Sự tàn phá rừng ở Amazon: Nguyên nhân, hậu quả và hững điều cần biết

  • Thứ ba, 15:30 Ngày 09/04/2024
  • Mặc dù nạn phá rừng ở Amazon đang chậm lại tuy nhiên tình trạng của một trong những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới bị đánh giá vẫn rất nghiêm trọng. Nguyên nhân của nó là gì? Hậu quả của nó đối với phần còn lại của thế giới?

    Tác giả: Camille Richir

    Diện tích rừng bị phá và bị thiêu rụi được nhìn thấy trên bờ đường cao tốc BR 230 tại khu đô thị tự trị Apuí, bang Amazonas của Brazil, ngày 9 tháng 8 năm 2020. (Ảnh của Bruno Kelly/ Amazônia Real / Wikimedia Commons / CC BY 4.0 DEED)

    Xu hướng này dường như đã được xác thực gần đây: nạn phá rừng đang giảm dần ở khu vực Amazon của Brazil. Theo số liệu công bố vào tháng 3, trong hai tháng đầu năm 2024, khu vực nơi đây “chỉ mất” 196 km2, so với 523 km2 cùng kỳ năm ngoái. Đây là tin vui về môi trường và sự đa dạng sinh học, được nối kết đến sự trở lại nắm quyền của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người đã cam kết đạt đến mục tiêu không còn nạn phá rừng nữa vào năm 2030.
    Hiện trạng khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh này vẫn cực kỳ yếu đuối. Thứ nhất, do bởi Lula, người phải đối mặt với sự phản đối chính trị, sẽ mất thời gian để giành chiến thắng trong trận chiến này. Nhưng cũng bởi vì nạn phá rừng, hình thành vòng luẩn quẩn, làm tăng thêm các tình trạng suy thoái khác cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến Amazon suy yếu trong nhiều năm.

    ► Vì sao rừng Amazon lại quan trọng đối với phần còn lại của thế giới?

    Thật khó để thấu hiểu tầm quan trọng của 6 triệu km2 tạo nên rừng Amazon: toàn bộ khu rừng tương đương một nửa diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất. Đối với toàn bộ hành tinh, khu rừng phần lớn là  "kho dự trữ" khí carbon đáng kể, kết quả của CO2 được hấp thụ trong nhiều thế kỷ trong thảm thực vật cũng như trong đất và chất hữu cơ. Để đưa ra một bức tranh thuần túy lý thuyết: nếu toàn bộ lượng carbon lưu trữ trong rừng Amazon được thải vào bầu khí quyển, nó sẽ gây ra sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 0,5°C (theo phép so sánh, nhiệt độ đã tăng khoảng 1,1°C kể từ năm 1850, do bởi sự ấm lên toàn cầu), theo số liệu công bố trên tạp chí Khoa học vào tháng 1 năm 2023.

    Tuy nhiên, Plinio Sist, giám đốc đơn vị nghiên cứu Rừng và Xã hội tại CIRAD, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp về phát triển bền vững của Pháp, khẳng định: “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu giảm nhiệm vụ của Amazon xuống vai trò chỉ thu giữ CO2”. Rừng Amazon cũng là nơi tập trung sự đa dạng sinh học đặc biệt: gần 16.000 loài cây, cũng như 10% các loài thực vật và động vật có xương sống được biết đến. Một chức năng quan trọng khác là rừng đóng góp đáng kể vào việc điều hòa khí hậu và thủy văn ở phần lớn Nam Mỹ. Chính khu rừng này là nơi tạo ra một nửa lượng mưa mà nó nhận được thông qua sự thoát hơi nước, một cơ chế giúp cây giải phóng độ ẩm dưới dạng hơi nước. Khi lượng mưa đến từ Đại Tây Dương, rừng sẽ “tái tuần hoàn” nó tới năm hoặc sáu lần, do vậy lượng mưa này sẽ được đến những vùng xa xôi nhất của khu rừng, về phía Tây. Nói rộng hơn, rừng Amazon còn góp phần vào cơ chế mưa của toàn bộ tiểu lục địa.

    ► Nguyên nhân của nạn phá rừng?

    Trong 17% diện tích rừng Amazon bị chặt phá kể từ thời tiền Colombia, 14% là do nông nghiệp, phần còn lại liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, các hoạt động khai thác mỏ. Về mặt nông nghiệp: tương phản với ý kiến chung, chăn nuôi là nguyên nhân chính gây ra 9/10 nạn phá rừng nông nghiệp, 1/10 còn lại có liên quan đến cây trồng quy mô lớn, đặc biệt là đậu nành.

