Tinh thần phúc âm của công ty bánh mì Thánh Tâm ở Nam hàn

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 20/08/2018
  • Bánh được chia sẻ

    Bánh được chia sẻ  (AFP or licensors)

    Bánh mì bên cạnh Tin mừng. Hoạt động kinh tế của gia đình luôn được thực hiện với đức tin. Quan tâm đến người nghèo là một dấu hiệu không thể phủ nhận cho một công ty mà ngày nay là một thương hiệu được biết đến trên toàn quốc, công ty bánh mì Thánh Tâm. Với tinh thần phúc âm này, vợ chồng ông bà Giuse Lim Young-jin và Amata Kim Mi-jin, những tín hữu Công giáo sốt sắng, đã phát triển tiệm bánh mì Thánh Tâm tại thành phố Đại điền ở Hàn quốc, phát triển hoạt động kinh tế trong lĩnh vực bánh mì và bánh kẹo.

    Với một giấc mơ trong trái tim: mang bánh mì liên đới giúp đỡ cho các anh chị em Hàn Quốc ở Bắc hàn, bên kia biên giới, mà trong 60 năm qua, không thể vượt qua vĩ tuyến 38. Ngày nay, với những dấu hiệu dịu đi và tình hình lạc quan ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa Bắc và Nam Hàn, giấc mơ đó thực sự có thể trở thành hiện thực. Bà Amata Kim cho tạp chí “Tin” biết: Công ty của họ là tấm gương soi của lịch sử đau khổ của bán đảo Triều Tiên.

    Thực tế là vợ chồng ông bà Giuse và Amata có nguồn gốc bên kia biên giới. Ông Ambrogio Lim Gil-soon, cha của ông Giuse, sinh vào đầu thế kỷ trước, trong một gia đình Công giáo sống ở Bắc hàn. Năm 1951, ông buộc phải cùng vợ, bà Margherita chạy trốn sang Nam hàn, khi chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra dữ dội và ở Bình Nhưỡng, chế độ cộng sản được áp đặt, cấm đoán các quyền tự do cá nhân, bao gồm cả tự do tôn giáo. Trong số hàng triệu người tị nạn, ông Ambrogio dừng lại định cư ở Đại điền và để sinh sống, ông bắt đầu một công việc buôn bán nhỏ trên đường phố. Được hướng dẫn bởi đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, hai ông bà tìm kiếm một cửa hàng đầu tiên ở phía trước của nhà thờ chính tòa. Đó là nơi tiệm bánh mì Thánh Tâm được khai sinh

    Bánh mì cho người nghèo

    Ở nơi đó, trước nhà thờ của Chúa, nơi mà người ta nghe những tiếng chuông, hoạt động kinh tế có thể hòa nhập với lời cầu nguyện, sự dấn thân của Giáo hội và công việc từ thiện. Và nó trở thành một con đường nên thánh. Thật ra, một ngày kia, ông Ambrogio mở sách  Kinh Thánh và đọc một đoạn thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn Roma: "Hãy cố gắng làm điều tốt cho mọi người". Đoạn Kinh Thánh đó sẽ soi sáng con đường của ông và trở thành phương châm của công ty.

    Nhớ lại ngồn gốc của họ, ông Ambrogio và bà Margherita đưa ra một dấu ấn cụ thể cho công việc của họ: với tinh thần bác ái Kitô giáo, vào buổi tối, tất cả bánh mì và sản phẩm vẫn chưa bán sẽ được phân phát cho người nghèo. Bà Amata, hiện nay là quản lý của công ty, giải thích rằng việc làm này, về một phương diện, có nghĩa là mỗi ngày luôn có bánh mì mới thơm ngon, để bán lẻ; về mặt khác, nó là một dấu hiệu để "đáp lại các phước lành đã nhận được", và hàng ngày nhớ rằng "tất cả chúng ta và những gì chúng ta có là một món quà từ Thiên Chúa". Tiso, một loại bánh mì chiên đặc biệt, là một món ăn mà mọi người Hàn đều biết. Và thương hiệu Thánh Tâm ngày nay là một niềm tự hào quốc gia, như Samsung hay Hyundai.

    Tất nhiên, trong 60 năm qua đã có những lúc khó khăn. Vào cuối những năm 90, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á đã khiến nền kinh tế của nhiều nước công nghiệp ở châu lục này bị lụn bại, ông bà chủ công ty cũng bị cám dỗ mạnh mẽ đặt câu hỏi về tinh thần nguồn gốc và triết lý Kitô giáo, linh hồn của công ty. Ông bà kể: "Một số người nói với chúng tôi: bánh mì và kẹo không bán được có thể bán nửa giá vào ngày hôm sau. Ít nhất là để trang trải chi phí sản xuất. Chúng tôi không muốn đầu hàng: sự trao tặng hằng ngày luôn là dấu hiệu của Tin mừng của niềm tin vào Chúa. Chúng tôi đã tiếp tục với đức tin trên con đường này. Chúa đã giúp chúng tôi và công ty, dần dần, đã bắt đầu thịnh vượng trở lại». Hiện nay, mỗi tháng, giá trị của bánh mì được tặng cho các bữa ăn của người nghèo hoặc các trung tâm bác ái lên tới 30 triệu won, khoảng 23 ngàn euro.

    Mối quan hệ ở trung tâm

    Khi những người sáng lập qua đời, ông Giuse và vợ ông, bà Amata, tiếp tục công việc đã được bắt đầu. Sau đó, họ đến với tinh thần của Phong trào Focolare, tìm được trong mô hình kinh tế hiệp thông một đề xuất về quản lý kinh tế và kinh doanh gần với quan điểm của họ.

    Với 12 cửa hàng và hơn 400 nhân viên, công ty là một thực thể quan trọng trong bối cảnh kinh doanh nhỏ tại Hàn Quốc. Trên tất cả, nó có thể được nhận ra bởi tinh thần truyền giáo hướng dẫn nó, luôn chú ý đến lợi ích của người lao động, đến chất lượng của sản phẩm, đến những tác động có lợi trên toàn thể cộng đồng.

    Bà Amata chia sẻ: "Chúng tôi đặt mối quan hệ con người ở trung tâm của công ty chúng tôi. Chúng tôi không theo đuổi lợi nhuận tối đa bằng bất kỳ giá nào, nhưng là doanh thu luôn luôn chú ý những điều tốt đẹp của mọi người. Một công ty được nuôi dưỡng bằng sự nhiệt tình của cả cộng đồng và khi phát triển mạnh, nó có thể cung cấp việc làm mới. Đối với chúng tôi cuộc sống của người dân là lợi ích quý giá nhất.”

    Hồng Thủy - Vatican

    Bài viết liên quan