Nhiệt Độ Toàn Cầu Đạt Mức Cao Kỷ Lục Trong Tháng Ba

  • Thứ hai, 09:13 Ngày 15/04/2024
  • Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu, tháng Ba năm 2024 là tháng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ, trung bình 1,68°C so với mức cơ bản của thời kỳ tiền công nghiệp, khiến 12 tháng qua trở thành tháng nóng nhất kỷ lục trên toàn cầu.

     Các nhà khoa học cho rằng khi bầu không khí toàn cầu ấm lên, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng và cường độ của các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng. (Ảnh từ pixabay.com)

    Sau đỉnh điểm tháng 7 năm 2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, mỗi tháng tiếp theo đều liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ của chính nó. Tháng Ba năm 2024 tiếp tục xu hướng đáng báo động này, ở mức ấm hơn 1,68°C so với mức trung bình lịch sử của tháng Ba trong kỷ nguyên khí hậu tiền công nghiệp 1850-1900, cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus báo cáo ngày 9 tháng Tư.

    Sự vượt ngưỡng mới này vào tháng Ba góp phần kéo dài 12 tháng chưa từng có, với nhiệt độ toàn cầu trung bình cao hơn 1,58°C so với mức của thế kỷ 19, trước tác động lan rộng của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nạn phá rừng và thâm canh nông nghiệp.

    Chuỗi mười kỷ lục, hàng tháng, không gián đoạn tính đến tháng 3 năm 2024 báo hiệu một cảnh báo nghiêm trọng trong một năm khi biến đổi khí hậu do con người gây ra, gây trầm trọng hơn bởi hiện tượng El Niño, đã làm gia tăng các thảm họa thiên nhiên, khi nhân loại vẫn chưa giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.

    Trong năm qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,58°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vi phạm giới hạn 1,5°C của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy vậy, Copernicus lưu ý rằng sự bất thường này cần được theo dõi trong "ít nhất 20 năm" nhằm xác nhận rằng khí hậu, không chỉ thời tiết hàng năm, đã đạt đến ngưỡng quan trọng này.

    Samantha Burgess, phó giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu của EU, cho biết: “Chúng ta đang rất gần với giới hạn này và chúng ta đang trong thời gian tiệm cận điểm giới hạn này”.

    Trong hơn một năm, nhiệt độ đại dương, cơ quan điều tiết khí hậu quan trọng bao phủ 70% bề mặt Trái đất, đã trở nên nóng hơn bất kỳ thời điểm nào được ghi nhận. Tháng Ba năm 2024 thậm chí còn lập kỷ lục tuyệt đối mới, với nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương (không bao gồm các vùng cực) đạt 21,07°C, được đo bởi Copernicus.

    “Điều này cực kỳ bất thường,” Burgess nói. Sự nóng lên này đe dọa sinh vật biển, mang thêm độ ẩm vào khí quyển - dẫn đến điều kiện thời tiết bất thường hơn như gió mạnh và mưa lớn - và làm giảm khả năng hấp thụ khí thải nhà kính của đại dương, các bể chứa carbon quan trọng lưu trữ 90% năng lượng dư thừa từ các hoạt động của con người.

    Nhà khoa học cảnh báo: “Bầu không khí toàn cầu càng ấm lên thì các hiện tượng cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng và dữ dội hơn”, đồng thời liệt kê “các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng” nằm trong số các mối đe dọa sắp xảy ra.

    Thiếu nước

    Các ví dụ gần đây bao gồm tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến Việt Nam, Catalonia và Nam Phi, Malawi và Zambia. Hơn nữa, Zimbabwe phải đối mặt với thảm họa quốc gia với 2,7 triệu người bị đe dọa bởi nạn đói. Colombia đã áp dụng chế độ phân phối nước và nỗi lo khan hiếm nước bao trùm Mexico.

    Ở chiều ngược lại, Nga, Brazil và Pháp đã trải qua lũ lụt đáng kể. Vai trò của biến đổi khí hậu trong mỗi sự kiện vẫn được xác định bởi các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, rõ ràng là hiện tượng nóng lên toàn cầu, qua sự bốc hơi nước và độ ẩm không khí tiềm năng, đã mở rộng cường độ của một số đợt mưa nhất định.

    Kể từ tháng Sáu, thời tiết toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Niño tự nhiên, đồng nghĩa với nhiệt độ tăng cao. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 12, tác động của nó đến nhiệt độ lục địa được dự đoán sẽ kéo dài đến tháng Năm, và khả năng hiện tượng đối kháng của nó, La Niña, có thể xuất hiện "vào cuối năm nay" sau giai đoạn trung hòa giữa tháng Tư và tháng Sáu. 

    Liệu nhiều kỷ lục sẽ rơi vào những tháng kế tiếp? Burgess cảnh báo: “Nếu chúng ta tiếp tục thấy mức nhiệt nóng như vậy trên bề mặt đại dương (...) thì rất có thể xảy ra”.

    Một năm 2023 bất thường

    Những ghi nhận này có vượt quá dự đoán không? Các nhà khí hậu học tranh luận về vấn đề này sau năm 2023 bất thường, năm nóng nhất từng được đo lường. “Chúng ta có thể giải thích sự nóng này trên qui mô lớn, nhưng không hoàn toàn,” Burgess tóm tắt. Bà nói thêm: “[Năm] 2023 nằm trong phạm vi dự báo mô hình khí hậu, nhưng ở rìa ngoài cùng”.

    Nồng độ khí nhà kính – carbon dioxide, metan và oxit nitơ, ba loại khí nhà kính chính do con người tạo ra – tiếp tục tăng vào năm 2023, theo ước tính từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ công bố ngày 5 tháng Tư. Mức carbon dioxide trung bình là 419,3 phần mỗi triệu (ppm) trong năm, tăng 2,8 ppm so với năm 2022.

    Tuy nhiên, theo dự án Giám sát Carbon, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vào năm 2023 chỉ tăng 0,1% so với năm 2022, đạt 35,8 gigatons. Các nhà khoa học từ cơ quan sáng kiến quốc tế cung cấp các ước tính dựa trên khoa học, cập nhật thường xuyên về lượng khí thải hàng ngày cho biết, mặc dù những ước tính này cho thấy con người thải ra lượng khí thải ở mức ổn định, nhưng chúng vẫn chiếm "10% đến 66,7% lượng carbon còn lại để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C". 

    Nguồn: https://international.la-croix.com/laudato-si/global-tempres-hit-record-high-in-march

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan