Caritas Việt Nam: Tường thuật ngày thứ hai - hội thảo về khía cạnh đạo đức liên quan đến HIV/AIDS trong việc phòng ngừa, chăm sóc, và hỗ trợ

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 09/05/2017
  • Ngày 05/5/2017

    Vào lúc 8giờ00 sáng, Cha Gioan Phương Đình Toại, MI, Thạc sĩ Tâm lý, Thạc sĩ Thần học Mục vụ, hiện đang làm việc và học tập tại ĐH Gregorian, chia sẻ về đề tài: “Phát triển chiều kích đạo đức và ý nghĩa giáo dục trong việc chăm sóc mục vụ trẻ vị thành niên và thanh niên sống chung với HIV/AIDS”.

    Cha trình bày: Theo báo cáo của UNAIDS, tỉ lệ trẻ vị thành niên và thanh niên trên toàn cầu bị nhiễm HIV là khoảng 34%. Tính đến cuối năm 2012, ước tính trên toàn cầu có 35,3 triệu người đang sống với HIV; trong số này, có 2,1 triệu người là trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10-19, trong đó phần lớn là nữ giới (chiếm 56%).

    Nhờ có thuốc kháng virus ARV và một số chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tốt dành cho Trẻ mồ côi và trẻ em dễ bị tổn thương (OVC) trong những năm qua mà nhiều sinh mạng đã được cứu sống. Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm chính ở nhiều quốc gia đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng là làm thế nào để giúp những trẻ vị thành niên đang sống với HIV/AIDS hòa nhập vào xã hội. Riêng đối với người Kitô hữu, một thách đố đang đặt ra là làm sao để chúng ta có thể giúp những trẻ vị thành niên này có lối sống hợp đạo đức, trở nên người trưởng thành, trở thành người biết yêu thương, biết cách ngăn chặn chính họ truyền bệnh HIV cho người khác và có một cuộc sống gia đình tốt?

    Các em bị nhiễm HIV không chỉ chống chọi với bệnh sinh lý, mà còn trải qua những kinh nghiệm đau thương vì bị lạm dụng cảm xúc và bạo lực trong gia đình. Tất cả những trải nghiệm tiêu cực sẽ để lại trong các em những ký ức dễ gây xúc động mạnh và sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi trong tâm trí các em về tương lai của mình, về học vấn và đặc biệt là về các mối quan hệ và tình trạng hôn nhân trong tương lai của các em. Các em rất dễ bị tổn thương tâm lý, nhận thức, và cũng khó có cơ hội để hình thành lương tâm tốt.

    Từ những phân tích về sự phát triển tâm lý và đạo đức của trẻ vị thành niên sống với HIV/AIDS, Cha Gioan đề xuất phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết các vấn đề tâm lý và đạo đức của trẻ cho các nhà giáo dục và những người chăm sóc Công giáo như sau:

    1) Giúp trẻ em tiếp thu và lớn lên cùng với các giá trị đạo đức Công giáo.

     2) Có sự đồng cảm và dạy các em có sự đồng cảm.

     3) Dạy các em yêu thương bằng cách yêu thương các em.

    Tiếp theo Bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn, trưởng khoa ngoại bệnh viện Bình Dân, tổ công tác HIV-AIDS thuộc Phòng khám ĐKXM, chia sẻ đề tài: “Việc chữa trị người có H tại một phòng khám đa khoa Công giáo”.

    Phòng khám ĐKXM là một trong số các phòng khám hiếm hoi ở Việt Nam có khoa chữa trị người có H. Để điều trị toàn diện cho người có H, phòng khám đã mời một số chuyên viên đã được huấn luyện về HIV/AIDS, lao, dinh dưỡng, ngoại khoa, tâm lý, tư vấn, và đặc biệt có sự tham gia của các tu sĩ.

    Bác sĩ Phấn chia sẻ, niềm vui đón nhận người có H cũng trộn lẫn với những băn khoăn lo lắng, thậm chí, đôi khi trong nội bộ phòng khám cũng xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa, vì việc tiếp nhận người có H làm giảm số lượng bệnh nhân thường đến với phòng khám, làm giảm doanh thu, nhiều tháng không đủ tiền trả lương cho nhân viên. Phải mất một thời gian dài để mọi nhân viên trong phòng khám vượt qua những sợ hãi và thành kiến đối với bệnh nhân có H. Phải trải qua nhiều buổi học hỏi tài liệu Công giáo và y khoa, đặc biệt qua tài liệu của Đức Ông Robert J. Vitillo, Ban Giám Đốc cũng như nhân viên mới tìm ra hướng giải quyết mang lại lợi ích cho bệnh nhân có H. Kết quả: Giáo dục là chìa khóa quan trọng để chống lại đại dịch.

    Bác sĩ Phấn nói: nhờ noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu, gắn bó với Giáo Hội mà phòng khám vẫn giữ được tinh thần Kitô giáo qua các buổi cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Nhờ làm công tác y tế dựa vào lòng TIN mà khoa chăm sóc người có H đã xây dựng được mối dây liên đới, hợp tác với cả các cơ quan y tế.

