Caritas Việt Nam: Caritas Trước Những Hoàn Cảnh Gia Đình Chông Chênh

  • Thứ hai, 08:44 Ngày 02/10/2023
  • Caritas Trước Những Hoàn Cảnh Gia Đình Chông Chênh

    Đức Cha Đa minh Nguyễn Văn Mạnh, GIám Mục Giáo Phận Đà Lạt, Chủ tịch UBMVGĐ
    TTMV Kontum - 27/09/2023

    I. DẪN
    -    Chúc mừng “Đại Hội Caritas Việt Nam năm 2023” tại TTMV Kontum với chủ đề “Đến với người nghèo” hôm nay.
    -    Vui mừng được UB Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam mời đến hiệp thông và chia sẻ bài tham luận.
    -    Đề tài: ĐC Tôma chủ tịch UB BAXH-Caritas không ấn định đề tài, nhưng chúng ta có thể hiểu “trên nền Caritas” chắc chắn ngài ưu ái mong muốn điều gì là lợi ích nhất cho tham dự viên, đồng thời “với Caritas” ngài không muốn tôi bị áp lực. Xin cám ơn ngài. 
    Với tích cách UBMVGĐ, xin chia sẻ đề tài: “ĐỨC ÁI (CARITAS) TRƯỚC NHỮNG HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH ‘CHÔNG CHÊNH’” (x. AL, số 296: “mỏng manh”, “bất toàn”).
    -    Tài liệu nền tảng: Tông huấn Amoris laetitia (“Niềm vui của Tình yêu”), chương 8. Với chú giải của ĐHY Coccopalmerio.
    II. GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
    1.    Hôn nhân Kitô giáo là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Hai người hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và trung thành thuộc về nhau cho đến chết, đồng thời mở ra cho việc truyền sinh.
    Họ được thánh hiến bởi bí tích để xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội.
    2.    Các hình thức kết hợp khác đều nghịch lại lý tưởng này hoặc chỉ thực hiện một cách phiếm diện hay loại suy. Giáo Hội không xem nhẹ các yếu tố mang tính xây dựng trong những hoàn cảnh này.
    -    Những hoàn cảnh nào?
    1)    Chỉ hôn nhân thuần túy dân sự;
    2)    Chỉ đơn giản là một sự sống chung, nhưng đã đạt đến một mức ổn định công khai đáng kể nào đó, chứng tỏ có một tình cảm sâu nặng với nhau và trách nhiệm đối với con cái, có khả năng vượt qua các thử thách;
    3)    Chỉ đơn giản sống chung, và không có ý cam kết hôn nhân;
    4)    Ly dị tái hôn.
    -    Thái độ của Giáo Hội đối với những hoàn cảnh này: 
    Các mục tử (không chỉ quan tâm thăng tiến hôn nhân Kitô giáo,..) phải quan tâm phân định mục vụ về những hoàn cảnh “chông chênh” này, để đi vào đối thoại mục vụ với họ, nhằm dẫn họ đến một sự cởi mở hơn với Tin Mừng về hôn nhân ở mức trọn vẹn của nó (tức hôn nhân Kitô giáo). 
    Đó là điều Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người chuyện vãn với chị, đề cập đến khát vọng tình yêu đích thực của chị để giải thoát chị khỏi những u tối của đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin Mừng.
    III. PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ NHỮNG HOÀN CẢNH “CHÔNG CHÊNH”
    1.    Lưu ý sơ khởi
    -    Trong suốt lịch sử của Hội Thánh, vẫn luôn có hai dòng suy nghĩ lưu chuyển: loại trừ và tái hòa nhập. Con đường chính thức của Hội Thánh, kể từ Công đồng Giêrusalem trở đi, luôn là con đường của Đức Giêsu: con đường của lòng thương xót và của sự hội nhập. Con đường của Hội Thánh là không lên án vĩnh viễn bất cứ ai, là con đường tuôn đổ lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả những ai thành tâm kêu xin Ngài. Vì thế, cần tránh những phán quyết khô khan mà không quan tâm đến hoàn cảnh thực tế và điều kiện sống khốn khổ của một con người.
    2.    Con đường hội nhập
    -    Điều quan trọng là làm sao hội nhập hết mọi người, giúp mỗi người tìm ra cách thế riêng để tham dự vào cộng đoàn Hội Thánh, để cảm thấy mình được chạm đến bởi một Lòng Thương Xót “vô cùng đại lượng, vô điều kiện và nhưng không” .
    -    Tất nhiên, chủ trương bất cập cũng không được. Ai đó xem một tội khách quan (như ly dị tái hôn) như thể đó là một phần của lý tưởng Kitô giáo hay “phải chấp nhận thực tế thôi, người ta đầy dẫy cả vậy”, thì người ấy không thể tự cho là mình đang giảng dạy giáo lý của Hội Thánh, mà cách nào đó đã tách mình ra khỏi cộng đoàn (x. Mt 18,17), và cần phải hoán cải.
    -    Thế nhưng, với những hoàn cảnh gia đình “chông chênh”, vẫn phải có cách nào đó cho họ tham gia vào đời sống cộng đoàn, ví dụ: dấn thân trong các công tác xã hội, trong các buổi cầu nguyện, hoặc theo cách nào đó do sáng kiến cá nhân người đó đề nghị và được vị Mục tử phân định cứu xét. 
    IV. PHÂN ĐỊNH TR. HỢP LY DỊ TÁI HÔN
    1.    Phân định 
    Trước hết, ngay cả ly dị tái hôn, cũng cần biết phân định nhiều trường hợp khác nhau.
    1)    Trường hợp ly dị tái hôn đã ổn định theo thời gian, với những yếu tố như đã có những đứa con mới, có sự trung thành, có sự cống hiến quảng đại, có đời sống đức tin, ý thức tình trạng bất hợp luật của mình và cũng cảm nhận mình rất khó quay trở lại mà không tránh khỏi những sai lỗi mới, ví dụ những chấn thương tâm lý sẽ gây ra cho con cái..
    2)    Trường hợp mới tái hôn sau một cuộc ly dị quá bi đát.
    3)    Trường hợp đã là nạn nhân, nhiều lần muốn cứu vãn mà không thể.
    4)    Trường hợp tái hôn nhằm nuôi dạy con cái, và đôi khi nghĩ đến hôn nhân trước của mình là chưa bao giờ thành sự.    
    5)    Và cuối cùng, trường hợp tái hôn của một người liên tục bỏ bê bổn phận gia đình.
    Cần “phân định thật thích đáng” từng trường hợp trên.
    2.    Hội nhập những người ly dị tái hôn
    -    Nguyên tắc tổng quát: 
    “Những người ly dị tái hôn cần được hội nhập nhiều hơn vào cộng đoàn Kitô hữu theo nhiều cách khác nhau, đồng thời tránh mọi cớ vấp phạm”.
    -    Lý do hội nhập:
    Họ là những người đã được rửa tội, là anh chị em, những người được Chúa Thánh Thần đổ xuống muôn vàn ân huệ và đặc sủng vì thiện ích của mọi người.
    -    Mục đích hội nhập:
    Để họ cảm thấy mình không bị dứt phép thông công (thực ra không có), mà còn cảm thấy có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động của Hội Thánh, cảm thấy Hội Thánh như một người Mẹ luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên đường sống Tin Mừng.
    Việc hội nhập này cũng cần thiết cho việc chăm sóc và giáo dục đức tin cho con cái họ. 
    -    Lãnh vực hội nhập: 
    Cần phân định xem có thể vượt qua những hình thức loại trừ nào đang được thi hành trong lãnh vực phụng vụ (có được đọc sách nhà thờ không), mục vụ (đỡ đầu, ban ngành), giáo dục (dạy giáo lý) và cơ chế (HĐGX).
    -    Giải pháp hội nhập
    1)    Có giải pháp chung cho tất cả không?
    Không nên mong đợi một khoản giáo luật chung cho tất cả mọi trường hợp, vì mỗi trường hợp là một hoàn cảnh cụ thể khác nhau, với những tâm thái cá nhân khác nhau.
    2)    Giải pháp chỉ có thể là cổ võ một sự phân định cá nhân và mục vụ, với tinh thần trách nhiệm.
        Thật hữu ích nếu đương sự thực hiện một cuộc xét mình, trong bầu khí tĩnh tâm và sám hối. Xét mình xem đã sống thế nào với con cái khi tương quan vợ chồng bị khủng hoảng; đã có nỗ lực hòa giải hay không; có quan tâm người kia đang sống thế nào không, mối quan hệ mới có hệ quả gì với những người trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; mẫu gương của mình thế nào đối với các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân.
        Trao đổi với linh mục ở tòa trong sẽ góp phần đào luyện một phán đoán đúng đắn về những gì gây cản trở cho khả năng hội nhập vào đời sống Hội Thánh và chuẩn bị những bước cho khả năng hội nhập ấy.
        Để có được sự phân định ấy, phải bảo đảm các điều kiện cần thiết sau: - sự khiêm tốn, cẩn trọng, - lòng yêu mến Hội Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, - thành tâm tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và khao khát đáp lại thánh ý đó cách hoàn hảo hơn.
        Như vậy sẽ tránh được nguy cơ hiểu sai lệch, chẳng hạn cho rằng một linh mục có thể dễ dàng chuẩn chước cho những trường hợp ‘ngoại lệ’. - Khi một người có trách nhiệm và thận trọng, nghĩa là người đó không có ý đặt những ước muốn riêng của mình lên trên thiện ích chung của Hội Thánh, gặp một mục tử biết nhận ra tính nghiêm túc của vấn đề, thì tránh được nguy hiểm khi làm một phân định nào đó mà người ta có thể nghĩ là Hội Thánh ủng hộ một nền luân lý hai mặt.
