Hành Trình Luôn Tiến Về Phía Trước

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 20/03/2018
  • Trong những tháng ngày đen tối của cuộc đời có những lúc tôi đã nghĩ đến cái chết để quên đi cuộc đời bất hạnh. Rồi trong lúc tuyệt vọng nhất tôi đã ngước nhìn Ngôi Hai Thiên Chúa vác cây Thánh Giá chịu khổ nạn, đầu đội mạo gai, máu chảy ròng ròng.

    Sinh ra trong một gia đình nghèo khó làm nông nghiệp ở Giáo xứ Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng), tôi là con thứ 5 trong số 6 người con của gia đình. Nhà nghèo nên các anh chị tôi phải nghỉ học sớm, còn tôi và em gái tiếp tục được đến trường.

    Thấy cha mẹ vất vả nuôi chị em chúng tôi ăn học nên các kỳ hè tôi đi bán kem lấy tiền phụ cha mẹ đóng học phí. Em gái tôi cũng đi mò tôm bắt cá, rồi trong một lần sẩy chân, em gái đã bị dòng nước cuốn trôi và ra đi mãi mãi. Tôi buồn và có ý định bỏ học nhưng gia đình và người thân động viên cố gắng học tập. Tôi cố gắng học hết lớp 12 và thi đại học nhưng không đậu. Tôi vừa đi làm vừa ôn thi nhưng 3 năm liền không đỗ đạt. Sau đó, tôi kết duyên với anh Phạm Hồng Ngọc, một năm sau chúng tôi có một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao, khi con được 4 tháng tuổi thì gia đình phát hiện chồng tôi bị nhiễm HIV. Anh thành thật thú nhận đã từng sử dụng ma tuý trước khi kết hôn và dẫn đến kết cục đau lòng này. Tôi rất đau buồn và bế con đi xét nghiệm, kết quả là tôi và con trai cũng dương tính với HIV.

    Từ đó, mọi người trong gia đình sợ hãi, kỳ thị, xa lánh; vợ chồng tôi phải ăn riêng, ở riêng, sống cô lập trên gác của căn nhà 40m2. Hơn nữa, khi phát hiện cả nhà bị nhiễm HIV, chồng tôi đâm ra chán nản, lao vào hút chích ma tuý. Vài tháng sau chồng qua đời, mình tôi ở lại với nỗi cơ cực, cô đơn và đứa con thơ bệnh tật. Để giữ danh dự cho bên nội, tôi phải âm thầm đưa xác chồng trong đêm tối với nỗi xót xa tột cùng.

    Buồn cho chồng và cũng buồn cho thân phận hẩm hiu của mình nhưng vì con, tôi càng phải cố gắng. Nhiều đêm, bế con trên tay, nhìn con khóc mà lòng tôi đau đớn, xót xa. Lúc đó con trai tôi rất yếu, tuổi thơ của con ở viện nhiều hơn ở nhà. Trong lúc tuyệt vọng, tôi thầm nhủ “phải gắng sống để nuôi con”. Ban ngày tôi đưa con vào viện điều trị bệnh; chiều tối, tôi bế con đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Sự vất vả mưu sinh không sao sánh bằng nỗi tủi nhục, quặn đau trong cõi lòng mỗi khi tôi nghĩ về căn bệnh của mình.

    Nếu có ai đó hỏi tôi về thân phận mình, tôi luôn xác nhận mình bị nhiễm HIV. Tôi xác định những vất vả nhọc nhằn mà tôi và con đang chịu là do căn bệnh quái ác gây ra nên tôi muốn rằng bất cứ ai nhìn cái vẻ bên ngoài của tôi sẽ sợ, không dám rơi vào vũng lầy tăm tối. Vì tiết lộ bệnh tình của mình mà hằng ngày tôi đón nhận không biết bao nhiêu thái độ, ánh mắt, lời nói khinh miệt, xa tránh, hất hủi, thậm chí khi tôi mua thức ăn họ cũng không muốn bán, không dám đến gần, không dám nói chuyện với mẹ con tôi. Nhưng tôi chấp nhận tất cả nên dù bất cứ lúc nào, ở đâu, với bất cứ ai nếu được hỏi về mình tôi đều xác nhận mình là người nhiễm HIV. Dần dần tôi cũng có được sự nâng đỡ, cảm thông của một vài người và họ không còn sợ hãi, xa tránh tôi.

    Trong những tháng ngày đen tối của cuộc đời có những lúc tôi đã nghĩ đến cái chết để quên đi cuộc đời bất hạnh. Rồi trong lúc tuyệt vọng nhất tôi đã ngước nhìn Ngôi Hai Thiên Chúa vác cây Thánh giá chịu khổ nạn, đầu đội mạo gai, máu chảy ròng ròng, và tôi nghe Chúa nói với tôi rằng Ngài đã chịu chết trên cây Thánh giá mà cứu chuộc loài người, hãy yêu lấy cuộc sống này. Khi đó tôi bừng tỉnh nghĩ rất nhiều đến cha mẹ đã vất vả mà tôi chưa một ngày báo đáp, con trai ốm đau thì càng phải chăm sóc nhiều hơn.

