10 Điểm Nổi Bật Của Caritas Đà Lạt Năm 2020

  • Thứ sáu, 23:35 Ngày 12/02/2021
  • Năm 2020 đánh dấu bằng những biến cố lịch sử trên thế giới và tại Việt nam. COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1,700,000 người trên thế giới và nhiều người khác chịu ảnh hưởng, bị mất công ăn việc làm, bị cách ly... 249 người đã ra đi trong trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung Việt Nam và biết bao người bị thiệt hại nhà cửa, tài sản, mùa màng…

    Caritas Đà Lạt trước những biến cố lịch sử này cũng đã ngưng nhiều hoạt động. Nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài vẫn mở ra nhiều cơ hội để chúng con tiếp tục đi sâu và trở nên chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động phát triển bền vững.

    1. Các chương trình học hỏi và hành động Laudato Si'

    Năm 2020 kỷ niệm 5 năm Đức Giáo Hoàng công bố thông điệp Laudato Si’. Các nhân viên Caritas Đà Lạt đã tổ chức các buổi tự học hỏi và chia sẻ trực tuyến về thông điệp Laudato Si’, đặc biệt trong những ngày bị cách ly vì COVID-19 vào tháng 4/2020. Caritas cũng cử nhân viên tham dự khóa học trực tuyến để trở thành người cổ võ cho thông điệp Laudato Si (Laudato Si Animator) do Mạng lưới Khí hậu Công giáo Toàn cầu tổ chức. Qua các bài tập thực tế, văn phòng Caritas đã có các hoạt động trong Mùa Sáng Tạo (từ ngày 1/9 đến ngày 4/10) như: thánh lễ ngoài trời, cầu nguyện và trao đổi hạt giống, nghi thức trồng cây, cầu nguyện di hành, các buổi nói chuyện về Môi trường cho Caritas Giáo xứ. Ngoài ra, trong tuần lễ Laudato Si’ (từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 5), chúng tôi tổ chức buổi cầu nguyện cho môi trường cùng các bạn trẻ, các buổi truyền thông về Laudato Si' cho các Giáo xứ cùng với lời cầu nguyện cho Trái Đất.

    2. Mạng lưới Caritas giáo xứ

    Với ước mong phát triển mạng lưới Caritas giáo xứ, Caritas Đà Lạt đang tập trung vào việc xây dựng và củng cố ban điều hành của Caritas các giáo hạt. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 và nhiều chương trình bị hủy bỏ, Caritas một số giáo hạt vẫn tích cực tổ chức một số sự kiện như hoạt động gây quỹ của hạt Đơn Dương, ngày cầu nguyện cho sự sống của hạt Đà Lạt, thúc đẩy các Giáo xứ thành lập Caritas và phát triển hội viên của Đức Trọng… Hơn nữa, một số Giáo xứ trong Giáo phận cũng được mời gọi để đưa thông điệp Laudato Si’ vào cuộc sống. Vì vậy, chuỗi diễn đàn trao đổi học hỏi Người giáo dân sống Laudato Si’ cũng được xây dựng. Một Giáo xứ trong mỗi giáo hạt được chọn để tham gia vào tiến trình trao đổi học hỏi để tạo ra sự thay đổi, bao gồm các giáo xứ: Thánh Mẫu Đà Lạt, Donbosco, Diom, Đạ Tông, Đức Giang, Kala, Đà Loan, Madaguoi.

    Với diễn đàn khởi động được tổ chức vào ngày 15-16 tháng 10 năm 2020, các tham dự viên được thúc đẩy để cam kết dấn thân hơn trong việc bản thân, gia đình sống Laudato Si’ đồng thời truyền cảm hứng cho người khác, cho các hội đoàn/ tập thể trong giáo xứ, xóm giềng sống Laudato Si’.

    Năm 2020 có thêm 272 người thuộc 9 Giáo xứ tham gia làm thẻ hội viên gia nhập Caritas Việt Nam, trong đó có Nghĩa Lâm, An Hòa và Du Sinh là những Giáo xứ lần đầu tiên làm thẻ hội viên.