    Bác sĩ Phấn kết luận: nhìn lại mười năm kể từ lúc phòng khám có khoa chăm sóc người có H đến nay, toàn thể nhân viên phòng khám hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho họ được nhiều sự quan tâm của các mục tử, các dòng tu, các vị ân nhân và nhất là giúp họ giữ được tinh thần phục vụ bệnh nhân như anh chị em của một Cha trên trời.

    Tiếp đến, chị BC đến từ Vĩnh Long chia sẻ những thiệt thòi mà người vợ, người mẹ có H phải chịu đó là: khi mang thai thường được tư vấn nạo phá thai để giảm tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm H từ mẹ; bị triệt sản ngay sau khi sinh mà không hề được hỏi ý kiến; trong đời sống hôn nhân gia đình nếu người vợ có H lây nhiễm cho chồng thì người vợ đó thường bị bạo hành tinh thần rất nhiều.

    Cùng tâm trạng của người có H, anh BT đến từ Huế chia sẻ người có H thường bị gia đình bỏ rơi, bị kỳ thị, và bị loại trừ. Bản thân người có H giai đoạn đầu xem thường việc sử dụng thuốc ARV nên không uống thuốc đều đặn khiến hện miễn dịch suy giảm đến độ không thể hồi phục. Anh BT kết luận rằng người có H rất cần những ánh mắt cảm thông, những vòng tay mở rộng và những lời nói khích lệ của mọi người để giúp họ vượt qua những đau khổ, tủi nhục và có cuộc sống tốt hơn để có thể tái hòa nhập với cộng đồng.

    Sau phần chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của chị BC và anh BT Đức Ông Robert Vitillo và bác sĩ Klemens đã thay lời cho các TDV cám ơn sự chia sẻ chân thành của hai anh chị. Đức ông và bác sĩ Klemens đều nói rằng không phải người có H cám ơn những người chuyên trách, ngược lại, những người chuyên trách phải biết ơn những người có H về nghị lực vượt lên số phận của họ; đồng lời bản thân người có H là lời chứng sống động và giá trị trong công tác tuyên truyền phòng người lây nhiễm H.

    Tiếp theo, Đức Ông Robert J. Vitillo trình bày về Bộ Quy tắc Đạo đức của Caritas Quốc tế”.

    Trong lời dẫn nhập, Đức Ông Vitillo nhấn mạnh, Caritas Quốc Tế là một phần quan trọng của Giáo Hội. Vì thế, công tác của Caritas Quốc tế được Kinh Thánh, giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội Công giáo khích lệ, định hướng và xác định, và là một cuộc gặp gỡ cá nhân trong tinh thần yêu thương với những người túng thiếu. Trong diễn văn phát biểu trước Hội Đồng Đại biểu Caritas Quốc Tế năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Caritas là sự âu yếm của Giáo Hội đối với con cái mình”, do đó, Caritas phải là cánh tay ôm nhận tất cả mọi thành phần trong xã hội.

    Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, tất cả mọi người nam nữ được tạo dựng với nhân phẩm độc đáo bởi vì con người “vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm”. Do đó, khi xây dựng Bộ Quy tắc Đạo đức, người ta dựa trên và tóm lược thành tôn chỉ các giá trị và các nguyên tắc sau đây:

    Các Giá trị bao gồm: công bằng, công ích, phát triển con người toàn diện, lòng thương xót, ưu tiên chọn lựa người nghèo và bị áp bức

    Các nguyên tắc: hợp tác, bổ trợ, tham gia, trao quyền, độc lập, tinh thần phục vụ và trách nhiệm giải trình, sự bình đẳng, tính phổ quát, sự vô tư và bao dung, bảo vệ, kinh tế địa phương, chăm sóc thế giới tạo thành và quan tâm đến tác động môi trường, phối hợp, bênh vực, học tập và phát triển nhân viên, chăm sóc nhân viên 

    11g00-11g45 là phần thảo luận chung. Trong đó, cha Toại và bác sĩ Klemens trả lời một số câu hỏi của TVD liên quan đến việc tư vấn và chăm sóc người có H, ví dụ như: Làm gì khi trẻ em có H không được nhận vào trường học? Nên hay không nên điều trị Methadone? Tư vấn không nạo hút thai như thế nào cho người có H có hoàn cảnh đặc biệt? Phần thảo luận chung rất sôi nổi về những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, nhưng vì thời gian có hạn nên còn một số câu hỏi của TDV còn bỏ ngỏ.

    Phần kết thúc: Cha Vinhsơn, Giám đốc Caritas Việt Nam, lên trình bày: bản tổng kết hội thảo. Sau đó, các vị chủ toạ đã trao giấy chứng nhận cho TDV. Với giấy chứng nhận trên tay, TDV đã cười thật tươi để có những tấm hình chung đẹp. Cuối cùng, Cha Vinhsơn đã bế mạc hội thảo với lời cám ơn chân thành gửi đến Đức ông Vitillo và các thuyết trình viên cũng như sự hiện diện tích cực của các TDV.

    Truyền thông Caritas VN

    Hình ảnh hội thảo ngày thứ hai - phần 1

    Hình ảnh hội thảo ngày thứ hai - phần 2

    Bài viết liên quan