Và họ vẫn đến: Những người dân tị nạn ở Liban

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 09/07/2014
  • Amal, người mẹ 27 tuổi đã chạy trốn khỏi Damascus chia sẻ: “Trẻ em bị chết vì đói. Trẻ sơ sinh không có sữa để uống. Mọi người đã phải ăn thịt chó và mèo, phải luộc cỏ ăn để có thể đi xa hơn. Người ta ghét ban ngày vì không có gì để ăn và ghét ban đêm cũng vì không có gì để ăn.”

    Người Syria tiếp tục chạy trốn khỏi cuộc chiến trên đất nước của họ, qua biên giới Liban và các nước láng giềng khác. Ngay cả khi phải đối mặt với cuộc sống không mấy ổn định của người dân tị nạn, họ không còn có sự lựa chọn khác để cứu sống con cái mình.

    Laurette Challita, điều phối viên của trung tâm di cư Caritas ở miền Bắc Liban nói rằng: “Họ mất đi mọi thứ, không chỉ là nhà cửa và tài sản mà còn đánh mất cả giá trị của bản thân. Công việc của chúng tôi là trao lại phẩm giá cho họ, trao lại cho những người tị nạn khả năng kiểm soát chính cuộc sống của họ.”

    Những người tị nạn còn khả năng chi trả cuộc sống trong các lều tạm, các tòa nhà hay căn hộ bỏ hoang. Họ cần phải trả tiền thuê chỗ, điện, nước và thức ăn. Trẻ em cần đến trường, những người mẹ cần sinh con trong bệnh viện và những người lớn tuổi cần được giúp đỡ thuốc men.

    Những nhu cầu ngày càng gia tăng, trong khi các nguồn tài nguyên đang giảm dần. Liên Hiệp Quốc nói rằng họ chỉ nhận 28% trong số 6.5 tỉ đô la được yêu cầu trong năm 2014.

    Laurette Challita chia sẻ: “Tôi có một đứa con lên hai tuổi. Khi nhìn thấy một người mẹ với một đứa trẻ sơ sinh. Tôi sẽ nói với cô ấy rằng cô phải ăn để có thể nuôi đứa bé. Nhưng điều đó làm tôi đau lòng vì tôi biết cô ấy không có khả năng.”

     A man poses at a former conference hall turned into a shelter for Syrian refugees on June 19, 2014 in Dahr El Ain, near Tripoli. Photo: Matthieu Alexandre/Caritas

    Một người đàn ông tại một hội trường trước đây giờ là nơi trú ẩn cho người tị nạn Syria, vào ngày 19 tháng 6 năm 2014, tại Dahr El Ain, gần Tripoli. Ảnh: Matthieu Alexandre/Caritas

    Liban là một quốc gia nhỏ với 3 triệu người đang phải vật lộn với sự tràn ngập người tị nạn.

    Cha Paul Karam, chủ tịch Caritas Liban nhận định: “Một triệu người tị nạn đã gây áp lực lớn cho Liban. Một phần ba dân số chúng tôi giờ là người Syria. Hãy hình dung xem liệu Anh, Mỹ hay Italia có phải đón nhận nhiều người như vậy không.

    Quy mô cuộc khủng hoảng đang gây sửng sốt. Khoảng 2.8 triệu người Syria tị nạn phải chạy trốn sang các nước láng giềng, trong khi đó gần 10 triệu người trong nước cần viện trợ.

    Cha Paul Karam nói: “Chúng tôi không có đủ cơ sở vật chất cần thiết trong tay để giúp đỡ mọi người. Thiếu viện trợ là một điều rất khó khăn. Liban không trả tiền cho cuộc khủng hoảng này.”

    Caritas đang tiếp tục phân phối viện trợ như các gói thực phẩm, bếp và giường ngủ cho những người mới đến. Các phòng khám di động và trung tâm y tế đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe cơ bản.

    Bác sĩ Joseph Dibe làm việc tại một phòng khám Caritas tại Brirut nói: “Chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt.” Ông tự hào là họ không ghi nhận một ca tử vong nào trong hai năm qua. “Chúng tôi mong muốn có thể làm được nhiều hơn. Thay vì những người tị nạn phải tìm đến chúng ta, chúng ta nên đặt những điểm chăm sóc sức khỏe nơi họ sinh sống, để hỗ trợ 24/7.”

