Đức Hồng Y Sgreccia nhìn về lịch sử cuộc chiến bảo vệ sự sống, Suy nghĩ về những thách đố mới

  • Thứ sáu, 10:10 Ngày 01/04/2016
  • Cũng như hàng năm, ngày Bảo vệ sự sống của Ý được tổ chức vào Chủ Nhật đầu tiên của tháng Hai. Vào năm 1978, sau khi phê chuẩn luật 194 về phá thai, Ủy ban gia đình thuộc Hội đồng Giám mục Ý ấn định ngày này để thể hiện lập trường đã công bố là “Giáo hội không chấp nhận và sẽ không bao giờ chấp nhận phá thai.”

     Người đưa ra cam kết này chính là Đức Hồng y (ĐHY) Elio Sgreccia, nguyên Chủ tịch Giáo Hoàng học viện về sự sống. Trong những cuộc tranh cãi xã hội nhiều năm qua về những đề tài đạo đức sinh học, ngài luôn bảo vệ hùng hồn lập trường của Giáo Hội. 

    Cùng với ngài trong chiến tuyến này có Phong trào Bảo vệ sự sống của Ý. Và vẫn còn tiếp tục đến hôm nay.Phong trào được xác thực khi người sáng lập và cũng là Chủ tịch của phong trào trong nhiều năm, Carlo Casini, đã trao cho Hồng y Sgreccia  viết Lời Tựa cho cuốn sách của ông mang tên “Nascent Life and Mercy” (Sự sống mới nảy sinh và lòng thương xót), sẽ được nhà xuất bản If phát hành.

     Những mối tương quan được đề cập trong ấn phẩm này, lịch sử của phong trào Bảo vệ sự sống và chín vấn đề về nhân chủng học là những chủ đề mà Hồng y đề cập trong bài phỏng vấn sau đây, với kết thúc bằng một xác tín rõ ràng của Hội Thánh.

     ZENIT: Thưa đức Hồng Y, Ngài có nhớ gì về khởi đầu của phong trào Bảo Vệ Sự Sống?

     ĐHY Sgreccia: Tôi nhớ hai yếu tố đã định rõ đặc điểm công việc của Phong trào Bảo vệ sự sống và người sáng lập Carlo Casini.

     Trước hết là sự công nhận giá trị nền tảng của quyền sống. Không có sự sống, mọi quyền lợi khác đều không được nêu ra. Với ý tưởng này, trong một lần đến thăm trường trung học, tôi đã nêu câu hỏi cho các học sinh: “các em nghĩ lý tưởng cao cả nhất là gì?”. Tất cả đều đáp lớn “Tự do!”. 

    Tôi đồng tình với các em tự do như là thành quả có được, và nói thêm với các em: “Để được tự do thì được sống là điều thiết yếu. Cái cây, dù là còn nhỏ, nó vẫn phải mọc lên trước rồi mới sinh hoa kết trái”. Vì vậy, sự công nhận giá trị nền tảng của quyền sống là lý lẽ nền tảng, phổ quát và hiển nhiên của Phong trào Bảo vệ sự sống, một lý lẽ được thông điệp Kitô giáo củng cố và nâng cao.  Công Đồng Vaticano II đã xác nhận điều này khi tuyên bố rằng không thể nói về Kinh Thánh mà không đề cập đến sự sống của nhân loại, bởi vì sự sống con người thuộc về Đức Kitô, và con người là đối tượng của tất cả chân lý. 

    Một khía cạnh khác của Phong trào Bảo vệ sự sống khiến tôi cảm kích là thái độ không phê phán hàng giáo sĩ như các phong trào khác, vì thực tế là các chủ chăn đã không nói đầy đủ về quyền sống. 

    ZENIT: Liên quan đến khía cạnh này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mô tả Giáo Hội như là bức tường bảo vệ cho toàn bộ cuộc sống con người từ lúc thụ thai. Cha có nghĩ rằng Giáo hội những năm qua cách nào đó đã từ bỏ vai trò này?

    ĐHY Sgreccia: Giáo Hội có khó khăn khi công khai nói về những đề tài chắc chắn đã được xác định, ít nhất là ở Ý, như việc trưng cầu ý dân về ly dị và phá thai. Có một kiểu “hội chứng Việt Nam” khiến những người lính Mỹ đã trải qua sự thất bại ở một đất nước Châu Á không muốn nghe hoặc nói gì nữa về nghĩa vụ quân sự của họ. Như thế, cũng có nỗi lo rằng khi nói quá nhiều về Đạo đức sinh học, những tín hữu không xác tín hoàn toàn vào nền luân lý của Hội thánh có thể tách ra khỏi Giáo hội.  

    Về trường hợp này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định trong Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng sự sống). Ngài nhấn mạnh rằng sự sống là công trình của Thiên Chúa, không thể tách lìa khỏi Phúc Âm. Dĩ nhiên đưa nó vào trong thông điệp đức tin, việc bảo vệ sự sống không nhắm đến sự phản kháng đối với con người nhưng hơn hết là khơi dậy sự đón nhận của toàn thể hoàn vũ.

