Caritas Việt Nam: Lời Khai Mạc Đại Hội Caritas Việt Nam 2023 Của Đức Cha Chủ Tịch Tôma

  • Thứ hai, 08:46 Ngày 02/10/2023
  • Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16 với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” sẽ khai diễn tại Roma vào tháng 10/2023, trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động lớn trong xã hội: đại dịch toàn cầu, tác động của việc biến đổi khí hậu, bất công, bạo lực, thất nghiệp, lạm dụng, tình trạng di dân… Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người cùng bước đi trong Giáo hội, không phải một mình mà là cùng nhau thực hiện sứ mệnh của Giáo hội trong cuộc sống hiện tại.
    Hiệp hành cùng với Giáo hội qua việc thực thi bác ái đó chính là bổn phận của mỗi thành viên Caritas trong sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho mọi người đặc biệt những người nghèo khổ. Hãy tiến tới  một Giáo hội cùng bước đi với nhau và nhất là cùng bước đi với Chúa, có Chúa cùng “đến với người nghèo”, đây cũng chính là chủ đề của Đại hội lần thứ 4 của Caritas Việt Nam.
    1.    Bối cảnh toàn cầu – Châu Á – Việt Nam
    Trong những thập kỷ gần đây, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Cơ hội việc làm đã tăng lên và nhiều công việc cũng được trả lương cao hơn. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể hưởng được những lợi ích từ sự tăng trưởng kinh tế này. Ngày 24/8/2023 ngân hàng Châu Á phát triển (ADB) cho biết: ước tính có khoảng 155,2 triệu người, tương đương 3,9% dân số trong khu vực đang sống trong cảnh nghèo cùng cực vào năm 2022, nhiều hơn 67,8 triệu người so với mức xác định trong kịch bản không có đại dịch và chi phí sinh hoạt tăng.
    Đối với Việt Nam, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và giảm nghèo, Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều thách thức như chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Trẻ em và phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng mạnh từ nghèo đói. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025, cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 7,52%... (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 02/02/2023).
    2.    Người nghèo trong Kinh Thánh
    Ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào, người ta vẫn luôn thấy người nghèo ở một bình diện nào đó. Nhìn lại Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy hình ảnh người nghèo qua dân Israel, các tổ phụ và đặc biệt là nơi Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa. 
    Trong thời gian lưu đày ở Babilon, hơn bao giờ hết, dân Israel ý thức về sự nhỏ bé và nghèo hèn của mình. Do bất trung với Thiên Chúa, họ đã mất đi nhà cửa, đất đai, Đền Thờ. Nơi đất khách quê người, họ chỉ là một số ít nhỏ nhoi, cố gắng xoay sở để gìn giữ căn tính của mình qua việc giữ ngày Sabat, thực hiện việc cắt bì.
    Tổ phụ Abraham vâng lời Thiên Chúa rời bỏ quê hương, họ hàng và dấn thân vào bước đường phiêu lưu mà không biết đi đâu. Tương lai của ông và gia đình xem ra như mù mịt. Abraham bỏ mọi sự sau lưng với hai bàn tay trắng và tiến bước trong niềm tin tuyệt đối. Giacóp được Thiên Chúa chọn gọi và đổi tên thành Israel. Ông sinh được 12 người con trai làm đầu 12 chi tộc Israel. Khi nạn đói hoành hành ở Canaan, đại gia đình Giacóp phải di cư sang Ai Cập. Biến cố bất hạnh này trói buộc Israel dưới ách nô lệ Ai Cập hơn 400 năm.
    Đức Giêsu trong suốt cả hành trình dương gian: sinh ra nghèo, gia đình nghèo, sinh sống nghèo, rao giảng trong điều kiện nghèo, chết nghèo và được chôn cất cũng trong tình trạng nghèo. Ngài được Nicôđêmô và Giuse Arimathia an táng chứ không phải do các môn đệ hay người nhà của mình. Ngôi mộ đặt thi thể Ngài cũng nhờ Giuse Arimathia tặng cho (x. Ga 19,38-41). 
    3.    Hội Thánh của người nghèo
    Quan tâm đến người nghèo là một trong những nhiệm vụ chính của Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 187). Lời mời gọi của Đức Thánh Cha muốn đưa Giáo hội về với sứ mạng cốt lõi của mình là “Hội Thánh của người nghèo”. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta, Giáo hội được mời gọi sống nghèo và dấn thân phục vụ người nghèo. 

