Caritas Việt Nam: Thăm Viếng Một Số Gia Đình Có Hoàn Cảnh Khó Khăn

  • Thứ tư, 09:29 Ngày 18/11/2020
  • Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (x. Hc 7, 32) nhân ngày thế giới vì người nghèo lần thứ IV, phái đoàn Caritas Việt Nam gồm Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP., Giám đốc Caritas Việt Nam và một số nhân viên đã đến viếng thăm và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

    Caritas Việt Nam thăm gia đình chị Mai

    Cha giám đốc Caritas nói, “Khi tôi vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Caritas Việt nam, thì Miền Trung thân yêu đang phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử gây biết bao đau thương và mất mát cho người dân. Sau khi tôi vừa đi thăm và khảo sát tình hình ở Miền Trung về để có kế hoạch phục hồi sau thiên tai, thì đúng dịp Ngày Thế Giới Người Nghèo. Những sự kiện đó càng nhắc nhở và thúc bách tôi về sứ vụ của Caritas là quan tâm phục vụ người nghèo, người chịu thiệt thòi trong xã hội".

    Biết rằng, lúc nào và ở đâu cũng có người nghèo bên cạnh chúng ta, nhưng ai ngờ lại có những người quá cơ cực đang phải sống trong căn chòi rách nát, và thiếu thốn mọi mặt giữa một thành phố phồn hoa phát triển và đầy đủ tiện nghi.

    Đến được gia đình ông bà N. V. H, ở Tam Bình, Thủ Đức, TP. HCM, chúng tôi phải đi qua con đường trơn trượt, đất đá lổm cổm và không có ánh sáng của điện, nước sạch và Internet. Nơi đây là một bãi đất trống, sình lầy và ngập lụt mỗi khi thủy triều hoặc mưa bão. Nhà ở của họ là một căn chòi được bao phủ bởi những tấm bạt nhựa và ván ép chắp vá do nhóm tình nguyện viên làm cho. Để vào được bên trong căn chòi của ông Hến là phải cúi rạp người xuống mới chui qua được cửa, và bên trong chỉ có một chiếc giường cũ kỹ, xiêu vẹo với tất cả các vật dụng của gia đình được chất lên đó. Chiếc giường còn là góc nấu ăn của ông bà mỗi ngày, bởi ngoài chiếc giường ra thì chẳng còn khoảng trống nào trong căn chòi chắp vá này.

    Ông N. V. H đi bán vé số về (ngõ vào căn chòi của ông)

    Ông chia sẻ: “Chúng tôi thuê miếng đất trống này, rồi dựng chòi với giá 350.000/một tháng. Hằng ngày tôi phải đi bán vé số. Tôi buộc phải bán hết 150 tấm vé số để trang trải cuộc sống và lo tiền thuốc cho bà. Ngày bà uống ba cữ thuốc tiền đâu mà chịu nổi.”

    Đi qua khu hẻm khác đến một xóm trọ khác cũng không có gì khá hơn khu trọ nhà ông bà Hến. Nơi đây cũng là khu đất trũng, để hoang được người chủ cho thuê. Sau đó người di cư nghèo khổ này dựng lên thành những căn nhà nhỏ. Nếu khu đất trên trong cùng một dòng họ với 7 hộ gia đình đến từ tỉnh An Giang, thì khu đất thuê này thuộc những bà con quê tỉnh Sóc Trăng.

    Một số căn chòi nơi 7 hộ gia đình trong cùng một dòng họ sinh sống. Họ đến từ tỉnh An Giang, đã phiêu bạt trên tp.HCM trên 20 năm.

    Chị Nguyễn Thị Mai (tên đã được thay đổi), 29 tuổi, ba đứa con, em lớn nhất 13 tuổi đang theo học lớp phở cập di dân do các Nữ tu dòng Đức Con Đức Mẹ Phù Hộ phụ trách, em thứ hai đang học lớp 2, và bé nhỏ nhất mới sanh được 19 ngày. Em kể: “Vì người chồng suốt ngày nhậu nhẹt và không chịu làm ăn nên em đã bỏ. Giờ ông bà ngoại nuôi, bà ngoại tuốt rau muống mỗi ngày kiếm được khoảng 70 ngàn đồng. Em bị bệnh tuyến giáp, nếu không có thuốc uống, em không nói được. Lúc nào nó cũng hành em, làm người rất mệt mỏi. Nếu em mổ được sẽ khoẻ, nhưng với chi phí 40 triệu cho ca mổ này, em đành sống với căn bệnh này. Để có chi phí cho việc sanh nở và sữa ngoài cho con uống, em đã phải cầm cố chiếc xe máy là tài sản lớn nhất của mình và tích luỹ sau bao nhiêu năm làm lụng. Nhưng mỗi tháng em phải trả lãi suất hết 2 triệu đồng một tháng. Mọi thứ chỉ biết trông chờ vào bà ngoại.”

    Chị Mai và con gái 19 ngày tuổi, bốn mẹ con chị sống chung trong căn nhà của bố mẹ chị.

    Tuy những người di dân nơi đây phải sống trong sự thiếu thốn, ẩm thấp, nguy hại đến sức khoẻ, nhưng nơi họ vẫn toát lên sự giản dị, đơn sơ mộc mạc của người Miền tây Nam bộ. Những ánh mắt biết cười, sự vui đùa hồn nhiên của các em nhỏ và tình người giữa họ là những đặc điểm nổi bật mà chúng tôi đã học được. 

    Còn rất nhiều người nghèo bên chúng ta, có lẽ chúng ta cũng không thể và không bao giờ bù đắp hết cho họ hay giúp đỡ họ có thể thoát cảnh nghèo, nhưng chúng ta có nhiều cách để đến với họ, có thể bằng nụ cười, lời động viên hay một chén cơm dư như lời Mẹ Têrêsa Calcutta nói, “Nếu bạn không thể làm cho trăm người đỡ đói, thì cần một mà thôi.”

    Cha Giám đốc trao quà cho bà N.T. H (vợ ông N.V.H) 

    ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng “Caritas là trung tâm của Giáo hội” và Ngày Thế Giới của Người Nghèo là giây phút để ghi nhớ và đào sâu sự cống hiến của chúng ta trong việc đặt người nghèo làm trung tâm, nâng họ lên, và đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe.

    Ước mong sao khi gặp gỡ những người người nghèo khổ, chúng ta luôn cảm thấy được niềm vui bởi đó là cơ hội chúng ta gặp gỡ được chính Chúa nơi những người nghèo khó (Mt 25, 40). Đúng như lời của ĐTC Phanxicô “Vì người nghèo đang và sẽ luôn ở bên chúng ta để giúp chúng ta chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta” (x. Ga 12,8 ).

    Một số hình ảnh trong chuyến viếng thăm các gia đình

    Lối vào khu xóm trọ của những cư dân đến từ tỉnh Sóc Trăng
    Bà Thu chia sẻ về thu nhập lặt rau muống bấp bênh. Đây cũng là công việc chính của những người di dân nữ trong khu xóm trọ này đến từ tỉnh Sóc Trăng.
    Một trong những căn chòi của khu xóm trọ nơi những di dân đến từ tỉnh Sóc Trăng
    Cha Giám đốc Caritas Việt Nam thăm bà N.T. S., 84 tuổi, đau ốm và đi lại rất khó khăn.
    Cha Giám đốc lắng nghe bà N.T H. thuộc khu xóm trọ của  một số hộ di dân đến từ tỉnh An Giang
    Bên trong căn chòi của ông bà N.V. H
    Nt. Quỳnh Tâm lắng nghe bà N.T. H chia sẻ về cuộc sống.
    Chị P. T. T con dâu bà N. T. H đến từ tỉnh An Giang chia sẻ về công việc nhặt ve chai 

    PTT - Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan