Caritas Thanh Hóa: Hành trình đánh thức mùa xuân

  • Thứ tư, 15:29 Ngày 20/03/2019
  • Cái tiết trời Đông lành lạnh dường như đang lặng lẽ dần trôi để lại nơi phố phường những giọt nắng mới lan trải trên những cành đào, cành mai rộ tươi trong muôn sắc màu – và không khí Tết đã thật sự đến trên miền đất xứ Thanh. Nhưng khi cái không khí Tết ấy cứ dồn dập ngày càng làm cho phố phường dưới xuôi tấp nập: nào xe cộ, nào hoa trái, nào bánh kẹo, nào đủ thứ hàng hóa la liệt, thì cái lặng lẽ buồn tẻ vẫn không chịu rời bước nơi núi rừng vùng cao nơi người dân tộc Thái sinh sống. 

    Ngược theo con đường chảy dài cách thành phố Thanh Hóa khoảng 150 km, Caritas Thanh Hóa chúng tôi – những người đang đóng vai trò trung gian cho những tấm lòng quảng đại, lại tiếp tục băng rừng vượt núi để kịp chuyển trao những món quà Xuân của các ân nhân xa gần đến với bà con vùng dân tộc thiểu số của xứ Thanh.

    Có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta hình ảnh về những túp lều tranh vách đất tưởng chừng như chỉ còn đọng lại trong những câu chuyện lịch sử hay chỉ là những truyện cổ trên sân khấu về một thời xa xưa nào đó. Nhưng không, thật ra những cảnh đời đơn nghèo ấy vẫn còn và đang tiếp diễn trong thời đại hôm nay. Quả thật tiếng Chúa nhắn nhủ vẫn luôn mới trong thế giới chúng ta đang sống: “Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh” (Ga 12, 8a). Điều đó thật không xa lạ khi chúng ta có dịp ghé thăm những bản làng vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.

    Tuy đã là ngày 26 Tết, nhưng cái không khí Tết vẫn còn rất xa vời đối với bà con nơi đây. Trong khi người dân miền xuôi đang nao nức trang hoàng nhà cửa để đón chào Xuân mới, thì bà con nơi các bản làng vẫn lặng lẽ dưới những túp lều tranh vách nứa để cầu mong sao có cái gì đó ăn cho no cái bụng. Họ không hề có một chút gì để có thể gọi là tương lai ngày mai. Ngoài những thiếu thốn về vật chất, người dân nơi đây còn phải ghánh chịu những nỗi đau tinh thần bởi sự mất mát người thân và những căn bệnh hiểm nghèo đang hoành hành. Một trong số đó là bệnh ung thư đã làm bao người con mất cha, bao ngôi nhà vắng mẹ. Đau đớn hơn nữa có những mảnh đời éo le khiến cho người nghe người nhìn không khỏi bồi hồi xót xa, đó là những vụ tai nạn lao động thật đáng thương tâm: người thì gẫy chân, người thì dập đầu, người thì bại liệt và người thì bị mất cả đôi tay, đó là trường hợp của anh Lương Văn Mừng thuộc xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân. Sau khi tai nạn xảy ra, anh bị cưa cả hai tay khiến 5 năm nay anh không thể làm gì được mà lại còn thêm phiền lụy vợ con, để lại ghánh nặng cho cả gia đình mẹ cha đôi bên. Và rồi khi hoàn cảnh quá khổ ải, đất cằn nhà cỗi việc làm không có khiến bao trai tráng gái làng phải bỏ nhà đi làm phương xa. Trong đó có người đã làm cha làm mẹ, nhưng khi họ rời quê thì lại quên ngày trở về khiến cho bao nhà chỉ thấy những đứa trẻ thơ bơ vơ bên ông bà già nua gầy yếu.

    Càng đi chúng tôi càng muốn kéo dài hành trình, không phải chỉ để mang cho họ những món quà vật chât, nhưng muốn trao cho họ một sự quan tâm chia sẻ với những đau thương họ đang phải tranh đấu đêm ngày vì cuộc sống. Chứng kiến những cảnh đời như thế, chúng tôi càng thấm thía lời Chúa Giê-su thúc giục các môn đệ xưa kia và ngày nay đã trở thành khẩu hiệu sống của giáo phận Thanh Hóa qua lời mời gọi của vị Chủ Chăn: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới.” Để lời mời gọi ấy đi vào hành động thực tiễn, chúng tôi – Ban Bác Ái Xã Hội Caritas của Giáo Phận –  đang cố gắng ngày đêm miệt mài hành trình ra đi và mong ước của chúng tôi là góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo Phận. Nơi chúng tôi hướng đến là những vùng ngoại biên dân tộc thiểu số. Tuy có những lúc, bước chân chúng tôi mệt mỏi trước những dòng đời bao la với những con đường quá xa. Nhưng vẫn không thể cho phép mình dừng  lại để nghỉ ngơi vì những mảnh đời nghèo khổ còn quá nhiều trên quê hương Thanh Hóa thân yêu. Ước mong của chúng tôi lúc này là có đủ sức khỏe và niềm tin để tiếp tục ra đi đến với mọi nhà và mọi nơi, để trao gửi họ những món quà mùa Xuân và mong sao hành trình của chúng tôi trở thành những Hành Trình Đánh Thức Mùa Xuân, nhất là những nơi vùng cao vùng xa – nơi mà ánh xuân tươi vẫn chưa được gọi mời tỉnh giấc.

    BTT Caritas Thanh Hoá

    Một số hình ảnh

     

    Bài viết liên quan