        Với thận trọng cần thiết như vậy rồi, một mục tử, trước những hoàn cảnh bên ngoài chi phối hay các yếu tố bên trong giảm khinh, biết rằng trường hợp có thể xảy ra là: trong một hoàn cảnh tội lỗi về mặt khách quan - mà không phải là lỗi phạm chủ quan và lỗi phạm hoàn toàn - một người có thể sống trong ân sủng của Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội Thánh vì mục đích ấy. Việc phân định phải giúp tìm ra những cách khả dĩ đáp lại tiếng Chúa và để lớn lên qua các giới hạn. Trong một số trường hợp có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích, như bí tích giải tội, Thánh Thể, những bí tích không là phần thưởng cho người hoàn hảo, mà là phương dược và lương thực cho người yếu đuối (x. EG, số 44.47).
    3.    Hội nhập: con đường của Đức Ái (via caritatis - số 306)
        Đứng trước những người gặp khó khăn trong việc sống trọn luật Chúa, chúng ta cần lên tiếng mời gọi họ bước theo “con đường của đức ái” (via caritatis).
        Bác ái huynh đệ là luật đầu tiên của Kitô hữu (x. Ga 15,12; Gl 5,14).
        Chúng ta đừng quên lời hứa của Thánh Kinh: “Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8); “Hãy đoái công chuộc tội bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo” (Đn 4,24); “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi” (Hc 3,30).
        Đó cũng là điều thánh Augustinô dạy: “Bởi vậy, như khi chúng ta gặp nguy hiểm vì một vụ hỏa hoạn, trước hết chúng ta chạy đi tìm nước để có thể dập tắt ngọn lửa; cũng thế nếu một ngọn lửa tội lỗi bùng cháy lên từ những đam mê của mình và làm ta lung lay, hãy vui mừng lên nếu ta có cơ hội để làm một công việc từ bi bác ái thật sự, như thể ta có một nguồn nước giúp dập tắt ngọn lửa kia bùng lên” .
    V. MỤC VỤ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT (các số 307-312)
    1.    Trung thành đề nghị lý tưởng hôn nhân 
    -    Để tránh mọi nguy cơ giải thích lệch lạc, dù sao đi nữa Hội Thánh cũng không được từ bỏ đề nghị lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân (tức bí tích hôn nhân), nguồn phong phú cho dự phóng tình yêu của người trẻ, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ cho họ nhờ ân sủng của Chúa Kitô và khả năng tham dự trọn vẹn vào đời sống của Hội Thánh.
    -    Thái độ lãnh đạm, chủ nghĩa duy tương đối dưới bất cứ hình thức nào hoặc thái độ dè dặt thái quá không dám đề xuất lý tưởng này, sẽ là một sự thiếu trung thành với Tin Mừng, và cũng là thiếu tình yêu của Hội Thánh đối với người trẻ.
    2.    Đồng hành với những hoàn cảnh gia đình “chông chênh”
    -    Tuy nhiên, vẫn không làm giảm đi giá trị của lý tưởng Phúc Âm, cần phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn đối với những hoàn cảnh “chông chênh” mà chúng ta đã nói tới.
    -    Chúng ta hiểu những ai thích một mục vụ nghiêm nhặt hơn vốn không có chỗ cho sự hàm hồ. Nhưng chúng ta cũng tin chắc rằng Chúa Giêsu muốn một Hội Thánh hằng quan tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự yếu hèn của con người, một Hội Thánh như người Mẹ, trong khi bày tỏ rõ ràng giáo huấn khách quan, vẫn “không từ chối làm điều tốt lành trong khả năng mình cho dù có gặp rủi ro bị vấy bùn trên con đường ấy” (EG, 45). 
    -    Các mục tử trong khi dạy cho các tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, cũng phải giúp họ biết cảm thương những con người yếu đuối, và tránh ngược đãi hoặc xét đoán quá khắc nghiệt. Chính Tin Mừng yêu cầu chúng ta đừng xét đoán hay lên án (x. Mt 7,1; Lc 6,37).
    -    Hội Thánh biết rằng chính Đức Giêsu tự giới thiệu mình là mục tử của một trăm con chiên, chứ không phải của chín mươi chín con. Người yêu thương tất cả. Từ ý thức đó, có lẽ “dầu thơm của Lòng Thương Xót có thể chạm tới tất cả mọi người, những tín hữu ở gần cũng như những người ở xa, như một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta” .
    VI. KẾT
    CARITAS (ĐỨC ÁI) với chủ đề “Đến với người nghèo” trong bối cảnh bài tham luận của UBMVGĐ là thế: đồng hành, lắng nghe, phân định và hội nhập những hoàn cảnh “chông chênh”. 
    Không xa với chủ đề của THĐGM về “hiệp hành” đang chuẩn bị khai mở tại Rôma: “Vì một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng và mọi thành viên tham dự, trong đó có hai Giám mục Việt Nam.

    Bài viết liên quan