    Phần lớn sự chú ý tập trung vào Brazil do lãnh thổ nước này bao phủ 2/3 diện tích rừng Amazon, nó cũng được trải rộng trên 8 quốc gia khác: Pháp (thuộc vùng Guiana thuộc Pháp), Bolivia, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Năm 2020, trong số 1 triệu km2 rừng bị tàn phá, thì Brazil chiếm tới 60%.

    ► Các mối đe dọa khác đối với Amazon?

    Phá rừng không phải là hoạt động duy nhất do con người gây ra. Theo một nghiên cứu được xuất bản năm 2021 trên tạp chí khoa học đa ngành hàng đầu thế giới Nature, 73% việc suy giảm hiệu ứng bể chứa carbon của rừng – việc lưu trữ CO2 của rừng – có liên quan đến cái mà các nhà khoa học gọi là “sự suy thoái” của rừng: khai thác gỗ, phân mảnh rừng (làm suy yếu cây cối ở rìa, dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu), cháy rừng cũng như tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng (liên quan đến hiện tượng ấm lên toàn cầu) và bão. Phá rừng và suy thoái rừng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, việc đốt cây để giải phóng mặt bằng dẫn đến cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn trong điều kiện khô hạn. Phá rừng cũng góp phần làm giảm khả năng “tái tuần hoàn” nước của rừng, làm giảm lượng mưa và góp phần làm rừng bị khô hạn.

    ► Hậu quả của việc rừng Amazon bị phá hủy?

    Toàn bộ khu rừng Amazon không còn là "bể chứa carbon" theo nghĩa tuyệt đối nữa. Thật vậy, phần lớn rừng tiếp tục hấp thụ một phần CO2 thải vào khí quyển. Nhưng trên quy mô toàn bộ khu rừng, rừng Amazon đã trở thành nguồn phát thải carbon ròng trong thập kỷ qua (2010-2019): tổn thất vượt quá mức tăng 18% do tác động tổng hợp của nạn phá rừng và suy thoái rừng. Công trình của một số nhà nghiên cứu cũng cho thấy nạn phá rừng và hiện tượng ấm lên toàn cầu đã góp phần làm gia tăng hạn hán trên quy mô địa phương. Các nghiên cứu khác cũng minh chứng rằng, kể từ những năm 1990, rừng đã trở nên kém kiên cường hơn, rừng phải nỗ lực nhiều hơn để tái sinh sau những cú sốc, ví dụ như do hỏa hoạn.

    Ngoài những hậu quả về phát thải CO2 và đa dạng sinh học, những tác động tổng hợp của nạn phá rừng và suy thoái rừng dẫn đến những dịch chuyển trong cuộc sống của người dân bản địa.

    ► Vì sao các chuyên gia lo sợ “điểm tới hạn”?

    Điểm tới hạn đề cập đến một ngưỡng tới hạn, vượt quá ngưỡng đó thì toàn bộ hệ thống sẽ được tổ chức lại. Do đó, các nhà khoa học lo ngại sự biến đổi đột ngột của các khu vực của Amazon thành thảo nguyên: nghĩa là, một vòng luẩn quẩn trong đó lượng mưa giảm – liên quan đến suy thoái và sự ấm lên toàn cầu – sẽ làm tăng tình trạng khô hạn, làm giảm lượng mưa hơn nữa. “Đây là tình huống chưa từng có, gây khó khăn cho việc mô hình hóa sự xuất hiện của hiện tượng như vậy hoặc thậm chí khó có thể chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra” Jean-Pierre Wigneron, giám đốc nghiên cứu tại INRAE, viện nghiên cứu công làm việc cho tổ chức liên kết và phát triển bền vững nông nghiệp, thực phẩm và môi trường giải thích “Nhưng nó vẫn là mối quan ngại sâu sắc trong cộng đồng khoa học.”

    Thông thường, các nghiên cứu khoa học đề xuất điểm tới hạn như vậy có khả năng gần đến. Báo cáo mới nhất, được công bố vào tháng 2 năm 2024 trên tạp chí Nature, ước tính rằng 10% diện tích rừng Amazon có nguy cơ biến đổi ở mức cao và 47% có nguy cơ biến đổi ở mức vừa phải vào năm 2050.

    Nguồn: https://international.la-croix.com/laudato-si/deforestation-in-the-amazon-nguyên nhân-consequences-what-you-need-to-know

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan