Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình 01.01.2016

  • Thứ năm, 10:10 Ngày 31/12/2015
  • “Vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm và cố gắng đạt tới hòa bình”

    1. Thiên Chúa không thờ ơ lãnh đạm! Đối với Thiên Chúa, nhân loại rất quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại! Tôi muốn liên kết những lời chúc mừng của mình nhân dịp đầu năm mới, với niềm xác tín sâu thẳm đó của tôi: Trong dấu chỉ của niềm hy vọng, tôi cầu mong phúc lành và bình an tràn trề cho tương lai của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia trên mặt đất này, cũng như cho tương lai của các vị nguyên thủ quốc gia, cho các chính quyền và những nhà mang trách nhiệm của các tôn giáo. Thực ra, chúng ta không đánh mất niềm hy vọng rằng, trong năm 2016, tất cả sẽ tham gia một cách cương quyết và tin tưởng hầu hiện thực hóa nền công lý trên nhiều bình diện khác nhau cũng như làm việc cho hòa bình. Vâng, hòa bình này chính là ân sủng của Thiên Chúa và cũng là công việc của con người – là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng ân sủng này được trao phó cho mọi người nam và mọi người nữ: Họ được kêu gọi để hiện thực hóa nó.

    Bảo vệ những lý do dẫn tới niềm hy vọng

    2. Những cuộc chiến tranh và những hành vi khủng bố với những hậu quả thê lương của chúng, với những cuộc bắt cóc, với những cuộc bách hại có động cơ sắc tộc và tôn giáo, và với sự lạm dụng quyền hành, đã nêu ra đặc tính của suốt năm vừa qua, từ đầu năm tới cuối năm, cũng như đã tăng lên rất nhiều tại rất nhiều khu vực trên khắp thế giới, đến độ chúng đã tiếp nhận những đặc tính của cái mà người ta có thể gọi là “cuộc thế chiến thứ ba tại nhiều khu vực”. Nhưng một số sự kiện của những năm trước đây và của chính năm vừa qua đã khích lệ tôi, nhân dịp đầu năm mới, tái kêu gọi mọi người đừng đánh mất niềm hy vọng vào khả năng của con người trong việc thắng vượt sự ác nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, và đừng hiến bản thân mình cho sự thất vọng cũng như cho thái độ thờ ơ lãnh đạm. Những biến cố mà tôi sẽ đề cập tới, đang chỉ cho thấy khả năng của nhân loại trong việc thực thi tình liên đới, trong việc vượt qua những mối quan tâm cá nhân cũng như vượt qua sự dửng dưng và thái độ thờ ơ lãnh đạm đối với những trạng huống khó khăn.

    Trong số những biến cố đó, tôi muốn nhắc tới những nỗ lực mà chúng đã được thực hiện hầu giản lược hóa cuộc hội nghị của những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới trong khuôn khổ của COP21, với mục tiêu tìm ra những con đường mới, hầu chiến thắng sự biến đổi khí hậu và bảo đảm cho sự phồn thịnh của trái đất, tức ngôi nhà chung của chúng ta. Và điều đó chỉ dẫn tới hai biến cố vừa diễn ra trên bình diện toàn cầu: Cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Addis Abeba để tập trung các phương tiện cho việc phát triển bền vững của trái đất, và việc chấp thuận chương trình nghị sự tới năm 2030 cho sự phát triển bền vững thông qua tổ chức Liên Hiệp Quốc, mà tổ chức này đang theo đuổi mục tiêu từ nay cho tới đó, bảo đảm cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho các cư dân nghèo khổ trên mặt đất, một cuộc sống xứng nhân phẩm.

