Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Làm sao để kết hợp giữa tâm và trí, kết hợp giữa tấm lòng và chuyên môn

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 29/07/2014
  • Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đã đến khai mạc khóa tập huấn “Tổ chức hoạt động hỗ trợ người khuyết tật dựa vào cộng đồng II” do Caritas Việt Nam tổ chức tại Giáo xứ Lập Thạch, Giáo phận Vinh, từ 20-25/7/2014, dành cho Ban Khuyết tật của Caritas 5 Giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vinh và Thanh Hóa.

    Sau đây là nội dung bài chia sẻ của Đức Cha Phaolo:

    Khi thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” của Đức Thánh Cha Benedicto XVI được công bố thì một cuộc tranh luận về Caritas được đưa ra bàn thảo và người ta tự hỏi nếu như Giáo hội Công Giáo mà không có hoạt động bác ái thì có còn là Giáo hội nữa không? Trước đây, người ta cho rằng công việc bác ái là công việc của các Thánh, các Cha, các Sơ…, những người sống đời sống thánh hiến. Sau này cũng có nhiều người thực hiện công việc bác ái nhưng chỉ đơn thuần là mô hình từ thiện như “nhận - cho” thì chưa đủ mà cần thiết phải có thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn để tránh sự khập khiễng trong quá trình hoạt động.

    Làm sao để kết hợp chuyên môn với tấm lòng, hay nói cách khác giữa tâm và trí? Đó là câu hỏi được đặt ra trong nhiều năm, cho đến sau thế chiến II, việc chuyên môn hóa Caritas đã thiên về bằng cấp quá, nên đã xảy ra những chuyện không vui, đó là những người có bằng cấp lại không có niềm tin giống nhau, nên xảy ra nhiều mâu thuẫn, làm cho công tác này bị gián đoạn.

    Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI sau cuộc khủng hoảng ở Mỹ, người ta nhận thấy rằng: “Làm sao để kết hợp giữa tâm và trí, kết hợp giữa tấm lòng và chuyên môn”. Vì không thể có hoạt động mang tính bền vững và bài bản nếu không có chuyên môn, nhưng trên hết vẫn luôn phải có tấm lòng. Caritas Việt Nam và ban khuyết tật Caritas Việt Nam cũng đang đi theo hướng đó.

    Trước đây, chúng ta thường tặng quà cho người khuyết tật vào các dịp lễ tết, và nghĩ rằng đó là chúng ta đang hỗ trợ người khuyết tật, mà không quan tâm đến nhu cầu khác của người khuyết tật để họ có thể hoà nhập vào xã hội và được xã hội quan tâm hơn. Ví dụ: Đối với những người câm điếc, nếu trẻ  em dưới 5 tuổi được can thiệp đúng cách, có sự hỗ trợ của máy trợ thính, lớn lên các em vẫn có thể nghe được, đó là tầm quan trọng của sự can thiệp sớm, đúng cách và có chuyên môn.

    Tôi mong rằng tất cả những hoạt động của Caritas Việt Nam và Caritas Giáo phận là những chuỗi kết hợp giữa tâm và trí, giữa việc bác ái và chuyên môn. Vì vậy, việc trau dồi, tập huấn và học hỏi chuyên môn là rất cần thiết cho những người dấn thân trong công tác thực thi bác ái trong thời đại hôm nay.

    Ước mong trong thời gian tới, Caritas mỗi giáo phận sẽ có những người đi sâu vào từng chuyên ngành để hỗ trợ cho những người khuyết tật, đúng chuyên ngành cho từng dạng khuyết tật. Như vậy cần phải có những người làm lâu dài trong từng lãnh vực.

    Ước mong các giáo phận gửi người đi học, nên gửi đúng người, đúng chuyên ngành và đúng đối tượng để về phục vụ. Tránh một người đi học quá nhiều lãnh vực, cái gì cũng học, cái gì cũng biết mà biết mỗi thứ chút chút, cuối cùng làm đủ thứ nhưng không cái gì làm tốt cả.

    Ước nguyện sau thông điệp: “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì “cái tâm”, “cái trí ” cần được thực hiện một cách đồng bộ. Như vậy hoạt động bác ái mới đi xa, đi sâu hơn trong thế kỷ XXI này.

    Sau bài phát biểu của Đức Cha, Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Caritas giáo phận Vinh đáp từ: “Chúng con xin cám ơn và ghi nhận lời nhắn nhủ của Đức Cha. Và trước hết, chúng con xin Đức Cha giúp chúng con để điều này được thực hiện đầu tiên tại giáo phận Vinh”.

    Đức Cha Phaolô cũng sẵn sàng hưởng ứng các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật của ban khuyết tật Caritas Vinh.

    Bài viết liên quan