Caritas Huế - Tập huấn Quản lý Kinh tế Gia đình cho người nhiễm HIV

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 03/10/2016
  • Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều gia đình anh chị em nhiễm HIV rất căng thẳng trong việc chạy đua kiếm tiền. Ngày 28/9/2016 Caritas Huế đã tổ chức Khoá Tập huấn về Quản lý Kinh tế Gia đình nhằm giúp các anh chị em học hỏi cách quản lý các khoản thu - chi sao cho có hiệu quả.

     

    Quản lý kinh tế gia đình là bài thuyết trình của Bác sĩ Phan Thị Kim Ngân, giám đốc trung tâm Phát triển Năng lực Cộng đồng - Huế, Mục đích của Khoá học nhằm giúp học viên hiểu biết khái niệm chung về quản lý tài chánh gia đình, lập kế hoạch thu chi, tiết kiệm để có hiệu quả cao.

    Tham dự tập huấn có cô Maria Trần Thị Diệu Mỹ đại diện văn phòng Caritas Huế, Nữ tu Maria Vũ thị Ngọc và Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Phúc đại diện Phòng khám Từ thiện Kim Long, thuộc Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, cùng 25 gia đình nhiễm HIV và tình nguyện viên nhóm chăm sóc HIV - Caritas Huế.

    Mục đích quản lý kinh tế gia đình là để giúp các đôi vợ chồng trẻ cân bằng thu chi ngân sách của gia đình. Các thành viên tham dự được chia thành ba nhóm để chia sẻ những trải nghiệm về xây dựng kế hoạch kiếm tiền, tăng thu nhập cho gia đình. Họ cũng thảo luận về lập quỹ khẩn cấp là khoản tiền dành riêng cho những tình huống xảy ra bất ngờ như thiên tai, đau bệnh, tai nạn, thất nghiệp… Quản lý kinh tế gia đình là đề tài khá hấp dẫn và thực tế đối với nhiều anh chị em nhiễm HIV.

    Một chị chia sẻ: vợ chồng chị đều có công việc khá ổn định, anh chồng đúc bờ lô cung cấp cho các nhà thầu và cho người tiêu dùng, còn chị vợ chuyên chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho gia đình phòng khi có chuyện bất trắc, chị còn bán mỹ phẩm qua mạng, còn chồng chị trồng thêm các loại hoa để bán trong các dịp lễ tết. Hàng tháng thu nhập của vợ chồng chị được hơn chục triệu đồng; vì thế, anh chị cảm thấy an toàn, khỏe mạnh, tâm lý ổn định. Họ mua được tivi màn hình mỏng, đổi xe máy mới, sửa nhà, trả tiền điện nước, chi tiêu trong gia đình, và không nợ nần”.

    Bên cạnh đó, nhiều gia đình dạy con cái biết cách kiếm tiền và tiêu tiền có ích, làm sao để con họ biết cách quản lý đồng tiền kiếm được một cách hiệu quả nhất. Và họ đã làm được điều đó khi cho trẻ đi phụ rửa chén bát ở các quán ăn, hoặc phụ bán hàng tại các shop với họ hàng bà con đáng tin cậy.

    Ba tháng hè vừa qua, anh NVH cho con trai làm thêm nghề ép giấy. Anh H là thợ cơ khí và kinh tế gia đình anh khá ổn định, nhưng anh muốn con anh hiểu giá trị đồng tiền kiếm được từ mồ hôi và nước mắt của người lao động chân chính. Khi cho con đi làm, tôi luôn quan tâm theo dõi sức khỏe, mức độ an toàn cũng như nhân phẩm và đạo đức của con anh H nói. Anh cho biết thêm, tiền con anh kiếm được sẽ dùng để mua xe đạp, mua sách vở và dụng cụ học tập. Anh H không hề muốn hành hạ con mình, nhưng có ý muốn tập cho con anh biết tích lũy những đồng tiền nhỏ để làm được việc lớn. Anh hy vọng con anh sẽ biết giá trị đồng tiền và sẽ không ngửa tay xin tiền người khác”.

    Khoá học Quản lý Kinh tế Gia đình ngoài việc giúp các gia đình có kế hoạch tăng thu nhập và chi tiêu hợp lý, thanh toán được nợ nần, tránh nợ, còn giúp các tham dự viên biết cách tiết kiệm tiền để dành cho tuổi già hưu trí.

    Điều thú vị nữa là cách tiết kiệm tiền có phương pháp tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả. Bác sĩ Ngân gợi ý cho các tham dự viên không nên dùng tiền lẻ vì tiền lẻ dành để bỏ “heo” mỗi ngày. Tỉ dụ như trước khi nấu cơm, tôi bốc ra một nắm gạo cho vào hũ để dành, lâu ngày chiếc hũ cũng đầy gạo. Tương tự như vậy, số tiền lẻ bỏ heo vài ngàn đồng mỗi ngày tuy nhỏ nhưng tiết kiệm lâu ngày, sẽ giúp các bạn mua được bảo hiểm y tế một cách dễ dàng.

    Hãy dành một phần thu nhập của mình để ‘bỏ ống’, dù ít dù nhiều trong một thời gian dài, các bạn sẽ sở hữu một tài khoản không nhỏ”, Bác sĩ Kim Ngân nói.

    Ngọc Giáo

    Bài viết liên quan