Huấn quyền Giáo hội về các hoạt động kinh tế-xã hội

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 07/07/2014
  • Một trong hai mục đích của Giới Doanh nghiệp và Doanh nhân Công giáo chúng ta là giúp nhau sống đức tin trong môi trường nghề nghiệp. Mục đích này rất phù họp với tinh thần giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này. Điều này, có lẽ, đã rõ ràng đối với các nhà hữu trách trong Giáo hội, đặc biệt là các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này, tuy nhiên nó không hiển nhiên đối với tất cả chúng ta, vì nhiều lí do. Vì vậy, thiết tưởng, việc thành lập Giới Doanh nghiệp và Doanh nhân Công giáo Giáo phận TP.HCM do Đức Hồng Y chủ xướng này sẽ là môi trường tốt để mỗi người chúng ta có thể có cơ hội tìm hiểu và đào sâu nền giáo lí này của Giáo hội. Bởi vì, đây là những giáo huấn có liên quan trực tiếp đến mỗi chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu đang hoạt động trong lĩnh vực phức tạp và tế nhị này.

    GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

    Giáo huấn xã hội của giáo hội có một mối liên hệ quan trọng đối với các môn học khác. Đưa chân lý độc nhất liên quan tới con người vào trong bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị khác và biến đổi liên tục, giáo huấn ấy phải đối thoại với nhiều môn học chuyên về con người. Giáo huấn đó tiếp thu những đóng góp của các môn học ấy, giúp chúng mở rộng nhãn giới hơn, nhằm phục vụ con người, được nhận biết và yêu mến trong ơn gọi viên mãn của nó. Bên cạnh chiều kích liên ngành này, cũng cần nhắc đến chiều kích thực tiễn, và theo một ý nghĩa nào đó, là chiều kích thực nghiệm của giáo thuyết này. Giáo huấn xã hội của Giáo hội hình thành do sự gặp gỡ giữa đời sống và lương tâm Kitô giáo với thế giới hiện thực và được biểu lộ trong các nỗ lực của những cá nhân, những gia đình, những nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và xã hội, cũng như của những chính trị gia và chính khách nhằm đem lại cho giáo thuyết ấy một hình dạng và một sự áp dụng cụ thể vào lịch sử (Thông điệp Bách chu niên, ngày 1/5/1991,59).

    Giáo hội không đề ra một khuôn mẫu nào cả. Các khuôn mẫu đích thực và thực sự có hiệu quả chỉ có thể quan niệm được trong khung cảnh của các tình huống lịch sử khác nhau, do nỗ lực của mỗi người có trách nhiệm, những người này phải có trách nhiệm đối đầu với các vấn đề dưới tất cả mọi khía cạnh của xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa bao hàm lẫn nhau. (x.Hiến chế Mục vụ Vui mừng và hi vọng,36; Tông thư Tiến tới Bát thập niên, 2-5). Đứng trước các trách nhiệm này, Giáo hội đưa ra học thuyết xã hội của mình, như một định hướng tri thức không thể bỏ qua; học thuyết này, như đã trình bày, nhìn nhận tích cực của thị trường và của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải hướng tới công ích (Thông điệp Bách chu niên, ngày 1/5/1991, 43).

    VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA CON NGƯỜI

    Sự phát triển các hoạt động kinh tế và gia tăng hoạt động sản xuất đều nhằm phục vụ cho các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên hướng về việc phục vụ con người, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ luân lý và công bằng xã hội, để phù hợp với ý định của Thiên Chúa về con người (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2426).

    Mặc dù khoa học kinh tế và khoa học luân lý sử dụng mỗi bên những nguyên lý riêng trong phạm vi của mình, song sẽ sai lầm khi cho rằng trật tự kinh tế và trật tự luân lý phân biệt và xa lạ với nhau đến độ kinh tế không hoàn toàn lệ thuộc luân lý. Đã hẳn các định luật kinh tế vốn đặt cơ sở trên chính bản tính của sự vật vật chất và trên các khả năng của thể xác con người, cho ta biết các giới hạn của những gì mà nỗ lực sản xuất của con người không thể và có thể đạt được trong phạm vi kinh tế, cũng như những phương tiện cần thiết để thực hiện những mục tiêu đó. Tuy nhiên, chính lý trí dựa trên bản chất của sự vật, bản tính cá nhân và xã hội của con người, chỉ cho thấy mục đích mà Thiên Chúa đặt ra cho mọi đời sống kinh tế (Thông điệp Tứ thập niên, ngày 15/5/1931,42).

    LỜI KÊU GỌI CÁC “KI TÔ HỮU DẤN THÂN”

    Công bằng phải được tuân giữ không những trong sự phân phối của cải mà còn trong những gì liên quan tới các điều kiện trong đó diễn ra hoạt động sản xuất nữa. Quả thực, có một nhu cầu của bản tính con người đòi hỏi những ai hoạt động sản xuất phải có cơ hội đảm nhận trách nhiệm và hoàn thiện mình qua công việc của mình. Do vậy, một tổ chức và cơ cấu kinh tế phạm tới nhân phẩm của người lao động hoặc làm giảm bớt ý thức trách nhiệm của họ hay loại trừ tự do hành động của họ, thì chúng tôi cho rằng một trật tự kinh tế như thế là bất công, cho dù nó làm ra rất nhiều của cải và việc phân phối các của cải đó tuân theo các quy tắc công bằng (Thông điệp Mẹ và Thầy, ngày 15/5/1961,82-83).

    Tôi muốn mời gọi các nhà kinh tế và chuyên gia tài chánh, cũng như các thủ lãnh chính trị, hãy nhìn nhận nhu cầu khẩn cấp phải bảo đảm cho các hoạt động kinh tế và các chính sách chính trị liên quan tới các hoạt động ấy, lấy việc phục vụ lợi ích của mỗi người và toàn thể con người làm mục đích. Điều này không những là đòi hỏi của đạo đức mà cũng là đòi hỏi của một nền kinh tế lành mạnh. Kinh nghiệm dường như xác nhận rằng thành công kinh tế càng ngày càng lệ thuộc vào việc người ta biết đánh giá con người và khả năng của họ cách chân chính hơn, quan tâm cho họ được tham gia đầy đủ hơn, tăng cường và cải tiến sự hiểu biết cũng như thông tin cho họ, đồng thời phát huy tình liên đới hơn (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình, năm 2000, số 16).

    Sau khi xem qua một số văn bản trên đây, có lẽ, chúng ta phần nào nhận ra vai trò và sứ mạng của mình trong việc góp công sức xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nơi đó khuôn mặt Giáo hội sẽ nên rạng rỡ hơn với danh xưng là Giáo hội Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm cho con người “được sống và sống dồi dào”.

    Nguồn tin: Học Viện Đaminh (đăng tại catechesis.net)

    Lm. Alberto Nguyễn Lộc Thọ
    Bài viết liên quan