    ZENIT: Sự đón nhận ấy liên quan đến chủ đề  của ngày Bảo vệ sự sống trong năm nay:  “Mercy Makes Life Flower” -  “Lòng Thương xót làm cho sự sống nở hoa”.

    ĐHY Sgreccia: Mối liên hệ giữa lòng thương xót và sự sống thì đơn giản. Lòng thương xót gợi nhớ đến ĐHY lễ cứu độ nhân loại của Đức Kitô. Nó minh chứng tình yêu mãnh liệt của Chúa đối với sự sống - bất cứ sự sống nào, từ lúc thụ thai đến khi lìa đời. Chúng ta không thể chối cãi sự thật này; vấn đề duy nhất còn lại là tìm kiếm những cách thức hỗ trợ chính đáng. 

    Theo ý kiến của tôi, sự chăm sóc tốt của chủ chăn trong suốt cuộc hành trình đức tin với các tín hữu là đồng hành với họ sau khi học giáo lý khai tâm, trong suốt thời gian thiếu niên, chuẩn bị đời sống hôn nhân, giúp đỡ các cặp vợ chồng, cha mẹ, khi tuổi già, lúc đau yếu và trong giờ lâm chung.

    ZENIT: Vấn đề giới tính, mang thai hộ, phôi thai biến đổi gen… có phải là những thách đố mới của nền nhân chủng học trong chủ đề về sự sống?  ĐHY Sgreccia: Tôi sẽ chú ý đến vấn đề giới tính, là điều có thể phá hủy chân lý cơ bản về sự khác nhau giữa nam và nữ. 

    Giới tính dẫn đến một sự lựa chọn văn hóa, như thể nó không phải là căn tính của một con người.  Đề nghị về chuyển đổi giới tính làm cho hôn nhân vô nghĩa, bởi vì không đặt trên sự khác biệt về giới nữa.Nhưng, chúng ta biết rằng sự khác biệt nam-nữ mang tính cấu trúc, thể lý, tâm lý, tinh thần, văn hóa và cả siêu nhiên nữa.Người nam và người nữ bổ sung cho nhau khiến cuộc sống họ trở nên trọn vẹn, và gắn kết hai người nên một. Người nam và người nữ trao cho nhau chính cuộc đời của mình, họ mở ra cho sự sống và kết hợp với Đức Kitô, Đấng tự hiến cho Hội Thánh như một người bạn trăm năm. 

    Sự kết hợp và truyền sinh là những chân lý được ghi khắc từ sự khác biệt giới tính. Phủ nhận sự thật này sẽ mở đường cho đủ kiểu thụ tinh lệch lạc, phá nát nhiệm vụ làm cha làm mẹ và cướp đi quyền tự nhiên bước vào cuộc đời của đứa trẻ, và khiến chúng được giáo dục trong sự lẫn lộn giữa hình tượng người cha và người mẹ.  

    ZENIT: Những khủng hoảng về gia đình và tình trạng khẩn cấp gắn liền với sự sống có liên quan gì với nhau?

    ĐHY Sgreccia: Thật sự là chúng liên hệ mật thiết với nhau. Một gia đình trong cơn khủng hoảng, có thể đẩy họ đến phản bội, ly thân và rồi ly dị. Và ai trả giá cho tất cả những điều này? – Đó là những kẻ bé nhỏ nhất . 

    Nhưng nó cũng làm sai lạc đời sống vợ chồng, vì sự chia rẽ làm phức tạp và trừng phạt cuộc sống lứa đôi. Đó là sự thật rõ ràng. 

    Trong vài quốc gia, Giáo Hội đang cố gắng  đáp ứng lại tình trạng khẩn này bằng việc giáo dục giới  trẻ, giúp họ ngăn ngừa trao đổi tình dục bệnh hoạn, gìn giữ sự trinh khiết trước hôn nhân và sự chung thủy trong đời sống vợ chồng. 

    Sự sống được sinh ra là do sự kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa người nam và người nữ. Nếu sự nâng đỡ này gãy đổ, con cái sẽ không còn. Sự gắn kết gia đình là điều không thể thiếu được đối với đứa trẻ.

    ZENIT: Hiển nhiên cha đã biết về những nỗi khốn nạn của nền văn hóa hiện tại. Tuy nhiên, chắc cũng có những yếu tố đáng khích lệ phải không cha?

    ĐHY Sgreccia: Có nhiều yếu tố đáng động viên, không chỉ được thể hiện công khai, mà còn qua những nhân chứng sống động trình bày một thông điệp tích cực cho xã hội. Đó là sự nhạy bén mới, đặc biệt giữa những người trẻ đối với sự sống. Sự nhạy bén này cần được hỗ trợ, vun xới của những người có trách nhiệm. 

    Bài viết liên quan