Caritas Việt Nam: Tường thuật ngày thứ nhất - hội thảo về khía cạnh đạo đức liên quan đến HIV/AIDS trong việc phòng ngừa, chăm sóc, và hỗ trợ

  • Thứ bảy, 10:10 Ngày 06/05/2017
  • Ngày thứ nhất, 04-5-2017

    Hội Thảo diễn ra tại trụ sở Caritas Việt Nam từ ngày 04-05/5/2017 với sự tham dự của Đức Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hùng, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn; Đức ông Robert Vitillo, cố vấn đặc biệt về HIV/AIDS của Caritas quốc tế và là đại diện của Toà thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Thuỵ Sỹ; Tiến sĩ Bs. Klemens Ochel, phụ trách lãnh vực y tế của Misereor; Lm. Bs. Martin Đinh Trung Hoà, SJ; Lm. Gioan Phương Đình Toại, MI; 2 vị khách mời đến từ Myanmar là chị Julia Aye Thida và anh Augustine Tual Sian Piang; quý khách mời tại Việt Nam, quý Cha Giám đốc, quý Nữ tu và nhân viên chuyên trách đến từ 17 Giáo phận đang tham gia chương trình dự án về HIV/AIDS.

    Vào lúc 8g00 sáng Thứ Năm ngày 04/5/2017, Hội thảo được bắt đầu với phần cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Sau phần cầu nguyện, Cha Giuse Trần Hưng Đạo, Giám đốc Caritas Bùi Chu, công bố thư của Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu - Chủ Tịch Caritas Việt Nam – uỷ quyền cho Cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, chịu trách nhiệm tổ chức Hội thảo.

    Tiếp theo chương trình, Cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng phát biểu chào mừng các thành phần tham dự, và tuyên bố khai mạc hội thảo. Sau đó, ngài đã trình bày về bối cảnh Giáo Hội Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch HIV và nêu lên mục tiêu cũng như mong đợi của Hội Thảo.

    Kế đó là phần đọc thư Chào Mừng gởi đến các Đại Biểu của Ông Hermann Rupp – đại diện Misereor và Bà Christine Wegner-Schneider – đại diện Caritas Đức. Đây là hai vị đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động bác ái xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, hai vị đã tích cực hỗ trợ Caritas Việt Nam trong việc chuẩn bị cho Hội thảo. Tuy nhiên, vì mắc ngăn trở nên họ đã không thể hiện diện trong Hội Thảo này.

    Vào lúc 8h30, Đức ông Robert Vitillo mở đầu phần trình bày của Hội Thảo với đề tài “Ngăn ngừa sự Lây nhiễm HIV: Thông tin căn cứ trên Bằng chứng Khoa học và Giáo huấn Luân lý của Giáo Hội Công giáo” và “Các vấn đề luân lý liên quan đến việc phòng ngừa lây nhiễm HIV: Giáo huấn và hành động của Giáo Hội Công giáo”. Trong bài tham luận, Đức Ông Vitillo trình bày hai quan điểm khoa học và luân lý về việc phòng ngừa HIV.

    Sau bài chia sẻ của Đức ông Vitillo, Cha Martin Đinh Trung Hoà, S.J, Bác sĩ Y Khoa, Tiến sĩ Thần Học Luân Lý, đã trình bày đề tài “Khái niệm Luân Lý, Luân Lý Y tế, các Quy chuẩn đạo đức” bao gồm quy chuẩn Y Đức, quy chuẩn Luân Lý Công Giáo và quy chuẩn đạo đức cho từ thiện Công giáo Việt Nam. Tiếp theo là phần trình bày “Bốn bước giúp giải quyết một vấn đề luân lý”, bao gồm: 1. xác định vấn đề; 2. tại sao vấn đề khó giải quyết?; 3. có mấy cách giải quyết?; 4. quyết định, thực thi, lượng giá.

    Kế đó, các tham dự viên (TDV) chia thành bốn nhóm để thảo luận với nhiệm vụ: giải quyết bốn trường hợp nan giải về mặt đạo đức có liên quan đến người có H, trình bày ưu và khuyết điểm của từng cách giải quyết dựa theo phương pháp bốn bước. Sau 20 phút thảo luận, các nhóm lên trình bày về phần thảo luận của mình.

    Vào lúc 13 giờ 30, Hội thảo được tiếp tục với phần trình bày đề tài “Quan điểm của y tế về những vấn đề đạo đức liên quan đến công tác phòng ngừa HIV/AIDS, chăm sóc và hỗ trợ” của Tiến sĩ, Bác sĩ Klemens Ochel, hiện đang làm việc tại học viện Y khoa của Đức và hoạt động về lãnh vực y tế cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới. Trong phần trình bày của mình, Bác sĩ Ochel chia sẻ những việc chúng ta nên làm, để ứng phó với HIV và AIDS theo một cách tích cực, dựa trên những nguyên tắc và các giá trị đạo đức đúng đắn bắt nguồn từ niềm tin của chúng ta. Trong đó, ông nêu lên những nguyên tắc Đạo đức Xã hội Công giáo, bao gồm: Phẩm giá con người, công bằng (xã hội), công ích, nguyên tắc bổ trợ và đưa ra các phương pháp tiếp cận để hành động bắt nguồn từ nguyên tắc SAVE: Những thực hành an toàn hơn, Tiếp cận các phương pháp điều trị, Tư vấn xét nghiệm tự nguyện, và Tạo nội lực.

