Caritas Huế: Những điều trăn trở sau đợt Tập huấn - Sinh hoạt với người khuyết tật

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 15/01/2018
  • Caritas Huế đã tổ chức 2 đợt Tập huấn - Sinh hoạt với Người khuyết tật: Đợt 1, vào các ngày từ 18 đến 20/12/2017, tại các giáo xứ Thừa Lưu, Thủy Yên, Phước Tượng, Chánh Xuân, Truồi; Đợt 2, vào các ngày từ 09 đến 12/01/2018, tại các giáo xứ Hải Nhuận, Kim Đôi, Đốc Sơ, Lại Ân, Phước Tuyền.

    Giáo xứ Đốc Sơ thuộc phường An Hòa, thành phố Huế; các giáo xứ còn lại thuộc các xã vùng nông thôn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, và tỉnh Quảng Trị. Được biết, có khoảng 6% dân số ở các địa phương nói trên là người khuyết tật, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau, đa số họ có hoàn cảnh khó khăn rất cần giúp đỡ về tinh thần và vật chất.

    250 người khuyết tật hoặc thân nhân được các cộng tác viên Caritas giáo xứ giúp đưa đến các Nhà Mục vụ của giáo xứ để tham dự các buổi Tập huấn.

    Ông Tôma Hoàng Kim Khánh, nhân viên phụ trách công tác hỗ trợ người khuyết tật của Caritas Huế nói: “… Chúng tôi căn cứ vào Luật Người Khuyết Tật, số 51/2010/QH12, được Quốc Hội khóa XII, thông qua ngày 17/6/2010, trong kỳ họp thứ 7, và ông Nguyễn Phú Trọng, lúc bấy giờ là Chủ tịch Quốc Hội ký ban hành; và các Nghị định 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 136/2013/NĐ-CP do ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 10/4/2012, Nghị định 28; và vào ngày 21/10/2013, Nghị định 136. Đó là những văn bản luật pháp đang có hiệu lực thi hành, để giải thích cho anh chị em khuyết tật hoặc thân nhân người khuyết tật biết rõ họ hoặc người thân của họ được hưởng những quyền lợi nào? Làm cách nào để nhận được những quyền lợi ấy? và nếu trong trường hợp quyền lợi của họ chưa thõa đáng thì thủ tục xin điều chỉnh như thế nào? ...”

    Bà Nguyễn thị Hà, 62 tuổi, ở giáo xứ Thủy Yên chia sẻ: “Đến đây, vừa học tập tức là nghe các cậu giải thích rồi đó, được gặp bà con, vui hát với nhau như ri (như thế này), tôi thích lắm!”

    Cháu Nguyễn Văn Sơn, ở giáo xứ Chánh Xuân, nói: “… để khỏi bị trêu chọc là “quệt”, cháu thường ít ra khỏi nhà, tránh nơi đông người. Hôm nay đến với các chú, các bác những người khiếm khuyết như cháu, cháu thấy yên tâm và thấy mình may mắn hơn”.

    Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Vịnh, Quản xứ Chánh Xuân nói: “Tôi sẵn sàng cộng tác với Caritas giáo phận tổ chức những buổi học tập, sinh hoạt như thế này; vì đó là cách phù hợp giúp anh chị em khuyết tật hòa nhập với cộng đồng trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn hẹp, …” 

    Nhân những dịp gặp gỡ này, cha Antôn Giám đốc Caritas Huế và các cha Quản xứ gởi quà và lời chúc “Giáng sinh An lành” và “Năm mới Hạnh phúc” đến anh chị em tham dự.

    Đa số anh chị em khuyết tật nói rằng, “… chúng tôi không được giải thích rõ mức trợ cấp xã hội hằng tháng của mình là bao nhiêu, cứ mỗi tháng nhận được trợ cấp là mừng. Nay được học tập, biết rõ mỗi tháng mình nhận được bao nhiêu là đúng luật, khi nào tăng, khi nào giảm, … là điều rất cần thiết để mỗi chúng tôi tự bảo vệ quyền lợi của mình”.

    Qua phát biểu của anh chị em khuyết tật và thân nhân của anh chị em, Văn phòng Caritas Huế ghi nhận: Chính quyền ở các địa phương nói trên đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định luật pháp về bảo trợ xã hội cho người khuyết tật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn trăn trở với những vấn đề anh chị em khuyết tật hoặc thân nhân của họ nêu ra sau đây:

      - Nhiều người khuyết tật, do bản thân hoặc gia đình không biết luật, cán bộ chuyên trách của chính quyền địa phương không hướng dẫn, giúp đỡ nên từ cách đây nhiều năm đến nay họ không lập hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội.

      - Có trường hợp người khuyết tật bị từ chối giải quyết quyền lợi do phân biệt đối xử.  

      - Việc xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật chưa thật chính xác, nghiêng về cảm tính. Nhiều người nói rằng, nếu căn cứ thêm bệnh án của họ, thì họ được xác đinh mức độ khuyết tật là “đặc biệt nặng” nhưng Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của địa phương xác định mức độ khuyết tật của họ là “nặng”.

      - Người trực tiếp nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng chưa được hưởng chế độ trợ cấp xã hội; cụ thể cụ ông là người khuyết tật đặc biệt nặng, cụ bà là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cụ ông nhưng cụ bà chưa nhận được khoản trợ cấp xã hội, 405.000 đồng/mỗi tháng. Có trường hợp cả cụ ông, cụ bà đều là người khuyết tật nặng nhưng con cháu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng hai cụ chỉ được nhận 405.000 đồng/tháng mà đúng ra được nhận 810.000 đồng/tháng.

      - Điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng chưa kịp thời, cụ thể một người khuyết tật đặc biệt nặng dưới 80 tuổi mức trợ cấp xã hội là: Hệ số 2 x 270.000 đồng = 540.000 đồng/tháng, nay 82 tuổi vẫn nhận 540.000 đồng/tháng, mà đúng ra cụ đã nhận: Hệ số 2.5 x 270.000 đồng = 675.000 đồng/tháng từ cách đây gần 2 năm.

      - Việc giải quyết Hỗ trợ chi phí mai táng người khuyết tật cho gia đình người khuyết tật chậm được giải quyết, có trường hợp kéo dài đã nhiều năm.

       - Người khuyết tật không nhận được bản chính Giấy Chứng nhận khuyết tật, vì vậy khi sử dụng các phương tiện giao thông như xe buýt, xe lửa, máy bay không được miễn hoặc giảm giá vé.

       - Cá biệt có những trường hợp sai sót về hành chính trong văn bản “Quyết định trợ cấp xã hội” hoặc “hỗ trợ kinh phí chăm sóc” dẫn đến thiệt thòi cho người khuyết tật.

        … Văn phòng Caritas, căn cứ theo luật đã hướng dẫn cụ thể từng trường hợp để anh chị em khuyết tật làm hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương xem xét giải quyết.

    Xem hình ảnh

    Luật Người khuyết tật và những văn bản dưới luật liên quan quy định rõ ràng, công khai, … quyền lợi của người khuyết tật. Chúng tôi mong rằng, những người có trách nhiệm chu toàn bổn phận sao cho người khuyết tật và thân nhân của họ nhận đúng, đủ những quyền lợi xã hội dành cho họ - như là nguồn động viên, an ủi họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.  

    Vp. Caritas Huế

        

    Bài viết liên quan