Nạn Đói Lan Tràn ở Đông Phi và Khu Vực Sừng Châu Phi

  • Chủ nhật, 10:10 Ngày 06/05/2018
  • “Đói là tội ác, lương thực là quyền không thể chuyển nhượng.” Đức Thánh Cha Phanxicô.

    Đông Phi và khu vực Sừng Châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể tồi tệ hơn trong năm 2018. Xung đột vũ trang và hạn hán nghiêm trọng đang gây ra những cơn đói khủng khiếp. Có tới 35 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong khu vực. Caritas cho rằng đây có thể là một trong những cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong khu vực này trong 70 năm qua.

    Caritas đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu rất lớn bởi thiếu lương thực dự trữ ở những quốc gia bị hạn hán nặng như Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Uganda. Thử thách đối với Caritas là vừa phải đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa phải lên kế hoạch cho những thách thức phía trước.

    Caritas sẽ tiếp cận gần 7,8 triệu người ở Đông Phi thông qua hơn 200 dự án trong vòng 18 tháng tới. Hơn một nửa các chương trình Caritas trong khu vực tập trung vào an ninh lương thực và cung cấp việc làm.

    Somalia và Nam Sudan là mối quan tâm hàng đầu và có thể bị ảnh hưởng bởi nạn đói trong năm 2018. Tình cảnh dự kiến sẽ tồi tệ hơn nếu người dân không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ. Cũng có lo ngại rằng an ninh lương thực ở vùng đông nam Ethiopia có thể đang bắt đầu xấu đi.

    Michel Roy, Tổng Thư Ký Caritas Quốc Tế cho biết, “Caritas và Giáo Hội đang làm việc với người dân để đảm bảo họ có lương thực, thuốc men và nước sạch. Trợ cấp nhân đạo đóng vai trò rất quan trọng để cứu mạng sống, nhưng nạn đói là hệ quả của sự thất bại về chính trị.”

    Ethiopia

    Một trong những mục tiêu chính của Caritas Ethiopia là bổ sung viện trợ nhân đạo với các chương trình phát triển nhằm cung cấp cho người dân các giải pháp lâu dài đối với tình trạng hạn hán kéo dài.

    Trong tháng Ba, chính phủ cho biết có 7,9 triệu người ở Ethiopia đang cần được trợ cấp lương thực. Một triệu người di tản trong nước cần được cứu trợ và tái định cư.

    Sau hai năm hạn hán, người ta lo ngại rằng những cơn mưa mùa xuân ở miền nam và đông nam Ethiopia có thể thất thường. Các nhà dự báo thời tiết toàn cầu cũng đã xác định Ethiopia là một trong bốn quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Niña (nước biển lạnh đi) cao nhất.

    Shiferaw Mamo thuộc Caritas Ethiopia cho biết: “Những cơn mưa mùa thu ở miền nam hiện nay lại được dự đoán sẽ ít hơn, có nghĩa là mức độ thiếu an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cấp tính ở các vùng đất trũng có thể vẫn còn cao. "Nhu cầu (cần viện trợ) là rất lớn."

    Tình hình nhân đạo có thể sẽ xấu đi nếu như hiện tượng La Niña đã dự báo ảnh hưởng đến những trận mưa mùa xuân và kéo dài mùa khô. Caritas đã đưa ra lời kêu gọi và đang làm việc với chính phủ và các đối tác về các biện pháp phòng ngừa để có thể ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng và để bảo toàn mạng sống.

    Mamo nói, “Nghiên cứu cho chúng ta thấy rằng các hành động sớm cho vấn đề này là rất quan trọng, ít nhất là để đảm bảo trẻ em trong gia đình đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn về lương thực, sẽ không bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính.

    Somalia

    Caritas Somalia có mặt tại các khu vực của đất nước và đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ của Somali từ khi cuộc nội chiến bùng nổ. Caritas cũng hiện diện qua tổ chức Catholic Relief Services và Trócaire. Năm ngoái, việc hỗ trợ nhân đạo đã được đẩy mạnh để ngăn chặn nạn đói ở Somalia.

    Caritas đang làm việc để ngăn chặn một vòng xoáy khác đi xuống trong năm 2018. Thật không may, từ Tháng Mười đến Tháng Mười Hai không có trận mưa nào. Lượng mưa trong 3 tháng còn ít hơn ba tuần mưa rào. Đây là mùa mưa thứ tư liên tiếp không có nước, khiến hàng triệu người trong năm 2018 phải đối mặt với viễn cảnh đau khổ không có kết thúc.

