Hội nghị Toàn Cầu FIMARC: Lương Thực và Hoán Cải Sinh Thái

  • Thứ sáu, 14:27 Ngày 06/10/2023
  • Ngày 29/9 đến ngày 1/10/2023 vừa qua, Caritas Thái Lan cùng với viện Nghiên cứu và Đào tạo về Văn hóa - Tôn giáo RTRC đã tổ chức Hội nghị Toàn Cầu FIMARC ((Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Công giáo Người trưởng thành ở Nông thôn) với chủ đề: “Sự chuyển đổi trong hệ thống lương thực và kinh tế cũng như hoán cải sinh thái dưới ánh sáng Laudato Si” tại  Chiang Mai, Thái Lan. Tham dự Hội nghị có khoảng 70 Tham dự viên dến từ 29 quốc gia, trong đó có đại diện Caritas Việt Nam. 

    Hội nghị bắt đầu bằng thánh lễ khai mạc do Đức Tổng Giám Mục sứ thần Peter Bryan Wells chủ sự. Xuất phát từ gia đình vốn có ông nội là người nông dân nên Đức TGM Wells cũng rất hiểu người nông dân cùng những thách thức họ đang phải chịu trước tình trạng khủng hoảng khí hậu toàn cầu như hiện nay. 
    Sau thánh lễ, hội nghị được diễn ra trong 3 ngày bao gồm các bài nói chuyện theo chủ đề, xen kẽ với những cuộc thảo luận trong các nhóm tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, hoặc theo Châu lục. Cartias Á Châu cũng có một phiên họp vào tối ngày thứ hai của đại hội để giới thiệu các hoạt động chăm sóc ngôi nhà chung và chăm sóc người nghèo. Các chủ đề được nêu lên trong Hội nghị liên quan đến tính cấp bách và tầm quan trọng của việc chăm sóc tài nguyên thiên nhiên và các giải pháp thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở khu vực nông thôn giúp mọi người có thể sống với phẩm giá con người hơn. 

     

    Hầu hết lương thực trên thế giới được sản xuất bởi những người nông dân nhỏ và những công nhân trong các nông trại ở khu vực nông thôn. Các cuộc khủng hoảng toàn cầu, xu hướng tiêu dùng, nền nông nghiệp hiện đại cùng với tác động của ‘tập đoàn hóa’ đang đe dọa đến chủ quyền lương thực của người dân: quyền tiếp cận đất đai, tài nguyên thiên nhiên; quyền phát triển hệ thống nông nghiệp và thực phẩm địa phương, tôn trọng sự đa dạng, có đủ nguồn lực kinh tế và cơ hội tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

    Những giải pháp được đưa ra bao gồm: phát triển nền nông nghiệp gia đình, vốn có tính địa phương; hình thành các nhóm nông dân để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, đa dạng; kết nối trực tiếp người nông dân sinh thái và người tiêu dùng; nông nghiệp dựa trên văn hóa bản địa vùng miền; ngân hàng hạt giống cộng đồng... Mô hình nông nghiệp sinh thái là một giải pháp cho nền nông nghiệp thế giới trước khủng hoảng biến đổi khí hậu, lương thực và năng lượng. Việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp cũng là một vấn đề tranh cãi vì tiến bộ công nghệ đã giúp cải thiện cuộc sống của con người. Nhưng không phải tất cả các công nghệ đều cần thiết hoặc hữu ích. Và chúng không bao giờ có thể thay thế được kiến thức, tài năng của người nông dân. Tuyên bố về Quyền của người nông dân của Liên Hiệp Quốc cũng được giới thiệu trong hội nghị như một chìa khóa để củng cố trang trại gia đình.

    Đặc biệt, hội nghị lần này được tổ chức tại Thái Lan, một đất nước với nhiều dân tộc bản địa. Với nét văn hóa tôn giáo của những trải nghiệm “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, trong thiên nhiên, trong các mối quan hệ giữa con người với nhau cũng như trong cầu nguyện và thiền định”. Với cái nhìn đó, mọi sự đều mang tính thánh thiêng. Điều này mời gọi mỗi người thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với tạo vật và nhân loại. Triết lý của nền kinh tế vừa đủ là một giải pháp cho sự chuyển đổi hệ thống lương thực và kinh tế trong hoán cái sinh thái. Trong đó, sản xuất trước hết để ăn và cung cấp vật dụng cần thiết trong gia đình, tiếp theo là làm phước từ thiện, nhiều hơn nữa thì chia xẻ cho hàng xóm, bảo quản và để dành, sau đó thì để kinh doanh, trên cùng phải là sự nối mạng trong một cộng đồng rộng lớn hơn.

    Cuối cùng, các châu lục họp bàn để đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể góp phần thúc đẩy chuyển đổi trong hệ thống lương thực và kinh tế cũng như hoán cải sinh thái theo tinht thần Laudato Si.

    Kết thúc lời phát biểu, ông Wolfgang Scharl, Chủ tịch FIMARC đã nói lên lời kêu gọi: “Trái đất không phải là một loại hàng hóa như bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Nó đã bị khai thác quá mức cho đến nay và sắp hết tuổi thọ nếu chúng ta không cẩn thận. Chúng tôi, FIMARC, kêu gọi mạnh mẽ tất cả các thành viên của chúng tôi cũng như các quyền lực chính trị và kinh tế nhận thức được thực tế này và chấm dứt nạn bóc lột quá mức này”. Ước mơ mỗi tổ chức, cách riêng Caritas Việt nam, trong phạm vi của mình có thể ý tưởng cùng chung tay hành động với người nông dân vì một ngày mai tươi đẹp hơn. 

    Hồng Phúc

     

    Bài viết liên quan