    3. Chương trình hỗ trợ các bệnh nhân tâm thần tại cơ sở Trọng Đức

    Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID 19 nhưng các hoạt động hỗ trợ người tâm thần tại cơ sở Trọng Đức vẫn được tổ chức: 1 buổi đi chơi dã ngoại ở Vũng Tàu, các buổi họp tháng cùng các nhóm nòng cốt (1 nhóm nam, 1 nhóm nữ), một ngày truyền thông về sức khỏe tâm thần cho gia đình bệnh nhân và một số Caritas giáo xứ. Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức các sự kiện nhân các dịp lễ cho các anh em trong cơ sở: Tết Nguyên Đán, Phục Sinh, Tháng Hoa, Trung Thu, Giáng Sinh. Các nhân viên phục vụ cũng được giao lưu học hỏi để mở mang kiến thức chuyên môn. Các chuyến đi học hỏi ở trại tâm thần tại Gialai và ở Cần Thơ. Các nhân viên cũng tham gia một khóa học về chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần và quản lý ca do sở LĐTBXH tổ chức. Ngoài ra, các anh em bệnh nhân vẫn đang được chăm sóc sức khỏe thể lý, uống thuốc tâm thần mỗi ngày, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, nghe nhạc, xem phim, thể thao và làm chuỗi, các hoạt động tạo tính kỷ luật như xếp hàng khi ăn, lau nhà, đánh răng…

    Sự hiện diện của nhân viên Caritas tại cơ sở giúp cho chất lượng cuộc sống của các anh em bệnh nhân được nâng cao hơn và được đối xử đúng phẩm giá hơn.

    4. Đồng hành cùng các hội Người khuyết tật (NKT) trong tỉnh Lâm Đồng

    Caritas Đà Lạt đã hỗ trợ các hội NKT trong tỉnh Lâm Đồng hơn 7 năm. Tuy nhiên, việc đồng hành đang dừng lại ở những hoạt động rời rạc đáp ứng nhu cầu của một số hội. Được gợi hứng từ dự án phát triển Tự Dân, Caritas Đà Lạt nhận thấy để tạo ra sự thay đổi trong cách điều hành, tổ chức và vận hành hội, thì diễn đàn trao đổi học hỏi giữa các hội NKT trong tỉnh có thể là giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình này. Vì vậy, với hội thảo khởi động được tổ chức vào cuối tháng 9/2020, chương trình trao đổi học hỏi trong 2 năm được xây dựng, các chủ đề xuất phát từ nhu cầu từ các hội và các tham dự viên. Hội thảo đầu tiên với chủ đề phát triển tổ chức và kỹ năng lãnh đạo sẽ được tiến hành vào tháng 2/2021 trong hoạt động giao lưu học hỏi cùng hội NKT Cần Thơ.

    Song song với diễn đàn khởi động, với sự hợp tác của các hội NKT, Caritas Đà Lạt đã hoàn thành khảo sát 1018 trường hợp NKT trong tỉnh Lâm Đồng. Các cơ sở dữ liệu này giúp cho CDL nắm được tình hình về NKT và để có cái nhìn tổng quát trong chương trình hỗ trợ NKT.

    Ba buổi tập huấn truyền thông về Kỹ năng truyền thông, phòng ngừa bệnh bạch hầu, trẻ bại não và vật lý trị liệu cũng được thực hiện cho ban điều hành và một số thành viên hội.

    5. Chương trình tiết kiệm, vi tín dụng

    Chương trình tiết kiệm – vi tín dụng được CDL thành lập từ năm 2008 tiếp tục được duy trì và phát triển thêm nhiều nhóm trong những cộng đồng mới. Các thành viên là những phụ nữ dân tộc thiểu số thực hành cách tiết kiệm và quản lý tiền trong các nhóm nhỏ. Số tiền tiết kiệm tích lũy theo thời gian sẽ giúp các chị em trong nhóm giảm vay non trong những lúc cấp bách. Ngoài ra, thêm vốn hỗ trợ của chương trình, các chị em cũng được vay để đầu tư vào sản xuất. Vốn vay được xoay vòng hàng năm.

    Với gần 1000 người tham gia trong chương trình tiết kiệm, tổng tiền TK của người dân cho đến cuối năm 2020 đã lên đến 2,9 tỉ cộng thêm vốn vay hỗ trợ được Caritas quản lý là 2,5 tỉ đồng.

