Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào

  • Thứ bảy, 10:10 Ngày 30/09/2017
  •  

    TTO - Đảo du lịch Bali lừng danh của Indonesia đang từng giờ ngóng về ngọn núi lửa Agung phun khói lưu huỳnh mù mịt.

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 1.

    Người dân đi tránh nạn ở Amed chỉ biết tụ tập cầu nguyện mong núi lửa không gây nhiều thiệt hại - Ảnh: REUTERS

    Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức địa phương cho biết đến giờ gần 135.000 người (cũng có nguồn nói đến 144.000 người) đã phải rời bỏ nhà cửa. Đây là những người sống xung quanh ngọn núi lửa nằm ở góc đông bắc của đảo.

    Đáng chú ý ở việc con số người phải di tản nêu trên cao hơn gấp đôi số dân cư sống ở khu vực bán kính 9 km xung quanh núi lửa mà chính quyền yêu cầu phải di tản. 

    Thông tin cho biết số người di tản cao hơn yêu cầu bởi hàng chục ngàn người đã tự nguyện ra đi vì lo lắng cho an toàn bản thân và gia đình và như vậy vòng bán kính an toàn đã nâng lên 12 km.

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 2.

    Người dân ở Kubu chất đồ đạc lên xe chạy xa núi lửa (đang phun khói trắng ở góc trái) sáng 29-9 - Ảnh: REUTERS

    Dấu hiệu núi lửa sắp phun chính là những cuộn khói trắng bốc cao lên trời và những rung lắc kéo dài suốt vài tuần qua.

    Chỉ trong 12 giờ của ngày 29-9 người ta đã ghi nhận đến 165 rung lắc từ núi lửa.

    Ông Kasbani, giám đốc Trung tâm núi lửa Indonesia, cho biết họ còn ghi nhận cả chấn động tương đương động đất 3 độ Richter.

     

     

     

    "Tình hình quanh núi lửa Agung rất nghiêm trọng và bất ổn”

    Ông Kasbani, giám đốc Trung tâm núi lửa Indonesia

    Ông Devy Kamil Syahbana, người phụ trách Trung tâm điều hành nguy cơ núi lửa và địa chất của Indonesia, khẳng định với nhật báo địa phương Kompas rằng vào ngày 28-9 các hình ảnh vệ tinh cho thấy vết đứt gãy trong núi lửa với diện tích đang lớn dần.

    Núi lửa Agung, cách trung tâm nghỉ dưỡng Kuta 75 km đã "vặn mình" từ đầu tháng 8 vừa qua, phun tro bụi và khí lưu huỳnh.

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 4.

    Các chuyên viên ghi nhận rung chấn cùng các số liệu liên quan hoạt động của núi lửa Agung tại trạm quan trắc ở Rendang - Ảnh: REUTERS

    Tối 22-9, Trung tâm giảm nhẹ thiên tai và khí tượng học Indonesia (PVMBG) đã nâng cảnh báo nguy hiểm do núi lửa Agung tại đảo Bali lên cấp độ 4 - mức cảnh báo cao nhất và yêu cầu mọi người tránh xa miệng núi lửa trong vòng bán kính 9 km.

    Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của PVMBG, xác nhận với hãng tin AFP rằng khả năng núi lửa phun trào là có nhưng "không thể đoán được khi nào".

    Ông giải thích rằng số rung chấn tăng lên cho biết dòng magma từ lòng núi lửa đang cuộn trào lên bề mặt.

    Nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương, tại Indonesia hiện có gần 130 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, nhiều nhất trên thế giới.

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 5.

    Số người phải di tản được phân bổ ở hơn 500 trung tâm tạm trú thiết lập tại các cơ sở của chính quyền. Trong ảnh là một trung tâm thể thao được trưng dụng làm nơi trú ngụ cho người dân đi tránh núi lửa - Ảnh: REUTERS

     

    Núi lửa Agung từng phun trào vào năm 1963 và làm thiệt mạng hơn 1.000 người dân sống chung quanh. Lần đó núi lửa phun suốt 1 năm và dung nham của nó trải ra bán kính đến 7,5 km.

     

    Lần đó tro bụi từ núi lửa phun cao đến 20 km lên bầu trời và rơi đến tận thủ đô Jakarta ở cách xa 1.000 km.

    Những hình ảnh chuẩn bị phòng núi lửa ở Bali:

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 7.

    Người dân đi tránh nạn ở Amed tụ tập cầu nguyện mong núi lửa không gây nhiều thiệt hại - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 8.

    Hôm 26-9, Tổng thống Joko Widodo (giữa) đã đến thăm ủy lạo người dân tại một trung tâm ở phía nam ngọn núi lửa. Một số gia đình có điều kiện đã di tản đến tận đảo Lombok - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 9.

    Tổng thống Joko đến thăm khu trữ lương thực cho người dân chạy nạn tránh núi lửa ở Karangasem - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 10.

    Chính quyền địa phương còn phải cho sơ tán 30.000 con gia súc nuôi thả ở khu vực. Trong ảnh là cảnh dồn gia súc lên xe chở đi ở Kubu - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 11.

    Nông dân ở Amed vẫn tranh thủ khai thác mùa màng dù núi lửa đã có dấu hiệu trở mình với những cuộn khói trắng lưu huỳnh bay mù mịt - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 12.

    Mối lo của chính quyền còn là những du khách nước ngoài thích cảm giác mạnh bất chấp cảnh báo lại gần núi lửa. Trong ảnh là các du khách đi thăm đền Penataran Agung Lempuyang trên đảo Bali - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 13.

    Đứa trẻ ngủ say trong khu tị nạn ở Rendang - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 14.

    Mẹ con người tị nạn ngoài trung tâm thể thao Klungkung trên đảo Bali - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 15.

    Một gia đình ở Kubu đi lánh nạn bằng xe máy, xa xa là núi lửa Agung đang phun khói lưu huỳnh cuồn cuộn vào sáng 29-9 - Ảnh: REUTERS

     

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 16.

    Lực lượng quân đội đã được huy động để hỗ trợ người dân tại các trung tâm lánh nạn - Ảnh: REUTERS

    Bali hồi hộp chờ núi lửa phun trào - Ảnh 17.

    Vẫn có du khách lưu lại hình ảnh Agung đang chuyển mình - Ảnh: REUTERS

    Nguồn: TTO

    Bài viết liên quan