Chính quyền Brazil không muốn công bố danh sách các chủ nhân bị cáo là dung dưỡng nạn nô lệ thời hiện đại

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 27/03/2017
  • Một bản tin đăng ngày 15.03.2017 tại Brazil cho biết chính quyền của tổng thống Michel Temer ngần ngừ không muốn công bố danh sách các chủ nhân bị cáo là dung dưỡng nạn nô lệ thời hiện đại.

    Danh sách này thuộc loại những danh sách bẩn, hay còn gọi là danh sách đen, thường được công bố 6 tháng 1 lần từ năm 2003, nhưng đã biến mất vào khoảng tháng 12 năm 2014, khi pháp viện tối cao ra lệnh cấm công bố bởi lẽ các giới chủ nhân không có phương tiện để bào chữa hay biện hộ. Sau đó, chính quyền của bà tổng thống Dilma Rousseff đã phải áp dụng nhiều thay đổi để thuyết phục pháp viện tối cao thu hồi lệnh cấm này vào tháng 5 năm ngoái 2016.

    Đáng lý ra danh sách này phải được công bố, nhưng trong thời gian gần đây, chính quyền của bà tổng thống Dilma Rouseff bị hạ bệ hồi tháng 8 năm ngoái và người kế nhiệm là Michel Temer lại không đi theo đường hướng này.

    Tuần trước đây, một nhóm luật sư đã kháng cáo buộc tòa án ngưng án lệnh buộc phải công bố danh sách này trong hạn 07 tháng 3. Công tố viện về lao động đã chống án lệnh nói trên và nhấn mạnh rằng danh sách vừa nói là phương thế hữu hiệu nhất chống lại tệ nạn nô lệ thời hiện đại.

    Ông Leonardo Sakamoto, người sáng lập tổ chức Ký giả Brazil,là tổ chức đang điều tra về vấn đề này tố cáo: Thật hiển nhiên là chính quyền đang kiểm duyệt danh sách này dưới áp lực của quyền lực kinh tế đang nằm trong tay các đại điền chủ nông nghiệp hay các chủ nhân ông ngành kiến trúc xây dựng. Các nghị sĩ thuộc chính quyền Temer đều dựa trên sự ủng hộ của giới đại điền chủ hay các nhà kinh doanh này.

    Theo ủy ban mục vụ ruộng đất trực thuộc Giáo Hội Công giáo Brazil, gần 52 ngàn người đã được giải thoát khỏi những điều kiện lao động tệ hại không hợp với phẩm giá con người trong vòng 20 năm gần đây tại nước này. Đại đa số họ là những người trẻ từ 15 đến 30 tuổi, không biết đọc biết viết, từ những khu ổ chuột đến làm việc trong những đồn điền trồng cây đậu nành hay mía đường hay trong các hầm mỏ, với hy vọng có được một tương lai tươi sáng hơn.

    Hồi năm 2016, một phúc trình của tổ chức thiện nguyện Úc Châu mang tên Walk Free cho biết có khoảng 45,8 triệu người phải sống trong những điều kiện nô lệ thời hiện đại trên toàn thế giới. 58% trong tổng số này sống tại 5 quốc gia là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Tại Brazil, con số này là khoảng 161 ngàn người.

    (AFP15.03.2017)

    Mai Anh

    Bài viết liên quan