CHUYỆN CỦA EM

  • Thứ hai, 08:42 Ngày 22/05/2023
  • Bất ngờ tôi nhận được tin nhắn của em, một người có H ở Hải Phòng mà trước đây tôi có dịp ghé thăm: “Sơ ơi, con đã dịch xong truyện. Con muốn gởi tặng Sơ một quyển. Xin Sơ cho con địa chỉ ạ.” Tôi liền nhắn tin trả lời em và nhớ lại cơ duyên đã kết nối chúng tôi cách đây sáu tháng. 

    Hôm ấy, vào một buổi chiều đông, cô cộng tác viên đưa tôi đi thăm một số anh chị em có H ở Hải Phòng. Hai chị em ngồi trên chiếc xe máy, người quấn chặt trong chiếc áo phao như “gấu mẹ vĩ đại,” để tránh những cơn gió lạnh cắt da khi hoàng hôn buông xuống. Rong ruổi lúc này không thuận tiện lắm, nhưng chúng tôi không có chọn lựa khác vì thời gian không còn.

    Thăm được một số gia đình thì chúng tôi rẽ vào con phố nhỏ để thăm một cô gái trẻ nhiễm H, sống một mình. Em là kết quả tình yêu của bố mẹ nhưng họ không tiến tới hôn nhân. Sau khi sinh em, mẹ đưa em về nhờ ngoại chăm sóc và đi làm ăn xa. Trong cái trí non nớt của trẻ thơ, em khôn hiểu vì sao mình lại ở với bà mà không phải là bố hoặc mẹ? 

    Khi em chập chững vào vào cấp I, thì mẹ và bố lần lượt ra đi. Vào ngày bố hấp hối, em được đưa đến gặp lần cuối. Em nhớ rất rõ hình ảnh bố nằm trên chiếc ghế dài. Bố không nói được nữa, nhưng mắt không rời khỏi em với ánh nhìn trìu mến. Những giọt nước mắt thương yêu pha lẫn hối hận muộn màng, tuôn dài trên gò má gầy gò của bố. Ngôn ngữ mà hai bố con trao đổi lúc này chỉ là nước mắt. Cho đến bây giờ, cô gái vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến bố: “Có thể với mọi người, bố là gã nghiện, không tốt, nhưng bố thương con vô cùng. Bố là người duy nhất nhớ sinh nhật của con và không muốn để con thiệt thòi gì.” Có lẽ đây là một trong những cảm nghiệm ít ỏi về hạnh phúc mà cô bé có được.

    Bố mất, bà trở thành chỗ dựa duy nhất cho em. Năm lên 16, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, em cho thấy mình là một cô gái năng động, thông minh, và tràn đầy nhựa sống. Rồi bỗng nhiên em thấy mắt cứ mờ dần, mờ dần…Em được kiểm tra sức khỏe và kết quả là nhiễm HIV. Ngày ấy, em vẫn lạc quan vì chưa biết HIV là gì, chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình đau mắt và uống thuốc thì sẽ khỏi. Cho đến khi bác sĩ thông báo thị lực của em chỉ còn 1/10 và sẽ không bao giờ lấy lại được nữa. Em vô cùng thất vọng. Tương lai thế là hết! Từ đó, em thu mình lại trong cái thế giới nhỏ bé của mình. 

    Rồi bà vì bệnh tật cũng ra đi, để lại cho em một khoảng trống trong căn nhà mà hai bà cháu đã nương tựa bấy lâu. Em lại càng trở nên khép kín hơn, không muốn giao tiếp, nhưng buộc phải kiếm sống bằng một vài công việc bán thời gian. Trở về nhà sau thời gian làm việc, em chăm sóc vài con chó, con mèo, như những người bạn yêu quí của em.

    Miên man nghĩ về hoàn cảnh của em, tôi khẽ rảo mắt quanh căn phòng để hình dung phần nào sinh hoạt hằng ngày của em. Tôi ngồi xuống bên cạnh em, trên chiếc nệm và cũng là “ghế” khi có khách. Tôi mở đầu câu chuyện bằng việc hỏi thăm công việc hàng ngày của em. Em cho biết hiện đang dịch chuyện từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Tôi reo lên đầy ngỡ ngàng và hỏi em đã học tiếng Trung từ bao giờ mà đã có thể dịch được sách? Em cho biết, em vốn thần tượng một nhân vật người Trung Quốc, nên đã mày mò học tiếng Trung. Cứ như thế, vốn liếng tiếng Trung của em dần khá lên. Một người bạn làm việc ở nhà xuất bản thấy em có khả năng và cũng không có việc làm ổn định, nên đã giới thiệu em dịch sách cho NXB này. 

    Câu chuyện cứ thế miên man, đứt đoạn với nhiều cung bậc cảm xúc. Bên ngoài, trời cũng tối dần và chúng tôi phải lên đường. Trước khi giã từ, tôi nói với em: “Con rất xinh đẹp và thông minh. Con tài giỏi và con phải được sống hạnh phúc như bao cô gái khác. Mạnh mẽ lên cô gái! Người ta sẽ không bao giờ dám coi thường con khi con sống một cuộc sống có phẩm chất và ý nghĩa. Hãy luôn cố gắng để bắt đầu một ngày mới với nghị lực mới và niềm vui mới mỗi ngày con nhé. Sẽ có những anh chị em đồng hành với con. Có lẽ con không biết Chúa, nhưng Sơ là người có đạo, nên Sơ sẽ cầu nguyện cho con. Xin Chúa ban cho con sức khỏe và niềm vui mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho công việc mới của con được mọi thuận lợi và tốt đep.”  Rồi chúng tôi tạm biệt em. Em tiễn chúng tôi với nụ cười trên môi. Tôi ngoái nhìn em cho đến khi chúng tôi đi vào góc khuất của con hẻm.

    Trên quãng đường dài trở về, tôi không còn để ý đến cái lạnh bên ngoài. Thay vào đó, tôi thấy tâm hồn bình an, đan xen ít nhiều ưu tư, chất vấn. Tôi xúc động và trân trọng nỗ lực của em, một cô gái có lòng tự trọng và biết trân trọng giá trị của người khác như em đã nhìn thấy nơi bố em: Vượt lên trên những dáng vẻ bên ngoài và sự đánh giá của người đời. Tôi ước mong em sẽ tìm được hạnh phúc cho đời mình. Tôi chúc phúc cho em vì lẽ, người ta sống dài ngắn không quan trọng, nhưng quan trọng là một cuộc sống hạnh phúc, tròn đầy và ý nghĩa.

    Sr. Anna Phan Thị Lệ, fmm
     

    Bài viết liên quan