Sống Đức ái trong năm Đức Tin

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 07/01/2013
  • TGM Xuân Lộc, ngày 29.11.2012

    SỐNG ĐỨC ÁI TRONG NĂM ĐỨC TIN

    Kính thưa Quí Đức Cha,Quí Cha, Quí Tu Sĩ và Quí Anh Chị Đại Biểu CARITAS VIET NAMNăm Đức Tin mới được khai mạc ngày 11 tháng 10 vừa qua đang là nền tảng và nguồn gợi hứng cho các chương trình và hoạt động của Giáo Hội hiện nay, cho nên cũng phải là nguồn gợi hứng cho Hội Nghị của chúng ta. Đôi lời chia sẻ của tôi cũng nằm trong chiều hướng đó, và múc nguồn gợi hứng từ Tự sắc “Cửa Đức Tin” của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI. Tôi xin trình bày các suy tư dưới đề tài “Sống Đức ái trong Năm Đức Tin”.

    I.    Đức ái trong Năm Đức Tin 

    Xem ra việc thực thi bác ái chiếm phần quan trọng trong Tự sắc “Cửa Đức Tin” của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI. Tất cả Tự sắc có 15 số, mà  Đức Thánh Cha đã dành trọn số 14 để nói về việc thực thi bác ái. Tôi xin được trích lại đây tất cả số 14 của Tự sắc để sau đó có thể đưa ra một vài suy tư bổ túc.

    “Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở : ‘Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức ái. Nhưng lớn hơn cả là đức ái’ (1 Cr 13,13). Và Thánh Giacôbê Tông Đồ, với những lời càng mạnh hơn nữa, luôn thúc đẩy các tín hữu Kitô, quả quyết rằng : ‘Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì ? Đức tin ấy có thể cứu họ được không ? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói : ‘Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no’ nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì ? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói : ‘Anh có đức tin và tôi có việc làm ; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi’ (Gc 2,14-18).

    Đức tin không có đức ái thì không mang lại thành quả và Đức ái không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và Đức ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. ‘Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy’ (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi ‘trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ’ (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1)”. (Cửa Đức Tin, số 14). 

    Từ những điều Đức Thánh Cha nói trong số 14 của Tự sắc “Cửa Đức Tin” vừa được trích dẫn, chúng ta có thể chọn ra ba điều để suy tư thêm:1.    Liên hệ giữa Đức ái và Đức Tin2.    Đối tượng của chứng tá bác ái3.    Nguồn gốc của chứng bác ái 

    II.    Những suy tư bổ túc

    1.    Liên hệ giữa Đức Ái và Đức TinNăm nay là Năm Đức Tin mà lại nói tới bác ái và Đức Thánh Cha nói là “Năm Đức Tin sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái.”  Câu hỏi tự nhiên ngưới ta phải đặt ra là tại sao phải tăng cường chứng tá bác ái trong Năm Đức Tin?

    Câu trả lời tùy thuộc vào sự hiểu biết về tương quan giữa Đức Tin và Đức ái. Sau khi đã trích lại thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô, chương 13, câu 13 và nhất là thư của thánh Giacôbê Tông đồ, chương 2, câu 14-18, Đức Thánh Cha kết luận: “ Đức tin không có Đức ái thì không mang lại hoa trái và Đức ái không có đức tin thì sẽ là một thứ tình cảm không thuyết phục. Đức tin và Đức ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.”

    Ta cũng có thể nói: Đức Tin là Đức ái trong gốc rễ, còn Đức ái là Đức Tin mang hoa trái. Vì thế, Đức Tin khi được canh tân thì cũng làm cho Đức ái được tăng triển và ngược lại, khi Đức ái được nồng cháy thì Đức Tin cũng được củng cố. Do đó, Đức Thánh Cha đã có thể nói là  “Năm Đức Tin sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái.”

    Có lẽ còn có thể nói thêm là trong Năm Đức Tin, nếu muốn cho Đức Tin của Dân Chúa được canh tân, chúng ta cần phải khích lệ mọi thành phần Dân Chúa gia tăng sức lực thực hiện công việc bác ái nhiều hơn nữa. Và khi Đức Tin được canh tân, Dân Chúa cũng sẽ có thêm sinh khí để gia tăng chứng tá bác ái. Đức Tin đem ánh sáng, Đức ái đem hơi ấm. Đức Tin được canh tân, Đức ái được tăng cường thì Năm Đức Tin không những chỉ là năm đầy ánh sáng, mà còn là năm sưởi ấm lòng người thời đại đang lạnh giá vì sự ích kỷ con người.

    2.    Đối tượng của chứng tá bác ái

    Trong khi đối tượng của Đức Tin là Thiên Chúa, đối tượng của Đức ái là những con người trong thực tại của họ. Do đó, khi thi hành chứng tá bác ái, cần phải tìm hiểu các nhu cầu cụ thể của những con người khác nhau.

    Mặc dù vẫn luôn phải để ý đến những đối tượng cổ điển của chứng tá bác ái, chẳng hạn người nghèo, những bệnh nhân, trẻ mồ côi, tôi xin được đề ra 4 loại người cần được để ý đặc biệt:

    a)    Những người đàn bà lâm vào hoàn cảnh phá thai: dựa vào các khảo sát xã hội và những tiếp xúc hàng ngày nơi các xứ đạo, người ta thấy số người nạo phá thai ngày một gia tăng và số các thai nhi bị giết tại các bệnh viện và trung tâm y tế cũng đang tăng lên rất nhiều. Đáng lo sợ hơn nữa là tại các khu nhà trọ của đồng bào di dân, người ta giành mua các bào thai gần sinh để đem bán. Vì thế, cần có sự giáo dục để mọi người giáo dân biết bảo vệ sự sống, nhất là sự sống của thai nhi. Đồng thời cần gây ý thức để các giáo xứ quan tâm giúp đỡ những người lỡ bước lầm đường và ngăn ngừa sự buôn bán thai nhi.

    b)    Các em thiếu niên thất học:  theo dõi  thông tin báo chí và qua các tiếp xúc trực tiếp, người ta thấy rõ số các thiếu niên bỏ học giữa chừng rất cao. Có nhiều nguyên do: vì hoàn cảnh nghèo, nhà ở trong nơi xa hẻo lánh. Cũng có lý do vì đua đòi theo những trào lưu xã hội, không còn nghĩ đến tương lai. Chứng tá bác ái của các giáo xứ cần quan tâm đến những em này để tạo điều kiện cho các em trở lại trường, ít nhất là bổ túc văn hóa. Ước chi các giáo xứ và giáo phận quan tâm nhắc bảo và cụ thể hơn nữa, còn cấp những học bổng hoặc giúp đỡ  cho các cha mẹ đựơc vay mượn để cho con cái đến trường.

    c)    Quan tâm đến những người nghèo mới: những người nghèo cũ thường là ở vùng sâu vùng xa, làm nghề nông, thuê mướn, không đủ ăn đủ mặc, bệnh tật không có thuốc men. Còn người nghèo mới là những người đang rơi vào hoàn cảnh xã hội kinh tế suy thoái hôm nay. Họ vẫn ở nhà cao cửa rộng nhưng thực sự giấy quyền sử dụng đất; nhà cửa của họ đã bị cầm ở ngân hàng. Công ăn việc làm của họ bị đổ bể, phá sản. Có người chán chường thất vọng, có người cố gắng gỡ gạc, đi mượn thêm tiền để cứu công trình. Nhưng càng vay mượn, càng thua lỗ. Số những người ở hoàn cảnh này tuy kín đáo nhưng khá nhiều tại các xứ đạo vùng thị trấn thành  thị. Các giáo xứ cần quan tâm nâng đỡ để họ vững đức tin và can đảm trước hoàn cảnh khó khăn.

    d)    Những người buồn nản thất vọng: đây là một lớp người hết sức đông đảo, nhưng cũng rất kín đáo, khó nhận thấy. Họ thuộc mọi thành phần, người nghèo túng, mà cả người giầu có, người sống lẻ loi một mình, nhưng cũng có khi là những người sống giữa đám đông, được nhiều người hâm mộ. Tâm trạng chung của họ là cuộc đời trống rỗng, chán nản và mất hy vọng trước cuộc đời, sống buông thả. Có những người còn nghĩ đến việc kết liễu cuộc sống. Vấn đề ở đây không phải là những khó khăn vật chất hay bệnh tật, nhưng là tinh thần đứng trước những vấn đề của cuộc đời. Trong sứ mệnh chứng tá bác ái, các giáo xứ cần được khích lệ quan tâm để khám phá ra những người này và nâng đỡ họ, đem đến cho họ sự cảm thông của tình người và sức mạnh của lòng tin vào tình yêu của Thiên Chúa.

    3.    Nguồn gốc của chứng tá bác áiTất cả những quan tâm đến nhu cầu của người thời đại nói trên đây là điều tốt lành, nhưng nếu chúng ta không đi vào tận gốc rễ và không nối được với cái nguồn thì những công tác đó vẫn chưa phải là chứng tá bác ái.

    Trong số 14 của Tự sắc “Cửa Đức Tin” chúng ta đã trích dẫn trên đây, khi nói về chứng tá bác ái, Đức Thánh Cha đã trích sách Tin Mừng theo thánh Mattêô và xác quyết: “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy’ (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống.”

    Như vậy thì nguồn gốc của Đức ái chính là Đức Tin và lý do của chứng tá bác ái chính là tình yêu của Chúa. Chứng tá bác ái vượt cao lên hẳn tình cảm xót thương bình thường nhân loại và tình yêu đối với người anh em gặp khó khăn mang theo chất thần linh của tình thương yêu phát xuất từ chính Thiên Chúa và vươn lên tới Thiên Chúa.

    Kết luận

    Nhiệm vụ của các Đại Biểu Caritas trong Năm Đức Tin là khích lệ các tín hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, gia tăng chứng tá bác ái trong cuộc sống Đức Tin của mình. Bất cứ ở đâu, dù là thôn quê hay thị thành, dù là nơi giầu hay nghèo cũng có nhiều anh chị em cần đến chứng tá bác ái của Giáo Hội.

    Để thực hiện nhiệm vụ này, chỉ nhắc nhở, gây ý thức thôi không đủ. Còn cần phải đốt lên trong lòng mỗi tín hữu ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô và khơi lên bầu nhiệt huyết, hạnh phúc được trao tặng tình yêu của chính Thiên Chúa cho người anh chị em. Để làm được turyện này, chính các Đại Biểu Caritas cần là những người đã được thiêu đốt bởi tình yêu của Chúa và là những người mang trong mình lòng xót thương của Chúa là Đấng “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,36).

    Đaminh Nguyễn Chu TrinhGiám mục Giáo phận Xuân LộcChủ Tịch Ủy Ban Bác ái Xã hội và Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan