Caritas Hà Tĩnh: Tập Huấn Kiến Thức Và Cách Chăm Sóc Sức Khoẻ Người Nhiễm HIV Cho Các Cộng Tác Viên

  • Thứ ba, 08:09 Ngày 14/07/2020
  • Tốc độ lây lan chóng mặt cùng những hậu quả nặng nề của căn bệnh thế kỷ “HIV/AIDS” không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một thách thức đối với tình hình an ninh và sự phát triển kinh tế toàn cầu. Nó không chỉ là nỗi ám ảnh với “lương tâm chức nghiệp” của người làm y tế, mà là nỗi khắc khoải day dứt lương tâm của những người con cái Chúa.

    Mặc dù đã có nhiều sáng kiến nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tuy nhiên ở nhiều nơi, bằng nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh và mức độ khác nhau, Người có H (NCH) vẫn bị xa lánh, loại trừ.

    Cùng thao thức với những âu lo của thời đại, chung dòng chảy với Caritas Việt Nam, mong muốn phần nào xoa dịu nỗi đớn đau thể xác và tinh thần của những người con đất Việt đang phải giành giật từng giây phút với “lưỡi hái tử thần” trong khổ đau và tuyệt vọng, nên dầu còn thiếu thốn nhiều mặt, tiểu ban Hỗ trợ NCH - Caritas Hà Tĩnh nỗ lực tổ chức khóa tập huấn cho các cộng tác viên, tình nguyện viên nhằm cung cấp “KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ HIV/AIDS, CƠ CHẾ DÙNG THUỐC, CÁCH TIẾP CẬN VỚI NCH và CÁCH HÀNH XỬ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS”.

    Tham gia khóa tập huấn có sự hiện diện của Cha Đặc trách Tiểu ban Hỗ trợ NCH, Sơ chuyên trách, quý Sơ văn phòng và gần 20 anh chị em cộng tác viên, tình nguyện viên tại các Giáo xứ, Giáo hạt trên địa bàn Giáo phận dưới sự dẫn dắt, chia sẻ của BSCKI. Nguyễn Văn Hướng và Lm. JB. Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Caritas Hà Tĩnh.

    Khai mạc khóa tập huấn, Cha Đặc trách bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của Cha Giám đốc, lòng quảng đại hy sinh của Bác sĩ, và lòng nhiệt thành của quý tham dự viên (TDV). Ngài mong muốn và cầu chúc khóa tập huấn thâu đạt được những kết quả tốt đẹp như lòng mỗi người mong đợi.

    Làm sao có thể chuyển tải kiến thức cho “những người không chuyên môn” trong khung thời gian quá ngắn ngủi? Nhưng với tất cả lòng nhiệt tâm của người “lương y công giáo”, Bác sĩ Nguyễn Huy Hướng không chỉ giúp các tham dự viên hiểu được: Những khái niệm cơ bản, đường lây nhiễm, cách đề phòng, tư vấn xét nghiệm - dùng thuốc, hướng điều trị và chăm sóc NCH, luật phòng chống HIV… mà còn truyền cho học viên tâm tình và thao thức của người con Chúa ngay trong chính công việc phục vụ của mình.

    Tất cả do sự thiếu hiểu biết, mà NCH bị ruồng rẫy khi sống và cả lúc qua đời, không những bị xã hội loại trừ mà đôi khi còn bị Giáo hội từ chối nhu cầu thiêng liêng, không chỉ riêng một mình đương sự bị xa lánh mà cả họ hàng thân thuộc, không chỉ người khác tránh xa mà chính họ tự kỳ thị bản thân mình. Hiểu rõ tâm lý chung và cách hành xử thông thường đối với người nhiễm HIV/AIDS, Cha Giám đốc JB mang đến cho các TDV tinh thần phấn khởi và lòng hăng say với những chia sẻ về CÁCH HÀNH XỬ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS. Ngài nhấn mạnh “HIV/AIDS không phải là bệnh dễ lây, không hẳn đến từ lối sống buông thả”. “AIDS không phải là hình phạt Chúa gửi tới” (Hội đồng Giám mục Nam Phi), mà “chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện” (Ga 9,3), nên bệnh nhân AIDS “không phải là đối tượng bị hạn chế các bí tích và các nhu cầu mục vụ”.

    Hơn nữa, “Sự sống con người là vô giá” mỗi người là một chi thể trong thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô, không ai có thể thay thế và bất khả xâm phạm. Chính vì thế, người nhiễm HIV phải được cảm thông, tôn trọng, yêu thương và phục vụ, họ đáng “được sống và sống trọn vẹn”.

    Khóa tập huấn khép lại trong niềm hân hoan rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi TDV vì không chỉ làm giàu thêm vốn kiến thức còn khá khiêm tốn mà còn tích lũy thêm bao kinh nghiệm thực tiễn nhờ những giải đáp thấu tình đạt lý, những lời chia sẻ “ruột gan” của Bác sĩ và Cha Giám đốc. Ước mong sao, với hành trang là nguồn kiến thức quý giá thu thập được, anh chị em sẽ sẵn sàng “chạm đến, gánh lấy” và can đảm bắc thêm những nhịp cầu “để xoa dịu bớt đau thương của anh chị em đồng loại” (Đức Thánh Cha Benedicto XVI).

    BTT Caritas Hà Tĩnh

    Bài viết liên quan