Bưởi Phúc Trạch rụng chất đống sau bão ở Hà Tĩnh

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 18/09/2017
  •  

    Xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm bên bờ sông Ngàn Sâu. Những ngày sau bão, các nẻo đường đi vào nơi này lầy lội, đất đá ngổn ngang. Ở trong sân của nhiều gia đình, bưởi Phúc Trạch - đặc sản địa phương - được xếp từng đống từ quả xanh lẫn quả vàng do bị bão Doksuri thổi rụng.

     

    Nhà ông Bạch Đình Viên (57 tuổi, trú thôn 6) có 250 gốc bưởi, nay xơ xác lá chỉ còn lại mỗi cây vài quả, con số quá ít so với mỗi cây khoảng 70 quả trước bão. Buồng ngủ, phòng khách của gia đình trước trống trải, giờ chất đầy bưởi.

    buoi-phuc-trach-rung-chat-dong-sau-bao-o-ha-tinh

    Ông Viên buồn rầu nhặt bưởi rụng đem bán rẻ. Ảnh: Đức Hùng

     

    Ông Viên nhẩm tính, thiệt hại do trận bão này ước tính 50 triệu đồng. Giá bưởi trước kia mỗi quả khoảng 40.000-50.000 đồng, giờ rụng bán không được một nửa. Thương lái cứ vào thu mua từng bì rồi đưa đi. Gia đình dự định để bưởi đến tận trung thu bán cho được giá, giờ "xem như tiêu tan".

     

    "Ngồi trong nhà tránh bão, thấy mái xi măng bị gió quật tung, nhìn ra bên ngoài bưởi rụng như ngả rạ mà tay chân rụng rời, vợ chồng nhìn nhau không nói nên lời", ông Viên nhớ lại giây phút bão tàn phá vườn bưởi.

     

    Dù thiệt hại nặng nề song người đàn ông 57 tuổi vẫn cảm thấy may mắn, vì sau bão không xảy ra mưa lớn, nếu có lũ lụt thì hậu quả khôn lường. Bưởi không chỉ rụng trái mà còn bật gốc, phải trồng mới.

     

    Cách nhà ông Viên khoảng 700 m, gia đình bà Lương Thị Liễu (57 tuổi) có 50 gốc bưởi bị bật gốc, rụng chừng 600 quả. Bình thường, bưởi Phúc Trạch do được giá và là "hàng hiếm" nên nhiều lúc thèm gia chủ không dám ăn. "Nay bưởi rụng ăn đến nỗi phát ngán", bà Liễu nói, mặt buồn rầu.

    buoi-phuc-trach-rung-chat-dong-sau-bao-o-ha-tinh-1

    Bà Liễu bên gốc bưởi gãy còn sót lại một quả. Ảnh: Đức Hùng

     

    Hai hôm nay, bà Liễu tất bật "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở ngoài vườn bưởi để dọn dẹp cây, nhặt bưởi rụng. Điện thoại reo liên hồi khi thương lái hỏi mua bưởi giá rẻ, dù không muốn song bà vẫn phải bán vì để lâu sợ thối, mất trắng.

     

    "Với những gốc bưởi gãy, tôi phải trồng mới. Số tiền bán bưởi rụng không bù được tiền cây giống. Mùa này lỗ rồi", bà Liễu nói.

     

    Hốt hoảng, lo lắng là cảm giác chung của rất nhiều người dân ở xã Hương Thủy khi chứng kiến bưởi bị bão quật rụng. Với các hộ dân ở đây, bưởi Phúc Trạch là nguồn thu nhập chính, nếu may mắn có gia đình thu hàng trăm triệu mỗi vụ.

     

    Hôm qua, nước sông Ngàn Sâu ở xã Hương Thủy dâng cao, ngập hết ngả đường, bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, trú xóm 4) bất lực, buồn rầu vì phải vứt đi hàng trăm quả bưởi do bị thối. Đường vào nhà bà bị nước ngăn cách, vì thế không ai có thể vào "giải cứu" bưởi được.

    buoi-phuc-trach-rung-chat-dong-sau-bao-o-ha-tinh-2

    Thương lái thu mua từng bì bưởi rụng với giá rẻ. Ảnh: Đức Hùng

     

    Thất thu mùa bưởi, nhưng nhiều hộ dân tự an ủi gốc cây vẫn còn thì năm sau sẽ cho quả gỡ gạc. "Thôi đành chịu khó, bữa ăn bớt đi một món, con cái chịu thiệt thòi tý khi không có quần áo đẹp đến trường; mùa sau trời mà thương, bưởi được giá đắt, cả nhà lại tươm tất", một người dân tâm sự.

     

    Ông Đỗ Công Anh, Trưởng công an xã Hương Thủy, cho biết toàn xã có khoảng 50 ha bưởi, trong đó 30 ha thiệt hại nặng, rụng khoảng 20.000 quả. "Bưởi là cây chủ lực phát triển kinh tế của xã, bà con ai cũng xót ruột", ông Công Anh nói.

     

    Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, toàn huyện có hơn 400 ha bưởi hư hỏng, rụng quả sau bão Doksuri, thiệt hại ban đầu 170 tỷ đồng.

    10h ngày 15/9, bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Sau 6 tiếng hoành hành, bão đã làm 8 người chết, hơn 120.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, hệ thống điện, viễn thông tê liệt. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có 2 người chết, gần 70.000 nhà tốc mái.

     

    Đức Hùng

    (vnexpress)

    Bài viết liên quan