    6. Các diễn đàn trao đổi học hỏi giữa các cộng đồng

    Từ những bước chập chững đầu tiên dấn thân vào chương trình Phát triển Tự dân năm 2013, CDL nay đã có một thời gian được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng, tích tụ kinh nghiệm trong hoạt động cùng cộng đồng để tạo ra sự thay đổi. Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc cần buông tay để cộng đồng chủ động hơn trong tiến trình của họ. Trong đó, CDL với vai trò truyền lửa sẽ tổ chức các diễn đàn để thúc đẩy việc trao đổi học hỏi giữa các cộng đồng. Vì thế, trong năm 2020, nhiều chuỗi diễn đàn (learning exchange platform-LEP)được hình thành để đẩy nhanh quá trình này. Một LEP được tổ chức cho các cộng đồng đã có sản phẩm (SLEP), đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy trình và tổ chức; và một LEP dành cho cộng đồng mới tiếp cận cùng Caritas, chưa có định hướng sản phẩm (CLEP).

    Hội thảo khởi động đã được tổ chức vào tháng 6/2020 tại Đà Lạt. Sau đó, các hội thảo CLEP 1 và SLEP 2 lần lượt được tổ chức tại Đinh Trang Hòa và Đưng K’nớ vào tháng 7 và tháng 9 năm 2020. Các diễn đàn giúp cho các nhân viên Caritas có thêm kỹ năng thúc đẩy và kỹ năng tổ chức, cũng như đào sâu hơn các lãnh vực về Nông nghiệp sinh thái, tổ chức cộng đồng, marketing. Các cộng đồng được truyền cảm hứng sâu sắc trong tiến trình thay đổi của họ.

    7. Các khóa đào tạo trong cộng đồng

    Trong năm 2020, CDL tiếp tục tổ chức một số khóa tập huấn đào tạo chuyên sâu cho cộng đồng. Những giảng viên đến từ các tổ chức hoặc các cá nhân được giới thiệu qua mạng lưới nối kết với Misereor.

    Đầu tháng 6 năm 2020, CDL đã mời ông Phùng Hữu Chính, chuyên gia về ong thực hiện khóa tập huấn 3 ngày về cách săn, bẫy ong và cách thu, xử lý và bảo quản mật chất lượng cao. Đây là hoạt động nối tiếp từ chuyến đi khảo sát thực địa của ông tại Đưng K’nớ được thực hiện năm 2019.

    Khóa tập huấn quốc tế về đánh giá sinh kế cộng đồng và rà soát sản phẩm (CLAPS) dự kiến tổ chức vào tháng 2/2020 đã bị hủy do COVID-19. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, với sự phối hợp của tổ chức Diễn đàn Trao đổi Lâm sản Ngoài gỗ Việt Nam (NTFP-EP) và Viện sinh thái Miền nam, CDL đã có thể tổ chức khóa tập huấn đào tạo cán bộ nguồn về quản lý và phát triển tài nguyên lâm sản ngoài gỗ.

    Ngoài ra, tại cộng đồng KaTip, nông dân trong nhóm cũng có một ngày để thử nghiệm đất và tham gia hội thảo về tác hại của phân thuốc hóa học.

    Để tiến hành hình thành Hệ thống Đảm bảo có sự Tham gia của Nông dân Mạng lưới Caritas Đà Lạt (CFGS (Caritas Dalat Farmers Guarantee System) cho nhóm cà phê Ohmi Koho, nhóm đã mời chuyên gia CFGS của CDL đến thực hiện một số buổi tập huấn. Tiến trình sẽ tiếp tục đến tháng 6/2021 trước khi nhóm có thể có được chứng nhận CFGS trong canh tác cà phê hữu cơ.

    8. Các ý tưởng phát triển trong cộng đồng

    Các ý tưởng từ các cộng đồng được phát triển dần theo thời gian để hình thành các nhóm, tổ chức có thể tạo ra các sản phẩm đặc trưng, hoặc bảo tồn văn hóa bản địa, cụ thể trong các cộng đồng mà Caritas đang làm việc, có các nhóm sau:

    (1) Tổ hợp tác rau Iem Goh – Tutra: Nhóm Iem Goh hiện có 11 thành viên vẫn kiên trì theo đuổi trồng rau hữu cơ. Nhóm ngày càng được nhiều người biết đến kể cả chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho nhóm tiếp cận với các chính sách, chương trình của nhà nước về hỗ trợ nông nhiệp hữu cơ. Năm 2020 với tình trạng khí hậu cực đoan đã gây nhiều thiệt hại cho nhà vườn, sản lượng rau giảm nhiều làm quỹ nhóm cũng giảm. Vì vậy, các thành viên trong nhóm có phần mất kiên nhẫn. Nhóm vẫn đang tìm cách củng cố lại khâu tổ chức sản xuất và kinh doanh.

