Mong muốn góp thêm sức nhỏ của mình vào công việc giáo dục

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 08/09/2014
  • Nhân dịp năm học mới, báo Công Giáo và Dân Tộc (CGvDT) đã có cuộc trao đổi với Linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng (Lm VNĐ), Giám đốc Caritas Việt Nam, về một dự án khuyến học của Caritas Việt Nam đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực để tiếp bước đến trường cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

     CGvDT: Thưa Cha Giám đốc, chúng con được biết Dự án Khuyến học mang tên "Con đường sáng" là một trong những dự án mà Caritas Việt Nam rất tâm huyết và đã gặt hái được những thành công bước đầu. Xin cha giới thiệu sơ lược qua một đôi nét

     Lm VNĐ: "Con Đường Sáng" là dự án khuyến học do Caritas Việt Nam thực hiện từ niên học 2010-2011 và hiện nay vẫn đang tiếp tục. Giai đọan đầu, dự án được thực hiện tại bốn giáo phận thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên), phục vụ cho 400 em học sinh nghèo (mỗi giáo phận 100 em). Mục tiêu mà Caritas nhắm đến là phục vụ trong yêu thương  những người  nghèo khổ cả tinh thần lẫn vật chất, vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi người đều bình đẳng và có giá trị nhân bản như nhau. Dự án “Con Đường Sáng” nhắm đến việc giúp những em thuộc các gia đình nghèo, không phân biệt tôn giáo, dân tộc... được đi học. Dự án ưu tiên cho các em thuộc vùng sâu vùng xa; giúp các em có được những kiến thức phổ thông để khi gặp những khó khăn trong cuộc sống có thể giải quyết một cách đúng đắn, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, hợp với đời sống nhân bản, đời sống đạo đức. Ngoài ra, Dự án cũng tạo cơ hội cho các em có một nghề chuyên môn, có một cuộc sống xứng đáng. Có thể xem đây là một giải pháp xóa đói giảm nghèo mang tính bền vững.

     CGvDT: Tại sao Caritas Việt Nam lại chọn trợ giúp cho các em từ những năm đầu cấp I cho đến khi học xong Đại học hoặc cao hơn (nếu có đủ khả năng), thay vì chỉ chọn những em khá giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không thể theo học như ở các chương trình khác?

    Lm VNĐ: Theo Hiến Chương LHQ về “Quyền trẻ em” và tinh thần Kitô giáo, thì quyền được phát triển về mọi mặt, tinh thần và thể chất đòi hỏi chúng ta phải tạo mọi điều kiện để không một đứa trẻ nào không được đến trường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, chúng tôi quan tâm giúp những trẻ em có ít cơ may đến trường có cơ hội đến trường. Các em học thêm được một lớp là thêm được một số vốn kiến thức. Đàng khác, trong số những em này, cũng có những em giỏi, và Caritas Việt Nam cũng muốn giúp các em đó tiến xa hơn. Caritas Việt Nam chọn trợ giúp các em từ những năm đầu cấp I vì muốn tập cho các em thói quen ham thích học hỏi ngay từ thời gian đầu đời.  

     CGvDT: Như vậy, theo chương trình mà Dự án đưa ra, nguồn kinh phí sẽ tăng theo từng năm theo cấp học, Caritas sẽ giải quyết bài toán đó như thế nào?

    Lm VNĐ: Đây là nỗ lực rất lớn của Caritas Việt Nam trong 4 năm vừa qua. Caritas cần sự tiếp sức của cộng đồng, của các tổ chức trong cũng như ngoài nước. Cộng đồng mà Caritas nhắm đến trước tiên là những Kitô hữu. Theo Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Đức Giáo Hoàng Benêđitô XVI thì mọi Kitô hữu, ngoài việc Cử hành Phụng vụ - Bí tích, loan báo Tin Mừng, còn phải Thực thi Bác ái bằng những hành động thiết thực. Trong tinh thần đó, Caritas vận động người Kitô hữu tích cực tham gia Dự án này (xem Thông điệp TCLTY, số 25)

     CGvDT: Trong Dự án có đề cập đến vai trò người đồng hành. Ngoài việc hỗ trợ về kinh tế, họ còn giữ vai trò gì trong việc phát triển và giáo dục các em?

