Caritas Vinh: Mỗi Mảnh Đời Là Một Câu Chuyện

  • Thứ hai, 09:46 Ngày 30/12/2019
  • Sinh ra trong một vùng nông thôn nghèo nơi mảnh đất Nghệ An, anh Nguyễn Văn A cũng như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa phải chịu những thiệt thòi của phận nghèo. Thất học sớm, anh phải đi làm thuê để giúp bố mẹ trang trải chi tiêu cho gia đình. 16 tuổi, anh theo đám bạn vào Miền Nam phụ hồ, kiếm được những đồng tiền từ sức lao động anh trân quý dành dụm gửi về gia đình. Năm lên 19 tuổi, anh trở về xây dựng mái ấm yêu thương và lần lượt 2 đứa con trai kháu khỉnh chào đời. Gia đình thêm thành viên, cuộc sống càng chật vật và khó khăn hơn. Một lần nữa anh lại khăn gói lên đường tha phương cầu thực. 

    Anh kể: Cuộc sống xa con xa vợ, lòng tôi cảm thấy trống trải và cô đơn, để rồi chuyện gì đến đã đến. Một buổi tối nọ, bên đám bạn làm chung công trình và sau những ly rượu vui vẻ, mùi thoang thoảng từ làn khói thuốc trắng của ai đó bên cạnh, khiến tôi không khỏi tò mò. Một lần thử để rồi tôi rơi vào con đường nghiện ngập chích choác từ bao giờ không hay. Đồng tiền lương mỗi tháng gửi về gia đình càng thưa dần, không có thuốc hút, tôi phải đi bán những tép lẻ. Nghề bất chính đã đẩy tôi vào vòng lao lý. 

    Tôi không còn là chỗ dựa yêu thương cho vợ con. Vợ tôi đã bỏ lại 2 đứa con thơ để đi tìm một cuộc sống mới. Bảy năm tù, mãn hạn trở về làng quê, tôi trở thành người xa lạ bên mọi người. Đau xót hơn khi tôi phát hiện căn bệnh thế kỷ HIV đã đến với tôi. Tôi suy sụp hoàn toàn, tâm hồn giằng co, tôi muốn chấm dứt cuộc đời. Bất chợt hình bóng hai đứa con thơ xuất hiện trong tôi, nó đã thức tỉnh lòng tôi. Tôi không thể bỏ rơi chúng một cách vô tội vạ. 

    Tôi quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời. Nhưng đời có dễ dàng đón nhận tôi đâu? Căn bệnh HIV, đến cả người thân cũng xa lánh, tôi trở nên lầm lì ít nói, ít tiếp xúc giao thiệp. Nhưng vì hai đứa con, tôi lại đi xa kiếm kế sinh nhai nuôi hai con ăn học. Mỗi lần trở về làng, tôi chỉ có thể trút bầu tâm sự với những người cùng cảnh ngộ. Hàng tháng đi lấy thuốc ở bệnh viện, để bớt đi sự dòm ngó của người xung quanh, bọn tôi đều phải dùng khẩu trang che mặt. 

    Một lần nọ, đang ngồi chờ nhận thuốc, bổng có một cô gái lân la tới bắt chuyện với tôi, tôi chỉ trả lời vài câu chiếu lệ bởi tôi không thể bộc lộ thân phận của mình. Tôi sợ ánh mát tò mò của người khác, tôi muốn che đậy mình bao nhiêu có thế. Nhưng vì sự kiên nhẫn của cô gái ấy mà sau này tôi biết đó là Sơ bên đạo Công Giáo, đã khiến tôi thay đổi thái độ. Sơ đã tìm đến nhà tôi tìm hiểu cuộc sống của tôi. Nhận ra sự yêu thương đồng cảm từ Sơ qua những lần gọi điện thăm hỏi, động viên, nhắc nhở tôi đi kiểm tra sức khỏe, uống thuốc đúng với phác đồ điều trị. 

    Tinh thần tôi như được cởi trói, tôi lấy làm buồn vì một quá khứ đầy tội lỗi và tủi nhục. Tôi quyết tâm sống giây phút hiện tại thật ý nghĩa để bù lại những tháng ngày tăm tối của cuộc đời. Tôi càng tự tin hơn khi được các Cha và các Sơ trong Ban Bác ái bên đạo quan tâm, yêu thương. Nhất là qua buổi tọa đàm, trong tháng phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi có cơ hội trải lòng ra trước hơn 60 vị khách mời. 

    Nhận được sự yêu thương, đồng cảm của mọi người, chúng tôi tin rằng sự kỳ thị với người có H sẽ không còn là mối đe dọa tinh thần nơi chúng tôi. Hy vọng, sự nối kết yêu thương dành cho người có H từ những tham dự viên được lan tỏa tới cộng đồng, người có H dễ dàng được cộng đồng đón nhận như những người bình thường. Bởi người có H không hẳn là những người ăn chơi trác táng.

    Caritas Vinh
     

    Bài viết liên quan