    (2) Nhóm cà phê Ohmi Koho – Đinh trang Hòa: Với 8 thành viên, nhóm Ohmi Koho với sản phẩm cà phê hữu cơ đặc biệt được trang bị hệ thống rang xay sản xuất ra thành phẩm cuối cùng. Nhóm cũng đang trong tiến trình tìm kiếm khách hàng và marketing sản phẩm để tạo thêm động lực cho người dân trong quá trình chuyển đổi.

    (3) Nhóm trẻ Đạ Nhar: Nhóm 5 bạn trẻ (cả vợ, chồng) trong thôn Đạ Nhar đã đang thử nghiệm để phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng từ rừng như trà dây rừng, măng khô. Song song với việc chế biến, một số bạn cũng đang ươm một số giống cây rừng bản địa để trồng xen thêm vào vườn của mình. Nhóm đã thiết kế các giàn phơi, đầu tư một số thiết bị đóng gói và thiết kế nhãn mác bao bì.

    (4) Nhóm cồng chiêng Lộc Tân: Tự thiết kế và làm nhà sàn truyền thống bằng các vật liệu tại chỗ được thu hái trong rừng, bà con trong thôn 2 lộc Tân còn thành lập một nhóm để bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng. Nhóm đã lên kế hoạch dạy lại cách đánh cồng chiêng, các điệu múa truyền thống cho những người muốn theo học. Nhóm cũng đã có những buổi tiếp đón khách (nhà báo, những nhà nghiên cứu văn hóa…) theo phong tục xưa để truyền lại cái hồn văn hóa cho họ.

    (5) Nhuộm tự nhiên – Đưng K’Nớ: Trong khi nghề dệt thổ cẩm tại nhiều nơi đang mai một và thu hẹp dần, tại Đưng K’nớ, vẫn còn nhiều phụ nữ biết và thực hành nghề dệt thổ cẩm một cách lành nghề. Đặc biệt trong thôn còn có nghề nhuộm sợi cotton bằng màu tự nhiên: màu chàm từ là Trâm, màu cam từ hạt điều, màu xanh lá từ lá đậu, màu vàng từ nghệ… Tổ chức Trendethics – Pháp, đã đang đồng hành để phát triển và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm nhuộm tự nhiên của bà con nơi đây sang Pháp. Việc trồng bông theo hướng sinh thái cũng đang được bắt đầu trong giai đoạn thử nghiệm.

    (6) Nhóm ngũ cốc Liêng trang 2 + Cilmup: Nhóm đã tiến hành sưu tập lại các giống ngũ cốc địa phương và trồng theo hướng sinh thái. Sản phẩm đầu tay của nhóm trước hết dùng để ăn, sau để bán trong cộng đồng và cho các khách hàng quen biết.

    (7) Các nhóm trẻ:

    + Nhóm trẻ Lộc Tân 2: Nhóm có khoảng 25 thanh niên và vài người tuổi 45, trong đó 2/5 đã có gia đình. Nhóm đang chịu trách nhiệm quản lý 1 vườn chung của thôn. Với người lãnh đạo trẻ nhiệt tình, có năng lực, nhóm tìm tòi học hỏi và thực hành theo hướng sinh thái đối với vườn chung cũng như trang trại của các gia đình thành viên. Nhóm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các phụ huynh và già làng tư vấn trong các dịp đặc biệt.

    + Nhóm trẻ Đạ Nhinh 1 với nhiều ý tưởng hướng về marketing, nhóm đã mở một quán ăn vặt, tìm đất để trồng các sản phẩm sinh thái cung cấp cho quán và tạo quỹ chung. Nhiều ý tưởng khác đang dần hình thành và phát triển theo thời gian.

    (8) Các mô hình sinh thái khác: Ngoài ra, còn có rất nhiều sáng kiến của các nông dân đang áp dụng trong vườn liên quan đến nông nghiệp sinh thái như cà phê để cỏ, thiết kế lại vườn cà phê bằng cách trồng xen, làm compost, chế phẩm sinh học EM, các nhóm chăn nuôi… Các mô hình này được thực hiện tại các hộ gia đình, trong các nhóm nông dân trong 11 xã đang làm dự án PLD của CDL.

