Ban HIV/AIDS Caritas Phan Thiết: Trải nghiệm - học hỏi

  • Thứ tư, 14:55 Ngày 22/05/2019
  • Ban HIV/AIDS Caritas Phan Thiết chúng tôi đã có chuyến đi học hỏi đầy bổ ích tại Trung tâm Xã hội Camillian Rayong Thái Lan từ ngày 19 – 29/4/2019.

    Người thầy đầu tiên cho chúng tôi bài học về sự quảng đại, sự quan tâm yêu thương dành cho người khác và đặc biệt với những người bị bỏ rơi. Phải nói rằng chúng tôi không thể có được chuyến đi ý nghĩa này, nếu không có người thầy đó, là Cha Gioakim Nguyễn Văn Thành, Dòng Camillian, Bề trên Trung tâm xã hội Rayong, Thái Lan. Cha đã tạo mọi điều kiện, lo lắng cho chúng tôi tất cả: đầy đủ về vật chất và tinh thần và đã đồng hành với chúng tôi trong suốt 10 ngày. Ở nơi Cha, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng yêu thương của cha dành cho những người có H. cha có nhiều thao thức và kế hoạch cho Trung Tâm, nhất là ở Vườn Eden, nơi hướng nghiệp cho các anh chị em HIV.

    Bên cạnh Cha Thành, còn có Cha Woothichai Boonbunlu (Cha Joi –Y), chị Thuỳ cùng các các nhân viên các phòng ban và những người phục vụ, tất cả đều rất tốt với chúng tôi và dành cho chúng tôi những tình cảm quý mến. Mọi người sẵn sàng chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm quý báu mà họ đã từng trải qua, và những bài học xương máu mà họ đã rút ra từ những thành công và thất bại trong thời gian khởi đầu của công việc. Chúng tôi học được rất nhiều điều từ hai Cha và mọi người nơi đây, ai cũng hiền hòa, vui vẻ, và tốt bụng.

    Dưới đây là những điều cụ thể chúng tôi học hỏi được từ Trung tâm và những điều chúng tôi có thể thực hiện được cho Nhóm chúng tôi tại tỉnh Bình Thuận.

    • Về chăm sóc sức khỏe

    Tại Trung tâm các cộng tác viên quan sát và học hỏi thực tế các công việc chăm sóc người có HIV/AIDS, phần lớn tất các người bệnh đều ở giai đoạn cuối bệnh viện trả về đã liên hệ gửi cho Trung tâm hỗ trợ chăm sóc điều trị, cũng có những người bệnh trực tiếp liên hệ đến để được hỗ trợ và điều trị, sau một thời gian bệnh nhân được hỗ trợ chăm sóc điều trị phục hồi sức khỏe và tinh thần, sẽ được Trung tâm gửi về để được hòa nhập với xã hội và cộng đồng.

    Trung tâm có thể tự cấp phát thuốc ARV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội, người trực ở phòng cấp thuốc cũng là người bệnh có HIV có sức khỏe, được đào tạo về chuyên môn sẽ trực tiếp hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh ở giai đoạn cuối khi mới được chuyển vào Trung tâm, Người có H vẫn được lao động để có được thu nhập theo sức khỏe của mình.

    Với trẻ em dưới 16 tuổi được chăm sóc toàn diện, có những em mồ côi cha mẹ được chăm sóc tại trung tâm, các em được nuôi dưỡng, học tập và hướng dẫn sống tự lập. Ngoài việc học kiến thức văn hóa các em còn được học các môn ngoại khóa như  ( vẽ tranh, nhạc..) để các em có được tư tưởng lạc quan và luôn tự tin trong cuộc sống. Mỗi cuối tuần các bé được học về dinh dưỡng và tự chăm sóc cho bản thân.

    Còn trẻ từ 16 tuổi trở lên sẽ được chuyển sang ngôi nhà tự lập, ở đây các em tự chăm sóc cho bản thân và được trung tâm hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của các em để có thêm phần thu nhập cho cuộc sống ( như may đồ, làm nón, khăn, giỏ sách..). Đến tuổi trưởng thành các em có thể ra ngoài làm việc và lập gia đình.

    Về mảng chăm sóc và điều trị bệnh, Trung tâm có 4 phòng bệnh (mỗi phòng có 8 giường bệnh), 1 phòng cấp phát thuốc, 1 phòng tập vật lí trị liệu.... Với trẻ em, Trung tâm có thêm khu vui chơi và hồ bơi cho các bé.

    Trong công việc hỗ trợ chăm sóc và điều trị chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với anh Tỏn là trưởng nhóm tự lực của Trung tâm. Chúng tôi đã được anh chia sẻ những kiến thức thực tế và kinh nghiệm về chăm sóc người bệnh mà anh đã làm ở Trung tâm hơn 20 năm. Hiện tại anh là người giữ vai trò rất lớn trong việc đánh giá nhìn nhận người bệnh HIV qua từng giai đoạn, tiếp nhận bệnh nhân và chăm sóc. Tại đây, việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh đều có sự hỗ trợ liên kết chặt chẽ với bệnh viện tỉnh Rayong, nhằm mục đích có hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.