    Đối với Giáo hội, năm 2015 là một năm đặc biệt, bởi vì năm này được đánh dấu với ngày kỷ niệm lần thứ 50 việc công bố hai văn kiện của Công Đồng Vatican II, mà hai văn kiện này đang thể hiện một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt của Giáo hội trong tình liên đới với thế giới. Khi công bố Công Đồng, Đức Gio-an XXIII đã muốn mở toang những cánh cửa của Giáo hội, hầu cho mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới được mở rộng hơn. Cả hai văn kiện –Nostra aetate và Gaudium et spes – đều là một sự diễn tả có tính kiểu mẫu về mối tương quan mới của sự đối thoại, của tình liên đới và của sự đồng hành mà Giáo hội muốn đưa vào trong gia đình nhân loại. Trong tuyên ngôn Nostra aetate, Giáo hội được thúc đẩy và được mời gọi hãy mở ra cho cuộc đối thoại với các tôn giáo không thuộc Ki-tô giáo. Trong Hiến Chế mục vụ Gaudium et spes, Giáo hội muốn thực hiện một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại về những vấn đề của thế giới, vì “niềm vui và hy vọng, đau buồn và sợ hãi của con người trong thời đại hôm nay, đặc biệt là của những người nghèo và của những người bị áp bức với đủ loại cách thức, […]cũng là niềm vui và hy vọng, đau buồn và sợ hãi của các môn đệ Chúa Ki-tô” [1], như là một dấu chỉ của tình liên đới và của mối thiện cảm đầy lòng kính trọng [2].

    Từ viễn tượng đó, với Năm Thánh về Lòng Thương Xót, tôi muốn mời gọi Giáo hội hãy cầu nguyện và làm việc để cho tất cả các Ki-tô hữu đều cho phép phát triển trong mình một con tim khiêm nhượng và đồng cảm, mà nó có khả năng công bố và làm chứng cho Lòng Thương Xót; có khả năng “tha thứ và trao hiến bản thân”; có khả năng mở ra “cho tất cả những ai đang sống trong những vùng ngoại vi khác nhau của kiếp nhân sinh, mà thế giới hiện đại sản sinh chúng ra trong những cách thế thường rất bi ai”, và không sa vào “sự thờ ơ lãnh đạm mà nó hạ thấp nhân phẩm; không rơi vào thói quen đánh mất xúc cảm và ngăn cản việc khám phá ra một cái gì đó mới; không rơi vào thói cay độc đầy tính hủy hoại” [3].

    Có rất nhiều những lý do để tin vào khả năng của con người trong việc cùng hành động, trong tình liên đới và trong sự nhìn nhận mối liên kết và sự lệ thuộc lẫn nhau, và luôn có sự lưu tâm cách đặc biệt tới những thành viên yếu đuối nhất cũng như luôn lưu tâm tới việc bảo vệ và duy trì niềm hạnh phúc chung. Hành vi của một sự đồng trách nhiệm có tính liên đới này chính là nền tảng cho ơn gọi căn bản, tức ơn gọi trở nên huynh muội và chung sống. Phẩm giá và những mối tương quan giữa con người với nhau chính là điều căn bản đối với con người mà Thiên Chúa đã muốn sáng tạo nên theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. Với tư cách là những thụ tạo được phú bẩm cho một phẩm giá bất khả nhượng, chúng ta hiện hữu trong mối tương quan với những người anh chị em, mà đối với họ, chúng ta đang mang một trách nhiệm và thể hiện tình liên đới. Nếu không có mối tương quan này, con người sẽ bớt đi phần nhân tính của mình. Chính vì thế mà thái độ thờ ơ lãnh đạm được coi như là một mối đe dọa đối với gia đình nhân loại. Trong khi chúng ta bắt đầu con đường trong một năm mới, tôi muốn mời gọi tất cả hãy nhận ra tình hình đó, hầu vượt thắng thái độ thờ ơ lãnh đạm cũng như cố gắng dựng xây hòa bình.