    9. Dự án 5 tổ chức

    Với vai trò là chủ dự án chung của 5 tổ chức (Caritas Đà Lạt, CSDM, CEPHAD, DWC, Caritas Phan Thiết) với chủ đề Người dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam hòa nhập tự quản để đảm bảo chủ quyền lương thực, CDL đã cố gắng nhiều trong năm COVID này. Qua quá trình dài tìm kiếm chuyên gia nước ngoài trong lãnh vực Phát triển Tự dân, và qua những tháng với diễn biến phức tạp của bệnh dịch không thể mời được chuyên gia nước ngoài, dự án cuối cùng cũng tìm được giải pháp. Cô Elizabeth cruzada, người Philippine, có kinh nghiệm nhiều năm trong lãnh vực phát triển cộng đồng tại Philippine và một số nước châu Á được chọn làm chuyên gia cho dự án. Do mỗi tổ chức tham gia có cách hiểu khác nhau về PLD, về nông nghiệp sinh thái, nên cần một lộ trình đào tạo trực tuyến cho các nhân viên 5 tổ chức để chuẩn bị cho hội thảo 7 ngày tại Đà Lạt. Các phiên học hỏi online được tiến hành từ đầu tháng 11 năm 2020. Các nội dung nhằm đưa việc nghiên cứu hành động có sự tham gia (hay còn gọi là chu kỳ hành động – phản hồi – hành động) tháp nhập vào tầm nhìn và sứ mạng của tổ chức. Các nhân viên cũng có cơ hội nhìn lại sứ mạng của mình trong việc phát triển cộng đồng. Kỹ năng thúc đẩy và các chiều kích của nông nghiệp sinh thái cũng là các chủ đề trong những buổi tập huấn trực tuyến với các bài tập thực hành trong nội bộ các tổ chức.

    Hội thảo Nghiên cứu Hành động có sự Tham gia trong Phát triển Tự Dân về Nông nghiệp Sinh thái diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 7 đến 13 tháng 12 năm 2020 là đỉnh cao của đợt đào tạo. Các tổ chức đã xây dựng được quy trình thúc đẩy với các công cụ giúp người dân thực hiện nghiên cứu để họ nhận ra vấn đề trong cộng đồng và tìm cách giải quyết. Các phương pháp này được thực hành thực tế tại 3 cộng đồng Đà Loan, Lộc Tân và Đưng K’nớ. Những đề xuất giải pháp được người dân đưa ra và cam kết thực hiện. Nhân viên CDL sẽ cùng cộng đồng tiếp tục lên kế hoạch hành động cho những giải pháp này và theo dõi lượng giá qua các buổi họp định kỳ. Bằng cách đó, cộng đồng dần sẽ tạo ra sự thay đổi cho chính buôn làng của họ.

    10. Đồng hành cùng Caritas bạn

    Là một tổ chức Công giáo tiên phong về chương trình Phát triển Tự Dân tại Việt Nam, CDL có sứ mạng giới thiệu, chia sẻ và hỗ trợ các tổ chức khác nhân rộng tinh thần PLD. Được sự đồng hành của CDL, Caritas Phan Thiết đã hoàn thành dự án 2 năm. Caritas Phan Thiết cùng cộng đồng có cơ hội tham gia một số chương trình đào tạo do CDL tổ chức, tham dự buổi tổng kết PLD để được truyền cảm hứng và có ý tưởng trong hành động. CDL được mời chia sẻ kinh nghiệm thực hành PLD với người dân tại Phan Thiết. Chị Đinh Thị Hồng Phúc được mời hiện diện và giúp cố vấn viên của Misereor nhận định chuyến làm việc của Ts. Ngô Tiến Dũng với CPT về chương trình lúa tại Phan Thiết.

    Ngoài 10 điểm nhấn trên, còn nhiều hoạt động/chương trình bác ái khác Caritas Đà Lạt vẫn đang tiếp tục duy trì nhiều năm. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho gia đình Caritas Đà Lạt chúng con trong sứ vụ cộng tác cùng Ngài xây dựng xã hội và thế giới tốt đẹp hơn.

    Đà Lạt những ngày cuối năm Canh Tý

    Văn phòng Caritas Đà Lạt

    Bài viết liên quan