    Ngoài việc người bệnh được chăm sóc và điều trị, mỗi bệnh nhân ở Trung tâm đều có thêm một phần phụ cấp của nhà nước hỗ trợ tùy theo điều kiện sức khỏe của người bệnh.

    • Tạo việc làm cho người có H

    Chúng tôi được đến thăm vườn EDEN của Trung tâm. Ở đây Trung tâm đã xây dựng nhà cho người bệnh sống và làm việc. Tùy theo điều kiện sức khỏe của người bệnh mà Trung tâm hỗ trợ tạo việc làm, ví dụ: ( người khuyết tật đan võng, kết cườm, làm chổi....) Những người khỏe đảm nhiệm chăn nuôi, trồng trọt ( nuôi ếch, gà, bò, cá...trồng rau sạch). Với mô hình tạo việc làm cho người bệnh, Trung tâm đã dạy nghề, cung cấp nguyên liệu để người bệnh làm ra sản phẩm, sau đó người quản lý sẽ đi tìm đầu ra bán sản phẩm cho các thị trường như công ty, nhà máy, chợ.... Tất cả người bệnh đều tự làm và kiếm nguồn thu nhập để lo cho bản thân.

    • Về truyền thông

    Chúng tôi được gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kiến thức kinh nghiệm về truyền thông HIV. Những kiến thức thực tế chúng tôi được học và quan sát như: kĩ năng, cách thức truyền tải thông tin cho đối tượng, những khó khăn, thuận lợi trong truyền thông, lập nhóm truyền thông sau khi kết thúc buổi truyền thông tại địa phương. Qua buổi trao đổi, chúng tôi đã học được rất nhiều kiến thức về HIV, chẳng hạn: sự tấn công của vi rút HIV vào tế bào TCD4 và phá hủy hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh, các đường lây truyền HIV...

    Trong mỗi buổi truyền thông cần phải lên kế hoạch rõ ràng về mục đích và đối tượng mà mình sẽ truyền thông sao cho có hiệu quả. Chúng tôi nhận thấy tại Phan Thiết, nhóm ở độ tuổi thanh thiếu niên có nguy cơ lây truyền bệnh cao nhất qua việc quan hệ tình dục không an toàn. Từ đó chúng tôi được tư vấn và hướng dẫn rất kĩ cách truyền thông lây qua quan hệ tình dục bằng kiến thức và ví dụ minh họa. Những kiến thức thực tế đó giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm để về Phan Thiết truyền thông cho giới trẻ và người dân trong cộng đồng sao cho có hiệu quả hơn.

    • Bài học áp dụng    

    Qua chuyến đi học hỏi tại Trung tâm Camillian Rayong. Chúng tôi được thấy những mô hình và hoạt động chăm sóc toàn diện cho người có HIV rất hiệu quả từ chăm sóc phục hồi sức khỏe và tinh thần để hòa nhập cộng đồng, người bệnh được tạo việc làm có thể tự lo cho cuộc sống của chính mình. Từ mô hình đó chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng phần nào cho người có HIV tại địa bàn mà chúng tôi phục vụ:

    + Tư vấn cho người có HIV và người trong cộng đồng biết các đường lây truyền HIV
    + Tư vấn cho người có HIV cách chăm sóc sức khỏe khi mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, biết rõ kiến thức về thuốc ARV( các loại thuốc ARV đang uống, thành phần, hàm lượng, cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ).
    + Tiếp tục tiếp cận người có HIV để hỗ trợ họ và xây dựng nhóm tự lực vững mạnh hơn.
    + Lên kế hoạch nội dung truyền thông sát thực với từng đối tượng cần truyền thông tại địa phương.
    + Hỗ trợ tạo việc làm cho người có HIV.

    Trên đây là những điều chúng tôi đã thấy, đã học và trải nghiệm cũng như một số hoạt động có thể áp dụng tại địa phương của chúng tôi. Hy vọng chúng tôi sớm thực hiện được những hoạt động đó để người có H tại địa phương của chúng tôi sớm được hòa nhập cộng đồng, và người dân trong cộng đồng của chúng tôi biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV cũng như có cái nhìn tích cực hơn đối với các bệnh nhân có H. Một lần nữa chúng tôi hết lòng cảm ơn Cha Thành, Cha Joi –Y, các thành viên ở Trung tâm xã hội Camillian Rayong, chị Thùy và các nhân viên công ty của Chị. Nguyện xin Chúa ban thêm sức khỏe, bình an và tràn đầy ân sủng cho tất cả mọi người.

    BTT Caritas Phan Thiết

    Một số hình ảnh chuyến đi

     

    Bài viết liên quan