    Một số hình thức thờ ơ lãnh đạm

    3. Thái độ lãnh đạm của một số người nào đó mà họ khép kín con tim mình hầu không lưu tâm tới những người khác; họ nhắm chặt đôi mắt mình lại để khỏi nhìn thấy những gì chung quanh, hay tránh né để những vấn đề của người khác khỏi đụng chạm tới mình, nói lên đặc điệm của một mẫu người đang tương đối phổ biến và có thể được bắt gặp trong bất cứ thời đại lịch sử nào. Nhưng trong thời đại của chúng ta, không còn phải nghi ngờ gì nữa, thái độ đó đã vượt qua lãnh vực cá nhân để tiếp nhận một chiều kích có tính toàn cầu, và phát sinh ra hiện tượng “toàn cầu hóa sự thờ ơ lãnh đạm”.

    Hình thức đầu tiên của sự thờ ơ lãnh đạm trong xã hội loài người chính là sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, thờ ơ đối với tha nhân, và sự thờ ơ đối với thế giới thiên nhiên cũng bắt nguồn từ sự thờ ơ đó. Đây là một trong những hậu quả khó khăn nhất của một chủ nghĩa nhân bản sai lạc cũng như của chủ nghĩa duy vật thực tiễn trong sự liên tưởng tới một lối tư duy theo chủ nghĩa tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng, họ cần phải trở thành sáng lập viên của chính họ, của cuộc đời họ và của xã hội. Họ cảm thấy mình không bị lệ thuộc và không chỉ khao khát chiếm được chỗ của Thiên Chúa, nhưng còn khao khát bùng lên một cách hoàn toàn mà không có Thiên Chúa. Sau đó họ lại nghĩ, họ chẳng có tội tình gì với bất cứ ai ngoại trừ chính mình, và chỉ cần được sở hữu quyền bính [4]. Chống lại sự nhận thức về bản thân một cách lệch lạc này, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã nhắc nhớ rằng, chẳng phải con người, cũng chẳng phải sự phát triển của họ đang ở trong tình trạng trao cho bản thân họ ý nghĩa cuối cùng[5]. Và trước đó, Đức Phao-lô VI cũng đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa nhân bản nào mà nó mở ra với tuyệt đối, trong niềm biết ơn đối với một ơn gọi mà nó trao tặng một quan điểm chính xác về cuộc sống con người, mới là chủ nghĩa nhân bản đích thực.”[6]

    Sự thờ ơ đối với tha nhân thủ đắc những khuôn mặt khác nhau. Có những con người được thông tin một cách rất tốt, nghe radio, đọc báo chí, theo dõi những chương trình truyền hình, nhưng thực hiện điều đó với sự do dự trong lòng, đồng thời trong một tình trạng của việc tập cho quen. Những người ấy có một trí tưởng tượng mông lung của những bi kịch mà chúng hành hạ nhân loại, nhưng không cảm thấy mình bị dính lứu, không cảm thấy sự đồng cảm. Đó là thái độ của những người mà họ biết rõ, nhưng lại chỉ hướng cái nhìn, hướng sự suy nghĩ và hành động về chính bản thân mình. Thật tiếc là chúng ta phải xác nhận rằng, việc gia tăng những thông tin về bản thân mình ngay trong thời đại chúng ta, không đồng nghĩa với sự gia tăng mối quan tâm đối với những vấn đề, khi sự gia tăng ấy không xuất hiện cùng với một sự mở ra của ý thức trong ý nghĩa của tình liên đới.[7] Vâng, sự thờ ơ ấy có thể kéo theo một sự bão hòa nào đó theo mình, mà sự bão hòa đó làm tê liệt và tương đối hóa tính nghiêm trọng của những vấn đề thành bình thường. “Một số người chỉ tìm thấy niềm vui một cách thuần túy trong việc đổ lỗi cho những người nghèo và những quốc gia nghèo, với những điều khát quát hóa một cách quá mức những điều tồi tệ, và ngỡ rằng đã tìm thấy giải pháp trong một ´sự giáo dục`, mà nó trấn an họ và biến họ thành những sinh vật được thuần hóa và vô hại. Điều đó sẽ còn đáng trách hơn nếu như những người bị loại trừ nhìn thấy cục bướu của cộng đồng đang phát triển, mà cục bướu ấy chính là sự tham nhũng đã bén rễ sâu trong nhiều quốc gia – trong nhiều chính phủ, trong giới kinh doanh và trong các cơ quan, độc lập với những lý tưởng chính trị của những nhà cầm quyền.”[8]

