Niềm vui của sự trao ban

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 01/11/2016
  • Chung tay chia sẻ không còn là một việc làm quá xa lạ nữa, khi hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức, và cả cá nhân vẫn réo rắt kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã trong cuộc sống, hoặc những người chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lụt ở những vùng sâu, vùng xa, nghèo đói luôn phải hứng chịu những sự mất mát về người, về tinh thần và vật chất. Chính vì vậy, hằng ngày vẫn còn đó những tấm lòng hảo tâm đến để chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Nhưng, trong số những người hảo tâm thì mục đích của mỗi người có thể khác nhau. Riêng tôi, đó chính là: “Niềm vui - hạnh phúc của sự trao ban”. Với tôi, trao ban không chỉ về vật chất, nhưng điều quan trọng là trao ban tình yêu giữa con người với nhau, nó phải bắt đầu bằng chính trái tim. Trái tim phải cảm nhận được nỗi đau của họ là nỗi đau của mình và hạnh phúc của họ là hạnh phúc của chính mình thì đó mới là ý nghĩa của sự trao ban vô vị lợi.

    Chuyến đi miền Trung trong tối ngày 23/10 vừa qua đã để lại trong tôi biết bao cảm xúc. Đại diện cho Caritas Giáo phận Hải Phòng, tôi cùng với nhà tài trợ chính là Công ty Vận tải Hoàng Sơn, Trường Mầm non Big Sun Hải Phòng cùng với một số cá nhân đã lên đường đến với đồng bào miền Trung để sẻ chia sự mất mát trong trận mưa lũ vừa qua.

    Đúng 21 giờ ngày 23 tháng 10 năm 2016, đoàn của chúng tôi lên đường, sau 12 giờ đồng hồ chạy xe suốt đêm, đoàn của chúng tôi đã có mặt tại thôn Liên Thủy, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lúc 9 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 2016.

    Thôn Liên Thủy nằm bên cạnh Sông Son, cách thị trấn Ba Đồn 50km. Tại nơi đây 170 hộ gia đình bị ngập và tải sản đã bị cuốn trôi theo dòng nước… Khi xe của chúng tôi đến nơi, dù nước đã cạn, nhưng những dấu vết của trận lụt vừa qua vẫn còn đó. Các con đường mặc dù đã được dọn dẹp bùn đất, tuy nhiên vẫn còn lầy lội cùng với những căn nhà trống rỗng và siêu vẹo như là một dấu tích thiệt hại trong trận lụt vừa qua.

    Mặc dù rất mệt mỏi sau một đêm ngồi trên xe, nhưng khi đoàn của chúng tôi đến thì mọi mệt mỏi dường như tan biến đi, khi nhìn trên những khuôn mặt già trẻ hốc hác, nhưng trên môi mọi người chào đón chúng tôi bằng những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trìu mến thân thương và những cái bắt tay ấm áp tình người.

    Với sự đón tiếp ân cần, những nụ cười hạnh phúc và phấn khởi của những người đón chúng tôi, từ Cha xứ, các Sơ, tới bà con nơi đây dành cho đoàn chúng tôi. Đọc tên những gia đình lên để trao những phần quà nhỏ nhoi do đoàn chuẩn bị được, cũng như những lời động viên, chia sẻ cho sự thiếu thốn của người dân nơi đây, tôi thấy xúc động nghẹn ngào vì cái sự chân thật, chất phác nơi họ. Càng cảm thông hơn cho những thiệt thòi của họ nơi miền đất nghèo này, từ những bộ quần áo họ mặc, đôi dép họ mang và nụ cười rạng rỡ, hân hoan khi đón nhận những phần quà nhỏ nhoi đó. Cái chúng tôi chia sẻ và đến với người dân nơi đây với tôi không chỉ là những món quà hiện vật mà đó còn là sự cảm thông, thấu hiểu và sự động viên tinh thần lớn lao cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

    Sau khi trao các phần quà xong, đoàn chúng tôi chia tay bà con trong sự nghẹn ngào được biểu lộ trên khuôn mặt từng người và những cái xiết tay thật chặt  như không muốn rời nhau, tuy nhiên đoàn của chúng tôi vẫn phải chia tay để tiếp tục đi thăm những gia đình thực sự khó khăn để sẻ chia, để trao ban tình yêu. Khi đặt chân tới cổng mỗi nhà chúng tôi đến, thì mỗi người trong đoàn đều cảm thấy khó diễn tả bằng lời, nhưng chung một cảm nghĩ đó là sự ngậm ngùi và khi nhìn vào bên trong những ngôi nhà hoàn toàn trống rỗng, với những chiếc giường không chiếu và một mùi ẩm mốc bốc lên làm cho cả đoàn ai nấy đều khó thở, nhưng không một ai chạy ra ngoài cả, vẫn cúi xuống thăm hỏi những người nằm liệt gường đã lâu…

    Sau khi đã thăm hỏi các gia đình xong, đoàn chúng tôi lên xe trở về nhà các Sơ. Chị Vũ Thị Lan Anh thành viên trong đoàn đã thốt lên như sau: “Khi nhìn thấy các gia đình như vậy, thì từ nay con không còn muốn đi mua sắm gì nữa”. Vâng, đúng là như vậy, khi phải chứng kiến những mảnh đời như vậy thì ai cũng phải chạnh lòng, lo lắng, suy nghĩ cho cho người dân ở đây họ sẽ phải làm gì để vượt lên chính mình đây? họ sẽ làm gì để có cái ăn cái mặc? Khi cái ăn cái mặc không đủ thì lấy gì để cho con cái tới trường? Bởi nhà cửa giờ đây đã trống rỗng, tất cả tài sản đã bị cuốn theo dòng lũ. Cần lắm những tấm lòng hảo tâm khác tiếp tục đến với họ.

    Lm. Giuse Nguyễn Văn Sáng

    Phó Giám đốc Caritas Hải Phòng

    Một số hình ảnh

    Bài viết liên quan