Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới bệnh nhân lần thứ XXIII

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 03/02/2015
  • logo

    Cordis Sapientia - Sự Khôn ngoan của Cõi lòng

    “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, tôi đã là đôi chân cho kẻ què” (Giop 29,15)

     

    Anh chị em thân mến!Nhân dịp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXIII, ngày đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập, Cha hướng lòng mình đến tất cả anh chị em, những người đang phải chịu gánh nặng của bệnh tật, và theo những cách khác nhau, đang được kết hợp với thân xác đau khổ của Chúa Kitô; cũng như Cha muốn ngỏ lời với anh chị em, các chuyên gia và các tình nguyện viên đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

    Chủ đề năm nay của Ngày Thế giới Bệnh nhân mời gọi chúng ta suy niệm về một câu trong sách Gióp: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, tôi đã đôi chân cho kẻ què” (29,15). Cha mong ước suy tư cùng anh chị em về điều đó theo sự Khôn ngoan của Cõi lòng –“cordis sapientia”.

    1. Sự khôn ngoan của cõi lòng không phải là một hiểu biết lý thuyết, trừu tượng, hay là kết quả của lý luận. Nói đúng hơn, như mô tả của Thánh Giacôbê trong bức thư của ngài, sự khôn ngoan ấy mang nét “tinh tuyền, bình an, khoan dung, mềm dẻo, đầy lòng thương xót và mang lại hoa trái tốt lành, không thiên vị và chân thành” (Gc, 3,17). Đó là một thái độ sống thấm nhuần ơn Chúa Thánh Thần nơi tâm trí và trái tim của những ai biết rộng mở lòng mình trước sự đau khổ của anh chị em, và nhận ra nơi họ hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy theo lời cầu nguyện của Thánh Vịnh: “Xin dạy chúng con biết đếm tháng ngày mình sống / ngỏ hẫu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12). Trong sự khôn ngoan của trái tim - sapientia cordis – một món quà của Thiên Chúa, chúng ta có thể tóm kết những hoa trái của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân.

    2. Sự khôn ngoan của cõi lòng là phục vụ người anh chị em của mình. Trong lời của ông Giop: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, và đã là đôi chân cho kẻ què”, chúng ta có thể thấy sự nổi bật của chiều kích phục vụ những người nghèo khổ của con người công chính này; và cách nào đó, ông đã thể hiện một thẩm quyền nhất định và vị thế của ông trong tương quan với các bậc cao niên của thành phố. Tầm mức luân lý như thế của ông Giop được thể hiện trong việc phục vụ người nghèo và những ai cần sự giúp đỡ, cũng như trong việc chăm sóc trẻ mồ côi và người góa bụa (c.12-13).

    Có bao nhiêu Kitô hữu ngày nay đang làm chứng về điều này, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cuộc sống của họ - cuộc sống bắt nguồn từ một đức tin chân chính, để được là “đôi mắt cho người mù” và “đôi chân cho kẻ què”! Những kitô hữu ấy gần gũi với các bệnh nhân - những người cần được trợ giúp liên tục trong việc vệ sinh thân thể, mặc quần áo, việc ăn uống. Việc phục vụ như thế, đặc biệt là khi nó kéo dài trong một khoảng thời gian lâu dài, có thể trở nên mệt mỏi, nặng nề và vất vả. Việc đó có thể là tương đối dễ dàng trong một vài ngày, nhưng thật khó để chăm sóc một người trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, và nhiều người trong họ có khi không có thể nói lời cảm ơn. Tuy thế, đó là chặng đường dài cho sự thánh thiện! Thật vậy, trong những khoảnh khắc đặc biệt ấy, người ta có thể nếm trải sự gần gũi của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cách thức hỗ trợ đặc biệt cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.

    3. Sự khôn ngoan của cõi lòng là hiện diện với anh chị em của mình. Thời gian dành cho bệnh nhân là một thời gian thánh thiêng. Đó là lúc chúng ta ngợi khen Thiên Chúa, đồng hóa chúng ta với hình ảnh của Con Một Thiên Chúa, Đấng đến trần gian “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 28). Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).

    Với đức tin sống động, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần - Đấng ban cho chúng ta ân sủng để hiểu được giá trị của sự đồng hành, thường là với sự im lặng, để chúng ta biết dành thời gian cho các anh chị em, những người, nhờ vào sự gần gũi và tình cảm của chúng ta mà họ cảm thấy được yêu thương và được an ủi hơn. Trong khi đó, chúng ta có thể thấy và tránh xa sự giả dối của một kiểu quan niệm: vì muốn nhấn mạnh quá nhiều vào “chất lượng cuộc sống” mà người ta đã dẫn dắt bệnh nhân đến chổ tin rằng cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì một căn bệnh, và vì bệnh tật này, họ sẽ không đáng sống nữa!

