Caritas Huế: Sinh Hoạt Và Truyền Thông Cho Cộng Đồng Về Kiến Thức HIV Tại Giáo Xứ Chánh Xuân

  • Thứ ba, 10:17 Ngày 09/03/2021
  •  

    Một trong những hoạt động hỗ trợ người có H hòa nhập là truyền thông cho cộng đồng về kiến thức HIV và tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H. Ngày 28.02.2021, Caritas Huế đến sinh hoạt truyền thông cho các bà mẹ tại Giáo xứ Chánh Xuân với đề tài “Đồng hành cùng con cái” và “mở lòng tránh kỳ thị phân biệt đối với người nhiễm HIV”.

    Hiện diện trong buổi sinh hoạt này có Cha Quản xứ Đôminicô Trương Văn Quy, các nữ tu cộng đoàn Chánh Xuân, nữ tu Trà Ảnh, các cộng tác viên và 40 bà mẹ trong giáo xứ.


    Nữ tu Trà Ảnh chia sẻ với các bà mẹ phương pháp dạy con theo Shichida: Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận. Nữ tu phân tích: Khi đứa trẻ được yêu thương thì Beta-endorphin được sinh ra, đứa trẻ tràn đầy năng lượng, trái tim trẻ rộng mở. Được bao bọc trong yêu thương, trong sự dịu dàng đứa trẻ tiếp thu cao, biết đối xử tốt với người chung quanh. Chúng ta sẽ sai lầm khi chúng ta la mắng, chê bai, đánh đập làm cho trẻ phản kháng. Khi cơ thể trẻ bị chê bai, bị quát mắng, bị đánh đập thì trẻ cảm thấy căng thẳng, cơ thể tiết ra chất cortisol và trẻ sẽ bị chậm phát triển toàn diện. Vì thế đứa trẻ cần được ôm vào lòng, bạn cần ôm con, hôn con, vuốt ve con, lắng nghe con.

    Mục đích cho việc nuôi dạy con là nuôi dưỡng trái tim con trẻ. Bên cạnh đó, tình yêu thương giúp tạo nguồn động lực cho con. Nguồn động lực ở con trẻ trỗi dậy nhờ vào cảm giác an toàn mà con cảm nhận được từ tình thương của mẹ. Từ đó, tình yêu thương của cha mẹ sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp trẻ trở thành một con người phát triển toàn diện và hạnh phúc sau này.
     

    Khi được cha mẹ yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận trẻ thường muốn làm cho cha mẹ vui lòng hơn nữa. Những động thái khuyến khích từ cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm động, tiếp thêm động lực và sự quyết tâm thay đổi. Đồng thời trái tim trẻ sẽ hoàn toàn rộng mở. Trẻ sẽ không cãi lời cha mẹ và ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy cha mẹ không nhìn nhận, không khen ngợi và không yêu thương, trẻ sẽ đóng chặt lòng mình và sẽ lớn lên với lòng nghi kỵ cùng sự phản kháng. Lời khen ngợi sẽ giúp trẻ xây dựng lòng tự tin. Thay vì chăm chăm vào khuyết điểm của con mình và không khen ngợi chúng, thì hãy nhìn nhận những gì con đang có và cố gắng khen chúng. Nếu không chú ý đến những khuyết điểm mà chỉ tập trung vào ưu điểm và khen con thì những ưu điểm sẽ ngày càng lớn mạnh, còn khuyết điểm sẽ từ từ biến mất. Hãy tin tưởng con trước khi nghĩ đến việc kỷ luật con.

    Thông thường, các bậc phụ huynh luôn muốn nuôi dạy con thật tốt. Nhưng một trong những điểm quan trọng trong việc nuôi dạy con mà bố mẹ hay bỏ sót là cần nhìn nhận con đúng với những gì con đang có. Chúng ta cần biết rõ khả năng của trẻ. Không so sánh con nhà mình và con nhà người ta. Cần khuyến khích trẻ phát huy khả năng của mình.

    Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, nếu cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách mù quáng và nuông chiều chúng vô lối thì kết quả là đứa trẻ sẽ mất khả năng kiểm soát nhu cầu, ham muốn và cảm xúc của mình.
     Con đường phạm tội của trẻ vị thành niên đó là trẻ không có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình; hay nói cách khác, trẻ trở nên ích kỷ và thiếu khả năng chịu đựng. Khi một nhu cầu được thỏa mãn, trẻ sẽ mong chờ nhiều hơn và những đòi hỏi sẽ ngày càng lớn dần. Đứa trẻ sẽ lớn lên mà không học được cách tự kiềm chế và không có khả năng chịu đựng. Ngược lại, những trẻ học được cách tự kiểm chế ngay từ tấm bé sẽ không dễ nản chí bởi vì chúng có thể kiềm chế ham muốn của bản thân.

    Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, tình trạng hiện tại của con là kết quả quá trình nuôi dạy của cha mẹ. Nhìn nhận con, khen ngợi con, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên rộng mở và chịu trò chuyện với cha mẹ. Khi bạn nhìn nhận cảm xúc của con, trái tim con sẽ rộng mở và con sẽ giãi bày với bạn thêm nhiều điều khác nữa. Hãy làm bạn với con, chịu khó, kiên nhẫn dành thời gian cho con cái, lắng nghe và chuyện trò cùng trẻ. Khi trẻ cảm được sự thấu hiểu của bạn đối với chúng trẻ sẽ mở lòng ra cho cha mẹ.

    Nữ tu hướng các bà mẹ nhận ra mỗi người chúng ta là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, cần trân quý và phát triển kiệt tác này mỗi ngày càng xinh đẹp hơn. Để đồng hành cùng con cha mẹ hữu hiệu cha mẹ cần quản lý cảm xúc của mình, biết lắng nghe, bầu bạn cùng con và trên hết cha mẹ cần có đời sống cầu nguyện “Con người trở nên vĩ đại khi quỳ gối cầu nguyện” (Nhà bác học Ampere). “Để trở nên cha mẹ tuyệt vời chúng ta quỳ gối cầu nguyện”. Một con người cầu nguyện là một con người biết yêu thương. Khi chúng ta hành động bằng trái tim yêu thương thì trong chúng ta tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực tuy không thấy nhưng muôn vật chung quanh chúng ta cảm được. Năng lượng yêu thương phát ra làm cho bầu không khí chung quanh ta chuyển đổi. Một người từ tâm sẽ trao đi sự từ tâm, nhân hậu đến với người khác và mọi người chung quanh sẽ cảm nhận sự bình an khi được ở gần người đó. Chúng ta sẽ trở nên nhân hậu khi chúng ta mở lòng đón nhận sự nhân hậu từ chính Chúa Giêsu. Mỗi khi chúng ta rước lễ, Chúa Giêsu đi vào trong chúng ta biến chúng ta nên giống Ngài. Khi chúng ta mở lòng mình thì chúng ta đón nguồn sân sủng của Ngài. Hãy mở lòng cho Chúa, hãy ở lại và quỳ gối nài xin.

     
    Hãy dạy cho con trẻ trí tuệ, sống hài hòa với người khác và biết làm việc lành. Napônion Hill định hướng cho giáo dục Mỹ như vậy.
    Để con cái sống hạnh phúc và thành công trong cuộc sống ngay bây giờ cha mẹ cần hỗ trợ trẻ tập tành những thói quen tốt, sống với lòng biết ơn, học cách lắng nghe, giao tiếp, quản lý cảm xúc, sống có trách nhiệm, lòng từ bi….Trẻ cần luyện tập từng ngày, từng ngày, rồi năm tháng trôi đi trẻ được hình thành những kỹ năng mềm trong đời sống.
    Gieo hành động tốt gặt thói quen tốt.
    Gieo thói quen tốt gặt nhân đức tốt.
    Gieo nhân đức tốt gặt nhân cách tốt.
    Nhân cách quyết định số phận của mình.

    Nữ tu Trà Ảnh giới thiệu nguyên tắc 90/10 của Stephen Covey, cùng với các câu chuyện, những clip video ngắn, những trò chơi và hoạt động nhóm làm cho các bà mẹ hứng khởi và nhiệt tình tham gia. Nữ tu còn chia sẻ kiến thức HIV và mời gọi các mẹ không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm H giúp họ hòa nhập vào cộng đồng tốt hơn.

    Buổi sinh hoạt kết thúc với lời tạ ơn. Và mong ước của các bà mẹ là cứ hai tháng một lần Caritas Huế đến sinh hoạt, chia sẻ với họ. Mọi người ra về trong bình an và niềm vui.

    Văn phòng Caritas Huế
    Nguồn: tonggiaophanhue
    Xin xem thêm một số hình ảnh:


     
     


     


     
     
     
     
     
     

    Bài viết liên quan