    Lm VNĐ: “Người Đồng Hành” (NĐH) là yếu tố rất quan trọng của Dự án Con Đường Sáng. NĐH là người sống trong cùng một địa bàn nơi các em sinh sống (khu vực thường được giới hạn trong một xã, trong đó có một xứ đạo). NĐH biết rõ từng em và gia đình các em. Người đồng hành thường là một tình nguyện viên Caritas được cha xứ  giới thiệu và là người sát cánh với cha xứ để giúp các em trong thời gian lâu dài, dù cha xứ có được thuyên chuyển đi nơi khác. Ngoài việc gặp gỡ và trao học phí hàng tháng cho các em trong đơn vị, NĐH cần có kiến thức, khả năng, nhất là phải có tình yêu và dám hy sinh để lo cho trẻ. Vì họ vừa là thầy, là bạn và là cha mẹ thứ hai của các em, giúp các em lớn lên không những trong đời sống tri thức mà còn trong đời sống nhân bản.

    Người đồng hành gần gũi, hợp tác với phụ huynh trong việc giáo dục các em; nhắc nhở, thuyết phục phụ huynh quan tâm đến việc học hành cũng như hạnh kiểm của các em. Thường thì ở những vùng sâu vùng xa, phụ huynh vì cảnh nghèo túng nên thường quan tâm đến những chuyện  có hiệu quả trước mắt như lo có cái ăn, cái mặc… mà ít chú ý đến việc học hành và giáo dục con cái. Do đó người đồng hành được chương trình hỗ trợ bằng những khóa tập huấn vào dịp hè. Những kỹ năng sống, học hỏi về quyền trẻ em theo Hiến Chương LHQ, cách tham vấn cho trẻ và phụ huynh, vấn đề giới tính, phòng tránh bị lợi dụng tình dục, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp... Hàng tháng, NĐH được hỗ trợ một khoản tiền nhỏ gọi là công tác phí.

     CGvDT: Con số 400 học sinh được hưởng trợ cấp từ  Dự án không phải là quá lớn so với số học sinh các tỉnh có phủ Dự án, Caritas có dự định sẽ tăng số học sinh được thụ hưởng trong thời gian tới không, thưa cha?

    Lm VNĐ: Như đã đề cập ở trên, Dự án chọn ĐBSCL để triển khai vì căn cứ vào những báo cáo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo thì ĐBSCL được xem như vùng trũng về giáo dục. Số học sinh bỏ học nửa chừng hằng năm quá cao so với những vùng khác. Một điều rất nghịch lý, ĐBSCL sản xuất lương thực thực phẩm nhiều nhất nước, nguồn lợi về thủy hải sản cũng cao nhất nước, mà việc học sinh bỏ học cũng cao nhất nước. Nhà Nước đã cố gắng rất nhiều trong việc mở trường, vận động phụ huynh cho con đi học, giáo viên tìm đến nhà để động viên trẻ trở lại trường, nhưng việc học sinh bỏ học cũng chưa giảm được bao nhiêu. Do đó, Caritas Việt Nam muốn góp thêm sức  nhỏ của mình vào công việc giáo dục ở khu vực này. Con số 400 học sinh quả thật là rất thấp so với số dân nghèo trong vùng. Caritas tùy vào khả năng mà thực hiện. Tăng số học sinh thụ hưởng của chương trình vẫn nằm trong dự định và cũng là ước mơ của Dự án. Dự án cũng đã bắt đầu vận động sự hưởng ứng của cộng đồng cũng như của những tổ chức trong và ngoài nước. Chúng tôi rất mong được sự tham gia, góp sức của nhiều tấm lòng quảng đại, để nhiều em trong hòan cảnh khó khăn được đến trường. Cho dù hiện nay còn nhiều khó khăn, Dự án Con Đường Sáng cũng đã bắt đầu tiến lên vùng sâu và xa của giáo phận Kontum và giáo phận Huế.

    CGvDT: Qua bốn năm thực hiện Dự án, những mặt tích cực đạt được là gì và đâu là những khó khăn kèm theo?

    Lm VNĐ: Là một tổ chức của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, chúng tôi luôn cầu nguyện và đặt niềm tin  vào sự trợ giúp của Chúa, do đó chương trình đã thu hoạch một số kết quả rất khích lệ:Từ năm thứ năm trở đi, tức từ niên khóa 2014 – 2015, Caritas của 4 giáo phận có sự hoạt động của chương trình đã sẵn sàng chia sẻ với Caritas Việt Nam 25% chi phí để lo cho học sinh trong giáo phận nhà. Chúa đã nhậm lời cho Caritas Việt Nam có cơ hội nới rộng vòng tay đến một vài nơi khác. Số học sinh bỏ học sau 4 năm là 40/400, một tỉ lệ rất đáng mừng. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, vì việc thay đổi NĐH trong thời gian ngắn hạn tạo khó khăn cho sự vận hành của đơn vị.

    Sự nghèo túng vẫn đeo bám người nông dân bởi sự vô lý: được mùa thì mất giá, được giá thì không còn gì để bán và cả chuyện giá cả leo thang. Do đó một số phụ huynh bỏ quê lên thành thị hoặc tìm đến những khu công nghiệp để kiếm sống, để con cái ở lại với ông bà đã lớn tuổi. Hậu quả là những đứa trẻ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, có khi còn thiếu cả cái ăn. Vì không có nghề chuyên môn, nên cha mẹ chúng chỉ kiếm được những việc phổ thông, đồng lương không cao mà chi phí tại nơi làm việc lại đắt đỏ, nên cũng phải tiết kiệm lắm mới gửi được ít tiền về lo cho cha mẹ già và một đàn con năm ba đứa. Nên dù có đi làm xa, hoàn cảnh kinh tế của gia đình cũng không khá hơn nhưng nguy cơ con bỏ học lại dễ phát sinh, vì chương trình chỉ hỗ trợ phần nào chứ không thể lo nổi 100%. Từ những trường hợp kể trên mới thấy được vai trò của NĐH quan trọng như thế nào đối với một đơn vị.

    Một số trường hợp trẻ được 14-15 tuổi, tuổi học cấp II-III, đã tự nguyện hoặc do cha mẹ muốn con theo mình đi làm để kiếm sống, thì việc học sẽ dang dở. Có khi ông bà mất, trẻ tuy còn nhỏ phải đành theo cha mẹ đi làm ăn xa. Đến nơi mới, gặp khó khăn mới thì việc học của trẻ cũng gián đoạn. Hy vọng việc tạo cho trẻ ham thích việc đi học từ thuở nhỏ cho các em thói quen đến trường để các em gắn bó với việc học lâu dài. Các em học thêm được một năm, các em sẽ thêm được một số kiến thức, thì sự trợ giúp của dự án cũng không phải là vô ích đối với các em.

    CGvDT: Xin cảm ơn cha và cầu chúc Dự án ngày càng có thêm nhiều Người đồng hành. 

     

    Trung Nhân thực hiện

     

    Tham gia Dự án Con Đường Sáng, xin liên hệ

    Điện thoại: +84 (08) 3512 2366 - Email : caritasvietnamccsa@gmail.com

    Tài khoản: UBBAXH Caritas Việt Nam

    Số tài khoản: VND: 033.1.00.379133.5 - USD: 033.1.37.379370.5 -  EURO: 033.1.14.380725.6

    Ngân hàng: Vietcombank  Chi nhánh Bến Thành, 69 Bùi Thị Xuân, Q.1, Tp. HCM

     

     

    Tìm hiểu thêm về Dự án Con Đường Sáng

    Bài viết liên quan