Caritas Vĩnh Long: Của cho không bằng cách cho

  • Thứ hai, 14:30 Ngày 22/02/2021
  • Chiều mưa, một bà lão đầu tóc đã bạc phơ, với bộ đồ rách nát, bước vào một quán vắng. Lúc đó, quán chỉ có hai thanh niên ngồi ăn phở.

    Bà đến bên bàn với lời van xin: “Xin hai cậu làm ơn làm phước giúp già nầy chút tiền để sống qua ngày”. Một thanh niên móc ra trong túi 20 ngàn định tặng cho bà nhưng rồi lại cất vào túi và lễ phép hỏi bà: trời sắp tối và mưa từ chiều đến giờ, chắc bà đói lắm phải không? Con mời bà tô phở nóng ăn cho ấm bụng nhé.

    Bà lão cười vui vẻ cảm ơn. Chàng liền gọi tô phở đặc biệt bốc khói nghi ngút. Bà ngồi ăn ngon lành làm cho hai thanh niên nhìn cũng cảm thấy vui lây. Ăn xong, bà ra đi khi bên ngoài trời vẫn còn đổ mưa.

    Người bạn khi ấy mới thắc mắc hỏi: “ Sao bạn định cho tiền bà già rồi đột nhiên mời bà ăn phở?”

    Chàng ấy trả lời: “Lúc nãy tôi định cho tiền, nghĩ lại cuộc đời của bà chưa chắc đã được thưởng thức một tô phở nóng hổi và ngon như thế nầy, vì nếu cho tiền bà chưa chắc bà dám bỏ tiền ra để mua ăn”.

    Nghe lời giải thích của bạn, người thanh niên gật đầu tâm đắc lời nói ấy và thán phục. Đúng là ông bà mình ngày xưa thường hay nhắc nhở: “Của cho không bằng cách cho”.

    Câu chuyện trên là một triết lý sâu lắng nói lên tình người trong cuộc sống với tinh thần: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự quan tâm giúp đỡ mọi người khi có dịp là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tính đạo đức nhân văn mà chúng ta ai cũng có thể làm được. Nếu như chúng ta cứ nghĩ rằng: khi nào mình có tiền thật nhiều rồi mới giúp đỡ cho người khác, đó là một ý nghĩ sai lầm của rất nhiều người.

    Cũng như có rất nhiều người nói rằng: con cầu nguyện cho con được trúng số độc đắc để con đi làm từ thiện giúp những người bất hạnh. Ngày đó chắc khó xảy đến; nhưng nếu có trúng chưa chắc chúng ta biết mở rộng tấm lòng mà khi chưa có chúng ta hay mơ ước, hứa hẹn đủ thứ. Thôi thì thực tế trong ngày hôm nay, chúng ta nhịn bớt một ly cà phê sáng, bớt đi một điếu thuốc, ly rượu, một lon bia để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

    Chúng ta nên nhớ người có nhiều tiền họ có thể bố thí tiền, còn chúng ta có thể làm được những việc phù hợp với hoàn cảnh của mình trong hiện tại, chứ đừng chờ đến ngày mai. Ngày mai, tức ngày ấy còn xa lắm như câu chuyện “ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền”, chắc ai cũng đã từng nghe qua. Ngày mai…rồi ngày mai…

    Vậy chúng ta không nên hứa hẹn hay chờ đợi ngày mai, mỗi ngày hôm nay làm được việc gì cứ làm.

    Caritas Vĩnh Long

    Nguồn: http://giaophanvinhlong.net

     

    Bài viết liên quan