    Caritas đang đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chuyển từ phân phối sang cung cấp kỹ năng sống và giáo dục cho trẻ em. Caritas đã hỗ trợ 60.000 trẻ tị nạn Syria đến trường kể từ đầu năm.

    Myra Nassif đang vận hành một trung tâm cộng đồng Caritas cho người tị nạn Syria ở Dahr El Ain- Koura tại miền Bắc Liban. Trung tâm này cung cấp các khóa huấn luyện kỹ năng cho người lớn và tuổi vị thành niên về tiếng Anh, công nghệ thông tin và làm tóc.

    Những đứa trẻ nhỏ hơn có thể tham gia ‘chương trình học cấp tốc’. Chúng có thể bắt kịp những phần học bỏ lỡ trong ba năm vừa qua. Chương trình chuẩn bị để chúng có thể bắt đầu chương trình học ở Liban – một chương trình giảng dạy khác xa nhiều so với ở Syria.

    Syrian refugees children attend a class on June 20, 2014 near Caritas Migrant Center at Dekwaneh in Beirut. Credit: Matthieu Alexandre/Caritas

    Trẻ em tị nạn Syria tham gia một lớp học vào ngày 20 tháng 6 năm 2014 gần Trung tâm di cư Caritas tại Dekwaneh, Beirut. Ảnh: Matthieu Alexandre/Caritas

    Myra Nassif nói rằng: “Ưu tiên của họ là tiền thuê chỗ và thức ăn. Nhưng một khi họ bắt đầu các hoạt động thì họ thích thú với chúng.” Cô nói thêm: “Chúng tôi không tập trung vào số lượng nhưng tập trung vào chất lượng của công việc. Đó là một công việc rất khó nhưng khi người Syria nói với tôi đó là một trung tâm cộng đồng tốt nhất trong khu vực, tôi nghĩ đó là việc đáng để làm.” Trung tâm cũng cung cấp các giải pháp nhómvì mỗi người tị nạn đều đã chứng kiến bạo lực, người chết, mất đi bạn bè và người thân.

    Nhà tâm lý học Monette Kraitem nói rằng: “Sau khi điều trị, họ bắt đầu cởi mở hơn. Họ đã có thể ngủ vào ban đêm. Chúng ta không thể xóa đi ký ức của họ nhưng có thể giúp họ đối mặt với tình hình hiện tại.”

    Mọi người dân tị nạn đều có cùng mong ước – được quay về cuộc sống trước chiến tranh.

    Hajar 28 tuổi nhưng trông như đã 40 tuổi. Cô đến từ Hama, một trong những khu vực chính của cuộc nội chiến trong ba năm qua. Cô rời đi khi cuộc chiến bắt đầu, rồi trở về để sinh con vào năm ngoái. Cô bị bắt tại cuộc bao vây trong thành phố.

    Cô nhận xét: “Các cuộc ném bom diễn ra suốt hai, ba giờ trong một ngày, ban đêm tình hình càng tồi tệ hơn.”

    Cô đã trốn thoát qua các đường hầm được người Pháp xây dựng những năm 1920 và sinh con trong bệnh viện. Từ đó, cô đến miền bắc Liban và sống trong một trung tâm mua sắm lớn bị bỏ hoang cùng với 120 hộ dân. Trong khi thời tiết thì nóng bức, ngột ngạt và khó thở.

    Hajar trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “sự trốn chạy”. Trong Cựu Ước, Hajar là vợ lẽ của Abraham và là mẹ của Ismael, người sáng lập của người Ả Rập. Họ bị trục xuất vào trong sa mạc nhưng Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng kêu van và đã cứu họ.  

    Như lời kêu khấn cách đây 4000 năm, Hajar ngước mắt lên trời và nói: “Tôi cầu mong Thiên Chúa nghe thấy lời cầu nguyện của tôi cho hòa bình ở Syria và một ngày nào đó chúng tôi sẽ được trở về nhà.”

    Lược dịch: Kim Oanh

    Nguồn: Caritas Internationalis

    Bài viết liên quan