    4.    Caritas Việt Nam đến với người nghèo
    a.    Các hình thức nghèo
    Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Nghèo có nhiều hình thức: nghèo về vật chất, tiền bạc, nghèo về sức khỏe thể lý, tâm lý, nghèo về đời sống tâm linh, nghèo về các mối tương quan, và nghèo kiến thức. 
    Ngày nay chúng ta cũng phải thừa nhận những hình thức nghèo đói mới: những tình trạng rối loạn đạo đức trong lao động đang hiện diện trong thế giới lao động. Nhiều nhân công nam nữ bị đối xử vô nhân đạo, nhận lương không cân xứng với công việc, tai hoạ của sự không an toàn việc làm, nhiều nạn nhân tử vong từ các vụ tai nạn thường là kết quả của não trạng chọn lợi nhuận trước mắt thay vì nơi làm việc an toàn.
    Một hình thức nghèo đói khác ngày càng rõ đang ảnh hưởng đến những người trẻ là sự thất vọng và thậm chí tự tử của những người trẻ, bị mê hoặc bởi một nền văn hoá khiến họ cảm thấy rằng họ là những kẻ thất bại. 
    Vì thế những người nghèo luôn là những ‘nạn nhân’ của sự phân biệt đối xử, của kì thị và bất công, họ bị loại ra bên lề xã hội và dường như không còn tiếng nói.
    Riêng đối với các dân tộc thiểu số, trong thời gian gần đây, đã có sự quan tâm của Chính quyền các cấp (x. Báo Người Công Giáo Việt Nam, số 37 ngày 10/9/2023 và số 38 ngày 17/9/2023).
    b.    Tâm tình của hội viên Caritas Việt Nam 
    -     Chạnh lòng thương 
    Nhìn lại nơi Thầy Giêsu khi hoạt động cứu giúp người nghèo, chữa lành nhiều bệnh nhân hay những phép lạ Ngài có  một nét rất riêng, rất đặc trưng: “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36). Vâng, bên dưới những hành động ấy chính là con tim biết chạnh lòng thương. Đức Giêsu đã thổn thức khi nhìn cảnh bà mẹ goá đưa tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang, ngài đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông vất vả lầm than, Ngài đã khóc thương khi nghe biết anh bạn Lazarô qua đời. Trên hết, nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy rõ những cảm xúc, những rung động của một con tim rất con người.
    Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên giống Ngài, biết tạo cho mình thói quen biết rung động trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác, trước những người đang thực sự cần giúp đỡ. 
    Chạnh lòng thương như Đức Giêsu giúp ta dám bước vào cuộc đời của ai đó để đồng cảm, để sẻ chia với họ những gian nan, sầu khổ và để đồng hoá mình với người nghèo khổ.
    -    Sứ mạng đặt nền trên cầu nguyện
    Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời về đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trước khi bắt đầu sứ vụ mới, trước những quyết định quan trọng, trước khi giảng dạy, chữa lành cho dân chúng...
    Khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, Chúa Giêsu đã chỉ dẫn những điều rất cụ thể nói lên đặc tính của sứ mạng. Trước hết là cầu nguyện, rồi ra đi, rồi đừng mang theo bao bị … và hãy nói: Bình an cho nhà này… hãy ở lại nhà đó… Đừng đi từ nhà nọ đến nhà kia, hãy chữa lành những người đau yếu, và nói với họ: Nước Thiên Chúa đang đến gần. (Lc 10, 2-10). 
    Những chỉ dẫn và lệnh truyền này cho thấy sứ mạng ấy đặt nền tảng trên cầu nguyện. Cầu nguyện mở lối cho hoạt động tông đồ và cần thiết cho việc dấn thân phục vụ. Đến với người nghèo là sứ mạng của mỗi thành viên Caritas, sứ mạng ấy mang tính lưu động, đòi hỏi không dính bén; sứ mạng ấy đem bình an và chữa lành cho người nghèo khổ với một trái tim rộng mở được khởi đi từ cầu nguyện. 
    Đến với người nghèo chẳng mang lại ý nghĩa gì nếu không được khởi đi từ cầu nguyện. Làm gì có sự trao ban, sẻ chia nếu như không cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dành cho mình. Cũng chẳng thuận lợi để gặp Chúa nơi người khác nếu như không có kinh nghiệm về gặp gỡ Chúa trong suy tư, trong chiêm niệm và cầu nguyện. Và cũng không thể xoa dịu nỗi đau của người khác nếu như không có được một sự cảm nghiệm về Chúa đã bị đau cho mình thế nào. 
    c. Thực hành cụ thể 
    -    TÌM ĐẾN với người nghèo
    Bác ái là cội nguồn và cùng đích của của hành trình Kitô hữu và sự hiện diện của chúng ta là một lời nhắc nhở cụ thể về “tình yêu trong hành động”, giúp chúng ta nhớ lại ý nghĩa về những gì chúng ta đang làm và cách chúng ta thực hiện. “Cùng nhau làm điều tốt, hành động cụ thể và gần gũi với những người yếu đuối.” (Diễn văn của Đức Thánh Cha gặp gỡ đại diện trung tâm trợ giúp và bác ái – 4/8/2023). Tình thương phải cụ thể, không có tình thương trừu tượng. Mỗi người hãy tự hỏi tình thương tôi dành cho người yếu đuối là tình yêu cụ thể hay trừu tượng. Khi đến với người nghèo, người bị gạt ra bên lề, chúng ta có sợ hãi và ghê sợ vì cái nghèo của họ không? 
    “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7), bất cứ khi nào gặp người nghèo, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Mỗi người trong số họ đều là thân cận của chúng ta, bất kể màu da, địa vị xã hội, xuất thân. Chúng ta được kêu gọi để nhận ra và tìm đến với mọi người nghèo và mọi hình thức nghèo.
    Chúng ta hãy ra khỏi những vùng an toàn của mình và đi đến “vùng ngoại biên” hay bên lề xã hội, đặt người nghèo và người dễ bị tổn thương vào trọng tâm tư tưởng và hành động qua sự quảng đại giúp đỡ những người yếu đuối, an ủi những người đau khổ, xoa dịu đau khổ và phục hồi phẩm giá cho những người bị tước mất phẩm giá.

