ta tháo gỡ vấn đề này chính là cần một sự thay đổi lớn từ trong lối suy nghĩ của chính mình về tinh thần trách nhiệm : đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chị ngã em nâng. Em ngã chị phải nâng kỹ hơn. Tinh thần trách nhiệm cần phải có chất xúc tác, và chất xúc tác đó chính là sự cảm thông và chia sẻ trách nhiệm cho nhau. Sự cảm thông xuất phát từ con tim, chính nó tác động lên ý thức, dẫn con người tới hành động, giúp rút ngắn khoảng cách của thời gian, không gian để xích lại gần nhau, gắn bó với nhau hơn. “Không ai là một hòn đảo”. Con người phải liên kết với nhau để lớn lên trong nhau : không phải sát nhập vào nhau nhưng là đi vào sự hiệp thông với nhau trong tình liên đới. Đó cũng là trách nhiệm của từng chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Ngày 9/10 vừa qua ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta là chi thể của nhau. Hãy cho nhau chính Đức Kitô. Hãy cho nhau tình yêu, vì Đức Kitô là tình yêu”.

    Yêu thương là biết cho đi và cũng là biết đón nhận. Trong yêu thương, trong tình liên đới chúng ta cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi, cùng chia sớt mọi nỗi vui buồn, cùng đồng cam cộng khổ với nhau để vượt qua mọi thử thách. Tình yêu thương chân chính đưa đến sự đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những thử thách khó khăn của họ như là của chính mình. Yêu chính là lúc :“Bạn đau khổ, tôi cũng đau khổ”. Và “Khi bạn tràn trề niềm vui thì tôi cũng vậy”.

    Không thể phục vụ đích thực nếu không yêu thương và liên kết với nhau. Không thể yêu thương chân thật nếu không dám chia sẻ cho nhau những vui buồn, những lo âu và hy vọng, những thành công và thất bại, những trăn trở và thao thức của mình … để nâng đỡ và trợ lực cho nhau. Chính Chúa Giêsu cũng đã tìm đến sự cảm thông của tình bạn nơi nhà Bêtania. Ngài cũng đã tìm đến các môn đệ để chia sẻ những nỗi thống khổ của mình trong vườn cây dầu. Nhờ mọi người mà bản thân chúng ta được trợ lực để vượt qua những khó khăn trong đời, và cũng nhờ mọi người mà đời sống chúng ta được nên phong phú. 

    Chia sẻ, cảm thông không chỉ là điểm tựa, sự động viên, giúp đỡ khi vấp ngã, thất bại nhưng còn là nối kết nên một với nhau trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô. 

    Thay lời kết
    Người nghèo cần nhiều chuyên viên giỏi về xã hội, tâm lý, kinh tế, chính trị, kỹ thuật, v.v., nhưng họ cũng cần những chuyên viên giỏi về Chúa. Người nghèo cần cơm áo và công bằng xã hội, nhưng họ cũng cần tình thương và nhất là cần Chúa để được giải thoát khỏi biết bao sức mạnh vô hình của sự dữ đang áp bức nội tâm. Biết bao người nghèo đang khắc khoải vì thất vọng, vì thù hận và ghen tương; họ mong ước biết tha thứ và thương yêu, biết tin tưởng để tìm lại nguồn vui của cuộc sống. 

    Trước thực tại đó, sứ mệnh của Giáo Hội là thực thi bác ái rất thiết thực với tình trạng của người nghèo, vì chỉ có Chúa mới có thể giải thoát tâm trí khỏi các sức mạnh vô hình và đem lại an bình cho tâm hồn và ban sức mạnh để có thể sống cách vui tươi và theo đúng phẩm giá con người ngay trong tình trạng nghèo khó. Cũng chính vì vậy, tính liên đới trong cầu nguyện và phục vụ để thi hành sứ mệnh của Giáo Hội luôn cần thiết, và không được nhìn duy chỉ như dụng cụ để giải quyết các vấn đề vật chất xã hội, nhưng còn phải bắt nguồn từ đời sống nội tâm sâu xa trong tinh thần chiêm niệm với tất cả các đòi hỏi của đời sống đó. Chỉ trong những điều kiện đó mới có thể lựa chọn ưu tiên người nghèo theo tinh thần và đường hướng của Giáo Hội. (Evangelii Nuntiandi, số 30-38).

    Đức Giám Mục Tôma Vũ Đình Hiệu

    Chủ Tịch Ủy Ban Bác Ái  Xã Hội - Caritas Việt Nam

     

    Bài viết liên quan