Caritas muốn một ánh sáng xanh thân thiện sinh thái từ hội nghị khí hậu Paris

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 23/11/2015
  • Michel Roy, tổng thư ký Caritas Internationalis nhìn vào tầm quan trọng của hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris trong việc nâng con người lên khỏi đói nghèo. Trong những năm 1990, các tổ chức Caritas tại châu Đại Dương đã cảnh báo thế giới về mực nước biển dâng lên.

    Biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với Caritas trong một thời gian dài - cho dù chúng ta vẫn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đối phó với tình huống khí hậu khẩn cấp hay giúp con người thích ứng với thời tiết cực đoan.

    Biến đổi khí hậu không phải là cái gì mới đối với chúng ta. Chúng ta nhớ đến hội thảo về khí nhà kính và Nghị định thư Kyoto vào những năm 1980 và 1990. Các quốc gia bắt đầu cấm aerosols (son khí) từ những năm 1970. Chúng ta đã nhận thức được những thiệt hại con người gây ra và bắt đầu hành động.

    Cánh đồng lúa bị ngập lụt ở bang Pathein ở Myanmar. Ảnh: Caritas

    Nhưng chúng ta cần phải nâng cao nhận thức ra sao? Mọi người đều biết về những thiệt hại, ai phải chịu trách nhiệm và những người đau khổ nhất vì nó. Bây giờ là lúc phải thắng lại và tìm những cách thức mới để phát triển bền vững. Caritas lên tiếng cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu tại hội nghị khí hậu COP21 của LHQ tại Paris.

    Chúng tôi đã lên kế hoạch tham gia vào cuộc diễu hành khí hậu ở Paris ngày 29 tháng 11, nhưng sau các cuộc tấn công khủng bố tàn phá tại thủ đô nước Pháp tuần trước, chúng tôi vẫn chưa biết có thể diễu hành được không. Tư tưởng và lời cầu nguyện của chúng tôi đang hướng về các nạn nhân và gia đình của họ; sự hiện diện của họ sẽ được cảm nhận rất mạnh trong COP21. Có cuộc diễu hành ở các nơi khác trên thế giới và Caritas phối hợp sự tham gia của những người ủng hộ ở nhiều thành phố.

    Chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện bên lề trong đó thủ tướng của Scotland và đại diện Caritas New Zealand và Brazil sẽ trao đổi về những tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng sẽ tham gia vào một buổi cầu nguyện đại kết. Chúng tôi sẽ làm việc sát cánh với Tòa Thánh, với tổ chức CIDSE (liên minh quốc tế của 17 cơ quan phát triển Công giáo trong đó bao gồm một số tổ chức thành viên Caritas) và các tổ chức khác với cùng một mục đích.

    Có rất nhiều ví dụ trên thế giới của các nước đang phải đấu tranh với tình trạng khí hậu không thể đoán trước được. Thử nhìn vào Bangladesh: các tảng băng trên dãy Himalaya tan chảy và mực nước biển gia tăng, như thế nghĩa là phần lớn những vùng nhỏ, thấp và đông dân cư bị ngập lụt. Ở một thái cực khác, tình trạng hạn hán ở Sahel buộc người ta phải thích ứng cuộc sống và kỹ thuật canh tác hoặc phải rời bỏ nhà cửa của họ.

    Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô 'nhấn mạnh mạnh trách nhiệm của chúng ta đối với việc chăm sóc công trình sáng tạo. Thông điệp cho thấy lối sống hiện tại của chúng ta sai trái ra sao và chúng ta phải đặt con người vào trung tâm của các quyết định hơn là tài chính.

    Tầm nhìn chiến lược của Caritas 'cho bốn năm tiếp theo là "Một gia đình nhân loại, chăm sóc cho công trình sáng tạo". Trong kế hoạch này, chúng ta chú ý đến lời kêu gọi "hoán cải sinh thái" mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cập trong Laudato Si'.

    Chúng ta không thể chỉ nghĩ rằng cuộc cách mạng ngăn chặn thiệt hại khí hậu chỉ là trong tay của các nhà lãnh đạo thế giới. Chúng ta phải nhận ra trách nhiệm của chúng ta là các cá nhân, các xã hội và là cư dân của trái đất đối với gia đình nhân loại và thế hệ tương lai. "Một sự thay đổi trong lối sống có thể mang lại áp lực thúc đẩy những người nắm quyền lực chính trị, kinh tế và xã hội" Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập trong Laudato Si'.

    Con đường hoán cải sinh thái đích thực là con đường dài, nhưng bây giờ ở Paris, chúng tôi hy vọng rằng ánh sáng đỏ nguy hiểm sẽ đổi thành ánh sáng xanh thân thiện sinh thái. Những gì chúng tôi muốn từ COP21 rất đơn giản: đó là các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận ràng buộc và để giảm khí thải và sau đó đưa vào trong pháp luật quốc gia. Các chi phí thiệt hại phải do những người gây ô nhiễm chủ yếu trong quá khứ và hiện tại gánh chịu hậu quả. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo và các cường quốc công nghiệp thôi tìm kiếm những lợi ích ngắn hạn nhưng hướng nhìn về việc chăm sóc hành tinh của chúng ta và quan tâm lẫn nhau với cam kết thực sự.

    Trong thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra những hướng dẫn rất rõ ràng cho các nhà lãnh đạo về những gì họ phải làm, "Giảm khí nhà kính đòi hỏi sự trung thực, lòng dũng cảm và trách nhiệm, nhất là ở những quốc gia mạnh hơn và gây ô nhiễm nhiều hơn."

    Thay đổi là điều khó khăn, các ngành công nghiệp khí đốt và dầu mỏ dường như không sẵn sàng để thay đổi vào lúc này. Đây là lý do tại sao chúng ta không thực sự biết những gì sẽ đạt được sau COP21. Nếu hội nghị không thành công, lý do chủ yếu là sự thiếu sẵn sàng cam kết tài trợ cho biến đổi khí hậu. Nhưng con lắc vần xoay và đối với Caritas, nó phải hướng về lợi ích của người nghèo.

    Bài viết liên quan