Trẻ nghèo - cơ hội nào cho em?

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 14/05/2013
  •  Trẻ đường phố kiếm sống tại bãi rác ở  Gauhati, Ấn Độ. Bức ảnh chụp ngày 19-11, một ngày trước khi Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 60 năm ra tuyên ngôn về quyền trẻ em và 30 năm công ước quốc tế về quyền trẻ em.

    Ảnh: Anupam Nath

    Mỗi năm, khi mùa thi đại học đến gần, lòng tôi lại bồi hồi một cảm xúc khó tả. Cái tất bật hối hả của tàu xe, cái ngơ ngác rụt rè pha lẫn nhút nhát sợ sệt của các thí sinh từ quê lên phố thị như kéo tôi về với kỷ niệm của những ngày xa thương ấy. Đã tròn hai mươi năm… 

    Tôi là đứa con duy nhất – mà lại là con gái – trong đàn con tám đứa của bố mẹ tôi còn bám víu lây lất vào việc học hành, bởi cái nghèo đến nghiệt ngã đã dần dà chặt đốn hết những ước mơ và nghị lực của anh chị em tôi. Đậu tú tài, tôi lên Sài Gòn thi vào đại học. Hành trang là một cái hòm thiếc đầy sách vở, mấy bộ đồ nhà quê và một cái địa chỉ của một người chị em cạnh nhà lên Sài Gòn làm nghề giúp việc cho một quán cơm cạnh bến xe Miền Đông. Và chính cái quán cơm bé nhỏ này đã cưu mang tôi những ngày đầu lạ nước lạ cái. Dì chủ quán tốt bụng đã cho tôi ăn ở, một buổi phụ bán cơm, một buổi đi học. Quả cuộc đời tôi còn may mắn…

    Tôi vẫn thường tự hỏi, trong cuộc đời này có bao nhiêu trẻ nghèo được may mắn như tôi? Có bao nhiêu người đủ lòng quảng đại và tử tế để “chạnh lòng thương” người nghèo như dì bán cơm đã thương tôi? Dì đã cho tôi một cơ hội, đã mở cho tôi một lối để vào đời… Nếu không có sự nâng đỡ của dì, biết đâu tôi chẳng còn là tôi của hôm nay…

    Thời ấy, tôi thường ra công viên ngồi học bài. Hằng ngày tôi chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ đen đúa còm cõi với ánh mắt non dại bị “bố mẹ” (?) bắt đi bán vé số, sing-gum, còn họ thì ngồi một góc quan sát, điều khiển. Có lần tôi tận mắt thấy một “bà mẹ” (?) dùng dép Lào đánh vào mặt một bé gái chưa đầy bảy tuổi vì tội không mời được khách hàng. Nước mắt tôi tuôn rơi... Vốn là đứa trẻ quê khó nghèo lam lũ, tôi thương quá những bước chân xiêu vẹo của những đứa trẻ lầm lũi giữa đêm khuya, gõ lốc cốc mời người ta ăn hủ tíu còn mình thì đói lả. Các em từ miền trung xa xôi, vì quê nhà đói kém mà đành từ bỏ tuổi ăn tuổi học, bôn ba vào đời với đủ nghề làm thuê ở mướn. Vậy mà thi thoảng còn bị chủ nhẫn tâm bỏ đói, gạt tiền công. Nhưng bi thảm nhất vẫn là những bé gái, không ít những trường hợp các em bị ông chủ sàm sỡ, cưỡng hiếp đến có thai, rồi bị bà chủ đánh đuổi…

    Hai mươi năm trôi qua, cuộc đời tôi nhiều thay đổi: được gặp Chúa, lập gia đình, công việc yên bề.

    Bộ mặt xã hội dường như cũng khoác thêm chiếc áo mới: hiện đại hơn, nhiều nhà lầu, lắm xe hơi hơn, nhiều trường học khang trang được mở, nhiều công viên văn hóa, khu vui chơi hiện đại dành cho trẻ cũng mọc lên khắp nơi. Sản phẩm dinh dưỡng và các loại sữa cũng ngày càng phong phú.

