Lớp bùn dày đang gây cản trở cho các lực lượng cứu hộ trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, giải cứu hơn 1.100 người còn đang mắc kẹt, sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.

“Việc tìm kiếm rất phức tạp, nhiều khu vực không thể tiếp cập được bằng ô tô hoặc thuyền. Ngoài ra, các trang thiết bị hiện đại cũng bị hạn chế”, SCMP dẫn lời Phó bí thư ủy ban tỉnh Attapeu, bà Meenaporn Chaichompoo cho biết.

Theo Ủy ban Xử lý Thiên tai Lào hôm 27/7, quá trình giải cứu vô cùng khó khăn vì lớp bùn dày ít nhất 50cm. Họ rất cần thiết bị cứu hộ hiện đại và cần vận chuyển thực phẩm, nước uống, quần áo đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Đến nay, đã có khoảng 20 đội cứu hộ đến từ nhiều nước tham gia vào việc tìm kiếm, cứu nạn tại Lào. Vientiane Times cho biết, lực lượng cứu hộ mới chỉ thực hiện được 30% tổng diện tích 13 ngôi làng vì điều kiện khó khăn và địa hình phức tạp.

 

Việc cứu trợ người dân Lào sau sự cố vỡ đập gặp khó khăn vì bùn lầy
Việc cứu hộ mới chỉ thực hiện được ở 30% tổng diện tích 13 ngôi làng vì điều kiện khó khăn và địa hình phức tạp. (Ảnh: SCMP)

Ngoài ra, số người chết và mất tích từ sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào vẫn còn là “một bí ẩn”. Ban đầu, các quan chức xác nhận có 27 người đã chết, nhưng bà Meenapron sau đó thông báo con số giảm xuống còn 26 mà không có lời giải thích nào. Hơn nữa, vẫn chưa xác định được vị trí của hàng trăm người sau 5 ngày kể từ khi sự cố vỡ đập xảy ra. “Chúng tôi còn chưa tìm thấy 1.126 người, 131 người đã mất tích”, bà nói thêm.

 

Sự xa xôi của khu vực bị ảnh hưởng cùng với việc thông tin mâu thuẫn, chậm chạp đã làm dấy lên nỗi lo ngại về số người chết có thể tăng cao.

 

“Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Đặc biệt là vì chúng tôi không phải là một quốc gia mạnh về các hoạt động cứu hộ”, một người tình nguyện viên đề nghị giấu tên, chia sẻ với SCMP.

Trong những ngày qua, nhiều câu hỏi về chất lượng của con đập thủy điện với số vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD đã được đặt ra. Các nhà xây dựng cho biết, nguyên nhân chính là do mưa lớn trút xuống bất ngờ và kéo dài. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết, thiết kế kém là nguyên nhân gây ra sự cố.

Việc cứu trợ người dân Lào sau sự cố vỡ đập gặp khó khăn vì bùn lầy
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Họ rất cần thiết bị hiện đại và cần vận chuyển thực phẩm, nước uống, quần áo đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Công ty Hàn Quốc SK Engineering & Construction (một trong các công ty nước ngoài tham gia dự án xây dựng thủy điện) thông báo, họ đang điều tra nguyên do dẫn đến vỡ đập và sẽ viện trợ 10 triệu USD cho công tác cứu hộ.

Sự cố lần này đã dẫn đến những chỉ trích về tham vọng trở thành “pin châu Á” – một nước xuất khẩu điện lớn – của Lào. Nó cũng dấy lên lo ngại về sự an toàn của các con đập khác ở đất nước này.

“Hầu hết các đập thủy điện được xây dựng bởi những công ty nước ngoài, còn chính quyền Lào không có kiến ​​thức chuyên môn và quản lý để kiểm tra các điểm yếu hoặc vấn đề, đó là sự lo lắng của chúng tôi”, một người dân làng Si Wonghajak cho hay.

Bạch Dương