Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sự bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu

  • Thứ hai, 15:23 Ngày 22/01/2024
  •  

    Đức Thánh Cha Phanxicô chúc lành cho một cậu bé ngồi xe lăn (ảnh tư liệu) (ANSA)

    Tác giả: Francesca Merlo

    Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp tới những người tham gia Hội nghị quốc tế về, “Tuyên bố Helsinki: Nghiên cứu về môi trường nghèo tài nguyên”, nhằm đào sâu chủ đề những suy xét về mặt đạo đức trong nghiên cứu lâm sàng tại các nước thu nhập thấp.

    Ngày thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới những người tham gia Hội nghị quốc tế về “Tuyên bố Helsinki: Nghiên cứu về môi trường nghèo tài nguyên”.

    Hội nghị do Hiệp hội Y khoa Thế giới, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ và Học viện Giáo hoàng về Sự sống đồng tổ chức, nghiên cứu chủ đề quan trọng về các suy xét về mặt đạo đức trong nghiên cứu lâm sàng tại các quốc gia có thu nhập thấp.

    Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu thông điệp qua việc bày tỏ lòng biết ơn đối với vấn đề cơ bản của quyền tự do và sự chấp thuận đã được nêu rõ trong Tuyên bố Helsinki.

    “Chủ đề mà hội nghị đang giải quyết vừa quan trọng vừa kịp thời, vì bản thân Tuyên bố nêu bật vấn đề cơ bản về quyền tự do và sự chấp thuận liên quan đến nghiên cứu lâm sàng”, Ngài nêu.

    Đức Thánh Cha ghi nhận quá trình tiến triển của Tuyên bố từ khi được thực hiện vào năm 1964, nhấn mạnh vai trò then chốt của tuyên bố trong việc chuyển đổi từ “nghiên cứu trên bệnh nhân sang nghiên cứu với bệnh nhân”.
    Vai trò của người bệnh

    Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục bảo vệ và phát huy vai trò trung tâm của người bệnh.

    Ngài lưu ý rằng "mặc dù sự bất cân xứng hiện diện trong mối quan hệ trị liệu đã quá rõ ràng, nhưng vai trò trung tâm mà người bệnh lẽ ra phải có vẫn chưa trở thành hiện thực."

    Tính dễ bị tổn thương và sự bất bình đẳng

    Bày tỏ mối quan ngại về những lỗ hổng cố hữu trong nghiên cứu lâm sàng tại các nước thu nhập thấp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những thách thức về mặt đạo đức, đặc biệt trong việc bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

    “Ở cấp độ quốc tế, chúng ta đang chứng kiến nhiều bất công đẩy các nước nghèo vào thế bất lợi trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có, khiến họ phải phó mặc cho các nước giàu hơn và các thực thể công nghiệp tỏ ra thờ ơ với những người không thể đòi quyền lợi của mình về mặt kinh tế, ngay cả khi các nhu cầu và quyền cơ bản đang bị đe dọa", Ngài nói.

    Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự bất bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu lâm sàng, cảnh báo việc chăm sóc phụ thuộc vào tâm lý thị trường và công nghệ.

    Tình hữu nghị xã hội
    Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả những người tham dự hãy thông qua quan điểm về tình hữu nghị xã hội và tình huynh đệ phổ quát.
    “Chúng ta cần cổ vũ lối suy nghĩ về cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ gia đình nhân loại một cách hiệu quả, hướng tới quan điểm về tình hữu nghị xã hội và tình huynh đệ phổ quát.”

    Ngày 19 tháng 1 năm 2024

    Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-01/pope-francis-message-conference-helsinki-agreement-peace.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan