NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS 1/12/2023

  • Chủ nhật, 15:22 Ngày 03/12/2023
  • Trải qua 11 năm, kể từ khi Caritas Việt Nam phát động dự án “Thúc đẩy hòa nhập cộng đồng dành cho người có H” do Chính phủ Đức và Caritas Đức hỗ trợ, đã có 15/26 Giáo phận tham gia vào dự án này. Nhân sự phục vụ cho dự án tại địa phương bao gồm ban HIV Caritas Giáo phận, các cộng tác viên (CTV), tình nguyện viên (TNV), cùng với việc xây dựng mạng lưới nối kết với các cá nhân, các cơ sở y tế - xã hội, các tổ chức bác ái tại địa phương để mời gọi cộng đồng cùng chung tay.

    Với sự đồng hành của Caritas Việt Nam, Ban HIV các Giáo phận đã không ngừng thực hiện việc truyền thông về HIV cho nhiều đối tượng, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về HIV. Trong giai đoạn dự án 2019 đến nay, không kể hơn 2 năm hoạt động dự án bị dừng vì Covid, ban HIV các Giáo phận đã thực hiện được 1.233 buổi truyền thông cho hơn 13.000 người. Gần 100 khóa tập huấn đã được thực hiện cho người có H (NCH) và CTV, bao gồm các khóa kiến thức HIV, kỹ năng truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho NCH, kỹ năng biện hộ, các buổi tọa đàm để NCH được lên tiếng, các khóa quản lý ca và kỹ năng tham vấn cho cộng tác viên, khóa chăm sóc cuối đời cho những bệnh nhân nặng.v.v…

     Tập huấn Quản lý ca cho Cộng tác viên

    Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc gíáo dục cho con cái NCH như một chiến lược dài hạn của việc phòng chống HIV/AIDS. Các Giáo phận đã tổ chức được gần 50 khóa kỹ năng sống cho hầu hết trẻ OVC – là con cái của những anh chị em có H mà các giáo phận đang đồng hành, đồng thời hỗ trợ học bổng và học cụ cho các em.

    Dạy Kỹ năng sống cho trẻ OVC

    Qua việc thực hiện các chuyến đi thực tế tại 15 Giáo phận tham gia dự án, chúng tôi nhận thấy tại một số địa bàn có nhiều lao động phổ thông là di dân, thường có tỉ lệ ca nhiễm mới cao và khó phát hiện. Nhiều NCH sợ hãi, chưa dám công khai khám, chữa bệnh tại địa phương vì sợ bị kỳ thị. Thực tế này cũng dấy lên một lo ngại và thách thức trong việc phòng chống AIDS, khi đâu đó vẫn còn người nhiễm H chưa được phát hiện và được chăm sóc y tế. Chúng tôi ước mong có thêm cộng tác viên cho công việc mục vụ này, để kịp thời giúp người có H sớm được điều trị.

    Hiện nay, Việt Nam có khoảng 219.000 NCH đang được điều trị (báo cáo nhân ngày phòng chống AIDS năm 2023 của tổ chức PEPFAR). Năm 2022, Việt Nam phát hiện thêm 9.412 ca nhiễm mới và trong 9 tháng đầu năm 2023, con số này là hơn 10.000. Nâng tổng số NCH trên toàn quốc là 249.000. Bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân HIV bằng thuốc ARV, thì việc khám sàng lọc với những trường hợp trước và sau phơi nhiễm, không những bảo về sức khỏe cho người có H mà còn giúp ngăn người việc lây lan trong cộng đồng. Để có thể tiếp cận với bệnh nhân mới, ban HIV các Giáo phận đã xây dựng mạng lưới qua việc nối kết với những cơ sở y tế địa phương, các trung tâm phòng chống dịch bệnh quốc gia, các nhóm cộng đồng và nhất là sự hỗ trợ giữa NCH với nhau để khích lệ NCH mới đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất.

    Ngoài việc hỗ trợ tích cực về tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho anh chị em có H, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc phát triển đời sống kinh tế cho họ, với hy vọng rằng, khi đời sống kinh tế của anh chị em có H khá lên, thì sức khỏe của họ cũng được cải thiện. Họ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong các mối tương quan xã hội và tiến trình hòa nhập sẽ dễ dàng hơn, giảm đi sự kỳ thị từ cộng đồng. Đây là điều mà NCH luôn đau đáu lo sợ không những đối với bản thân, mà còn sợ ảnh hưởng đến gia đình, nhất là ảnh hưởng đến tương lai của con cái.

    Chúng tôi xem việc phát triển con người và đầu tư cho giáo dục như một cách loại trừ tận gốc những nguyên nhân gián tiếp liên quan đến HIV. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, 70% các ca nhiễm mới xuất phát từ giới tội phạm, người sống bên lề xã hội. Tình trạng bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ nhiễm H nơi phụ nữ và gây cản trở cho việc phòng chống HIV/AIDS. Ở những khu vực mà phụ nữ bị bạo hành tình dục, họ có nguy có nhiễm H tới 50%. Báo cáo cũng nêu lên rằng nếu trẻ em nữ được đến trường, thì khả năng nhiễm H đối với trẻ sẽ giảm 50 %. (Báo cáo nhân dịp ngày thế giới phòng chống AIDS 1.12.2022)

    Vì thế, chúng tôi thúc đẩy việc phát triển sinh kế cho NCH qua các lớp hướng nghiệp, kinh doanh tiếp thị, xây dựng quĩ tín dụng, xây dựng cây tiết kiệm, quản lý tài chánh gia đình, bán hàng online, tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các Giáo phận để chia sẻ kinh nghiệm.v.v…

    Cơ sở Masage dưỡng sinh của NCH

    Bán thực phẩm sạch- Caritas Bình Thuận

    Yêu thương, phục vụ những người “nhỏ bé”, chính là thực thi lời Chúa dạy. Caritas Việt Nam cùng với ban HIV Caritas Giáo phận sẽ tiếp tục đồng hành cùng với anh chị em có H. Với ước mong đem lại cho anh chị em một cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn, do dẫu chúng ta đang còn nhiều khó khăn.
     Xin tri ân các vị Ân nhân, các tổ chức bác ái, Xã hội đã cộng tác với chúng tôi để        cùng đồng hành với anh chị em có H. Mong rằng mỗi năm, con số NCH tại Việt Nam sẽ giảm dần, và số NCH được tạo cơ hội phát triển, có chỗ đứng trong xã hội sẽ tăng lên, để cùng với cả nước, chúng ta hướng tới việc dập tắt bệnh AIDS vào năm 2023.

    Ngày hội “Từ trái tim đến trái tim” dành cho người có H và người Khuyết tật –
     nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS -1/12/2023- Caritas Hải  Phòng  

    Ban  HIV caritas Việt Nam
     

     

    Bài viết liên quan