Ngày mai đầy triển vọng ở Đạ Nha

  • Thứ sáu, 10:10 Ngày 25/04/2014
  • Những ngày đầu triển khai dự án phát triển nông nghiệp bền vững tại Đạ Nha, người dân địa phương Kinh cũng như Thượng chẳng mấy người mặn mà. Dường như hai chữ “dự án” để lại trong đầu nhiều người một cảm giác ngờ ngợ “đầu voi đuôi chuột”, “được chăng hay chớ”, rồi “cũng một cõi đi về”... như bao dự án đã từng được triển khai trên mảnh đất mật ít ruồi nhiều này.

    Dự án kết thúc để rồi sau đó như ca từ của một bài hát vẫn thường được nhiều người nhại lại : “Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu....” Bò đi đường bò, dê chạy theo đường dê, ca cao lụi dần, cây xả tinh dầu cũng rụi theo... Khổ vẫn hoàn khổ! Lội ngược dòng để gõ cửa từng nhà, thuyết phục già làng để mọi người tham gia tập huấn và cùng nhau quyết tâm đổi đời qua dự án phát triển nông nghiệp bền vững này mới hiểu thế nào là cực trần ai.

    Trăm nghe không bằng một thấy, đồng bào sắc tộc dù giao dịch bằng tiếng Việt đã khá, nhưng cứ sách mà nói thì chẳng khác gì nói chuyện với đầu gối. Hình ảnh và hình ảnh thực tế qua các buổi tập huấn mới hy vọng còn đọng lại chút gì trong đầu óc của những con người vốn mộc mạc chất phác này. Compost chẳng là cái quái gì, SRI nghe càng ngứa tai, Golden finger hay Cavendish giống như vịt nghe sấm, dù có chuyển dịch là phân xanh hữu cơ hay lúa thâm canh tăng năng suất, chuối Nam Mỹ xuất khẩu... họ chỉ biết cúi đầu nói nhỏ với nhau bằng ngôn ngữ bản địa “ơ gít” (không biết). Chỉ cần chiếu sơ qua một số hình ảnh đã thực nghiệm đâu đó rồi dắt nhau ra đồng cùng nhau gom rác, nhặt phân bò, phân trâu vương vãi trong làng đánh đống ủ phân, tưới nước rắc vôi, đậy bạt lại thế là xong một bài học để đời. Lúa cũng vậy, chuối cũng thế, chẳng có gì là mờ mịt khó hiểu khi cùng nhau lội ruộng hay lên vườn xem tận nơi thấy tận mắt.

    Những định kiến dần được xóa mờ, nhất là khi cảm được sự dấn thân hết mình của anh chị em thực hiện dự án, niềm tin như được thắp sáng và hy vọng lại lóe lên về một ngày mai sẽ bền vững và tốt đẹp hơn.

    Chúng tôi nghĩ mình sẽ thật đắc tội khi một lần nữa đốt cháy niềm tin yêu hy vọng của những mảnh đời dường như sống mà không cần biết, cũng chẳng quan tâm ngày mai sẽ ra sao.

    Trong bối cảnh mà địa phương có những quyết sách mới về kinh tế như khai thác trắng những mảnh rừng “nghèo kiệt” để trồng cao su. Sáu năm nữa mới có câu trả lời cụ thể khi cao su cho mủ. Nhưng đối với những cư dân chuyên săn bắt hái lượm này, họ biết trông vào đâu để mùa nắng vào rừng lấy mật, mùa mưa bẻ măng đắp đổi qua ngày. Chuyện chẳng đơn giản chút nào. Điều này càng thúc đẩy chúng tôi thực hiện dự án thật tốt, không chỉ “hưởng dương tròn 36 tháng”, nhưng sẽ tiếp tục cùng đồng hành để nó thật sự đúng nghĩa là bền vững.

    Chúng tôi mơ ước những nương chuối bạt ngàn xanh biếc, xen lẫn với những cây “Chùm Ngây” (Moringa oleifera) trồng bên ngoài làm hàng rào chắn gió, trồng  giữa các hàng chuối để diệt cỏ, diệt nấm bệnh cho chuối và làm thực phẩm  đầy chất dinh dưỡng thay cho rau rừng một thời nay không còn đất sống.

    Có thu nhập từ chuối, sống khỏe nhờ cây chùm ngây ăn với gạo sạch, cùng với môi trường trong lành nhờ biết tận dụng các chất thải làm phân hữu cơ, chúng tôi sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng một nông thôn mới, một thôn bản mang đậm nét văn hóa Tây nguyên.

    Đạ Nha ơi, ngày mai ở phía trước rực sáng và đầy hứa hẹn biết bao, chỉ cần chung lòng và bàn tay nối kết bàn tay để cùng kiến tạo tương lai đầy kỳ vĩ này!

    Lm. Dương Công Hồ

     

     

     

     

     

    Chú thích hình ảnh:

    Hình 1: Chuối Nam Mỹ

    Hình 2,3: Làm việc với Liên minh EU

    Hình 4: Nhà cấy Mô Đạ Nha

    Hình 5,6: Tập huấn Nông nghiệp bền vững

    Bài viết liên quan