Thượng Hội đồng Giám mục về Khu vực Amazon: Những thách thức và giải pháp mới

  • Thứ tư, 09:02 Ngày 16/10/2019
  • Thứ Tư, 16-10-2019 | 04:58:46

    Bốn tham dự viên tại Hội nghị Thượng đỉnh về khu vực Amazon đã gặp gỡ các nhà báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào chiều hôm thứ Hai 14/10 để trao đổi về những kinh nghiệm và ấn tượng liên quan đến Đại hội đồng lần thứ 9.

    Buổi họp báo về Thượng Hội đồng Giám mục tại Văn phòng Báo chí Vatican

    Đại hội đồng lần thứ 9, được tổ chức vào sáng hôm thứ Hai 14/10, với sự tham dự của 179 Nghị phụ Thượng Hội đồng, cùng với ĐTC Phanxicô, người đã mở đầu phiên họp với lời cầu nguyện cho Ecuador.

    Điều này đã được xác nhận bởi Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Thông Vatican, Tiến sĩ Paolo Ruffini, trước khi mời Linh mục Dòng Tên Giacomo Costa, Thư ký Ủy ban Truyền Thông, đưa ra một sự tóm lược về những vấn đề đã được thảo luận trong Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục.

    Tóm tắt của Linh mục Giacomo Costa SJ

    Cha Costa bắt đầu bằng cách khẳng định việc Thông điệp ‘Laudato sì’ của ĐTC Phanxicô đang chứng minh rằng đó không chỉ là một văn bản, mà thực sự bắt nguồn từ thực tế được thảo luận tại Thượng Hội đồng. Điều này đang được thể hiện qua việc “tất cả mọi thứ đều có sự kết nối với nhau”, ĐTC Phanxicô nói.

    Tóm tắt những vấn đề đã được thảo luận trong Hội trường Thượng Hội đồng vào sáng thứ Hai 14/10, Cha Costa đã liệt kê một số chủ đề: cuộc đối thoại với người dân bản địa, và tầm quan trọng của việc tham gia vào cuộc sống của họ, việc bảo vệ quyền của người dân địa phương và việc bảo vệ thiên nhiên. Cha Costa cho biết rằng sự cần thiết cần phải bắt nguồn từ nền tảng kinh nghiệm xuất phát từ lãnh thổ địa phương cũng đã được đề cập.

    Các Nghị phụ đã thảo luận về những thách thức đối với các công việc mục vụ địa phương, Cha Costa nói, việc làm thế nào để hội nhập văn hóa trong phụng vụ và việc làm thế nào để phản ứng tốt hơn đối với nhu cầu và văn hóa của người dân.

    Các tham dự viên tại phiên họp buổi sáng, theo Cha Costa, đã khẳng định vai trò của Giáo hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy người dân địa phương, đồng hành với những người không có tiếng nói. Một đề nghị đã được đưa ra nhằm thiết lập một đài quan sát quốc tế của Giáo hội về quyền của người dân bản địa. Một số tham dự viên đã khẳng định tầm quan trọng của Giáo hội trong việc kết hợp quan điểm của Giáo hội vào các hoạt động liên quan đến vấn đề nhân quyền.

    Cha Costa tiếp tục tóm tắt các tiến trình trong đó bao gồm chủ đề về “các mô hình kinh tế xoay vòng”: việc tiếp cận với thực phẩm tôn trọng môi trường và có tác động tích cực đến các cư dân địa phương. Các mô hình này có thể đạt được thông qua “một nền giáo dục toàn diện” vốn giúp thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa công bằng, Cha Costa báo cáo.

    Không chỉ giáo dục, mà cả lĩnh vực truyền thông thông tin cũng là một chủ đề được thảo luận, theo Cha Costa. Theo các tham dự viên tham dự Thượng Hội đồng, “văn hóa truyền thông” đang phát triển nhanh chóng ở khu vực Amazon và chúng ta cần phải “thu hẹp khoảng cách truyền thông”. Điều này đồng nghĩa với việc đào tạo các nhà truyền thông bản địa địa phương, và đồng thời thiết lập các mạng truyền thông dựa trên cộng đồng và sự liên đới.

    Bà Josianne Gauthier, Tổng thư ký CIDSE (Canada)

    Bà Josianne Gauthier là Tổng thư ký CIDSE, “Coopération Internationale pour le Développement et la Solidarité”, một tổ chức bảo trợ cho các cơ quan phát triển Công giáo từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Bà Gauthier đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách cho biết rằng CIDSE đã dành hơn 50 năm để hỗ trợ các cộng đồng, bao gồm cả ở Amazon, thúc đẩy nền sinh thái toàn diện và bảo vệ nhân quyền.

    Chúng ta đang ở đây tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon, bà Gauthier nói, “ở vị trí lắng nghe”, để lắng nghe những câu chuyện và bắt đầu làm việc để ủng hộ những thông điệp này bên ngoài Thượng Hội đồng Giám mục, “trong những không gian chính trị”. Nhiệm vụ của CIDSE, bà Gauthier giải thích, đó chính là phải “thực hiện các cuộc tranh đấu và biến chúng thành áp lực chính trị”.

    Bà Gauthier cho biết những người trong chúng ta “sống từ lợi ích của hoạt động khai thác bó lột bi thảm”, vốn diễn ra ở một phần của thế giới, “có trách nhiệm nâng cao tinh thần trách nhiệm”. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, “phúc lợi và sự an yên của chúng ta đều phải trả giá”, bà Gauthier nói: sự sống con người, an ninh, hòa bình và công lý sinh thái.

    Bà Gauthier kết luận rằng chúng ta cần phải thúc đẩy ý thức và tập trung vào việc “thực hiện những gì chúng ta có thể sau Hội đồng để truyền tải những thông điệp này”.

    Đức Cha Jose Ángel Divassòn Cilveti S.D.B Địa phận Bamaccora (Venezuela)

    Đức Giám mục Jose Ángel Divassòn Cilveti là một Tu sĩ Salêdiêng. Các Tu sĩ Salêdiêng đã làm việc ở miền nam Venezuela từ năm 1957. Những phản ánh sau Công đồng Vatican II đã dẫn đến một cách tiếp cận mới vốn bắt đầu vào năm 1976, Đức Cha Cilveti nói: việc triển khai các hình thức truyền giáo mới trợ giúp người dân và giúp họ “kiểm soát số phận của mình”. Các linh mục, giáo dân, các Tu sĩ nam nữ, đều tham gia vào sứ mạng này và đã triển khai các tiêu chí dựa trên việc tham gia vào đời sống của người dân, và tôn trọng các cộng đồng, giáo dục họ và hỗ trợ họ trong các dự án, Đức Cha Cilveti cho biết.

    Để truyền giáo hiệu quả, Đức Cha Cilveti nói, chúng ta cần phải làm quen với cảm xúc của người dân, để hiểu những gì họ đang suy nghĩ. Chia sẻ về kinh nghiệm bản thân, Đức Cha Cilveti cho biết người dân “muốn bước theo Chúa Giêsu, họ muốn thay đổi”. Tin Mừng đã mang đến những khái niệm mới như Lòng thương xót và sự tha thứ, và những điều này đã trở thành những chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề và xung đột.

    Đức Giám mục Cilveti kết luận bằng cách mô tả Giáo hội trong khu vực của mình là “một Giáo hội non trẻ với những đặc điểm khác nhau”, một Giáo hội giúp người dân tự giúp mình.

    Đức Giám mục Carlo Verzeletti Địa phận Castanhal (Brazil)

    Đức Giám mục Carlo Verzeletti đến từ Castanhal, Brazil. Giáo phận của ngài bao gồm hơn 1.000 ngôi làng nằm bên cạnh cửa sông Amazon. Các linh mục của ngài, Đức Cha Verzeletti cho biết thêm, “rất ít ỏi và đều đã cao niên”. Họ chỉ có thể gặp gỡ người dân một vài lần trong năm khi họ đến để cử hành Thánh lễ. “Việc chạy từ nơi này đến nơi khác” không thể hiện “sự hiện diện và sự gần gũi, sự hỗ trợ và sự an ủi” mà người dân mong muốn, Đức Cha Verzeletti nói.

    Linh mục trở thành “những người phân phát các Bí tích”, Đức Cha Verzeletti cho biết thêm. Đó chính là lý do tại sao Đức Cha Verzeletti ủng hộ việc phong chức cho những người gọi là “Viri probati”, những người đàn ông đã có gia đình được phê duyệt, “ngõ hầu Bí tích Thánh Thể có thể trở thành hiện thực gần gũi hơn với mọi người và các cộng đồng”. Đây không phải là “những linh mục hạng hai”, Đức Cha Verzeletti cho biết thêm, nhưng là những người đã được đào tạo và huấn luyện phù hợp, “đã cống hiến cuộc đời của họ cho những người khác”.

    Đức Giám mục Verzetti cho biết khu vực của ngài đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình thực dân hóa và toàn cầu hóa: kết quả là sự tục hóa, sự thờ ơ tôn giáo và ảnh hưởng của các Giáo hội Ngũ Tuần. “Lòng đạo đức bình dân không thể chống lại tác động này”, Đức Cha Verzeletti nói.

    Đơn cử một ví dụ, Đức Cha Verzetti cho biết có đến 750 nhà thờ Ngũ Tuần chỉ trong thành phố của mình và chỉ có 50 nhà thờ Công giáo.

    Đức Cha Verzetti đã phong chức cho 110 Phó tế vĩnh viễn, Đức Cha Verzetti nói, và làm việc trong việc trao quyền cho giáo dân. Liệu ĐTC Phanxicô có xem xét thực tế của những người gọi là “viri probati”, Đức Cha Verzetti kết luận, “chúng ta có những người xứng đáng có thể được phong chức linh mục”.

    Jose Gregorio Dìaz Mirabal (Venezuela)

    Ông Jose Gregorio Dìaz Mirabal là Điều phối viên của COICA, Hội nghị của các tổ chức bản địa Lưu vực sông Amazon. Tổ chức của ông đại diện cho 4 triệu người dân bản địa trải rộng trên 4.500 cộng đồng ở cả sáu quốc gia thuộc Vùng Amazon.

    Giáo hội Công giáo, ông Mirabal cho biết trong phần trình bày của mình, là tổ chức duy nhất kêu gọi thế giới “thức tỉnh”. Phát biểu với tư cách là một người dân bản địa, ông Mirabal cho biết rằng “chúng ta sẽ biến mất nếu như chúng ta không làm điều gì đó”.

    Sự hiện diện của COICA tại Thượng Hội đồng Giám mục, ông Mirabal nói, là để hỗ trợ những người đang đấu tranh bảo vệ đất đai, ngăn chặn “sự xâm lăng dữ dội của các dự án phát triển”, bao gồm các kế hoạch thủy điện, các hoạt động khai thác không kiểm soát và ngành công nghiệp thực phẩm. Ông Mirabal đã phát biểu về những người đã bị cầm tù và bị sát hại vì đã lên tiếng chống lại việc chiếm dụng đất đai, hoặc trong khi cố gắng ngăn chặn sự ô nhiễm không khí và nước.

    Ông Mirabal kết luận bằng cách mời gọi các phương tiện truyền thông giúp truyền bá những thông điệp này.

    Vấn đề về những số liệu thống kê

    Câu hỏi đầu tiên được gửi đến Tiến sĩ Paolo Ruffini và các số liệu thống kê liên quan từ khu vực Amazon. Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền thông Vatican trả lời rằng, trong khi công tác chuẩn bị tiền Thượng Hội đồng đã đưa ra các tài liệu mang tính thống kê, đây không phải là một hội nghị nghiên cứu đòi hỏi những dữ liệu thống kê. Giáo hội đang phản ánh về việc “làm thế nào để phục vụ Amazon thông qua các hoạt động mục vụ”, Tiến sĩ Paolo Ruffini nói.

    Thượng Hội đồng Giám mục không phải là về “tỉ lệ phần trăm”, ông Ruffini cho biết thêm, nhưng “về việc Giáo hội toàn cầu có liên quan đến một vùng lãnh thổ”. Và một lãnh thổ được mô tả tốt nhất bởi những người sống ở đó, Tiến sĩ Ruffini nói.

    Đức Giám mục Jose Ángel Divassòn Cilveti khẳng định rằng các nghiên cứu về các Giáo hội tại khu vực Amazon đã được thực hiện bởi REPAM, và dữ liệu này đã được thu thập và công bố để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục.

    Vấn đề liên quan đến chủ quyền

    Trả lời câu hỏi liên quan đến sự can thiệp có thể vào Thượng Hội đồng của chính quyền địa phương ở Vùng Amazon, Đức Cha Carlo Verzeletti đã tái khẳng định sự tôn trọng của Giáo hội đối với chủ quyền của Brazil nói riêng. Giáo hội không đưa ra các giải pháp “mang tính kỹ thuật”, Đức Cha Verzeletti cho biết thêm, nhưng đưa ra những hướng dẫn để cuộc sống và quyền lợi ở khu vực Amazon được tôn trọng. Việc giải quyết các vấn đề kinh tế ở Brazil không đồng nghĩa với việc mở ra các khu vực ở Amazon vốn sẽ cải thiện cuộc sống của những người giàu, chứ không phải “cuộc sống của người dân của chúng tôi”, Đức Cha Verzeletti nói.

    Liên quan đến cuộc gặp tại Vatican giữa Phó Tổng thống Brazil và Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin, Tiến sĩ Ruffini cho biết rằng nó “không có ảnh hưởng gì đến Thượng Hội đồng”. Cuộc gặp gỡ nói về mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, Đức Cha Verzeletti nói, và “không có sự liên quan” đến Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon.

    Vấn đề về tổ chức Pan-Amazonia trong tương lai

    Một câu hỏi đã được đưa ra về khả năng thành lập một tổ chức Pan-Amazonia trong tương lai sau Thượng Hội đồng. Các tham dự viên khẳng định rằng chủ đề đã được nêu ra ở một trong những nhóm làm việc nhỏ, nhưng có một mối lo ngại về việc có quá nhiều tổ chức khi mà mạng lưới REPAM đã tồn tại.

    Bà Josianne Gauthier cũng cho biết thêm rằng bất kỳ hình thức của sự hợp tác nào cũng hữu ích khi nói đến vấn đề bảo vệ nhân quyền. Chừng nào còn có “sự rõ ràng về ý định”, bà Gauthier cho biết tổ chức của bà cũng sẽ hoạt động dù cho bất kỳ cấu trúc nào được quyết định.

    Vấn đề về “viri probati”

    Liên quan đến việc phong chức cho những người đàn ông đã có gia đình đã được phê duyệt, hay còn gọi là “viri probati”, Linh mục Dòng Tên Giacomo Costa đã nhấn mạnh mong muốn của ĐTC Phanxicô rằng “tất cả mọi vấn đề” đã được thảo luận để đưa ra các giải pháp phù hợp. Cha Costa đã khẳng định rằng có “những quan điểm khác nhau” về vấn đề này, nhưng “tất cả mọi người đều lắng nghe theo cách thức tôn trọng lẫn nhau”.

    Tiến sĩ Ruffini cho biết thêm rằng trong khi một số người có thể ủng hộ và những người khác có thể phản đối, cuối cùng thì đó không phải là Thượng Hội đồng đưa ra quyết định. Thượng Hội đồng cuối cùng sẽ giao phó những suy tư của mình cho Đức Thánh Cha như “một thứ gì đó vẫn đang được tiến hành”.

    Vấn đề về Ecuador

    Trả lời câu hỏi về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Ecuador, ông Jose Gregorio Dìaz Mirabal cho biết rằng những sự việc đang xảy ra trên toàn khu vực “đã khiến cho tất cả chúng ta không khỏi đau lòng”. Có rất nhiều thách thức trong việc tìm kiếm các giải pháp, ông Mirabal nói.

    Đức Giám mục Jose Ángel Divassòn Cilveti cho biết thêm rằng điều quan trọng đó chính là cần phải nhận thức được những sự việc đang xảy ra trong những tình huống này. Chúng ta chỉ có thể hiểu rõ nếu như chúng ta “nhìn vào bức tranh tổng thể”, Đức Cha Cilveti nói.

    Vấn đề về các khoản đầu tư của Giáo hội

    Một câu hỏi đã được đưa ra liên quan đến các khoản đầu tư của Giáo hội vào các dự án tại khu vực Amazon. Cha Costa trả lời rằng Giáo hội đã và đang thoái vốn khỏi một số sản phẩm và công ty.

    Bà Josianne Gauthier cho biết thêm rằng việc thoái vốn chính là cách thức mà qua đó Giáo hội có thể thể hiện “sự gắn kết của mình với Thông điệp Laudato sì và hệ sinh thái toàn diện”, mối liên hệ giữa “lời nói và hành động”.

    Vấn đề về diện mạo Giáo hội Amazonia

    Câu hỏi cuối cùng là về các hình thức của sự thay đổi cần phải được thực hiện nếu Giáo hội tại khu vực Amazon thực sự “mang diện mạo của Amazonia”.

    Ông José Gregorio Dìaz Mirabal đã trả lời bằng cách nhắc lại rằng không phải Thượng Hội đồng sẽ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Giáo hội Giáo hội “phải chía tay ra” và phải được phản ánh trong thực tế của người dân địa phương.

    Ông thừa nhận rằng Giáo hội cần sự hỗ trợ, và cần xây dựng sự hiệp nhất lớn hơn với người dân bản địa ở một số khu vực của Vùng Amazon.

    Để làm cho nhau trở nên mạnh mẽ hơn, ông Mirabal kết luận, chúng ta cần phải “cùng đồng hành và bước đi bên nhau” – thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc “bước đi với đôi chân trần”.

    Minh Tuệ (theo Vatican News)

    Bài viết liên quan