Caritas Đà Nẵng: Đến Với Người Nghèo

  • Thứ sáu, 11:02 Ngày 06/10/2023
  • Trong tâm tình hân hoan cùng Gia đình Caritas Việt Nam, sáng ngày 25/9/2023 cùng cơn mưa to, nặng hạt như là dấu chỉ “mưa hồng ân” để khích lệ đoàn Caritas Giáo phận Đà Nẵng hăng hái lên đường tham dự Đại hội Caritas Việt Nam năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Kon Tum với chủ đề “Đến với Người Nghèo”.

     Văn phòng Caritas Việt Nam chào đón Caritas Giáo phận Đà Nẵng

    Đại hội diễn ra từ ngày 26 đến 28/9/2023 với mục đích học hỏi, chia sẻ, bàn luận về các công việc bác cũng như cùng nhau đưa ra những hoạch định và đường hướng chung cho những năm sắp tới. Lịch trình Đại hội tuy dày đặc nhưng các hoạt động thật phong phú và bổ ích nhờ sự chuẩn bị chu đáo và  đầy yêu thương của các nhân viên văn phòng Caritas Việt Nam và Caritas Giáo phận Kon Tum.

    Hơn 100 tham dự viên đã có cơ hội gặp gỡ, những khoảnh khắc quí giá khó quên, cùng nhau học hỏi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm về các hoạt động Bác ái Xã hội tại mỗi địa phương trên mọi miền của đất nước.

    Tạ ơn Chúa chúng con đã được tham gia, được cộng tác để như là một phần nhỏ bé trong sự thành công của Đại hội và được trở về bình an. Vẫn còn đó hình ảnh các sự gặp gỡ thân tình đầy tình yêu thương, những cuộc trao đổi và những kỷ niệm hết sức thú vị trong đời sống, trong hoạt động của Bác ái Xã hội Caritas. Nhưng điều lắng đọng sâu nhất sẽ đeo đuổi cho những hành trình sắp đến là làm thế nào để thực thi những ý tưởng từ chủ đề: “Đến với Người nghèo”.

    Dẫu biết rằng “Người Nghèo” không hoàn toàn xa lạ trong đời sống đức tin nhưng việc suy tư để biết phải làm gì để giúp đỡ “Người Nghèo” một cách hiệu quả và phù hợp với căn tính Kitô Giáo sẽ luôn là vấn đề rất thiết thực đối với mỗi thành viên Caritas và đặc biệt hơn trong giai đoạn hiện nay. 

    Làm sao để nhận ra “Người Nghèo” và tại sao chúng ta lại được mời gọi “Đến với Người Nghèo” là vấn đề rất cụ thể được các Đại biểu hết sức quan tâm và hăng say thảo luận trong suốt thời gian Đại hội. Có rất nhiều hình thái về “người nghèo”; nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần, nghèo về mối tương giao, nghèo về kiến thức, nghèo vì bị tước mất nhân phẩm…. Nhưng như lời Thánh Kinh, con người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Thiên Chúa Sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Chính vì mối tương quan này con người được mời gọi để sống hiệp thông với Thiên Chúa, tương quan với nhau và tôn trọng nhau. Đó chính là tôn trọng phẩm giá của con người hay chính là tôn trọng quyền cơ bản của con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. 

    Sống đúng phẩm giá con người, Kitô hữu được mời gọi phải luôn rèn luyện, học hỏi, nâng cao kiến thức về phẩm giá, về con người, về ước mơ của Thiên Chúa cho con người, nhờ đó biết sống hoàn thiện hơn mỗi ngày, sống đúng với phẩm giá của mình. Đồng thời cũng phải thực hiện sứ vụ truyền giáo là giúp cho các anh chị em, đặc biệt là “Người Nghèo” sống đúng với phẩm giá của mình. Cách cụ thể hơn trong xã hội hôm nay, đó là cùng nhau bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền tự do và quyền được giáo dục. Đó chính là những yêu cầu hết sức cơ bản. 

    • “Đến với Người nghèo” để chung tay bảo vệ sự sống qua các hoạt động chia cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách hoặc giải quyết các nạn dịch, khủng hoảng, chiến tranh…
    • “Đến với Người nghèo” để cổ võ quyền tự do qua các hoạt động loại trừ sự bạo lực, đàn áp người yếu thế hoặc nâng đỡ những người dễ bị tổn thương…
    • “Đến với Người nghèo” để thúc đẩy quyền được giáo dục qua các hoạt động như khuyến học, chống mù chữ hay hỗ trợ điều kiện vật chất để trẻ em được đến trường…

    Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để thay đổi nhận thức “Đến với Người nghèo”, không đơn thuần là các hoạt động từ thiện, giải quyết nhu cầu vật chất hoặc để mang lại niềm vui ngắn hạn mà thôi. Điều cốt lõi hơn cả là qua các công việc bác ái, giúp cho “Người Nghèo” cảm nhận được sự tôn trọng, yêu thương của Thiên Chúa đối với phẩm giá của họ để rồi chính bản thân họ sẽ biết cách vươn lên, sống ý nghĩa hơn và tích cực hơn. 

     “Đến với Người nghèo” không chỉ là sự cho đi hay chia sẻ vật chất mà còn giúp cho nhau được sống và sống dồi dào qua sự yêu thương và khả năng phục vụ của chúng ta đối với “Người Nghèo”.

    Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã căn dặn trong Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu (Deus Caritas Est): “Những cá nhân chăm sóc những người nghèo trước tiên phải có năng lực chuyên môn: họ nên được đào tạo bài bản về những việc cần làm và cách thực hiện, đồng thời cam kết tiếp tục phục vụ” . 
    Vậy làm sao có thể “Đến với Người nghèo” và phục vụ họ tốt hơn? Thật là ý nghĩa và cần thiết khi ngay ngày đầu tiên, các tham dự viên được bồi huấn về Tiêu chuẩn Quản trị của Caritas Quốc tế (CIMS) do Cha Marcello Đoàn Minh (Cựu Giám đốc Caritas Đà Nẵng) trình bày nhằm trang bị công cụ để nâng cao năng lực cho các Tổ chức Caritas cùng các nhân viên liên quan.
     

    Cha Giám đốc & Cha Cựu Giám đốc Caritas Đà Nẵng cùng thảo luận CIMS với nhân viên văn phòng Caritas Việt Nam

    Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì biết bao điều kỳ diệu, muôn vàn hồng ân Chúa ban cho chúng con trong cuộc sống này. Chúng con đã được biến đổi khi hiểu rằng “Đến với Người Nghèo” không phải là vì “Người Nghèo” mà trước tiên là chính niềm vui của chúng con được học tập, được thực thi đời sống Kitô hữu và được sống niềm vui trong Chúa, trong yêu thương và phục vụ. Với niềm tin như vậy, tất cả chúng con sẽ nỗ lực hành động không chỉ vì “Đến với Người Nghèo” mà để được phục vụ Người nghèo tốt hơn.

    Nhóm Truyền thông Caritas Đà Nẵng


     

    Bài viết liên quan