    Thế nhưng ngoài kia, số phận của những trẻ em nghèo, hai mươi năm rồi vẫn thế. Nơi công viên, phố chợ vẫn nhan nhản những gương mặt nhếch nhác xin ăn, vẫn tiếng gõ đêm đêm vang lên khô khan mòn mỏi, vẫn bao cảnh trái ngang giữa chốn chợ đời. Nơi làng quê héo úa của tôi, trẻ em vẫn lem luốc đói khổ, đi học phải cõng em theo vì bố mẹ phải lo việc đồng áng.Và bao  miền quê nghèo khác nữa, trẻ đi học phải đu dây vượt lũ. Trên cả đất nước Việt Nam này, có ai đã thử làm thống kê có bao nhiêu trẻ phải chăn bò, bỏ học?!

    Vì sao khoảng cách giàu – nghèo giữa các tầng lớp xã hội, giữa đô thị và nông thôn lại xa thế? Các nguồn vốn phát triển nông thôn đã đi về đâu? Và sự thật của cái gọi là kinh tế phát triển, người dân giàu lên phải chăng chỉ đúng nghĩa với một nhóm người?

    Ôi những trẻ nghèo, cơ hội nào cho em? Ai sẽ trả lại cho em cái quyền được khỏe mạnh, no đủ, được tới trường, được vui vẻ hạnh phúc? Và những tấm lòng nào sẽ nâng đỡ cuộc đời em?

    Mấy năm gần đây rộn ràng chương trình “Tiếp sức mùa thi” của các em sinh viên nhằm giúp các thí sinh ở tỉnh ngay từ các bến xe, rồi hướng dẫn cho các em nơi ăn chốn ở. Các Giáo xứ cũng góp sức bằng cách cho các em ở trọ. Tôi vui lắm. Ước gì việc tốt lành này được nhân rộng ở nhiều nơi và làm thật nhiệt tình chu đáo. Rộng và sâu hơn, nếu mạng lưới Caritas về được đến những vùng quê xa xôi, thì hẳn nhiều trẻ chăn bò sẽ được tiếp tục đi học.

    Một ước mơ khác lại nhen nhóm lên trong lòng tôi xuất phát từ một kỷ niệm thời thơ ấu: lúc ấy gia đình tôi chưa có đạo, mỗi mùa Giáng Sinh hay trung thu, Cha xứ thường phát bánh kẹo cho thiếu nhi. Bọn trẻ không Công giáo chúng tôi đứng ngoài thèm thuồng và thầm ước: Giá như ông cha nhà thờ đó bảo bọn trẻ rằng: “Các con hãy chia sẻ bớt phần quà của mình cho các bạn ngoài kia”, dù chỉ là một cái kẹo nhỏ thôi, thì cũng thật tuyệt! Giờ nghĩ lại, nếu cái ước mơ “táo bạo” ấy mà được thực hiện thì nhân bản biết mấy, yêu thương biết mấy, mà nào có khó gì đâu! Thiết nghĩ ngày nay, trong việc dạy Giáo lý cho thiếu nhi, bên cạnh dạy các em nhận biết tình yêu Thiên Chúa, cũng cần phát động những phong trào để khơi gợi nơi các em lòng trắc ẩn, hướng đến những hành động thể hiện yêu thương, những thái độ tử tế trong cư xử, nhất là đối với người nghèo. Những “đứa trẻ ngoài kia” nếu đón nhận được những ân tình ấy, hẳn sẽ xúc động và được an ủi nhiều lắm. Nếu như mỗi Thiếu Nhi Thánh Thể được trao cho một nhiệm vụ cao cả là kết giao với một bạn nghèo hơn, và mỗi tuần dâng lên Chúa một việc lành, thì hẳn là Chúa sẽ vui hơn muôn vàn câu kinh suông.

    Ngẫm lại sự đời, nhiều khi những nghĩa cử nhỏ đúng lúc cũng cứu được một cuộc đời. Một nụ cười dẫu thoáng qua nhưng niềm vui sẽ còn đọng lại.

    Lạy Chúa, những gì có thể cho đi, xin đừng để con giữ lại, xin hãy giúp con tin: trong Thiên Chúa Tình Yêu, mọi sự sẽ tròn đầy.

    Hạt Cải

    Bài viết liên quan