    Thời gian trôi qua và điều may mắn đã đến với tôi khi tôi được nhân viên y tế của phường Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng) mời tham gia câu lạc bộ (CLB) Hoa Hải Đường để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Từ đây, cuộc đời tôi tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt lại nhìn thấy một tương lai rộng mở.

    Chỉ sau vài tháng tham gia CLB, tôi đã được tín nhiệm bầu làm trưởng CLB Hoa Hải Đường. Như tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cộng với sức trẻ, tôi hăng say với công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng tại Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Một lần tôi đã được nhóm Ve Chai đến thăm, và tôi đã được mọi người yêu thương, động viên. Dần dần, tôi thấy công việc của nhóm Ve Chai Nhân Ái tại Tòa Giàm Mục rất hữu ích nên tôi xin tham gia. Từ đó, tôi trở thành một thành viên trong đại gia đình của Nhóm Ve Chai, và sau này tôi trở thành tình nguyện viên của Caritas, được tham gia tuyên truyền cho các bạn lớp giáo lý hôn nhân, các anh chị em xa quê… về kiến thức HIV giúp mọi người biết cách phòng tránh và không kỳ thị với người nhiễm HIV.

    Tôi thấy cuộc sống của mình vô cùng ý nghĩa. Sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của tôi gần 10 năm qua cũng đã được các cơ quan, ban ngành thành phố, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước biết đến và tạo điều kiện giúp đỡ để tôi tham gia một cách tích cực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Thông qua các hoạt động truyền thông, “duyên trời” đưa tôi gặp người đồng cảnh ngộ là anh Đỗ Văn Hải, sau này trở thành người bạn đời luôn động viên, chia sẻ và giúp tôi thực hiện công tác.

    Năm 2008, một bước ngoặt mới trong cuộc đời của tôi khi được lựa chọn làm cán bộ của Cơ Quan Hợp Tác Phát Triển Italia (Cesvi) tại Việt Nam cho đến năm 2014. Trong quá trình tham gia công tác phòng chống HIV tôi nghĩ một ngày nào đó những người nhiễm HIV phải tự lực phòng chống HIV/AIDS. Với suy nghĩ đó, tôi cùng 10 anh chị em có cùng chí hướng và mục tiêu hoạt động, đã quyết định thành lập nhóm tự lực mang tên “Nhóm sống tích cực Hải Phòng” do tôi làm Trưởng nhóm.

    Năm 2010, nhóm đã được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn là nhóm triển khai dự án “Hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam” do Hội Chữ thập Đỏ Mỹ tài trợ. Nhóm còn kết hợp với Toà Giám Mục Hải Phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bệnh viện nhi Hải Phòng, Bệnh viện Việt Tiệp, Hội Từ thiện, Hội LHPN thành phố làm công tác bác ái, tuyên truyền hỗ trợ cho người nhiễm và trẻ sống chung với HIV tại Hải Phòng. Khi nhóm được các tổ chức hỗ trợ đã lớn mạnh, tôi cùng ban điều hành nhóm đã phải tính đến chiến lược lâu dài là sau khi các nhà tài trợ rút đi thì phải làm gì để tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Từ suy nghĩ đó, hoạt động sinh kế cho người nhiễm HIV bắt đầu được hình thành. Ý tưởng đó đã được các nhà tài trợ quan tâm. Năm 2010, nhóm được Tổ chức Chemonics Việt Nam lựa chọn mô hình sinh kế “Nuôi gà theo quy trình sinh học” do nhóm tự quản. 

    Từ 10 thành viên ban đầu đến nay "Nhóm sống tích cực" đã có hơn 100 thành viên tham gia. Nhóm đã gây quỹ với số vốn trên 100 triệu đồng, hỗ trợ được 35 thành viên. Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi, nhóm đang tiếp tục mở rộng mô hình như cơ sở may mặc, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho từng thành viên.

    Về chồng tôi, anh là nhân viên hỗ trợ tuân thủ điều trị của phòng khám ngoại trú Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Với công việc này, anh đã giúp các bệnh nhân có “H” hiểu được lợi ích của việc tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) để kéo dài sự sống. Ngoài ra, anh còn là một tư vấn viên của phòng Tư vấn miễn phí do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thực hiện tại bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng.

    Sau hơn 2 năm tái hôn, tôi may mắn có một cậu con trai kháu khỉnh; hiện tại cháu đã hơn 3 tuổi và cháu không bị lây nhiễm HIV. Tôi vui mừng khôn xiết.

    Tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành và che chở cho con.

    Cuộc sống là một chặng đường đầy gian nan vất vả. Hãy luôn có niềm tin vào cuộc sống!

    HPB

    Bài viết liên quan