Lộ trình cho trẻ em nhiễm HIV

  • Thứ sáu, 10:10 Ngày 15/04/2016
  • Từ đầu thập niên 80, đã có nhiều tiến bộ liên quan đến việc chẩn đoán và chữa trị virus HIV gây ra bệnh AIDS. Đến năm 2015, UNAIDS thông báo đã đạt mốc 15 triệu người điều trị bằng liệu pháp anti-retroviral (ARVs - hạn chế sự lây truyền của HIV/AIDS). Việc chẩn đoán và chữa trị đúng lúc nghĩa là sẽ có nhiều người trên thế giới sống được cùng với HIV thay vì phải chết. Tuy nhiên, chỉ có 42% trẻ em nhiễm HIV được nhận thuốc ARVs trong năm 2014.

    Hiện nay phụ nữ mang thai được chẩn đoán sớm và nhận được sự chữa trị kịp thời. Kết quả có ít trẻ em bị lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên mỗi khi thấy con mình sinh ra khỏe mạnh, người mẹ lại thôi không điều trị nữa và điều này khiến cho việc lây nhiễm dễ bị trở lại khi họ nuôi con bằng sữa mẹ.

    Caritas hết sức lo ngại cho số phận của những trẻ em này, chúng ta mong các em dành được cơ hội sống khỏe mạnh và lâu dài. Chúng ta đã nỗ lực cùng với UNAIDS, một chương trình cứu trợ điều trị AIDS của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), cũng như với Bệnh viện nhi Bambino Gesu của tòa thánh Vatican để tổ chức hội nghị “Củng cố các tổ chức tôn giáo trong việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV”.

    Bác sĩ nhi khoa Almud Pollmeier, tại Hội sở Thabang gần Johannesburg, dặn dò đơn thuốc điều trị trong ngày cho một trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Caritas/Michelle Hough

    Một trong những chủ đích của hội nghị là chia sẻ thông tin với những tổ chức để xúc tiến cung cấp thuốc thử HIV cho trẻ sơ sinh sớm khỏi bị lây nhiễm từ mẹ bị nhiễm HIV. Nhiều cơ sở cũng đã thực hiện công việc này rồi, nhưng mục tiêu quan trọng chung phải đạt được là không còn ca nào của trẻ em bị lây nhiễm.

    Chỉ khi cùng làm việc với nhau, chúng ta mới có thể chấm dứt những sự lây nhiễm mới. Chúng tôi thật sự tin vào viễn ảnh không còn trẻ em bị lây nhiễm HIV là có thể thực hiện được. Chúng ta đã có thể kéo lùi tỉ lệ lây nhiễm của trẻ ở một số các quốc gia trên thế giới. Nhưng vẫn còn nhiều quốc gia chúng ta cần xúc tiến để giảm thiểu lây nhiễm từ mẹ qua con. Không chỉ làm tốt việc chăm sóc và điều trị, chúng ta còn cần phải xóa được cả sự kỳ thị, và đảm bảo những bà mẹ đang khi điều trị có được sự hỗ trợ từ chồng của mình.

    Đã có nhiều thuốc chữa trị thành công cho trẻ sống chung với HIV, nhưng chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm nhiều loại khác dễ sử dụng hơn cho trẻ. Vấn đề là một số nơi trên thế giới cần phải bảo quản thuốc trong tủ lạnh. Nhưng đối với nhiều gia đình ở các nước nghèo, đủ tiền cho con cái ăn học còn khó nữa là mua hẳn một cái tủ lạnh hao điện để lưu giữ thuốc đặc trị HIV!

    Đã có nhiều tiến bộ ở một số nước trong việc điều trị và chăm sóc trẻ sống chung với HIV. Thí dụ như Swaziland. Người dân từ vùng truyền giáo St Philips sẽ tham dự hội nghị của chúng ta. Họ đã làm thêm nhiều việc khác ở Swaziland, không những chăm sóc những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, mà cả sức khỏe cho cộng đồng.

    Có vài chương trình rất ấn tượng giúp trẻ em bị HIV ở Nam Phi do các nhóm nữ tu hỗ trợ. Các em có thể đi học và xây dựng tương lai. Thay vì tập trung vào những chương trình cho trẻ và những người sắp qua đời, chúng tôi chú ý đến đối tượng sống chung với HIV và giúp họ đóng góp cho tương lai chung. Quan trọng là giúp trẻ em sống khỏe mạnh cùng với HIV. Ở Việt Nam trung tâm Mai Tâm đã bắt đầu là một nơi chuyển tiếp cho các thiếu niên có thể học kỹ năng tự chăm sóc mình khi đến tuổi trưởng thành.

    Vẫn còn nhiều thách thức ở nhiều nước khác. Thí dụ như ở một quốc gia rộng lớn, tiến bộ và cũng rất phức tạp như Nigeria. Đức Hồng Y John Onaiyekan của Abuja, người đấu tranh cho những người nhiễm HIV ở Nigeria, và trong suốt hội nghị, Ngài sẽ nói cho chúng ta biết nhiều hơn về tình trạng ở đó.

    Ngoài những chương trình thực tế về HIV mà Caritas và các tổ chức tôn giáo hoạt động vòng quanh thế giới, chúng ta còn nhắm đến các chính phủ và các hãng dược, kêu gọi họ điều chế nhiều thuốc dễ dùng và rẻ tiền cho trẻ em. Chúng ta đẩy mạnh phong trào HAART cho trẻ em, chiến dịch tập trung đặc biệt điều chế rộng rãi thuốc HIV dành cho trẻ em và thuốc cho người dễ bị lây nhiễm.

    Tòa thánh Vatican đóng vai trò quan trọng trong việc thúc các nguồn lực trí tuệ để cung cấp thuốc cho nhiều người hơn nữa. Đây là vấn đề sống còn để cứu mạng nhiều trẻ em bị nhiễm HIV. Thông qua hội nghị chúng ta đưa ra kế hoạch và lộ trình để cải thiện việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV.

    Mục đích của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 là phải chấm dứt bệnh AIDS như là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Caritas và những tổ chức tôn giáo khắp nơi trên thế giới sẽ dồn hết tâm trí để đạt được mục tiêu này, bảo đảm cho trẻ em nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh trong năm 2015.

    ĐHY Robert Vitillo, chuyên viên tư vấn HIV/AIDS của Caritas quốc tế 

    Bài viết liên quan