     

    Các cộng đồng nông dân ở Somali bị tàn phá bởi hạn hán. Caritas Somalia phân phối gạo, bột, dầu ăn và đường ở Hargeisa.

    Ông Eoin Wrenn, người đứng đầu chương trình Đông Phi của Trócaire cho biết: “Đây là thời điểm rất đáng lo ngại ở Somalia. Hạn hán và xung đột đang tiếp diễn khiến hàng triệu người trong năm 2018 sợ hãi về những gì sẽ xảy đến trong tương lai”.

    “Đoàn của chúng tôi gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát các hộ gia đình tại các khu vực nơi chúng tôi làm việc và nhận thấy rằng có đến 90% dân số đang trải qua cơn đói vừa hoặc nghiêm trọng. Ở một số khu vực, cứ 3 người thì có 1 người đang trong tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng.”

    Nếu không có sự hỗ trợ nhân đạo bền vững, nhiều hộ gia đình sẽ không có lương thực.

    Kenya

    Trong năm 2017, tất cả 23 vùng đất cằn cỗi và bán khô cằn ở Kenya đều chịu ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng. Stephen Kituku, Giám đốc Caritas Kenya cho biết: “lượng mưa dưới mức trung bình trong những trận mưa nhỏ vừa qua đã dẫn đến khô hạn kéo dài và thất mùa cũng như thiếu cỏ làm hạn chế việc súc vật của các gia đình nông nghiệp.

    Điều này đã buộc các cộng đồng nông nghiệp phải bán súc vật của mình với giá thấp hơn so với thị trường vì sợ rằng hạn hán kéo dài có thể làm cho súc vật chết.

     

     

    Giáo phận Lodwar và Caritas Lodwar phân phối lương thực ở Trung tâm Turkana, Kenya trong trường hợp không có bất kỳ khoản đầu tư hay cơ sở hạ tầng nào của chính phủ.

    “Số tiền thu được từ việc bán súc vật không đủ để họ vượt qua đợt hạn hán dài như vậy, do đó làm giảm mức chi tiêu ở cấp hộ gia đình. Với mức chi tiêu thấp và thất mùa ở cấp hộ gia đình, hầu hết các hộ gia đình đều cảm thấy dễ bị tổn thương, ”Stephen Kituku của Caritas Kenya nói. “Tình hình hạn hán ở các vùng bị ảnh hưởng tạo nên một bức tranh ảm đạm. Nếu hiện tượng mưa ít nước kéo dài, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn.”

    Ước tính khoảng 2.6 triệu người phải đối mặt với sự thiếu lương thực trầm trọng và 500,000 người trong số họ đối mặt với tình trạng khẩn cấp vào cuối năm. Tỉ lệ suy dinh dưỡng tăng gấp đôi ngưỡng báo động ở một số tỉnh và 370,000 trẻ em cần phải được chữa trị tình trạng suy dinh dưỡng cấp trong những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán vào cuối năm 2017.

    Mất mùa và tổn thất súc vật buộc nông dân phải di dời đi xa một cách bất thường trong năm 2017. Tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm và giá cả tăng cao tiếp tục cản trở người dân tiếp cận lương thực.

    Caritas Kenya làm việc với người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất trong 25 Giáo phận Công Giáo trên toàn quốc. Hạn hán kéo dài dẫn đến sự di tản lan rộng và tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hỗ trợ nhân đạo.

    South Sudan

    Năm 2018, khi cuộc xung đột ở Nam Sudan bước vào năm thứ năm thì cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp tục gia tăng. Bạo lực lan rộng và suy giảm kinh tế bền vững đã làm giảm khả năng của người dân đối phó với các mối đe dọa đối với sức khỏe, an toàn và sinh kế của họ.

    Giá lương thực tăng vọt: ở thủ đô, Juba, một bao 100kg lúa miến giá 11,285 đồng Nam Sudan. Tăng hơn 260% so với giá cách đây một năm, nó vượt xa mức mà hầu hết các gia đình có thể mua được.

    Bạo lực và vi phạm nhân quyền tiếp tục bị mất kiểm soát và đã trở thành thực trạng dai dẳng đối với dân thường. Hãm hiếp và các hình thức bạo lực giới tính khác lan tràn nhưng phần lớn không được báo cáo – 1,324 trường hợp được báo cáo trong nửa đầu năm 2017 chỉ là một phần nhỏ trong các vụ tấn công mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái phải gánh chịu.

    Đức Cha Barani Eduardo Hiiboro Kussala của Tombura - Yambio nói, “Bạo lực thì dễ, nhưng đối với người nghèo, nghĩa là tất cả phải chịu đau đớn và phải di tản. Để đạt được tiến bộ, chúng ta phải chọn con đường khó hơn là phá vỡ các rào cản, xây dựng các cầu nối và đứng lên vì sự khoan dung và tính đa dạng.”

    Đức Giám Mục Barani Eduardo Hiiboro Kussala của Tombura - Yambio nói, “Bạo lực rất dễ, nhưng đối với người nghèo, tất cả điều đó có nghĩa là sự đau đớn và phải di tản. Để đạt được tiến bộ, chúng ta phải đi theo con đường khó khăn hơn để phá vỡ các rào cản, xây dựng các cầu nối và đứng lên cho sự khoan dung và đa dạng. ”

     

    Trên 10, 000 người tìm kiếm sự che chở trong Nhà Thờ chánh toà Đức Mẹ hằng cứu giúp Wau sau làn sóng đấu tranh gần đây nhất.

    Gabriel Yai, Giám đốc điều hành của Caritas South Sudan cho biết, “Sự bất ổn và mâu thuẫn là động lực đằng sau sự mất an ninh lương thực của đất nước vì chúng gây ra sự di dời quy mô lớn của người dân do đó cản trở hoạt động nông nghiệp. Khủng hoảng nhân đạo tiếp tục gia tăng ngay cả khi mở rộng các nỗ lực nhân đạo. Nam Sudan có thể sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực rất nghiêm trọng vào tháng 6 năm 2018 nếu các biện pháp cần thiết không được thực hiện ”.

    Các cơ quan cứu trợ đã trợ cấp nhân đạo và bảo vệ hơn 5.4 triệu người cần giúp đỡ ở Nam Sudan, trong tổng số 6.2 triệu người ban đầu được nhắm đến theo mục tiêu ban đầu trong Kế Hoạch Ứng Cứu Nhân Đạo 2017. Caritas đã tiếp viện cho hơn 2 triệu người, chủ yếu là lương thực và nước sạch.

    Caritas Nam Sudan lên kế hoạch cho năm nay là tiếp tế lương thực khẩn cấp, phân phối hạt giống, dụng cụ và các dịch vụ khác trong 7 giáo phận ở Nam Sudan nếu có các nguồn lực.

    Uganda

    Uganda tiếp nhận số lượng đáng kể về người tị nạn và người tìm nơi ở an toàn, đa số họ đến từ Nam Sudan. Tuy nhiên, một số người tị nạn gia tăng đang đến từ Cộng Hoà Dân Chủ Congo để tìm nơi ẩn náu.

    Caritas đang làm việc với người tị nạn để giúp họ tự phát triển lương thực qua việc cung cấp các hạt giống gieo trồng nhanh. Hầu hết tất cả những người tị nạn mà Caritas đang làm việc với họ nói rằng họ có đủ lương thực, và hai phần ba trong số họ có thể bán sản phẩm dư thừa của họ.

     Những người tị nạn trẻ tuổi cũng được đào tạo nghề như luyện kim và hàn xì hoặc may vá để giúp họ có thu nhập và giúp họ trở về nhà khi tình hình an ninh ổn định. Người tị nạn cũng nhận được màn chống muỗi, băng vệ sinh và đồ dùng học tập cho học sinh.

     

    Jackline Sitima, 25 tuổi, cũng tự thay đổi bản thân. Cô từng khuyến khích bản thân và hai đứa con của mình bán rau quả nhưng giờ đây đã được đào tạo trở thành thợ may và đã được hỗ trợ một chiếc máy may.

    Imvepi là một trong những khu định cư ở Uganda, có tới 130.000 người tị nạn Nam Sudan. Amandine Desaunay, người quản lý chương trình nhân đạo ở Uganda cho Caritas Cordaid của Hà Lan, nói: “Nước là ưu tiên hàng đầu. Không có nước, bạn không thể sống sót. Không có nước, bạn không thể gieo trồng lương thực. Đó là lý do tại sao việc ứng cứu đầu tiên của chúng tôi là xây dựng các công trình nước bền vững. ”

     Tại Imvepi, Caritas Cordaid đã xây dựng một hệ thống cấp nước sản xuất 80,000 lít nước một ngày để phục vụ cho hàng ngàn người. Hệ thống năng lượng mặt trời thông minh là một giải pháp thay thế bền vững cho vận tải đường bộ, là một phương thức đắt tiền để vận chuyển nước đến tất cả - đôi khi là khu vực xa xôi hẻo lánh của khu định cư.

    Chuyển Ngữ: BTT Caritas Việt Nam

    Nguồn: Caritas Quốc Tế

    Bài viết liên quan