    Để kết luận, bác sĩ nhắc lại lời của ĐGM Đức: Hãy tiếp cận người có H với tâm tình của người Samaria nhân hậu, không chỉ giúp tinh thần mà cả vật chất để họ thực sự cảm thấy mình được tôn trọng và yêu thương, nâng đỡ để hòa nhập với cộng đồng, sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

    Tiếp theo, bác sĩ Ochel đưa ra 4 trường hợp để 4 nhóm thảo luận và đưa ra lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp sau:

    1.     Chị T - đang mang thai – nói với chúng tôi rằng chị vừa mới chia tay chồng bởi vì anh nghiện ma tuý và thường xuyên đánh đập chị. Chị sợ chính bản thân mình, sợ cho đứa trẻ và kể cả tương lai của chị. 

    2. Cặp đôi L&P muốn kết hôn với nhau. Anh P từng làm nghề lái xe tải tại Campuchia và phải trở về Việt Nam vì lý do sức khoẻ. Chị L chưa bao giờ rời khỏi làng, nhưng gia đình chị hoàn toàn không vui về mối quan hệ này. Họ bảo rằng: họ sẽ từ chị nếu chị cưới anh P.

    3. Anh H đã sử dụng nhiều loại ma tuý hơn 4 năm, và hiện tại da của anh bị lở loét. Những cơn đau thấu xương và sự thèm thuốc khiến anh thực sự tuyệt vọng. Anh không có người thân để được chăm sóc. Anh chỉ muốn chết, nếu cơn đau và sự thèm muốn không dừng lại.

    4. Chị K đang chăm sóc đứa cháu gái. Chị gái của chị chết vì H và cháu bé Theresa cũng dương tính với H. Bé không thích uống thuốc, và hỏi tại sao bé phải dùng trong khi các bạn của bé ở trường lại không. Ngoài ra, các thầy cô giáo ở trường đang gây áp lực và khó khăn cho bé vì họ muốn bé chuyển sang trường khác.

    Sau 20 phút thảo luận sôi nổi, các nhóm đã có những lời khuyên hữu ích cho từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ Ochel kết luận: Chúng ta phải nhớ là trong khi tư vấn, chúng ta chỉ có thể cung cấp cho họ những kiến thức và giúp họ hiểu biết hơn, chứ chúng ta không bao giờ nói với học là anh phải làm thế này hoặc làm thế kia. Chúng ta để họ tự do đưa ra quyết định cho chính họ.

    Lúc 14g30: Sr. Trần Thị Khuyên, nhân viên chuyên trách về HIV thuộc Caritas Lạng Sơn đã chia sẻ với TDV về sự kỳ thị và những khó khăn, đau khổ tột cùng mà người có H phải hứng chịu qua 3 trường hợp có thật mà chị đang đồng hành. Cả 3 trường hợp đều có một điểm chung là người vợ bị nhiễm HIV từ chồng nhưng lại bị gia đình chồng hắt hủi, khinh miệt, nguyền rủa và tống ra khỏi nhà như một kẻ tội đồ. Khi quá sợ hãi và nhục nhã - đau khổ, những người có H thực sự tuyệt vọng; họ chỉ còn nghĩ đến cái chết. Lạ thay, trong giây phút tâm tối, tuyệt vọng nhất của cuộc đời, những người này cảm thấy như có bàn tay của vô hình kéo giữ họ lại, tiếp thêm sức mạnh cho họ, và khiến họ bừng tỉnh. Bàn tay vô hình đó có thể là những cái đạp mạnh của đứa con trong bụng, có thể là tiếng khóc của đứa con vô tội, có thể là ánh mắt cảm thông, cái nhiện thiện cảm, và lòng trắc ẩn của người thân, bạn bè, lối xóm. Quan trọng hơn hết, bàn tay vô hình đó chính là tình yêu và lòng xót thương vô vàn của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

    Tiếp theo những câu chuyện có thật về người có H mà Sr. Khuyên vừa chia sẻ, chị DTK thuộc Caritas Hải Phòng đã có bài chia sẻ về người thật việc thật của người có H. Người đó không phải ai khác mà là chính chị. Chị Khuyên sống chung với HIV 14 năm và đã dùng ARV suốt 12 năm qua. Chị đã chia sẻ vói TDV về nỗi sợ hãi - tuyệt vọng khi biết mình nhiễm HIV, về kinh nghiệm tâm linh, những nỗ lực, cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người.