    Trong những trường hợp khác, sự thờ ơ lãnh đạm lại biểu lộ trong hình thức của một sự thiếu quan tâm đối với thực tế chung quanh, đặc biệt là đối với những thực tế đang còn ở xa. Một số người ưa thích trước việc không tìm tòi, không hỏi han tin tức, và sống sự sung túc cũng như sự tiện nghi của mình trong sự điếc lác đối với tiếng kêu đầy đau khổ của nhân loại khổ đau. Hầu như chúng ta không nhận ra được rằng, chúng ta đã trở nên bất khả trong việc cảm thấy mình có sự đồng cảm đối với người khác, đối với sự bất hạnh của họ. Chúng ta không còn quan tâm tới việc chăm sóc cho họ, đến nỗi không còn muốn biết xem điều gì đang xảy ra với họ, chúng ta coi việc chăm sóc họ như là một trách nhiệm đang nằm xa chúng ta, chẳng liên quan gì tới chúng ta.[9] Từ đó dẫn tới chuyện chúng ta “quên những người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm), nếu như điều đó tốt với chúng ta và chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc; cũng như sẽ dẫn tới chuyện chúng ta không bận tâm tới những vấn đề của họ, tới nỗi khổ đau của họ và tới những điều bất công mà họ đang phải chịu đựng… Và rồi con tim của chúng ta sẽ sa vào sự thờ ơ lãnh đạm: trong khi nó tương đối tốt với tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi lại quên đi những người mà nhiều điều không ổn đang xảy ra cho họ.”[10]

    Vì chúng ta đang sống trong một ngôi nhà chung, nên chúng ta không được phép bỏ qua việc tự hỏi, tình hình sức khỏe của ngôi nhà này đang như thế nào – trong Thông Điệp Laudato si’, tôi đã cố gắng để thực hiện việc đó. Việc làm ô nhiễm nước và không khí, việc khai thác những cánh rừng một cách bừa bãi và việc hủy hoại môi trường thường là hoa trái phát sinh từ sự thờ ơ lãnh đạm của con người đối với những người khác, vì tất cả đều đứng trong mối tương quan với nhau. Giống như thái độ của con người đối với thú vật cũng đang gây ảnh hưởng trên những mối tương quan của mình đối với những người khác[11] – sự hoàn toàn thinh lặng của những người mà họ tự cho phép mình thực hiện ở bất cứ đâu điều mà họ không bao giờ dám thực hiện trong ngôi nhà riêng của mình[12].

    Trong những trường hợp này hay trường hợp khác, sự thờ ơ lãnh đạm chính là nguyên cớ đặc biệt của sự khép kín và sự bàng quan, và rốt cuộc dẫn tới sự thiếu bình an với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới thụ tạo.

    Sự đe dọa nền hòa bình xuyên qua việc toàn cầu hóa tính thờ ơ

    4. Sự thờ ơ đối với Thiên Chúa đang vượt quá lãnh vực riêng tư và tinh thần của cá nhân, và lan rộng sang lãnh vực công cộng và xã hội. Vì thế, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã lên tiếng: có “một mối liên kết khắng khít  giữa sự tôn vinh Thiên Chúa và nền hòa bình của nhân loại trên trái đất”.[13] Vì “nếu không có sự mở ra với siêu việt tính thì trong thực tế, con người sẽ dễ dàng trở thành chiến lợi phẩm cho chủ nghĩa tương đối, và sau đó sẽ thật là khó đối với con người trong việc thực thi đức công chính và trong việc dấn thân cho hòa bình”.[14] Sự lãng quên và việc khước từ Thiên Chúa, mà chúng ta dụ dỗ con người đừng nhìn nhận những tiêu chuẩn về chính mình nữa, nhưng lại lấy chính bản thân mình làm tiêu chuẩn, đã sản sinh ra sự độc ác và bạo lực vô độ.[15]