    -    Gặp gỡ - Lắng nghe
    Việc gặp gỡ người nghèo và những người khốn khổ không ngừng thách thức chúng ta và buộc chúng ta phải suy nghĩ. Làm thế nào chúng ta có thể giúp loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm bớt sự thiệt thòi và đau khổ của họ. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ trong nhu cầu tâm linh của họ.
    Chúng ta không thể cảm thấy bình an, thoải mái khi bất kỳ thành viên nào trong gia đình nhân loại bị bỏ lại phía sau và trong bóng tối.
    Mọi nơi, mọi lúc, chúng ta phải đáp lại tiếng khóc thầm lặng của rất nhiều người nghèo, các phụ nữ và trẻ em nghèo bằng nỗ lực mang lại cho họ tiếng nói, để bảo vệ và hỗ trợ họ khi đối mặt với sự giả hình và rất nhiều lời hứa không được thực hiện, và mời họ chia sẻ vào đời sống cộng đoàn (Diễn văn của Đức Thánh Cha gặp gỡ đại diện trung tâm trợ giúp và bác ái).
    Chúng ta đang sống trong thời đại thiếu nhạy bén trước nhưng nhu cầu của người nghèo. Áp lực phải có một lối sống sung túc ngày càng tăng, trong khi tiếng nói của những người sống trong cảnh nghèo đói thường không được lắng nghe. Chúng ta có xu hướng bỏ qua tất cả những gì không phù hợp với mô hình sống được thiết kế trước hết cho thế hệ trẻ, những người dễ bị tổn thương nhất trước sự thay đổi văn hoá đang diễn ra. (Sứ điệp Đức Thánh Cha cho ngày Thế giới Người Nghèo lần thứ 7 năm 2023).
    Hãy lắng nghe, chuyện trò, cố gắng hiểu và đối phó với những tình huống và nguyên nhân khó khăn của họ. Lắng nghe những người mà phẩm giá của họ đang bị chà đạp dưới chân, lắng nghe nỗi khổ đau, sự cô đơn, nỗi thất vọng và niềm hy vọng của họ. Nhân ngày đại hội này chúng ta được kêu gọi hãy thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm cách nghiêm túc để biết xem, liệu chúng ta có thực sự có khả năng lắng nghe người nghèo hay không? Hãy là một bến đỗ nơi người nghèo có thể tìm thấy sự lắng nghe và thấu hiểu. 

    -    Đồng cảm – Sẻ chia
    “Người nghèo không cần chúng ta thông cảm và thương hại, người nghèo cần chúng ta đồng cảm và tôn trọng yêu thương” (Thánh Têrêsa Calcutta).
    Người nghèo không phải là đối tượng để chúng ta ban phát ơn lành cho họ bởi lòng thương hại, nhưng là sự đồng cảm với cái nghèo và với những cảnh khốn cùng mà họ đang gặp phải. Sự yêu thương đích thực chỉ đến từ sự đồng cảm khi ta cảm nhận được sự đau khổ của người ấy như là chính ta đang đau khổ. 
    Điều mà người nghèo cần tới không phải là một hành động tiêu biểu, nhưng là một sự dấn thân với sự đồng cảm và tôn trọng để giúp họ có được niềm hạnh phúc và an vui trong cuộc sống, vì người nghèo cũng có một phẩm giá cao trọng và họ chính là sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô giữa chúng ta "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đang làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
    Hãy hành động cụ thể và thực tế với và vì người nghèo. Quan tâm đến người nghèo không chỉ đơn thuần là một sự phát chẩn vội vàng, nó đòi hỏi phải khôi phục các mối tương quan liên vị đã bị tổn hại bởi nghèo đói. Sự chia sẻ của chúng ta phải tương ứng với nhu cầu đích thực cụ thể của người khác, chứ không phải chỉ là một phương tiện để chúng ta loại bỏ những thứ dư thừa. Điều mà người nghèo chắc chắn cần là tình người, là trái tim của chúng ta mở ra cho tình yêu.
    LỜI KẾT
         “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy người bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân” (Thánh Augustinô). Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). 
    Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta xóa mình đi, để đến và bước vào cuộc sống của người nghèo, những người đang cần sự giúp đỡ nhằm thắp lên nơi họ một niềm hy vọng tái tạo một cuộc sống mới, phục hồi nhân phẩm để xã hội ngày càng thăng tiến và tốt đẹp hơn.

                                                                             + Thomas Vũ Đình Hiệu
                                                                       Chủ tịch UBBAXH – CARITAS VIỆT NAM

    Bài viết liên quan