Caritas Đà Lạt: Hội thảo Nghiên Cứu Hành Động Có Sự Tham Gia Trong Phát Triển Tự Dân Về Nông Nghiệp Sinh Thái

  • Thứ tư, 14:10 Ngày 16/12/2020
  •  

    Hội thảo Nghiên Cứu Hành Động Có Sự Tham Gia Trong Phát Triển Tự Dân Về Nông Nghiệp Sinh Thái được tổ chức từ ngày 7/12 – 13/12/2020 tại Đà Lạt.Tham dự hội thảo có 26 đại biểu của năm tổ chức: CSDM (Trung tâm Vì sự Phát triển Bền vững Miền núi); DWC (Trung tâm Hỗ trợ sự Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em); CEPHAD (Trung tâm Y tế Công cộng và Phát triển Cộng đồng); Caritas Phan Thiết và Caritas Đà Lạt. Hội thảo diễn ra với sự đồng hành và hỗ trợ của cô Elizabeth Cruzada - Tư vấn viên của Misereor về PLD (People Led Develoment).

    Mục đích của cuộc hội thảo nhằm trao đổi học hỏi, nâng cao năng lực của các đối tác trong việc thúc đẩy phát triển tự dân và trao quyền cho các cộng đồng qua quá trình phản hồi nhằm hướng đến sự thay đổi bằng việc thực hành các công cụ PAR (Participatory Action Research), hầu dựa trên các công cụ đó, giúp cộng đồng tìm ra được vấn đề mà họ đang gặp phải, đồng thời có thể đưa ra một tiến trình để thay đổi về các khía cạnh: Môi trường-kỹ thuật; Kinh tế; Văn hóa-xã hội. Và chính người nông dân sẽ trở thành những nhà nghiên cứu trên chính thôn làng, mảnh đất của mình.

    Tham dự viên trao đổi về mục tiêu hội thảo

    Khai mạc buổi hội thảo, cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính - Giám đốc Caritas Đà Lạt chia sẻ và ước mong các tổ chức cùng chung tay phát triển cộng đồng, hãy cùng nhau đi trên một con đường hướng đến sự phục vụ cho người nghèo.

    Giám đốc Caritas Đà Lạt phát biểu tại hội thảo

    Chương trình hội thảo gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Trong hai ngày đầu, 5 tổ chức đã cùng nhau học hỏi và thiết kế công cụ và phương pháp PAR, sau đó mọi người chia thành ba nhóm để đi thực địa tại ba cộng đồng (Đưng K’Nớ, Đà Loan và Lộc Tân) để thực hành các công cụ PAR một cách cụ thể hơn.

    Sau hai ngày làm việc tại cộng đồng, các nhóm quay trở lại để cùng nhau thảo luận những vấn đề mà bà con nông dân nghèo đang gặp phải. Bên cạnh đó, có phần trình bày của Tiến sĩ ChiTô và Leo XL Fuentes (đại diện MASIPAG) chia sẻ cho các tham dự viên cách làm nông nghiệp sinh thái hiệu quả với cộng đồng.

    Sang ngày thứ sáu của hội thảo, các nhóm tiếp tục quay trở lại cộng đồng và cùng với bà con phân tích, đưa ra các giải pháp, những hoạt động cụ thể để bà con tự lựa chọn nhằm cải thiện những vấn đề mà bà con đang phải đối mặt và hướng đến sự thay đổi.

    Thảo luận cùng cộng đồng

    Vào ngày cuối của hội thảo, các tổ chức đã lên kế hoạch cho cộng đồng mà mình đang hỗ trợ tại địa phương.

    Tất cả các kế hoạch đều mang tính thiết thực, cụ thể và ước mong các tổ chức cùng chung tay thực hiện, để những người nông dân nghèo có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, cùng nhau làm nông nghiệp sinh thái, góp một bàn tay để môi trường ngày thêm xanh, sạch và trong lành. Đồng thời, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là những nét riêng của người dân tộc thiểu số miền núi.

    Hội thảo là một phần của dự án liên tổ chức Ethnic Minority Inclusive Self Management Ensuring Food Sovereignty In Mountain Of Vietnam (Người dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam tự quản để đảm bảo chủ quyền lương thực) do Caritas Đà Lạt điều phối thực hiện cùng các tổ chức CPHAD, CSDM, DWC và Caritas Phan Thiết. Để chuẩn bị cho hội thảo, trước khi hội thảo này diễn ra, đã có những buổi học online giữa các tổ chức và chuyên gia về kỹ năng thúc đẩy, nông nghiệp sinh thái, xây dựng khung làm việc, các nguyên lý làm việc với người dân…

    Nguyện xin Chúa chúc lành và cùng song hành với nhà tài trợ Misereor, các tổ chức, người nông dân trên mọi nẻo đường, để tất cả mọi việc mà mọi người làm đều hướng đến sự phát triển và phục vụ những người nghèo.

     Vân Anh (Caritas Phan Thiết)

    Bài viết liên quan