    Trên bình diện cá nhân và cộng đồng, sự thờ ơ đối với tha nhân – tức người con gái của sự thờ ơ đối với Thiên Chúa – sẽ tiếp nhận những đặc tính của sự trì trệ và sự dửng dưng. Những đặc tính này sẽ hình thành nên một môi trường nuôi cấy mà trên đó những tình trạng bất công và tình trạng bất bình đẳng xã hội một cách nặng nề sẽ tiếp tục tồn tại, rồi sau đó, về phía mình, những tình trạng này sẽ có thể dẫn tới những cuộc xung đột, hay trong một trường hợp nào đó, sẽ phát sinh ra bầu khí bất mãn, dẫn tới nguy cơ, không sớm thì muộn sẽ làm leo thang bạo lực và bất an.

    Trong ý nghĩa này, sự thờ ơ và sự dửng dưng phát sinh từ đó, sẽ thể hiện một sự sai phạm nặng nề trong mối liên hệ đến bổn phận của từng người, tương ứng với những khả năng của họ và vai trò mà họ đang có trong xã hội nhằm góp phần đưa đến niềm hạnh phúc chung, đặc biệt là đưa đến hòa bình, mà nó là một trong những kho tàng giá trị nhất của nhân loại.[16]

    Nếu sự thờ ơ lại liên quan đến bình diện tổ chức và thể chế – thờ ơ đối với người khác, đối với phẩm giá, đối với những quyền căn bản và đối với sự tự do của họ – và được kết cặp với một nền văn hóa bị đóng ấn bởi đầu óc lợi nhuận và sự thèm khát khoái lạc, thì nó sẽ hỗ trợ và đôi khi còn biện hộ cho những hành vi và những cương lĩnh chính trị, mà rốt cục chúng chỉ đe dọa hòa bình. Một thái độ thờ ơ như thế cũng sẽ có thể đi rất xa, để bênh vực cho một số hình thức chính sách kinh tế đáng khiển trách, mà những hình thức ấy sẽ dẫn tới những bất công, chia rẽ và bạo lực, chỉ vì đuổi theo sự sung túc của riêng mình hay của quốc gia mình. Thực ra, không hiếm những kế hoạch kinh tế và chính trị của con người lại nhắm vào sự đạt được hay duy trì quyền lực và sự giầu sang, thậm chí bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp những quyền lợi và những nhu cầu căn bản của người khác dưới chân mình. Nếu những người dân thấy rằng, những quyền lợi căn bản cũng như lương thực, nước uống, sự chăm sóc y tế và công ăn việc làm đang bị khước từ đối với họ, họ sẽ cố gắng giành cho được những điều ấy bằng bạo lực.[17]

    Từ đó, sự thờ ơ đối với môi trường thiên nhiên thông qua việc tào điều kiện cho sự phá rừng, cho việc làm ô nhiễm không khí cũng như làm phát sinh các thảm họa thiên nhiên mà chúng làm bật gốc toàn thể các xã hội khỏi môi trường sống của mình, và làm cho những xã hội ấy bị bất ổn và bất an, sẽ tạo ra những hình thức mới của sự nghèo túng, và tạo ra những tình trạng mới của sự bất công với những hậu quả tai hại không ngừng đối với sự an toàn và hòa bình của xã hội. Có bao nhiêu cuộc chiến tranh đã bị gây ra và sẽ còn có bao nhiêu cuộc chiến tranh khác sẽ bị gây ra vì thiếu tài nguyên hay để thích ứng với nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên không bao giờ có thể làm thỏa mãn?[18]

    Đọc tiếp phần II

    Bài viết liên quan