    Chị kể, chồng chị bị nhiễm HIV, nhưng gia đình chồng không cho chị biết. Chị phát hiện sự thật khi đang mang thai; thương cho mình và hơn hết là thương cho đứa con trong bụng - sợ con cũng bị lây nhiễm. Khi chồng qua đời, chị  bị gia đình, hàng xóm kỳ thị, kể cả người trong giáo xứ. Mọi người ai cũng sợ chị; họ xa lánh, dè bỉu, và miệt thị mẹ con chị. Trong lúc tuyệt vọng, chị ngước nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và hình ảnh Chúa chịu đóng đinh đã giúp cho chị vượt qua. Chị dần bình tâm và như được hồi sinh. Năm 2005, chị K bắt đầu tham gia làm công tác xã hội (CTXH ) đặc biệt là công tác phòng chống lây nhiêm HIV. Chị cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được tham gia vào CTXH, và can đảm công khai mình có H và tích cực giúp mọi người phòng tránh lây nhiễm HIV. Tham gia sinh hoạt với nhóm ve chai, chị cảm thấy gia đình, làng xóm, và xã hội dần có cái nhìn thân thiện và cảm thông hơn với người có H.

    Khi lắng nghe Sr. Khuyên và chị K chia sẻ, bầu khí trong hội trường như chùng xuống, mọi người đều im lặng như đang cố kìm nén cảm xúc của mình bởi quá xúc động và trắc ẩn trước nỗi thống khổ của anh chị em có H do bị xã hội kỳ thị và xa lánh. Rất nhiều người khâm phục chị K đã can đảm công khai mình có H cùng những nỗ lực của chị để vượt qua những rào cản của cộng đồng và xã hội để có cuộc sống hạnh phúc và hữu ích như hiện tại.

    Ước mong những người có H đều được gia đình và xã hội cảm thông và nâng đỡ giúp họ vượt qua những khó khăn và đau khổ để có thể hoà nhập với cộng đồng và sống an vui và khoẻ mạnh.

    14g50, ban tổ chức cùng các TDV đã hân hoan chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Mạnh Hùng, Gm. Phụ tá TGP Sài Gòn, đến tham dự hội thảo với vai trò của vị đại diện giáo quyền.

    15g30 – 16g00: là thời gian các thuyết trình viên giải đáp các câu hỏi thắc mắc của TDV về tất cả các đề tài đã được trình bày trong buổi sáng.

    16g00-16g30: Anh Tual Piang thuộc Caritas Myanmar và chị Julia thuộc mạng lước Công giáo Myanmar đã chia sẻ Kinh nghiệm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS của Giáo Hội Myanmar hơn 10 năm qua.

    - Myanmar là 1 trong 6 nước bị lây nhiễm HIV cao ở Châu Á. Họ nhận được sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Quốc, từ các tổ chức phí chính phủ trong và ngoài nước, tư nhân và cộng đồng.

    - Theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2016-2020 của Myanmar liên quan đến HIV thì gái mại dâm, những người tiêm chích ma tuy, đồng tính nam và người chuyển giới là những nhóm đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

    - Theo thống kê năm 2014: Myanmar có 212.000 người bị nhiễm HIV, phụ nữ chiếm 34 %. Gần 11.000 người có H chết. Khoảng 9.000 người bị nhiễm mới. Trong đó: 0.54% tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm người trưởng thành nói chung; 6.3% gái mại dâm; 6.6% là đồng tính nam và người chuyển giới; 23.1% do tiêm chích ma tuý.

    - Qua các tổ chức hoạt động liên quan đến HIV, càng ngày càng có nhiều người có H được điều trị để bảo vệ sự sống. Có 101.000 người HIV được điều trị ARV, và con số này tương đương với 40% số người có H được điều trị.

    - Giáo Hội Công giáo tại Myanmar bắt đầu quan tâm đến căn bệnh HIV/AIDS từ năm 1993, năm 2005: Caritas Myanmar mở phòng dự án HIV với 2 nhân viên làm việc toàn thời gian, năm 2010: thành lập mạng lưới Công giáo Myanmar phục vụ người có H. 

    - Giáo Hội Myanmar ứng phó với đại dịch HIV/AIDS với sự chung sức của 3 tổ chức: Caritas Myanmar, mạng lưới Công Giáo Myanmar, và mạng lưới các nữ tu. Giáo Hội Myanmar đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong công cuộc phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ người có H, làm giảm tỉ lệ người nhiễm mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có H; tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách đố khi các nhà tài trợ dần dần rút đi, và chính quyền mới không mấy quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS. 

    16g30-17g00: phần phát biểu của 3 TDV (1 đại diện cho Caritas Giáo phận, 1 đại diện cho dòng tu, và 1 đại diện cho người có H). Do còn thời gian nên các thuyết trình viên trả lời tiếp các thắc mắc còn lại liên quan đến khía cạnh đạo đức trong phòng ngừa lây nhiễm, tư vấn và điều trị cho người có H.

    Ngày thứ nhất của hội thảo tạm khép lại với phần chụp hình lưu niệm và Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa.

    Truyền thông Caritas Việt Nam

    Hình ảnh hội thảo ngày thứ nhất - phần 1

    Hình ảnh hội thảo ngày thứ nhất - phần 2

    Bài viết liên quan