    4. Sự khôn ngoan của cõi lòng là ra khỏi chính mình và đến với người anh chị em. Thế giới chúng ta đôi khi quên đi những giá trị đặc biệt của thời gian được ở bên cạnh các bệnh nhân, bởi vì người ta luôn vội vàng, hối hả làm việc và sản xuất, và chúng ta quên đi chiều kích của việc phục vụ “nhưng không”, của việc chăm sóc, quan tâm đến người khác. Sâu xa mà nói, đằng sau thái độ này thường tỏ lộ một niềm tin nguội lạnh, khiến người ta đã quên lời Chúa nói "Điều gì anh em làm một kẻ bé mọn đây, là anh em đã làm cho Thầy" (Mt 25, 40).

    Vì điều này mà Cha muốn nhắc nhở anh chị em một lần nữa về “việc ra khỏi chính mình và hướng về phía người anh em” như là một trong hai điều răn chính làm nền tảng cho tất cả các chuẩn mực đạo đức, và là dấu hiệu rõ ràng nhất để đưa ra phán quyết trên con đường phát triển tâm linh, trong việc đáp trả những ân huệ được ban tặng hoàn toàn nhưng không từ Thiên Chúa (xem Tông thư Evangelii Gaudium, số 179). Từ bản chất Truyền Giáo của Giáo Hội phát sinh ra “lòng bác ái sinh ơn ích, lòng trắc ẩn khiến ta biết cảm thông, biết hỗ trợ và thúc đẩy người khác” (ibid.).

    5. Sự khôn ngoan của cõi lòng là thể hiện tình tương trợ với người anh em của mình mà không xét đoán họ. Việc Bác ái cần thời gian. Thời gian để chữa lành bệnh nhân và thời gian để đến thăm họ. Thời gian để đứng bên cạnh họ như bạn bè của ông Gióp đã làm: "Họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông ,suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn "(Gb 02, 13). Nhưng bạn bè của Gióp đã che giấu trong lòng họ một sự xét đoán tiêu cực về ông. Họ nghĩ rằng sự bất hạnh của ông Gióp là sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi của ông. Trong khi đó, lòng bác ái đúng đắn là chia sẻ mà không xét đoán, không mong muốn lợi dụng cơ hội để hoán cải người khác. Đó là sự tự do thoát khỏi sự khiêm nhường giả tạo ẩn nấp bên dưới việc truy tìm sự chấp thuận và hoan nghênh bởi các việc tốt mà mình thực hiện.

    Kinh nghiệm của ông Giop chỉ tìm thấy câu trả lời xác thực trong mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu - một hành vi cao cả của tình liên đới giữa Thiên Chúa với chúng ta, hoàn toàn tự nguyện và giàu lòng xót thương. Và câu trả lời đầy yêu thương này với hoàn cảnh đau khổ của con người, đặc biệt là sự đau khổ của các nạn nhân vô tội, vẫn mãi mãi khắc ghi trong cơ thể của Đức Kitô Phục Sinh, trong những vết thương nhục hình mà vinh quang của Ngài. Đây là một trở ngại lớn cho Đức tin mà cũng là điều minh chứng của Đức tin (bài giảng cho lễ phong thánh Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, ngày 27 tháng 4 năm 2014).

    Ngay cả khi bệnh tật, sự cô đơn và tàn tật xem ra thắng thế so với cuộc sống và việc trao ban của chúng ta, những kinh nghiệm đau đớn có thể trở thành một nơi đặc biệt cho việc ban truyền ân sủng và là nguồn để tiếp thu và tăng cường sự khôn ngoan của cõi lòng - sapientia cordis. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được ông Gióp, vào cuối những kinh nghiệm đau thương của mình, ông hướng về Thiên Chúa và có thể nói: “Lạy Chúa, tôi biết Chúa chỉ nhờ nghe nói lại, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài” (Gb 42, 5). Ngay cả những người bị chìm ngập trong mầu nhiệm của sự đau khổ mà biết đón nhận nó trong đức tin, thì họ cũng có thể trở thành chứng nhân đức tin, một đức tin đã cho phép họ sống với đau khổ, cho dẫu với trí thông minh của mình, con người không thể hiểu được sự đau khổ cách sâu xa.

    6. Cha phó thác Ngày thế giới Bệnh nhân cho sự phù trợ từ mẫu của Mẹ Maria, Đấng đã thụ thai và hạ sinh Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ôi Mẹ Maria, Ngai tòa sự khôn ngoan, hãy cầu bầu  cho tất cả các bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Xin Mẹ giúp chúng con, trong việc phục vụ người khác và thông qua các kinh nghiệm của nỗi khổ đau, chúng con có thể tiếp đón, phục vụ và phát triển trong chính chúng con sự khôn ngoan đích thực của cõi lòng.

    Với lời cầu khẩn này, Cha đồng hành với tất cả anh chị em và Cha ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.

     

    Vatican, 03 Tháng 12 năm 2014Lễ nhớ thánh Phanxicô XavieGIÁO HOÀNG PHANXICÔ

    Chuyển ngữ từ bản tiếng Ý: Lm Lê An Phong,SDB

    Bài viết liên quan